* Năm 1798, Cảnh Thịnh, nhà tây Sơn, đã ra lệnh bắt đạo Công Giáo, từ Phú Xuyên ra đến Bắc Hà. Các xứ đạo vùng Dinh Cát, Quảng Trị như Trí Bưu, Thạch Hản... giáo dân bị lùng bắt nên đã chạy vào "Phường Lá Vằng" ẩn trốn, đêm đêm chung lời kinh nguyện, dưới gốc cây đa lớn. Và tương truyền Ðức Mẹ đã hiện ra trong thời điểm đó để an ủi họ.
* Về sau khi Gia Long thống nhất sơn hà (18ò) một nhà thờ nho nhỏ được làm lên tại đó. Việc Mẹ hiện ra được đồn khắp giáo phận Huế. Và nhiều người đã chạy đến cầu xin Mẹ, nhất là giáo dân vùng Dinh Cát.
* Năm 1885, phong trào Văn Thân với chiến dịch "bình tây sát tả", giáo dân vùng Dinh Cát bị tàn sát một cách khủng khiếp. Nhà thờ tranh ở La Vang bị đốt. Tương truyền có 30 giáo dân bị Văn Thân bắt và xin được chết tại nền nhà thờ bị đốt. Họ đã bị thiêu sống tại đó.
* Năm 1886, tình hình tạm yên, giáo quyền Huế, Ðức Cha Lộc (Gaspar) quyết định xây một ngôi nhà thờ ngói tại La Vang. Công việc xây cất phải 15 năm mới xong. Ngôi nhà thờ chứa khoảng 400 người, được khánh thành năm 1901 vào ngày 08 tháng 08. Và đây là Ðại Hội lần thứ nhất. Nhà thờ được lấy tước hiệu: Ðức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu". Và từ đó, cứ ba năm một lần có đại hội hành hương "Về Bên Mẹ La Vang" không riêng gì cho giáo phận Huế mà cho toàn nước Việt Nam, vào tuần lễ kính Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời (15/08). Ngoài ra, vào dịp mồng 3 tết hằng năm có cuộc rước kiệu minh niên.
* Từ 1901 đến 1938 có 12 đại hội tam niên. Từ 1939 đến 1955 không có đại hội vì gặp phải chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939-1945) rồi chiến tranh Việt Pháp (1945-1955).
* 1954, đất nước bị chia đôi theo hiệp định Genève, từ Bến Hải, vĩ tuyến 17, đến Cà Mau thuộc Việt Nam Cộng Hòa, đại hội hành hương tam niên lần thứ 13 được diễn ra trong cảnh tưng bừng rộn rịp mà đầy tinh thần đạo đức... Và từ đó đến năm 1970 có thêm 4 đại hội nữa. Năm 1963, vì cuộc tranh đấu Phật Giáo chống Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nên Ðại Hội lần thứ 16 phải dời đến năm 1964. Và từ năm 1964 đến 1966 cuộc tranh đấu Phật Giáo lại tiếp diễn đối với chính quyền Miền Nam vô cùng căng thẳng, chính quyền Miền Bắc với danh nghĩa "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam" đã tạo ra chiến tranh hỗn loạn tại Miền Nam, tình hình an ninh bất ổn, nên mãi đến năm 1970 mới có đại hội lần thứ 17.
* Ðại Hội lần thứ 18 đáng lý diễn ra năm 1973, nhưng vi cuộc chiến tàn khốc của "Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972" đã tàn phá thánh địa La Vang một cách ác liệt. Mùi tử khí của hậu quả cuộc chiến vẫn còn tỏa khắp thánh địa nên năm ấy không có đại hội tam niên thường lệ.
* Biến cố 1975 đến, đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc dưới quyền lãnh đạo của người Cộng Sản thì vào ngày 17-08-1975 vẫn có cuộc hành hương Về Bên Mẹ La Vang. Từ đó việc tụ tập đông đúc ở thánh địa La Vang bắt đầu khó khăn. Tuy vậy, những "đại hội âm thầm" vẫn diễn ra, những "đại hội tự động" được truyền miệng không công khai tổ chức, mặc dầu thế vẫn có ít nhất vài ngàn người về dự mỗi khi có đại hội: Ðại Hội 18 (1978), Ðại Hội 19 (1981), Ðại Hội 20 (1984), Ðại Hội 21 (1987). Năm 1990, chính quyền huyện Triệu Hải cho phép tổ chức trong sự hạn chế tối đa. Tuy thế, theo bánh lễ trong các thánh lễ tính ra có trên 20 ngàn giáo hữu về tham dự, ngoài giáo dân của giáo phận Huế còn có Ðà Nẵng, Quy Nhơn và các Vùng Kinh Tế Mới.
* Năm 1993, Ðại Hội lần thứ 23 diễn ra từ thứ năm 12 tháng 8 đến 15-8-1993. Tuy vẫn còn hạn chế phần nào nhưng đại hội cũng được rộng mở hơn. Căn cứ theo bánh lễ, trong lễ bế mạc có gần 50 ngàn người từ nhiều tỉnh miền Bắc vào, dĩ nhiên trong miền Nam hầu như tỉnh nào cũng có người về dự.
* Ðại hội 24 diễn ra vào trung tuần tháng 8-1996 có trên 70 ngàn người tham dự, một số Giám Mục, đặc biệt có Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng từ Hà Nội vào dâng thánh lễ ngày bế mạc.
* * *
Ngoài đại hội tam niên được tổ chức ba ngày trong tuần lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, Ðức Cha Gaspar (Lộc), giám mục giáo phận Huế cũng đã quy định hàng năm Kiệu Ðức Mẹ một lần vào ngày mồng 3 tết Nguyên Ðán gọi là Kiệu Minh Niên. Giáo Dân Giáo phận Huế, đặc biệt là các xứ đạo Dinh Cát không có gia đình nào mà không có người về viếng Mẹ đầu năm để cảm tạ Mẹ và phó dâng gia đình cho Mẹ trong năm mới.
* Năm 1950, Lavang nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh, nhờ sự vận động của cha sở Lavang là cha Nguyễn Linh Kinh nên chính quyền Việt Minh chấp thuận cho giáo dân vào hành hương vào dịp đầu năm. Lần này, người viết bài này, đang còn ở chủng viện, học ở trường Providence Huế, về nghỉ tết cũng theo bà con trong giáo xứ về bên Mẹ. Thuở đó, vì chiến tranh Việt Pháp đến giai đoạn quyết liệt nên đường từ quốc lộ 1 vào đền thờ Lavang rất nguy hiểm, có gài mìn... Biết vậy, nhưng không chút ngại ngùng lo sợ, giáo dân có cả chục ngàn người hăng hái vui tươi vào thăm Mẹ dịp đầu năm. Và một sự cố đã xảy ra: một quả mìn đã nổ trên đường vào gần đền Mẹ do một con trâu băng qua đường gây ra, không một ai bị tai nạn, kể cả con trâu cũng không hề hấn gì.
* Năm 1952, Ðức Mẹ Lavang di tản. Vào một đêm trời tối như mực, tượng Mẹ được tháo gỡ ra từng bộ phận, bỏ vào hai "thúng" đậy kín với rơm. lá, ngụy trang, được hai bà công giáo người Phú Long gánh ra thành phố Quảng Trị, khi đến đường xe lửa, cách thành phố hơn cây số, họ ngồi đợi trời sáng để rồi âm thầm gánh Mẹ về giáo xứ trí Bưu (Cổ Vưu). Nơi đây con cái Mẹ liên lỉ đến dâng lời cầu nguyện. Ðức Cha Urritia (Thi), giám mục giáo phận Huế, ban phép tổ chức tuần tam nhật kính Mẹ Lavang tại giáo xứ Trí Bưu vào 3 ngày 10, 11, 12 thang 9-1952, giáo dân trong giáo phận lũ lượt kéo về trên 20 ngàn người giữa lúc cuộc chiến Việt Pháp đến mức độ trầm trọng, giao thông rất là khó khăn. Một cuộc kiệu Lavang từ Trí Bưu ngang qua các đường phố thị xã Quảng Trị. Nhiều đồng bào không Công Giáo nghiêm trang đứng hai bên đường phố đón Mẹ đi qua. Thời gian sau đó (1953), linh mục Lê Hữu Từ, hạt trưởng hạt Dinh Cát, tổ chức rước Mẹ Lavang đi từ xứ này qua xứ khác trong toàn hạt. Mẹ ở lại mỗi giáo xứ 10 ngày để con cái Mẹ kính viếng cầu xin.
* Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước. Thánh Ðịa Lavang nằm ở phía nam sông Bến Hải chừng 20 cây số. Tu viện Mến Thánh Giá Di Loan, Cửa Tùng, đã dời dòng tu vào bên cạnh đền Mẹ. Và gần 20,000 giáo dân miền Ðất Ðỏ thuộc khu Vĩnh Linh nằm về phía bắc sông Bến Hải như Di Loan, An Ninh, Loan Lý, An Do, Ba Ngoạt... đã di cư vào lập nghiệp ở đồi Lavang đầy sỏi đá, biến đồi sim móc thành làng mạc, họ đạo, chia thành 4 khu: Lavang thượng, Lavang tả, Lavang hữu, Lavang trung, còn nơi đền Mẹ gọi là Lavang chính. Và nhằm ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm 8-12-1954, một cuộc rước kiệu Mẹ Lavang long trọng và đầy cảm động trên xe hoa từ Trí Bưu về lại Thánh Ðịa, chấm dứt những năm tháng "lánh cư" của Mẹ...
* * *
* Lavang, thánh địa của Ðức Mẹ, nơi Mẹ ban ơn cách riêng cho những ai chạy đến kêu cầu Ngài đã được các vị khâm sứ Tòa Thánh Vatican lưu tâm.
1. Ngày 22-03-1923, đức Khâm Sai Tòa Thánh lécroat khi đến thăm hạt Dinh Cát (Quảng Trị) đã cùng với Ðức Cha Lý (Allys), Giám mục giáo phận Huế đến viếng Mẹ Lavang, đã ký vào sổ vàng do cha Morineau (Cố Trung), cha sở giáo xứ Cổ Vưu kiêm thánh địa Lavang trao.
2. Năm 1925, đức Khâm sứ đầu tiên của Tòa Thánh tại Việt Nam là Ðức Tổng Giám Mục Constantine Auguti, khi vừa mới đến nhậm chức cũng đến viếng thăm đền Mẹ Lavang.
3. Năm 1925, Ðức Khâm Sứ đầu tiên của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam là Ðức Tổng Giám Mục Constantino Ayuti, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Phasis (1925-1928), khi vừa đến nhận chức cũng đã viếng đền thờ Mẹ Lavang.
4. Ðức Khâm Sứ Colomban Dreyer, TGM Hiệu Tòa D'Adulis, thời gian làm Khâm Sứ Tòa Thánh ở Phủ Cam Huế từ 1928 đến 1936 đã nhiều lần đến Lavang để tham dự các đại lễ.
5. Ðức Khâm Sứ Antonie Drapier, TGM Hiệu Tòa Néo, Césarée du Pont, ở Huế 14 năm (1936-1950) đã dâng thánh lễ trong ngày bế mạc đại hội lần thứ 12 ngày 19-8-1938, tại đền Mẹ Lavang. Và trong thế chiến thứ hai (1939-1945), ngài nhận thấy tình hình nguy ngập cho nhân loại nên ngài đã ra thông cáo kêu gọi giáo dân Việt Nam hướng về Mẹ Lavang, cầu xin hòa bình.
6. Ðức Giám Mục Joseph Caprio, thanh tra tông tòa (Visiteur Apostolique) ở miền Nam Việt Nam (1954) rồi được nâng lên hàng Ðại Lý Khâm Sứ năm 1957 (Régent Apostolique) cho tới tháng 6 năm 1959. Ngài cũng đã dâng thánh lễ tại linh địa Lavang vào ngày 16-7-1956, có trên một vạn giáo dân tham dự.
7. Trong dịp đại hội lần thứ 14 vào ngày 18-8-1958, Ðức Caprio cũng đã đến cữ hành thánh lễ tại linh đài Mẹ Lavang cho Công Giáo Tiến Hành toàn quốc.
8. Ðại Hội lần thứ 15 (1961), một đại hội long trọng nhất, nhà thờ Mẹ Lavang được nâng lên Vương Cung Thánh Ðường. Ðức Khâm Sứ Maria Brini ở Sàigòn không đến được nhưng ngài đã gởi một bức điện: "Thỉnh cầu Ðức Tổng Giám Mục đặt dưới chân Mẹ Lavang những lời khẩn cầu sốt sắng của tôi hiệp với những lời khẩn cầu của Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, để xin nước Chúa Kitô toàn thắng nhờ Mẹ Maria". Ðức Ông De Nitis, thư ký Tòa Khâm Sứ, được cử đại diện mang sắc chỉ Tòa Thánh nâng đền thờ Lavang lên hàng Vương Cung Thánh Ðường.
9. Ngày 28-11-1964, Khâm Sứ Tòa Thánh là Ðức Cha Salvator Asta TGM Hiệu Tòa Aureliopolis de Lydie từ Sàigòn đến dâng thánh lễ ở đài Mẹ nơi ba cây đa nhân tạo giữa tiếng hoan hô của cả mấy vạn giáo dân.
(còn tiếp)