Về Bên Mẹ La Vang

Bản Tin Cổ Ðộng Hướng Về Mẹ La Vang

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Vấn đề Truyền Thông

Bùi Văn Giải

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà vấn đề truyền thông đã lên đến một mức độ nhanh chóng lạ lùng. Những phát minh tân kỳ của kỹ thuật đã làm cho báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình... có một ảnh hưởng lớn trong đời sống con người. Bởi đó, vấn đề truyền thông quá quan trọng nhưng đã bị lạm dụng, thiếu sự xử dụng đúng đắn gây ra biết bao hậu quả tội lỗi, đau thương cho nhân loại.

Ðứng trước vấn đề truyền thông ngày nay, Giáo Hội Công Giáo đã ý thức đó là một vấn đề vô cùng quan trọng nên Công Ðồng Vatican II đã đưa vấn đề ra thảo luận và ngày 02 tháng 4 năm 1964 đã ban hành: "Sắc lệnh truyền thông xã hội" (Inter mirifica) nói lên giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này. Và trong chương II của sắc lệnh đã cổ động khuyến khích mọi thành phần trong Giáo Hội tích cực xử dụng các phương tiện truyền thông để rao giảng Tin Mừng. "Chớ gì tất cả mọi người con Giáo Hội hãy tập trung nhiệt thành và hiểu biết vào việc xử dụng ngay các phương tiện truyền thông xã hội..." (TTXH 13).

Và cũng trong sắc lệnh đó, Công Ðồng đã lên tiếng khuyến cáo sự thờ ơ của Giáo Sĩ, Giáo Dân đối với vấn đề truyền thông:

"Thật hổ thẹn cho con cái Giáo Hội đã lãnh đạm để cho việc rao giảng Lời Cứu Rỗi bị trì trệ, bị cản trở chỉ vì những khó khăn kỹ thuật hay thiếu phương tiện tài chánh, thật rất to tát mà những phương tiện truyền thông xã hội đòi hỏi phải có. Vì thế Công Ðồng nhắc lại cho họ (giáo sĩ và giáo dân) bổn phận phải nâng đỡ và trợ giúp các nhật báo Công Giáo, các tạp chí, các tổ chức phim ảnh, các đài và các chương trình phát thanh, phát hình nhắm mục đích chính là phổ biến và bảo vệ sự thật, cung cấp nền giáo dục Kitô Giáo cho xã hội loài người." (Sắc lệnh Truyền Thông Xã Hội).

Qua sự nhắc nhở của Công Ðồng Vatican II, chúng tôi thiết nghĩ mỗi gia đình Công Giáo nên có một tạp chí Công Giáo như: Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Trái Tim Ðức Mẹ, Dân Chúa, Hiệp Nhất, Tập San Ðịnh Hướng, Thời Ðiểm, ... Chỉ tốn mấy chục bạc thôi! Nhưng mua để đọc, chứ không phải để làm "công quả"... Quý vị nghĩ sao?


Nghĩ Về
Vấn đề Truyền Thông

Lão Nhân thất thập có thừa

Nhân đọc bài: "Vấn đề truyền thông" trong bản tin "Về Bên Mẹ Lavang" số 5, lão này năm nay đã hơn 70 tuổi cũng xin viết ít dòng gọi là góp thêm ý kiến.

Lão đây trước năm 1975, ở một xứ đạo ngoại ô của một thành phố có hơn 100 gia đình Công Giáo. Vị linh mục quản xứ cũng độ ngoài 60. Mỗi năm, ở tòa giảng ít nhất cũng hai lần, ngài kêu gọi giáo dân cố gắng mua sách báo tốt nhất mà đọc nhất là sách báo Công Giáo. Ngài nói: Mỗi Chúa nhật tôi chỉ trình bày với anh chị em Lời Chúa khoảng tối đa 15 phút, không đủ vào đâu, nên anh em, những gia đình khá giả nên mua sách báo Công Giáo mà đọc, đọc xong có thể tặng những gia đình thiếu thốn để họ cùng đọc. Và chính ngài đã đem các báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Trái Tim Ðức Mẹ đến tận những gia đình khá giả để cổ động. Bởi đó, trong giáo xứ có gần 50 gia đình là độc giả của hai tờ nguyệt san đó...

Qua Mỹ từ 75, lão này thấy vấn đề truyền thông quá rộng rãi, ảnh hưởng thật lớn lao, dĩ nhiên tốt thì ít mà lăng nhăng khá nhiều. Ðúng như tầm nhìn của Công Ðồng Vatican II, vấn đề truyền thông ngày nay quá quan trọng.

Dĩ nhiên, không riêng gì Giáo Hội Công Giáo thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề truyền thông, mà Hội Thánh Tin Lành, Giáo Hội Phật Giáo đều thấy rõ vấn đề. Bởi đó, Cơ Ðốc Phục Lâm của mục sư Sáu mới có chương trình giảng đạo vào mỗi ngày Chúa nhật ở Ðài "Viet-time" tại thành phố Portland OR, Hội Thánh Tin Lành cộng đồng Việt Nam biếu không những quyển sách nho nhỏ như: "Bạn thật sống?", "Tôi đã chọn", "Chọn lại con đường", "Tình yêu nào?"... Có những nhân sĩ Phật Giáo bỏ tiền ra in những quyển sách để tặng không như "Ðường vào ánh sáng đạo Phật", "Sách Kinh nhà Phật". "Những nhân chứng Giêhôva" đến thăm từng gia đình nói hơi nhiều về Kinh Thánh và tặng báo Tháp Canh. Nhóm Phật Giáo núi Sam Châu Ðốc nào đó lại gởi qua bưu điện đến nhiều gia đình tờ "Kinh kêu gọi nghe lời Ðức Phật"...

Ðứng trước vấn đề, xét rằng người Công Giáo nên xem lại thái độ của mình đối với lời kêu gọi của Công Ðồng Vatican trong "sắc lệnh truyền thông xã hội", để tìm ra những hành động tích cực hơn phổ biến và rao truyền Tin Mừng Chân Lý của Ðức Kitô, Ðấng Cứu Chuộc nhân loại.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page