Về Bên Mẹ La Vang

Bản Tin Cổ Ðộng Hướng Về Mẹ La Vang

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chúng tôi tin là
ơn Ðức Mẹ Lavang ban

Ông Dương Bỉnh

Ông Dương Bỉnh, năm nay gần 70 tuổi, là một cựu chủng sinh của giáo phận Huế, hiện ở Montreal, Quebec, Canada, gởi cho chúng tôi hai mẫu chuyện mà ông cho là do Mẹ Lavang ban ơn.

Ông kể rằng: "Người bạn tù cải tạo với tôi có tên là Nguyễn Ðức Tin. Thấy ông hiền lành phúc hậu, lại mang tên Ðức Tin, nên tôi tìm cách làm quen, chuyện trò, dần dần thành thân mật. Ông ta đã kể cho tôi nghe tại sao lại mang tên là Ðức Tin. Ông ta nói sở dĩ có cái tên như vậy là hồi đó song thân của ông lập gia đình đã 15 năm mà không có con. Không riêng gì ông bà buồn mà họ hàng cũng buồn lây, vì thân phụ của ông là con một của gia đình, cần có con trai nối dòng. Nghe Mẹ Lavang linh thiêng hay ban ơn nên ông bà nhân dịp đại hội năm 1928 để long trọng khánh thành đền thờ mới, đã từ Phát Diệm về Linh Ðịa Lavang thành tâm xin Ðức Mẹ ban cho chút con muộn. Hơn một năm sau, ông chào đời và được song thân đặt tên là Nguyễn Ðức Tin để cảm tạ Mẹ Lavang và nhớ ơn Mẹ Lavang suốt đời..."

Câu chuyện thứ hai mà ông Bỉnh kể là chuyện Mẹ lavang ban cho một người lành bệnh nan y: "Ông Nguyễn Văn Thiệu, quê ở Cửa Tùng, Quảng Trị, bị bịnh cổ trướng (xơ gan), đã đến thời kỳ "phúc thủy", bụng có nước, xưng to, mặt hốc hác, mắt lõm sâu. Sau khi chữa trị theo đông y không thuyên giảm, gia đình chuyển ông đến bệnh viện Quảng Trị, nơi đây ông được điều trị trong vòng 30 ngày, nhưng bịnh tình ngày càng thêm trầm trọng, bác sĩ "chạy thua", đành cho về nhà. Dĩ nhiên, để chờ chết!

Nhưng trên đường về, ông bảo thân nhân đưa ông đến Ðền Thánh Lavang. tại đây, ông và người nhà khấn vái cầu xin Mẹ Lavang. Cầu nguyện xong, khi ra cửa nhà thờ ông thấy một mẫu gạch vụn dưới chân, với lòng tin, ông nhặt lên, cất giữ, và đem về nhà. Rồi hàng ngày ông mài gạch hòa với nước lạnh, đôi tay nâng ly cầu khẩn Mẹ Lavang rồi uống. Chỉ vài tuần sau, bịnh thuyên giảm và sau đó lành hẳn, ông tiếp tục lao động như trước".


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page