Mạch Nước Trường Sinh
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 89 -
Quyền Ðược Sống Hạnh Phúc
Năm 1942, một người Pháp có tên là Jack Leuperton làm tài xế cho một đoàn bongo tại Ai Cập. Xe bị phục kích, một trái lựu đạn nổ tung. Hai cánh tay của anh bị cắt cụt và mắt anh bị mù, nhưng trong cơn hôn mê anh vẫn chưa biết được sự thật. Trong một chứng từ được ghi lại trên tập san Người là Ðấng hằng sống, xuất bản tại Pháp, anh đã chia sẻ như sau:
Một đêm nọ, khi thức giấc, tôi bỗng nhận ra sự thật. Cơn chấn động quá mạnh đối với tôi. Tôi bị đặt trước hai điều để chọn lựa: hoặc là đón nhận sự thật trong an bình hoặc là ném mình qua cửa sổ. Lúc đó, tự nhiên tôi nổi loạn với Chúa và Ngài đáp lại tiếng tôi bằng một thách đố. Tôi phải tập sống với cảnh mù lòa và cụt tay. "Hãy đứng dậy và đi", đó là giải đáp của Chúa Kitô trước sự đau khổ của con người. Tôi đón nhận thách đố và vượt qua thử thách đến độ tôi phải tự nghĩ bởi đâu tôi có được sức mạnh như thế. Và tôi nghe Chúa Giêsu trả lời: "Ta sẽ gửi đến cho con sức mạnh của Chúa Thánh Thần". Như thế đó, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, tôi đã đón nhận chương trình của Chúa. Tôi sẽ sống trong cảnh mù lòa và cụt tay. Lúc đó, tôi khóc lên vì sung sướng. Tôi đã thắng được trận chiến quan trọng nhất trong đời tôi. Các bạn đồng ngũ hỏi tôi: "Làm thế nào anh có được sức mạnh để sống và an ủi người bệnh khác đang đau khổ trong nhà thương?"
Tôi đã trở về Pháp với một khát vọng rất lớn là được sống. Một cô gái đã nói với tôi: "Không phải vì không còn mắt và tay mà anh đã mất quyền được sống hạnh phúc".
Chúng tôi đã lấy nhau và có được năm đứa con.
* * *
Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể vượt qua gia phả của chúng ta, nhìn qua bên kia các thương tích của chúng ta để khám phá ra rằng chúng ta là con cái dấu ái của Chúa Cha. Lúc đó, cuộc sống của chúng ta mang một ý nghĩa mới. Bên kia những vết thương của cuộc đời, Thiên Chúa vẫn có mặt ở đó và tình yêu của Ngài không hề bỏ rơi chúng ta cho dẫu chúng ta có quên lãng Ngài. Ðể được chữa lành, chúng ta cần phải từ bỏ ý nghĩ muốn hiểu biết tất cả mọi sự và đón nhận ơn chữa lành như một đứa con. Thương tật và đớn đau trong cuộc đời không phải là tiếng nói cuối cùng trong cuộc sống.
Trong sứ điệp hòa bình năm 2002, khi điểm qua cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết rằng:
"Mầu nhiệm sự dữ và tội ác không phải là tiếng nói cuối cùng của lịch sử nhân loại".
Ngài khẳng định rằng ngài đã múc lấy niềm xác tín ấy từ mặc khải. Qua từng trang Kinh Thánh chúng ta thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa tình yêu vẫn luôn đồng hành với con người và hướng dẫn lịch sử đến đích điểm của nó. Tình yêu ấy có sức lay động những lương tâm chai lì. Tình yêu ấy có sức nâng dậy những tâm hồn yếu nhược và sầu khổ. Giữa những thương tích của cuộc đời, giữa những vất vả sầu đau vì mất mát, chúng ta hãy tiếp tục phó thác cho tình yêu quan phòng của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa vẫn có đó trong mọi tình huống của cuộc sống chúng con, và chính sự hiện diện đầy ắp yêu thương của Chúa mang lại ý nghĩa từng khoảnh khắc của cuộc sống chúng con. Xin cho chúng con luôn cảm nhận được sự hiện diện ấy với tất cả tâm tình tri ân, cảm mến và tín thác của chúng con.