Các nền tảng kinh thánh và thần học
của lòng tôn sùng Mẹ Maria
Các nền tảng kinh thánh và thần học của lòng tôn sùng Mẹ Maria.
Roma (Vat. 16-08-2016) - Trong Hiến chế về Giáo Hội Công Ðồng Chung Vaticăng II đã dành trọn chương 8 để trình bầy về vị thế và vai trò của Ðức Maria trong chương trình cứu độ và giữa lòng Giáo Hội. Qua đó Công Ðồng long trọng tái khẳng định sự hợp pháp của lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Lòng sùng kính này được đặt bên trên lòng sùng kính đối với mọi thụ tạo khác, bởi vì Mẹ Maria "nhờ hồng ân Thiên Chúa, được tôn vinh sau Con mình, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô, do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính" (LG 66). Nhưng đồng thời "sự tôn kính ấy khác biệt một cách nòng cốt với việc thờ phượng dâng lên Ngôi Lời Nhập Thể, cũng như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần" (Lg 66). Công Ðồng khẳng định rằng: "Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Ðức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Ngài và đã được Huấn Quyền Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Ðức Trinh Nữ và các Thánh" (LG 67).
Việc đặc biệt tôn kính Ðức Maria đã nảy sinh một cách tự phát từ đức tin và tình yêu con thảo của dân Thiên Chúa, nó đã trở thành "một yếu tố nội tại của phụng tự kitô" (MC 56) và là thành phần toàn vẹn của nó. Như vậy chủ thể và tác giả việc sùng kính đó là dân kitô, hành động dưới sự thúc đẩy nhiệm mầu và hữu hiệu của Chúa Thánh Thần, là lý do cuối cùng của mọi cử chỉ siêu nhiên.
Tuy nhiên, huấn quyền giáo hội và thần học cũng có thẩm quyền riêng trong lãnh vực này. Giáo Hội có nhiệm vụ điều hợp, hướng dẫn và khích lệ lòng đạo đức của các tín hữu. Các nhà thần học có thể biện minh cho lòng đạo đức ấy và xây dựng nó trên nền tảng kinh thánh và khoa học.
Mục tiêu của suy tư kinh thánh - thần học liên quan tới lòng sùng kính Mẹ Maria hệ tại việc giúp tín hữu tiếp nhận nơi con người của Ðức Mẹ sự hiện diện của một tương quan tuyệt vời giữa thực tại trần thế và sức mạnh siêu nhiên; trông thấy hiện thực trong chức hiền mẫu của Mẹ một trong những tiềm năng xinh đẹp nhất của con người, nghĩa là sự sẵn sàng đối với hoạt động của Chúa Thánh Thần; khâm phục và thờ lậy trong việc thụ thai đồng trinh Ngôi Lời nhập thể sự can thiệp ngoại thường và khôn tả của vì Thiên Chúa khi làm con Mẹ đã muốn thiết lập một tương quan hoàn toàn đặc ân với Mẹ. Trong một nghĩa nào đó Mẹ Maria chia sẻ nhiệm vụ của Thiên Chúa Cha trên trời một mình sinh ra trong thời gian Người Con đã được Thiên Chúa Cha một mình sinh ra từ đời đời. Với Ngôi Lời làm người Mẹ ký kết một mối dây bền chặt, lôi cuốn Mẹ vào trong công trình cứu chuộc một cách duy nhất và đặt để với các phạm trù đại đồng các can thiệp của Mẹ vào trong cuộc sống của dân kitô thuộc mọi thời đại.
Ðức Maria đã trở thành dụng cụ ngoan ngoãn của Chúa Thánh Thần qua việc sinh ra thân xác vật lý của Chúa Giêsu, cũng như qua việc sinh ra thân mình mầu nhiệm Người một cách thiêng liêng. Vì thế các tín hữu nhận biết Mẹ và tôn kính Mẹ như là Mẹ thật của Thiên Chúa và Mẹ của loài người.
Các ý niệm này, mà dân kitô hiểu được trên bình diện trực giác hơn là trên bình diên lý trí và dưới ánh sáng đức tin, có thể được soạn thành công thức bởi nền thần học và khoa chú giải kinh thánh trong các đề tài thích hợp biểu lộ nền tảng vững chắc của lòng sùng mộ đặc biệt của Giáo Hội đối với Ðức Maria.
Sau đây chúng ta duyệt xét các lý do lòng tôn sùng Mẹ Maria: trước hết là giáo huấn mạc khải, tiếp đến là các lý do thần học.
Thánh Kinh cung cấp cho chúng ta ít khẳng định đặt để Ðức Maria trong một ánh sáng của sự cao cả và phẩm giá đặc biệt, nhưng chúng rất có ý nghĩa.
Phúc Âm chứng thực rằng thiên thần Gabriel không hạn chế trong việc nói lại với Ðức Maria đề nghị của Thiên Chúa, mà thiên thần là sứ giả, nhưng còn nói với Mẹ các lời khâm phục và chúc tụng ngắn gọn, nhưng đảo lộn nữa: "Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng tôn nương... Maria đừng sợ, bởi vì tôn nương đẹp lòng Thiên Chúa... Thánh Thần sẽ ngự xuống trên tôn nương và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên tôn nương" (Lc 1,28-35). Qua miệng của bà Elidabét chính Chúa Thánh Thần tán tụng con người và cung cách sống của Ðức Maria: "Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ và hoa qủa lòng em cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến thăm tôi như thế này? Này đây vừa khi nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (Lc 1,42-45).
Trong những lời của bà Elidabét Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng trông thấy diễn tả trước lòng sùng kính của Giáo Hội đối với Mẹ Maria (MC 56). Thêm vào đó là tiếng nói của người đàn bà vô danh ngây ngất trước những phép lạ Chúa Giêsu đã làm và các lời giảng dậy của Ngài nên đã kêu lên: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" (Lc 11, 27). Trong câu này việc tán tụng Mẹ Chúa Giêsu chỉ gián tiếp và ngoài các ý muốn của người phụ nữ: nhưng nó lại càng ý nghĩa hơn vì sự kiện nó phát xuất từ việc chúc tụng Người Con, như lý do đích thật lời thốt lên của người đàn bà vô danh. Văn bản quan phòng này của Phúc Âm thánh Luca là một xác nhận trước sự thật, đã luôn luôn được giáo huấn của Giáo Hội chủ trương, đó là lời chúc tụng Mẹ Maria kết thúc trong lời chúc tụng Thiên Chúa, bởi vì các nhiệm vụ và các đặc ân của Ðức Trinh Nữ diễm phúc "luôn luôn có Chúa Kitô là đích điểm, nguồn mạch của mọi chân lý, sự thánh thiện và lòng đạo đức" (LG 67).
Sau cùng, chúng ta có chứng tá ngôn sứ của chính Ðức Mẹ là Người rất ý thức về các hậu qủa lớn lao phát xuất từ sự can thiệp của Thiên Chúa vào cuộc đời khiêm hạ của Mẹ. Vì thế trong Thánh thi Magnificat Ðức Maria đã nói: "Từ nay mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người có phúc" (Lc 1,48). Công Ðồng Chung Vaticăng II cũng đã trích câu này để biện minh cho lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ diễm phúc trong Giáo Hội (LG 67).
Trong các Phúc Âm chúng ta cũng còn tìm thấy hai khẳng định khác nữa củng cố giá trị và sự hợp pháp của lòng tôn sùng Mẹ Maria. Phúc Âm thánh Mátthêu giới thiệu Mẹ Maria như là trinh nữ mẹ của Ðấng Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng tôi, như đã được báo trước trong chương 7 sách ngôn sứ Isaia: "Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi một dấu chỉ: này đây người thiếu nữ sẽ mang thai sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel" (Is 7,15). Người là Ðấng đã đến để cứu thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Kể lại lời thiên thần báo mộng cho ông Giuse thánh sử Máttthêu viết trong chương 1: "Này ông Giuse con cháu vua Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1,20-23). Như là Mẹ của Chúa Cứu Thế, Ðức Maria có quyền được chúc tụng và tôn kính một cách đặc biệt.
Ngoài ra Phúc Âm thánh Gioan còn kể lại sự kiện Ðức Maria đứng dưới chân thập giá, khi Chúa Giêsu phó thác Mẹ cho thánh Gioan. Thánh nhân viết: "Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cleopát, cùng với bà Maria Mađalena. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là mẹ con". Kể từ giờ ấy môn đệ rước bà về nhà mình" (Ga 19,25-27). Truyền thống kitô đã trông thấy trong các lời này của Ðấng Cứu Thế đang hấp hối ý muốn trao phó cho Mẹ, trong con người của môn đệ Gioan, tất cả mọi tín hữu như là con tinh thần của Mẹ. Và như thế vì tôn trọng ý muốn của Chúa mà kitô hữu phải được khích lệ thiết lập một tương quan ngày càng sâu đậm của lòng tôn sùng và tình yêu con thảo đối với Ðức Trinh Nữ.
Tuy không nhiều và cũng không được diễn tả trong các phạm trù hiển nhiên, nhưng các lý do kinh thánh có lợi thế khôn sánh là đặt để chúng ta trước ý muốn và thái độ của chính Thiên Chúa đối với Mẹ Người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)