Mạch Nước Trường Sinh

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 55 -

Lòng Sám Hối Và Sự Khiêm Tốn

 

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã lên tiếng xin lỗi về những bất công mà Giáo Hội công giáo tại các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương đã gây ra cho những thổ dân trong vùng. Trích lời các nghị phụ tại Thượng hội đồng giám mục thế giới về Ðại Dương châu vào năm 1998, Ðức Thánh Cha viết rằng:

"Các giám mục trong khu vực đã thẳng thắn xin lỗi về những bất công đáng xấu hổ đã gây ra cho thổ dân ở Úc, Tân Tây Lan và các đảo quốc ở nam Thái Bình Dương".

Bản tường trình của các đức giám mục thú nhận rằng:

"Với sự ủng hộ của Giáo Hội, chính phủ đã tiến hành bắt cóc ít nhất là ba mươi ngàn trẻ em thổ dân, cách ly chúng khỏi gia đình để giáo dục và đồng hóa chúng vào nền văn hóa của người da trắng".

Hôm 30 tháng 11 năm 2001, thủ lãnh đảng Lao động, tức đảng đối lập đã yêu cầu chính phủ Úc hãy đưa ra một lời xin lỗi chính thức đến người thổ dân. Ông Simon Brian nói rằng:

"Sẽ không bao giờ có hòa giải nếu chính phủ không xin lỗi để làm bước khởi đầu cho các cuộc thảo luận".

Tuy nhiên, thủ tướng Howard đã từ chối việc xin lỗi với lý do là thế hệ người Úc hôm nay không thể lên tiếng xin lỗi cho những hành động mà họ không hề thực hiện.

Lời xin lỗi của Ðức Thánh Cha với các thổ dân là lời xin lỗi mới nhất trong hàng loạt lời xin lỗi mà ngài đã thay mặt Giáo Hội Công Giáo để đưa ra trong mấy năm vừa qua. Hồi tháng 10năm 2001, ngài đã xin lỗi nhân dân Trung Hoa về những sai lầm mà các nhà truyền giáo đã làm trong thời gian Trung quốc bị đô hộ. Trong chuyến viếng thăm đến Hy Lạp vào đầu năm 2001, ngài cũng đã kêu gọi khối Chính Thống Giáo tha thứ cho những bất công mà các tín hữu Công Giáo đã gây ra trong suốt lịch sử.

* * *

Một trong những cao điểm của năm thánh 2000 là sự kiện Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhân danh Giáo Hội để xin lỗi về tất cả những lỗi lầm và bất công của con cái Giáo Hội qua dòng lịch sử. Nếu tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương, thì xin lỗi cũng là một cử chỉ yêu thương đòi hỏi nhiều can đảm và hy sinh không kém. Nói lên hai tiếng xin lỗi với người nào đó không chỉ là nhìn nhận những bất công hay tổn thất mình đã gây ra, mà còn bày tỏ thiện chí muốn duy trì hay cải thiện quan hệ với người đó. Cùng với hai tiếng cám ơn, xin lỗi là một công thức lịch sự đầu môi chót lưỡi mà bất cứ một trẻ em nào tại những nước văn minh cũng đã được dạy cho khi vừa bập bẹ biết nói. Ðây là bài học vỡ lòng về làm người.

Sống là sống với, mà đã sống với thì không thể không có những thiếu sót và đụng chạm. Trên bình diện đức tin, chúng ta lại được mạc khải về thực tại của tội lỗi. Những hành động bất công của chúng ta không chỉ phá vỡ mối tương quan với người khác mà còn xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Do đó, xin lỗi đối với người tín hữu kitô không chỉ đơn thuần là một công thức lịch sự mà còn là một hành động đức tin.

Nói lên hai tiếng "xin lỗi" và "lỗi tại tôi", là ngầm nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Giáo Hội xem đây là một cử chỉ quan trọng trong đời sống đức tin, cho nên ở đầu mỗi thánh lễ chúng ta được mời gọi để thú nhận tội lỗi của mình. Ðể lãnh nhận ơn cứu độ, thái độ cơ bản nhất phải là lòng sám hối và khiêm tốn.

Lạy Chúa, một năm phụng vụ sắp qua đi. Vì những yếu đuối và ươn hèn, chúng con đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội để đón nhận ơn Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page