Mạch Nước Trường Sinh

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 24 -

Tình Yêu Vĩnh Cửu

 

Nếu Chúa Giêsu là một người Ả Rập, thì thay vì hình ảnh của hạt lúa được gieo vào lòng đất, có lẽ Ngài sẽ kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một dòng suối mát rơi từ một ngọn núi, chảy qua một đồng bằng cho đến khi chạm đến một sa mạc. Tại đây, nó chợt nhận ra nước của mình bắt đầu bốc hơi và khô dần. Dù vậy, dòng suối vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe có tiếng thì thầm:

- Nếu ngươi muốn, ngươi có thể băng qua sa mạc được, bởi vì gió vẫn làm được điều đó.

Dòng suối giận dữ:

- Nhưng ta có phải là gió đâu.

Nó thấy gợi ý của tiếng thì thầm là điều ngu xuẩn, nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn:

- Gió sẽ mang ngươi đi. Dĩ nhiên với điều kiện là ngươi phải tan biến đi trong gió.

Dòng suối suy nghĩ miên man về ý nghĩa này: nó vẫn chưa hiểu được tại sao nó phải tan biến đi, phải chăng nó phải đánh mất chính mình? Ðiều gì bảo đảm được rằng khi băng qua hết sa mạc, nó sẽ tìm lại được bản thân một cách nguyên vẹn? Ðọc được ý nghĩ của nó, gió mới lên tiếng:

- Ngươi chỉ cần tin tưởng nơi ta, không còn cách nào khác nữa đâu.

Dòng suối vẫn tiếp tục giữ giọng kiêu hãnh:

- Ðồng ý, nhưng ta không thể chấp nhận tan biến được.

Tiếng nói thì thầm giải thích:

- Ngươi không thể băng qua sa mạc mà vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng được. Làm thế ngươi sẽ chẳng khác nào một con rắn xấu xí, nhưng nếu ngươi để cho gió mang ngươi đi xuyên qua sa mạc, thì bên kia sa mạc, ngươi sẽ hiện nguyên hình là một dòng suối xinh đẹp. Dòng suối thắc mắc:

- Vẫn một dòng suối như cũ ư?

Giọng nói giải thích:

- Dĩ nhiên, ngươi sẽ tìm gặp lại bản thân, tóm lại nếu ngươi cứ chần chừ đứng ở đây, ngươi cũng sẽ đánh mất chính mình ngươi mà thôi.

Thế là dòng suối chấp nhận biến thành hơi nước và để cho gió mang đi. Nó cùng với gió băng qua sa mạc. Và khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia sa mạc, gió để cho nó rơi từ từ như mưa. Không mấy chốc, dòng suối gặp lại chính nó, đẹp hơn, trong suốt hơn.

* * *

Hạt lúa có được gieo vào lòng đất để thối đi mới có thể sinh hoa kết trái. Dòng suối có chấp nhận tan biến trong gió mới có thể gặp lại bản thân. Ðây là định luật của cuộc sống mà trong suốt tháng 11 cầu nguyện cho các đẳng linh hồn này, chúng ta được mời gọi đào sâu.

Qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu đã mặc cho sự chết một ý nghĩa mới. Cái chết không còn là một tận cùng vĩnh viễn mà là ngõ dẫn vào sự sống. Do đó, làm quen với sự chết là một trong những thái độ cơ bản của người có niềm tin. Giáo Hội đã chẳng nhắc nhở cho chúng ta điều đó khi kêu mời chúng ta loan truyền cái chết của Chúa Giêsu trong thánh lễ mỗi ngày đó ư? Nỗi lo sợ trước sự chết thường đưa chúng ta vào sự chết. Trái lại, làm quen với sự chết, chúng ta có thể đối đầu với thân phận hay chết của chúng ta và chọn lựa sự sống một cách tự do. Nhưng làm thế nào để làm quen với sự chết? Thưa, là sống yêu thương.

Tình yêu không biết đến sự chết. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Bởi vì tình yêu là vĩnh cửu. Tình yêu không chấp nhận những giới hạn của thời gian. Tình yêu không chấp nhận bị giam hãm bởi thời gian. Do đó, sống yêu thương là đi vào vĩnh cửu, và sống yêu thương là chấp nhận hy sinh, mất mát, có khi mất cả sự sống. Nhưng phần thưởng dành cho tình yêu chân chính là sự vĩnh cửu.

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa lời cầu nguyện và nhất là những cố gắng sống yêu thương của chúng con để cầu cho các đẳng linh hồn. Xin Chúa đoái thương cho họ được chóng về hưởng nhan Chúa, và cho chúng con mỗi ngày được thêm thanh luyện trong tình yêu của Chúa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page