Mạch Nước Trường Sinh
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 17 -
Sám Hối Và Tha Thứ
Vào tháng 10 năm 2001, trong chuyến viếng thăm Trung quốc, thủ tướng Nhật Bản, ông Koisumi, đã làm một cử chỉ bất ngờ và đầy ý nghĩa. Ông đã đến đặt vòng hoa tại Liêu Câu Kiều, nằm ở ngoại ô Bắc Kinh, để tưởng niệm những nạn nhân Trung Hoa trong cuộc chiến tranh giữa hai nước từ hơn sáu mươi năm trước. Tại đây, khi có cuộc xung đột giữa hai dân tộc, người dân Trung Hoa uất ức đến độ đã tổ chức ám sát quân Nhật. Năm 1937, chính phủ thiên hoàng đã chộp lấy cơ hội để ra lệnh cho đội quân Quan Ðông tiến chiếm Mãn Châu và tấn công Trung quốc.
Tháng 9/2001, thủ tướng Koisumi đã làm cho chính phủ Bắc Kinh, Hán Thành, cũng như nhiều nước khác ở Ðông Nam Á tức giận khi ông tới viếng đền thờ tưởng nhớ các anh hùng tổ quốc Nhật Bản.
Trong đền thờ này có cả những chiến sĩ thời đệ nhị thế chiến, đây là những kẻ mà người Trung Hoa, Hàn quốc cũng như nhiều dân tộc khác ở Á châu xem như những tội phạm chiến tranh. Dĩ nhiên, việc thủ tướng Koisumi đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Liêu Câu Kiều là một cử chỉ hòa giải đầy thiện chí, nhằm lấy lòng dân Trung quốc, nhưng cử chỉ ấy không chỉ có tính cách ngoại giao. Thủ tướng Nhật Bản đã lên tiếng chính thức tự đáy lòng để xin được tha lỗi về những hành động tàn bạo của quân đội thiên hoàng tại Trung quốc trong thời đệ nhị thế chiến.
Cũng trong tháng 10/2001, thủ tướng Nhật Bản sang thăm Hàn quốc. Tại đây, chắc chắn ông cũng lập lại một lời xin lỗi tương tự.
Thủ tướng Koisumi đã làm một hành động can đảm. Trước khi được chọn làm lãnh tụ đảng dân chủ tự do, ông đã hứa sẽ đi lễ tại đền thờ tưởng nhớ các anh hùng tổ quốc Nhật Bản để làm vừa lòng cánh bảo thủ trong đảng. Có thế họ mới thỏa hiệp để chọn ông làm thủ tướng, mặc dù ông thuộc cánh ôn hòa và cải cách, vốn chỉ là thiểu số trong đảng. Bây giờ, ông dám đứng ra nhân danh nước Nhật để xin lỗi những nước láng giềng về những chuyện xảy ra năm mươi năm trước, đây là cử chỉ mà Trung quốc, Hàn quốc và nhiều nước khác tại Á châu vẫn chờ đợi nơi Nhật Bản từ bao nhiêu năm qua.
* * *
Thủ tướng Nhật Bản, và cùng với ông, nhân dân Nhật Bản, đã làm được một cử chỉ anh hùng. Người ta không chỉ là anh hùng khi chiến đấu và hy sinh cho tổ quốc. Người ta còn có thể là anh hùng khi biết hạ mình nhận ra lầm lỗi của mình. Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã phạm nhiều sai lầm. Nhưng vụ sát hại thường dân vô tội tại Mỹ Lai, Sơn Mỹ, Thạnh Phong sẽ không bao giờ bị xóa khỏi ký ức tập thể của người Mỹ. Nhưng trong ký ức ấy, người Mỹ cũng luôn nhớ rằng tất cả những kẻ gây ra tội ác đều đã được đem ra xét xử. Trung úy William Cathey chẳng hạn, người chịu trách nhiệm trong vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, đã bị tòa án quân sự Hoa Kỳ kết tội.
Ngày nay, nhiều cựu quân nhân Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam đã có thể trở lại thăm nơi họ đã từng chiến đấu. Người ta nói nhiều đến sự hòa giải và hòa giải chỉ có thể có khi nào sự sám hối và lòng tha thứ đi đôi với nhau mà thôi. Những kẻ đã từng gây ra chiến tranh và tội ác mà không hề biết sám hối, thì chắc chắn sẽ không bao giờ hưởng được sự bình an, và như vậy, dù cho súng đạn có im tiếng, chiến tranh trong tâm hồn họ vẫn tiếp diễn.
Lòng hận thù vẫn còn đó, sự xúc phạm và đày đọa đối với người khác vẫn còn đó. Sự thiếu tôn trọng con người trong những quyền cơ bản nhất của con người là thể hiện của chiến tranh đang diễn ra ngay trong tâm hồn của những kẻ đang cầm quyền. Người ta có thể thấy rõ điều đó trong chế độ Taliban tại Afghanistan cũng như trong bất cứ chế độ độc tài nào. Khi con người không nhìn nhận tội ác của mình, họ tiếp tục cưu mạng mầm mống của chiến tranh.
Lạy Chúa, nơi sâu thẳm của mỗi người chúng con vẫn còn chất chứa hận thù. Xin cất khỏi những gì đang đè nặng trên lương tâm chúng con và biến chúng con thành khí cụ bình an của Chúa.