Ðôi khi trong khi di chuyển trong ba ngày tôi không gặp người ta. Tôi thấy mình trơ trọi trên đời. Trơ trọi trước Ðấng biết và yêu thương. Sự cô đơn này làm cho tôi sung sướng. Tôi cảm thấy rõ ràng lời cầu nguyện nội tâm vang dội trong tôi. Tình yêu Chúa Kitô bao la thiêu đốt lòng tôi và những dòng điện mạnh sáng láng chất ngất chạy dọc cơ thể. Hình ảnh Chúa Giêsu đối với tôi cực kỳ sống động làm cho tôi như đang sống thật những câu chuyện Phúc âm.
Một lần tôi đi Irkoutsk, đến mồ thánh Innocent, tôi không biết ngủ trọ nơi nào. Vì tôi không muốn ở lại trong thành phố nhiều dân cư này. Ðang suy nghĩ tôi bỗng gặp một ông lái buôn, ông đến gần tôi và hỏi:
- Bác đi hành hương phải không? Mời bác về nhà em.
Ông ở trong nhà sang trọng. Khi tôi tới nơi ông xin tôi kể cho ông nghe tôi là ai, tôi làm gì và đi đâu. Rồi ông nói:
- Sao bác không hành hương sang Giêrusalem? Tôi trả lời:
- Còn gì sung sướng hơn, nhưng làm sao mà đi được? Tôi có thể đi đến bờ biển nhưng tiền tàu qua biển đắt lắm.
- Nếu bác muốn, em xin giúp bác. Năm ngoái em giúp một cụ già trong thành phố của em. Em sẽ gửi thư cho thằng con ở Odessa. Nó sẽ gửi bác đi Constantinople nơi nó có chỗ làm ăn. Ðến đó nhân viên của nó sẽ gửi bác xuống tàu sang Giêrusalem.
Tôi tràn đầy sung sướng. Tôi ở nhà ông lái buôn ba ngày. Ông đưa cho tôi một bức thư cho con ông. Còn tôi trước khi rời Irkoutsk tôi đến cha linh hướng và báo tin:
- Thưa cha, con đi Giêrusalem, con đến từ giã cha.
- Xin Chúa chúc lành cho cuộc hành trình của con. Nhưng con không nói cho cha con là ai, và từ đâu đến. Con thường nói cho cha hay về cuộc hành hương của con. Cha mong trước khi con đi con nói về gia đình con và quá khứ của con.
- Thưa cha con sẵn sàng kể cho cha nghe. Câu chuyện không có dài... Con sinh tại một làng thuộc tỉnh Orel miền Trung Nga. Khi cha mẹ qua đời chúng con chỉ còn hai anh em, đứa 10 tuổi đứa 2 tuổi. Ông bà chúng con rước về nuôi, ông bà giàu có và thế giá. Ông bà làm chủ một quán ăn gần quốc lộ: vì tính hiếu khách nên có nhiều khách.
Anh con ham chơi và thường đi chơi với trẻ con trong làng. Con thì thường ở bên cạnh ông. Ngày chủ nhật và ngày lễ chúng con thường đi nhà thờ với nhau. Rồi khi về nhà ông đọc thánh kinh. Ðến tuổi thanh niên anh con bắt đầu uống rượu.
Một lần khi được bảy tuổi và chúng con ngủ chung bên lò sưởi, anh con xô con rớt xuống và gẫy tay trái và từ đó con bị tê tay.
Ông con thấy con không làm việc được mới dạy con học đọc. Vì không có sách nên con dùng Kinh thánh. Con vừa biết đánh vần là ông con vì mắt kém bắt con đọc sách cho ông nghe.
Ông lục sự trong làng thường đến nhà. Ông viết chữ đẹp và con thích ngồi xem ông viết, nhiều khi còn thử viết theo ông. Thế là ông dạy con viết. Ông cho con giấy mực và gọt bút bằng lông ngỗng cho con và dần dần con học viết. Ông con rất vui mừng và nói:
- Chúa cho con tài năng con có thể làm giàu, con hãy cám ơn Ngài và cầu nguyện luôn.
Chúng con là những người rất ngoan đạo và thường cầu nguyện trong nhà. Cả nhà thường xin con đọc Thánh vịnh 50 Miserere:
Xin thương xót con Chúa ơi, trong lòng nhân từ Chúa, vì tình yêu thương xin xoá mọi lỗi lầm. Xin cho con nguồn vui ơn cứu độ, và cho con tâm hồn quảng đại.
Khi được 17 tuổi bà con qua đời. Ông con bảo:
- Không có nội trợ trong nhà không được, anh cháu là thằng vô tích sự. Ông tìm vợ cho cháu, cháu phải lấy vợ mới được.
Vì bịnh tật con không muốn nhưng ông con giục mãi. Ông tìm cho con một cô gái khoẻ mạnh, hiểu biết tuổi chừng hai mươi và con lấy vợ.
Một năm sau ông con ốm nặng. Thấy mình khó qua khỏi, ông kêu con đến bên giường:
- Ông để lại cho cháu căn nhà và sản nghiệp. Cháu phải tận tâm, đừng đánh lừa ai, và cầu nguyện cùng Chúa. Mọi sự đều do Ngài. Cháu hãy tin tưởng vào một mình Ngài mà thôi. Hãy năng đi nhà thờ, đọc Thánh Kinh và khi cầu nguyện nhớ đến ông bà. Ông cho cháu 1000 roubles. Cháu đừng hoang phí, cũng đừng hà tiện: hãy nghĩ đến Chúa và người nghèo khó.
Ông con chết và con chôn cất ông.
Anh con ghen tị vì mình con được hưởng gia tài. Một hôm khi không còn khách trong quán chúng con đi ngủ sớm, anh ta vào nhà lấy tiền sau đó đốt nhà. Lửa cháy đánh thức chúng con dậy. Chúng con chỉ kịp lấy cuốn Thánh kinh để dưới gối và mặc áo ngủ nhảy qua cửa sổ. Cả cơ nghiệp tan tành. Người anh bỏ chúng con ra đi. Sau đó thật lâu, chúng con biết anh đã lấy tiền và đốt nhà. Trong một lúc say rượu anh đã khoe thế.
Nghèo như Gióp, chúng con phải mượn tiền dựng lên một túp lều nhỏ. Vợ con biết dệt, may rút chỉ. Nàng lãnh đồ và làm ngày đêm nuôi sống hai vợ chồng. Riêng con vì què tay nên làm guốc gỗ cũng không ra hồn. Khi vợ con dệt và may, con đọc kinh thánh cho vợ con nghe. Nàng chăm chú nghe và đôi khi nhỏ lệ đau thương.
- Anh đọc em nghe cảm động quá.
Chúng con luôn trung thành với những gì ông con dạy dỗ. Mỗi sáng chúng con đọc kinh ca tụng Mẹ: "Kính chào Mẹ, nhờ Mẹ, niềm vui bừng sáng. Kính chào Mẹ, nhờ Mẹ sự dữ tiêu tan."
Ban chiều chúng con sụp lạy thánh tượng.
Bây giờ con mới hay những lời cầu nguyện ấy chỉ bề ngoài và cử chỉ máy móc. Lúc đó chúng con không có quan niệm gì về lời nguyện nội tâm. Tuy nhiên những thực tập ấy không bao giờ làm cho chúng con vất vả và giúp cho chúng con. Một ông giáo già con gặp trong quán nói rằng lời cầu nguyện nội tâm giống như xu hướng tự nhiên của con người về Thiên Chúa. Ông nói chí lý.
Cuộc sống bình thản đó kéo dài hai năm. Rồi vợ con bị bịnh. Sau 9 ngày bị sốt rét nàng qua đời sau khi chịu các phép bí tích.
Con còn lại một mình lủi thủi trên đời, không thể làm việc, ăn mày thì xấu hổ và hoàn toàn chán ngán vì cái chết của vợ con. Tất cả những kỉ niệm của nàng đều làm cho con phải khóc lóc nhớ thương.
Con cho người nghèo quần áo của nàng và của con. Con bán nhà được 20 roubles. Con xin giấy kiểm tra nhờ đó khỏi phải sưu thuế đóng góp trong làng vì tàn tật. Và con ra đi không định hướng với cuốn Kinh thánh trong tay.
Dần dà con tỉnh táo và quyết định đi Kiev để tìm an ủi nơi các vị thánh quan thày. Ðó là cuộc hành hương đầu tiên của con.
13 năm qua con đã lang thang như thế. Con đã viếng nhiều nhà thờ và tu viện nhưng con thích đi qua rừng cây và thảo dã hơn.
Và nếu con được ơn đi Giêrusalem, có lẽ con sẽ được ơn chết tại đó.
Ngọc Lân mùa chay 1991.
Lm. Nguyễn Ðức Huy.