Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm C
(Chúa Nhật Truyền Giáo)
Quyền Năng Từ Trên Cao
X
Lời Chúa: (Lc
24,44-53)
Khi
hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười
Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông.44 Người
bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh
em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ
và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng
nghiệm". 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông
hiểu Kinh Thánh và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng
Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống
lại, 47 và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn
dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để
được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân của
những điều này.
49
"Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã
hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận
được quyền năng từ trời cao ban xuống".
50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
X
Suy Niệm
Nếu
Ðức Giêsu phục sinh không sai gửi Thánh Thần
thì chúng ta sẽ chẳng có một Hội Thánh truyền giáo.
Các tông đồ được lệnh phải chờ ở Giêrusalem.
Chờ mặc lấy quyền năng từ trời cao ban xuống.
Chờ Ðức Giêsu sai gửi Ðấng Cha đã hứa ban.
Chờ lãnh nhận phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5).
Không có sức mạnh của Ngôi Ba Thiên Chúa,
các tông đồ chẳng dám đi rao giảng cho muôn dân,
và trở nên chứng nhân của Ðức Giêsu cho cả thế giới.
Không có Thánh Thần thì không có hoạt động truyền giáo.
Ðiều này vẫn đúng cho thời đại chúng ta.
Thánh Thần vẫn thôi thúc bao tâm hồn đi gieo Tin Mừng,
vẫn hiện diện và hướng dẫn Hội Thánh trong việc rao giảng,
vẫn khơi dậy bao sáng kiến mới mẻ trong việc truyền giáo.
Kitô
hữu tự bản chất là chứng nhân.
Các tông đồ đã làm chứng vì họ đã thấy tận mắt.
Chúng ta chỉ có thể làm chứng nếu thấy bằng đức tin.
Thấy bằng đức tin mạnh chẳng kém gì thấy bằng mắt.
Kitô hữu là người thấy được Ðấng Vô Hình,
có tương quan thân thiết với Ðấng họ mến tin.
Truyền giáo không phải là tuyên truyền một lý thuyết,
mà là đưa người khác đến gặp một Ngôi Vị,
là chia sẻ cho họ niềm xác tín và yêu mến của mình.
Chúng
ta cần tự hỏi tại sao sau gần 4 thế kỷ
Kitô giáo ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh.
Phải chăng vì đức tin chúng ta đã nhạt nhòa,
vì đời sống chúng ta chẳng có gì đáng nói?
Hay phải chăng chúng ta đã lơ là với việc rao giảng,
hoặc không biết cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp?
Có thể tất cả những lý do trên đều đúng.
Truyền
giáo hôm nay đòi ta cộng tác với mọi người thiện chí,
để xây dựng một thế giới công bằng, nhân ái hơn,
đòi ta yêu thương và phục vụ những người nghèo nhất.
Truyền giáo là đưa Tin Mừng vào nền văn hoá Việt Nam,
và đưa những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam
vào việc sống và làm chứng cho Tin Mừng.
Chúng ta tin một Thánh Thần duy nhất
đã hoạt động nơi các dân tộc trước khi Ngôi Lời nhập
thể,
vẫn luôn hoạt động trong đời Ðức Giêsu và trong Hội Thánh,
và còn đang hoạt động nơi các tôn giáo, các nền văn hoá
của mọi dân tộc trong thế giới hôm nay.
Phải làm sao để trình bày Tin Mừng cách dễ hiểu,
gần gũi với tâm thức của đồng bào.
Phải làm sao để bày tỏ một khuôn mặt Ðức Giêsu
nhân từ, dễ mến, đem lại hạnh phúc cho con người.
Hội
Thánh Việt Nam cần biết bao những người công giáo
biết làm văn, làm nhạc, làm thơ, biết viết kịch, viết báo...
Tinh thần Chúa Kitô phải từ từ thấm vào mọi lãnh vực.
Có thể Kitô hữu mãi mãi vẫn là một thiểu số,
nhưng phải là một thiểu số đóng góp nhiều cho dân tộc.
X
Gợi Ý Chia Sẻ
Có
người bảo đạo Công Giáo là đạo ngoại lai. Bạn nghĩ sao?
Có tôn giáo nào ở Việt Nam không đến từ nước ngoài?
Làm sao để đạo Công Giáo gần gũi với lối sống, lối nghĩ
của người Việt Nam hơn?
Ðức Thánh Cha nói: không truyền giáo là dấu hiệu của khủng hoảng đức tin. Bạn nghĩ sao?
X
Cầu Nguyện
Lạy
Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha.
Xin
Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Ðức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin
Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới.
Chúng
con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo
Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng
con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin
Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.