Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Dung Năm C
Các Ông Nhìn Thấy
Vinh Quang Của Ðức Giêsu
X
Lời Chúa: (Lc
9,28b-36)
28b
Ðức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô,
Gioan và Giacôbê. 29 Ðang lúc Người cầu nguyện, dung
mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng
tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo
với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. 31 Hai
vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành
Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. 32 Còn ông Phêrô
và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn
thấy vinh quang của Ðức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người.
33 Ðang lúc hai vị này rời xa Ðức Giêsu, ông Phêrô
thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay
quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái
cho ông Môsê, và một cái cho ông Êlia". Ông không biết
mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có
một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây,
các ông hoảng sợ.
35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!" 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Ðức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
X
Suy Niệm
Ðức
Giêsu đã sống như một người bình thường.
Khi chấp nhận thân phận phàm nhân,
Ngài đã để cho vinh quang của thiên tính bị che khuất.
Ðức Giêsu là Thiên Chúa ẩn mình
để con người không bị choáng ngợp khi đến gặp Ngài.
Nhưng cũng có lúc vinh quang ấy được hé lộ.
Sau khi loan báo cuộc khổ nạn gần kề,
Ðức Giêsu dẫn ba môn đệ yêu dấu lên ngọn núi cao;
ở đó họ được Cha mạc khải căn tính của Thầy Giêsu,
họ được thấy vinh quang rực rỡ của Người Con yêu dấu,
vinh quang mà Ngài vốn có từ vĩnh cửu bên Cha.
Cũng chính ba môn đệ này sẽ được lên Núi Cây Dầu,
để nhìn thấy Thầy Giêsu trong tình trạng cùng quẫn:
Ngài là một người như mọi người.
Ðức
Giêsu mãi mãi là Con yêu dấu của Cha,
kể cả trong những giờ phút đen tối nhất của đời Ngài.
Làm sao ta có thể thấy vinh quang của Ðức Giêsu
không phải chỉ ở trên núi Ta-bo,
mà cả khi Ngài đã xuống núi, trở lại đời thường?
Làm sao ta có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Con,
khi khuôn mặt ấy đẫm mồ hôi trong Vườn Cây Dầu,
và đầy vết máu khi bị treo trên thập tự?
Chúng ta cần tập luyện mới thấy được
những cuộc tỏ mình đơn sơ của Chúa Giêsu
dưới trăm ngàn dáng vẻ bất ngờ,
qua những biến cố bình thường và đau buồn mỗi ngày.
Ðời
sống Kitô hữu là một cuộc biến hình
từ từ và liên tục.
Chúng ta bắt đầu được biến hình từ khi chịu phép Rửa.
Mỗi ngày, ta lại thấy Chúa chinh phục và biến đổi mình.
"Chúng ta phản ánh vinh quang của Chúa,
chúng ta được biến hình đổi dạng thành hình ảnh ấy,
càng lúc càng ngời sáng hơn" (2Cr 3,18).
Biến hình không phải là trở nên khác mình.
Biến hình là sống và làm tỏa sáng
căn tính sâu thẳm của người Kitô hữu:
chúng ta là con cái Thiên Chúa, là anh em của nhau.
Ðời
sống Kitô hữu là một cuộc lên núi và xuống núi
với Chúa Giêsu, mỗi ngày.
Cần cảm nếm sự dịu ngọt khi được chiêm ngưỡng Chúa,
nhưng cũng phải xuống núi với Chúa,
để đi đến nơi hiến mình, đến với đời thường gai góc.
Người Kitô hữu lên núi để rồi được sai xuống núi hành
đạo,
nhưng xuống núi rồi
lại thấy cần có những lần lên núi.
X
Gợi Ý Chia Sẻ
Ðời
sống Kitô hữu phải là một đời sống tỏa sáng và hấp dẫn.
Bạn có quen ai đã sống đời Kitô hữu một cách tròn đầy
như vậy không?
Mùa hè là mùa nghỉ ngơi, giải trí. Theo ý bạn, người Kitô hữu nên nghỉ hè như thế nào cho xứng hợp với ơn gọi của mình?
X
Cầu Nguyện
Lạy
Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi
lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe Lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin
làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
Thế
giới hôm nay không cần những Kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.