Mạch Nước Trường Sinh

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 71 -

Giá Trị Của Hòa Bình

 

Alfred Nobel đã sửng sốt khi đọc một bản tin về chính cái chết của ông. Dĩ nhiên, đây chỉ là một sự nhầm lẫn. Nhưng điều làm cho ông bị tổn thương và đồng thời cũng khiến ông suy nghĩ nhiều nhất chính là tên tuổi của ông gắn liền với chất nổ. Ông là một con người làm giàu trên sự chết chóc. Từ một cơn mê, Alfred Nobel đã quyết tâm thay đổi hướng đi của cuộc đời. Ông không muốn cho hậu thế gọi ông là vua của chất nổ nữa.

Hôm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc và viết chúc thư. Trong chúc thư, không để lại toàn bộ tài sản của ông để làm thành những giải thưởng khuyến khích sự tiến bộ của nhân loại. Trong những giải thưởng ấy, quan trọng và ý nghĩa nhất là giải Nobel Hòa Bình. Ngày nay, Nobel không còn đồng hóa với chất nổ nữa mà chỉ còn có nghĩa là Hòa Bình.

Chất nổ đã biến thành Hòa Bình. Câu chuyện này là hiện thực của một giấc mơ được tiên tri Isaia nói lên từ mấy ngàn năm trước. Vị tiên tri này đã loan báo như sau:

"Các dân tộc sẽ đúc gươm đao thành cuốc, thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ sẽ thôi học nghề chinh chiến". (Isaia 2:4)

Trong một đoạn khác, vị tiên tri này cũng bày tỏ ước mơ của mình như sau:

"Bấy giờ, sói sẽ ở với chiên, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được ngồi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng, bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò, bé thơ còn đang bú sữa chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang". (Isaia 11:6-8)

Hồi đầu thập niên 1960, tại Hoa Kỳ, cố mục sư Martin Luther King cũng bày tỏ một ước mơ như sau:

"Tôi mơ một ngày nào đó con cái của những người nô lệ da đen sẽ được ngồi đồng bàn với con cái của những chủ nhân da trắng".

Ngày nay, giấc mơ của vị mục sư này đã thành hiện thực. Nhưng để cho giấc mơ ấy thành sự thật, ông đã trả giá bằng chính mạng sống của ông. Thật thế, năm 1968 ông đã bị mưu sát. Nhưng với cái chết ấy, sự bình đẳng của người da đen trong xã hội Mỹ ngày nay đã được nhìn nhận.

"Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh", người La Mã thời xa xưa đã nói như thế. Nhưng chiến tranh ở đây không phải là chiến tranh với gươm giáo mà là chiến tranh với chính bản thân đầy dẫy những gươm giáo của ích kỷ, hận thù, đố kỵ. Tất cả những ai dám xả thân hy sinh để mang lại hòa bình, điều trước tiên là những con người dám đứng lên chống lại bản thân tội lỗi yếu hèn của mình.

Dường như phụng vụ của Giáo Hội muốn nhắc nhở cho chúng ta điều đó trong những ngày của Mùa Giáng Sinh. Nơi máng cỏ, chúng ta chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu. Chúng ta thấy được một Thiên Chúa bằng xương bằng thịt. Ngài sẽ sống và sẽ chết như mọi người chúng ta trong Mầu nhiệm nhập thể. Hình ảnh của Hài Nhi nằm ngủ yên trong máng cỏ đương nhiên gợi lên cho chúng ta niềm vui và vẻ đẹp, sự thanh thản và bình an, nhưng đằng sau vẻ đẹp và sự bình an ấy là cả một bầu trời u ám. Liền sau ngày sinh của Con Chúa giáng thế làm người là bốn ngày lễ tưởng niệm những biến cố vô cùng đau thương. Trước hết là cuộc thương khó của Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Lời cuối cùng của vị tử đạo này là:

"Lạy Chúa Giêsu, xin đừng chấp tội họ". (Cv 7:59)

Sau thánh Stêphanô, Giáo Hội lại tưởng niệm Thánh Gioan, vị tông đồ tuy không chết bằng một cái chết đẫm máu như các tông đồ khác nhưng suốt một đời được nung nấu chỉ bởi một tâm huyết:

"Sống yêu thương và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa". (1Ga 4:19-20)

Ngày hôm sau, chúng ta lại tưởng nhớ các thánh Anh hài, tức các thơ nhi đã bỏ mình vì Chúa Giêsu dưới bàn tay thô bạo của Hêrôđê. (x. Mt 2:16)

Sang ngày 29 tháng 12, Giáo Hội lại kính nhớ thánh Thomas Béckét, Giám mục, vào thế kỷ thứ 12. Buổi sáng ngày lễ Giáng Sinh năm 1170, vị Giám mục này đã giảng cho các tín hữu như sau:

"Tôi chỉ mong ước rằng anh chị em suy nghĩ trong tâm hồn và ý nghĩa sâu xa của Mầu nhiệm, mà chúng ta cử hành trong những thánh lễ Giáng Sinh, bởi vì nơi nào chúng ta cử hành thánh lễ, nơi đó chúng ta tái diễn cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Và trong ngày lễ Giáng Sinh này, chúng ta đang cử hành điều đó".

Chỉ bốn ngày sau lễ Giáng Sinh ngài đã bị giết ngay trong nhà thờ chính tòa. Máng cỏ gắn liền với thập giá. Bình an đi liền với gươm giáo. Chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu:

"Ta đến không phải để mang lại bình an, nhưng để đem lại gươm giáo". (Mt 10:34)

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang chiêm ngắm Chúa như một trẻ thơ trơ trụi nghèo hèn trong một máng cỏ của súc vật. Chúng con đã nhận ra bốn thánh giá trên máng cỏ. Chúng con đã hiểu được rằng chiến đấu hy sinh là giá có được sự bình an mà Chúa đã ban cho chúng con. Xin Chúa đón nhận những hy sinh của chúng con như quà tặng dành cho Chúa trong những ngày này và ban lại cho chúng con sự bình an mà các sứ thần của Chúa đã loan báo trong đêm Chúa chào đời.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page