Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.. Ðúng như thế.. Hôm nay tôi tưởng mình đang trên đường đi Giêrusalem. Thế mà tôi đã ở lại đây ba ngày.
Tôi nói với cha linh hướng tôi như thế, khi tôi trở lại vào buổi chiều kể cho ngài nghe những gì đã xảy ra cho tôi và xin ngài cho ý kiến.
Tôi đã từ giã hết mọi người và sắp rời Irkoutsk thì tôi thấy nơi cửa căn nhà cuối cùng, một người đã đi hành hương như tôi và tôi chưa gặp lại đã ba năm nay. Trong khi nói chuyện tôi cho ông hay mình sẽ đi Giêrusalem.
Ông ta kêu lên:
- Tạ ơn Chúa, tôi có một bạn đồng hành với anh đó là bố ông chủ tôi.
Tôi trả lời:
- Xin Thiên Chúa chúc phúc cho cả hai người, nhưng bác không thấy tôi vẫn thích đi một mình sao.
- Bạn nghe tôi nói đã. Người bạn đó hình như chỉ dành cho bạn thôi. Hai người sẽ thông cảm nhau không ai bằng. Ông ta đã khấn hứa đi Giêrusalem: người đó là một ông già đàng hoàng chỉ tội điếc đặc. Bạn cứ nói thả cửa ông ta cũng không nghe gì. Muốn nói với ông phải viết giấy. Không bao giờ ông ta ngắt lời bạn khi bạn đang nói, tuy nhiên bạn rất hữu ích cho ông ta. Con ông cho ông một con ngựa và một cỗ xe để đi Odessa. Ông già đề nghị đi bộ nhưng người ta chất đầy xe những đồ đạc và ít đồ dâng cúng cho thánh địa. Bạn thấy một người bằng ấy tuổi lại điếc lác khó có thể đi đường xa với xe và hành lý.
Người ta kiếm cho ông một người cùng đi nhưng vô ích. Trước hết có người muốn trả nhiều tiền. Và rồi cũng không thể tin cậy nơi người mới gặp, vì ông già có tiền của. Do đó xin ông bạn quyết định ngay cho, nhân danh Chúa và vì tình bác ái. Tôi sẽ giới thiệu bạn với ông chủ. Ông là người tốt lành và cả nhà kính trọng tôi. Tôi làm công cho ông ta được một năm nay rồi.
Sau khi nói chuyện ngoài phố ông dẫn tôi về nhà và giới thiệu cho cả nhà. Thấy đây là một gia đình đáng quí nên tôi nhận lời đi với ông già. Chúng tôi định đi vào ngày thứ ba sau lễ giáng sinh sau khi đã đi lễ. Và tôi giao phó cho Chúa quan phòng. Vì như lời thánh Phaolô: Chính Chúa cho bạn muốn và làm theo ý định của Ngài.
Sau khi kể chuyện cha linh hướng bảo tôi:
- Cha vui mừng thấy con trở lại sớm như thế. Và vì con còn nhiều ngày rảnh rỗi cha muốn nghe con kể nhiều hơn về cuộc hành hương của con.
Tôi trả lời:
- Con rất sẵn lòng nhưng cha biết con quên nhiều chuyện. Vả lại con thử quên để chuyên chú vào việc cầu nguyện thôi, theo lời khuyên của thánh Phaolô: Quên con đường đã qua, tôi tiến lên... và chạy đến mục đích. Cha linh hướng trước của con cũng nói rằng khi đã chăm chú cầu nguyện trong tâm hồn thì phải coi thường cả những tư tưởng đạo đức cao thượng mà cả những tư tưởng tầm thường và vô ích. Vì cha nói: "trong cả hai trường hợp, linh hồn bị phân tâm và xao lãng việc tâm sự với Chúa."
Nhưng thưa cha, con cũng không quên hết đâu. Khó quên lắm.
Con còn nhớ rõ một lần con ở trong một nhà giàu có.
Một hôm con đi qua thành phố nhỏ gần Tobolsk. Con vào một nhà kia để xin bánh vì con chỉ còn ít bánh thôi.
Chủ nhà nói:
- Bác đến đúng lúc quá. Vợ tôi vừa rút bánh ra khỏi lò. Ðây cầm lấy một cái đi. Bác sẽ cầu nguyện cho chúng tôi nhá.
Con cám ơn ông ta và vừa bỏ bánh vào bị, bà chủ nhà nói:
- Cái xắc của bác cũ kỹ và rách tơi rồi. Ðể tôi cho bác cái khác.
Sau đó con đến một cửa tiệm để xin một chút muối. Ông chủ cho con một gói đầy. Con có đủ lương thực trong một tuần lễ.
Cách đó năm cây số, con đi qua một làng khác và dừng lại đôi phút để cầu nguyện trước một nhà thờ nhỏ bằng gỗ rất đẹp. Con bỗng thấy trong cánh đồng cỏ ở bên cạnh hai đứa nhỏ khoảng 5 và 6 tuổi, ăn mặc đẹp đẽ đang chơi đùa. Một bé trai và một bé gái.
Con vừa ra đi thì chúng chạy theo kêu lớn:
- Bác hành khất ơi, mời bác tới nhà mẹ chúng cháu, mẹ cháu thích hành khất lắm.
- Bác đâu có phải hành khất bác là khách hành hương... Các cháu ở đâu?
- Kia kìa, sau khu rừng nhỏ.
Và chúng dẫn con về nhà. Mẹ chúng ra đón.
- Chào bác, Chúa gửi bác đến đây.
Bà mời con vào nhà lấy xắc của con ra, mời con ngồi vào ghế bành và hỏi con muốn uống trà hay dùng bữa.
- Tôi cám ơn bà lắm, tôi có đồ ăn trong giỏ rồi. Còn uống trà đôi khi tôi cũng uống. Nhưng nông dân không có thói uống trà. Xin Chúa chúc phúc cho bà. Bà tiếp đón tôi làm cho tôi cảm động hơn là ăn tiệc.
Niềm vui lúc đó làm cho con muốn cầu nguyện và thinh lặng. Con ngỏ ý muốn ra đi. Bà chủ nói:
- Ðâu có được! Tôi không để bác đi đâu. Chồng tôi là thẩm phán ra thành sắp về. Ông sẽ sung sướng thấy bác ở đây. Mỗi người hành hương là người Chúa sai đến với ông. Ngày mai là chủ nhật mình sẽ đi lễ và ăn uống với nhau. Mỗi chủ nhật hay ngày lễ, chúng tôi tiếp đón ba chục người nghèo đến ăn với chúng tôi và chúng tôi coi họ như anh em.
Mấy đứa đưa xắc của bác vào phòng khách, bác sẽ ngủ đêm với chúng ta.
Rồi bà xin con kể chuyện về cuộc hành hương của con... Khi con nói mình sẽ đi Irkoutsk:
- Như thế bác phải đi qua Tobolsk. Mẹ tôi làm bà bề trên trong một nữ tu viện. Tôi sẽ nhờ bác đem thư cho bà và bà sẽ tiếp đón bác. Nhiều người đến hỏi ý kiến bà. Bác đưa giùm cho bà cuốn sách của thánh Gioan Climaque chúng tôi mua ở Moscou cho bà.
Chúng con nói chuyện đến giờ ăn tối. Bà mời con dùng bữa với bốn phụ nữ khác. Sau khi ăn món đầu một bà chỗi dậy lạy tượng thánh rồi lạy chúng con và đi lấy món thứ hai. Một bà thứ hai cũng mang món ăn thứ ba ra như thế. Con nói với bà chủ nhà:
- Xin phép hỏi bà, mấy bà đây là bà con?
Bà trả lời:
- Phải, họ là chị em tôi: chị bếp, vợ xà ích, bà nội trợ và bà dọn phòng.
Con rất ngạc nhiên khi thấy họ đối xử với đầy tớ như thế.
Sau bữa ăn muốn ở lại cầu nguyện một mình, con nói với bà:
- Các bà chắc đi nghỉ bây giờ. Tôi xin ra vườn chốc lát.
Bà nói:
- Tôi xin đi theo bác. Vả lại nếu bác đi một mình trẻ con không cho bác nghỉ ngơi đâu.
Ðể tránh khỏi phải nói về mình, con hỏi bà đã sống như thế từ bao nhiêu lâu. Bà nói:
- Mẹ tôi là chắt của thánh Giosaphát hài cốt còn ở Belgorod. Chúng tôi có căn nhà lớn tại đó và cuối sân có căn nhà nhỏ chúng tôi cho ông quí tộc không có gia tài thuê. Ông qua đời và sau đó vợ ông cũng chết, để lại một đứa nhỏ mới sinh. Mẹ tôi nhận đứa nhỏ làm con nuôi. Tôi sinh ra sau đó một năm. Chúng tôi đã lớn lên với nhau như anh chị em có cùng thày dạy và cô giáo.
Khi cha tôi chết mẹ tôi bỏ Belgorod và đến đây với chúng tôi ở tại lãnh địa lớn Tây bá lợi á. Bà cho chúng tôi lấy nhau để lại cho chúng tôi sản nghiệp này rồi vào tu viện, ở trong một căn phòng.
Mẹ chúc phúc cho chúng tôi, khuyên chúng tôi sống đạo, giáo dục con cái cho nên, cầu nguyện sốt sắng nhưng nhất là giữ các giới răn của Chúa là yêu người bên cạnh giúp đỡ người nghèo cách bình dị và khiêm nhường, cũng như đối xử với đầy tớ như anh em..
Vậy là đã 10 năm, chúng tôi ở tại nơi khỉ ho cò gáy này. Chúng tôi cố gắng tuân giữ những điều mẹ dạy. Chúng tôi đã lập nên một viện tế bần. Hiện nay có 10 người tàn tật hay đau yếu ở đó. Ngày mai bác sẽ gặp họ.
Buổi chiều chồng bà ấy về. Ông chào con, ôm con và mời con vào văn phòng. Ông có biết bao là sách và ảnh thánh đẹp đẽ, lại có một thánh giá cỡ lớn và Cuốn Phúc âm đặt trên giá sách lôi kéo sự chú ý của con. Con kêu lên:
- Ở đây như thiên đàng rồi ông ơi, có Chúa, Ðức Mẹ và chư thánh rồi có đủ sách vở cho ông nói chuyện với các Ngài và nuôi sống bằng lời Chúa. Ông nói:
- Vâng tôi thích đọc. Tôi có hết các tác phẩm của các Giáo phụ và nhiều sách tôn giáo khác. Tôi bỏ ra ít nhất 5000 roubles để mua.
Con hỏi ông ta:
- Chắc ông có sách nói về cầu nguyện chứ?
Ông rút ra một cuốn chú giải kinh Lạy Cha, mở ra và đọc lớn tiếng.
Vào lúc đó phu nhân vào mang trà cho ông. Mấy đứa nhỏ mang giỏ bạc đầy bánh ngon con chưa hề được biết theo sau. Sau khi uống trà ông chủ xin phu nhân đọc tiếp.
Con đã trải qua một kinh nghiệm lạ lùng. Bỗng con thấy như hiện ra trước mắt hình ảnh sáng láng của cha linh hướng con. Con bỗng chỗi dậy và xin lỗi vì buồn ngủ quá. Cùng lúc đó con thấy tâm hồn được soi sáng do cha linh hướng, cho con hiểu cách mới mẻ hơn về sự cầu nguyện.
Ðọc sách xong, chủ nhân hỏi con nghĩ gì về cuốn sách. Con trả lời:
- Tôi rất thích, nhưng trong sách của tôi có giải thích kinh Lạy Cha hướng về sự chiêm nghiệm hơn. Các giáo phụ cũng thấy trong những lời cầu của kinh Lạy cha những ước nguyện được ơn cầu nguyện trong lòng, nghĩa là cảm thức sự hiện diện của Chúa trong lòng và bình an hân hoan sau đó.
Chủ nhân nói:
- Phải, đường cầu nguyện nội tâm khó biết bao.
Con trả lời:
- Nếu không làm được, Chúa đã chẳng bảo ta làm. Nếu ông cho phép tôi xin đọc một chương sách của tôi.
Con mở ra và gặp đoạn sách của thánh Gioan Damascene.
- Phải tập tành kêu tên Chúa hơn là tập thở nữa. Thánh Phaolô nói: Hãy cầu nguyện liên lỉ. Nếu chẳng hạn bạn làm điều gì, bạn hãy nhớ tới Ðấng Tạo hoá dựng nên mọi sự. Nếu bạn ngắm nhìn trời biển, hãy ca tụng Ðấng dựng nên chúng. Nếu mặc áo hãy tạ ơn đấng cho người mạng sống. Tóm lại: tất cả hãy nên dịp cho bạn nghĩ đến Chúa và tôn vinh Ngài. Như thế là bạn cầu nguyện liên lỉ và bạn sẽ luôn được bình an.
Con kết luận:
- Ông bà thấy dễ không, ai cũng có thể thực hành.
Ông bà chủ sung sướng ra mặt. Ông nói:
- Tôi sẽ mua sách từ Saint Petersbourg, nhưng trong lúc chờ đợi tôi xin chép lại đoạn sách.
Ông đã chép lại. Rồi ông để dưới chân tượng Damascene, chắc là của thánh Gioan Damascene. Ông nói:
- Như thế hình ảnh và lời vị thánh giúp tôi làm theo lời khuyên này.
Ðến giờ ăn tối. Tất cả đầy tớ nam nữ đều quây quần bên bàn ăn của chúng tôi. Bầu khí kính trọng và an bình biết bao. Sau cùng mọi người đọc kinh và xin con đọc lời nguyện của Chúa Giêsu. Ðầy tớ nam nữ và con cái rút lui.
Lúc đó phu nhân cho con một áo sơ mi và một đôi vớ. Con nói:
- Xin cám ơn phu nhân cho chiếc áo còn đôi vớ suốt đời con không mang vì từ nhỏ con chỉ quấn chân.
Phu nhân đi ra và trở lại với một chiếc kaftan bằng lụa màu beige mà bà đã cắt ra thành băng nhỏ. Ông chồng thì đi ra và đem cho con một đôi giầy. Ông bảo con:
- Bác sang phòng bên cạnh thay đồ đi.
Khi con trở lại họ mời con ngồi và phu nhân bắt đầu lột những lớp vải buộc chân con ra. Lúc đầu con từ chối. Nhưng họ nói:
- Xin bác ngồi yên, Chúa Kitô đã chẳng rửa chân cho đầy tớ sao?
Con không thể cầm được nước mắt và họ cũng thế.
Ðến giờ ngủ, phu nhân vào phòng với con và ông chủ mời con vào một phòng ở giữa vườn.
Tại đây vì không ngủ được, chúng con tiếp tục nói chuyện.
Ông chủ hỏi:
- Ông có phải đúng là người như ông nói không? Ông hãy nói thực đi. Ông biết viết và biết đọc hay quá. Cách ông nói cho hay ông được giáo dục theo kiểu quí tộc hơn là lối giáo dục nhà quê.
Con trả lời:
- Mọi điều tôi nói với ông bà là thật. Tôi bảo đảm tôi chỉ là người bình dân. Ðiều soi sáng cho tôi và vẫn tiếp tục soi sáng cho tôi chính là những lời hướng dẫn của cha linh hướng tôi, do việc đọc các giáo phụ nhất là do hồng ân lời cầu nguyện nội tâm do lòng từ bi Chúa ban cho tôi. Tôi nói: "nhất là do lời cầu nguyện nội tâm" vì nhờ đó có ánh sáng trong lòng và mọi sự đều rõ ràng nhờ ánh sáng đó.
Ông chủ trả lời:
- Tôi xin lỗi phải hỏi ông, không phải vì tò mò nhưng vì hành tung của ông làm cho chúng tôi nhớ lại một biến cố cách đây hai năm.
Một hôm có người hành khất đến với chúng tôi mang giấy kiểm tra lính về hưu. Ông có tuổi, khốn khổ hầu như trần trụi dưới manh áo rách. Ông ít nói và nói dễ hiểu như nông dân vùng thảo dã.
Chúng tôi tiếp đón ông ta trong nhà chúng tôi. Nhưng được 5 ngày ông đau nặng nên phải đưa ông vào buồng chúng tôi và hai vợ chồng tôi săn sóc ông. Ông sắp chết đến nơi. Chúng tôi đã sửa soạn và mời cha đến ban các phép cho ông.
Hôm trước khi ông chết, ông chỗi dậy xin tôi một tờ giấy và viết, xin tôi đóng cửa lại và không cho ai vào cho đến khi ông đã viết xong di chúc và nhờ tôi gửi cho con ông ở Saint Petersbourg. Tôi ngạc nhiên vì ông viết chữ đẹp, nhất là lối viết rất đúng và bài văn hay. Tất cả gợi tính tò mò về nguốn gốc của ông. Sau khi bắt tôi thề không được nói với ai, ông đã kể cho tôi nghe cuộc đời của ông.
- Tôi là hoàng tử... có gia tài lớn, và sống đời xa hoa và hoang đàng. Sau khi vợ tôi chết tôi sống với con là đại uý ngự lâm quân. Một buổi chiều khi sửa soạn đi dạ vũ tại nhà một nhân vật quan trọng tôi giận dữ tên bồi phòng và mạnh tay đánh vào đầu nó, sau đó ra lệnh đầy nó về thôn quê.
Hôm sau tên bồi chết vì vết thương ở đầu. Tuy nhiên việc ấy không phương hại gì đến tôi cả và sau khi hối tiếc hành động của mình tôi quên mất việc đó.
Nhưng sáu tuần sau tên bồi bị giết bắt đầu hiện ra với tôi lúc đầu trong giấc ngủ. Anh ta luôn lập đi lập lại: "Tên vô lương tâm kia, mày có biết mày là tên sát nhân không?" Sau đó anh ta hiện ra với tôi giữa ban ngày càng ngày càng nhiều, có cả những người tôi đã xúc phạm và những cô gái tôi đã làm hỗn. Tất cả đều chửi bới tôi thậm tệ. Tôi ăn mất ngon ngủ không yên. Kiệt sức tôi không thể làm gì nữa. Thày thuốc giỏi nhất cũng không thể giúp gì cho tôi. Tôi sang ngoại quốc 6 tháng cũng vô ích. Người ta đem tôi về Nga chờ chết. Tôi chịu những hình khổ như trong hoả ngục.
Trong tình trạng sa sút đó tôi nhận ra lỗi lầm của mình, tôi thống hối, tôi xưng tội, tôi cho đầy tớ được tự do và thề hứa sống quãng đời còn lại bằng việc tay chân và ẩn thân dưới hành tung một tên ăn mày để phục vụ người khác.
Và khi tôi quyết định như thế không còn ai hiện ra nữa... Tôi không thể diễn tả nổi sự an ủi và êm dịu tôi cảm thấy sau khi giao hoà với Chúa và từ bỏ hoàn toàn. Lúc đó tôi cảm thấy trong lòng tôi niềm vui thiên đàng và nước Chúa.
Sau đó ít lâu tôi hoàn toàn khỏi bịnh và bí mật rời xa cố hương. Tôi đi qua vùng Tây bá lợi á đã được 15 năm. Khi thì làm việc cho nông dân ngoài đồng, khi thì hành khất.
Sau khi kể chuyện xong, ông ta đưa di chúc cho tôi và hôm sau ông chết.
Ðây là nguyên văn bản di chúc tôi để trong cuốn sách thánh của tôi.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Con yêu dấu.
15 năm nay con không thấy mặt cha.
Tuy nhiên trong cuộc sống ẩn dật cha luôn dò la tin tức con và vẫn dành cho con một tình yêu phụ tử làm cho cha phải nói cho con những lời khuyên trước khi chết. Mong rằng những lời khuyên này sẽ hữu ích cho con trong cuộc đời.
Con biết cha đã đau khổ vì cuộc sống bê bối nhưng con đâu có biết cha sung sướng biết bao sau khi hối lỗi và sau khi đi hành hương như một người vô danh. Bây giờ cha chết bình tĩnh, tại nhà ân nhân cha và cũng là ân nhân con, vì những ơn lành ông làm cho cha cũng phải đánh động tấm lòng con thảo của con. Con hãy đền trả cho ông theo khả năng con.
Cha chúc lành cho con và xin con đừng quên Chúa, hãy giữ lương tâm trong sạch, nhân hậu, khôn ngoan và lý sự, đối xử với thuộc hạ tử tế, và đừng khinh người nghèo hay những kẻ lang thang vì con phải nhớ là cha con đã tìm được bình an trong tâm hồn xáo trộn bằng nghèo khó và đi hành hương. Cha xin Chúa ban ơn cho con và cha yên lòng nhắm mắt, tin vào sự sống vĩnh cửu và lòng nhân từ của Chúa Giêsu.
Cha của con.
Con ở vài ngày nơi gia đình đã làm cho con được nhiều bài học đó. Rồi con lên đường đến Tobolsk cách đó 150 cây số.
Sau khi kể lại câu chuyện ở trong nhà giàu, tôi còn kể nhiều chuyện khác nữa cho cha linh hướng rồi tôi theo ông già điếc đồng hành với tôi sang Giêrusalem và chúng tôi lên đường sang Odessa.
Ngọc Lân mùa chay 1991.
Lm. Nguyễn Ðức Huy.