Ðúng 9 giờ sáng ngày thứ Bảy 14 tháng 8 năm 1993, chiếc xe đưa chúng tôi rời khỏi Huế, để lên đường tiếp tục hành hương về đất Mẹ. Vượt khoảng 60 cây số trên quốc lộ 1 và 3 cây số trên khoảng đường đất gồ ghề, chúng tôi đã đến Linh Ðịa Lavang, thuộc xã Hải Phú, Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị, vào lúc 11 giờ cùng ngày.
Cơn nắng hạn ở Lavang gay gắt hơn ở Huế nhiều, vì gió Nam Lào thổi qua mang theo đầy cát bụi và hơi nóng hừng hực. Nhưng trước mắt chúng tôi là "rừng người chen chúc", họ về đây từ vài ngày trước, sớm nhất là từ trưa thứ Năm 12 tháng 8 năm 1993 để dự Lễ Khai Mạc Ðại Hội Lavang lần thứ 23 do Linh Mục Lê Văn Mẫn, giám quản địa phận Huế chủ tế. Một vài chiếc lều vải tạm được kéo lên nhưng làm sao đủ che nắng cho hàng vạn con cái Mẹ. Ðất nóng bỏng khô cằn sỏi đá của Lavang lại trở thành nơi nằm nghỉ "êm đềm" của con Mẹ.
Lavang ngày trước được tái thiết trùng tu, biến cảnh núi đồi thiên nhiên thành một quang cảnh tuyệt đẹp, với ngôi đền Mẹ nguy nga đồ sộ, với quảng trường uy nghi tráng lệ. Chính Ðức Thánh Cha Gioan 23 đã thánh hiến Thánh Ðường Mẹ Lavang thành Vương Cung Thánh Ðường của Giáo Hội, vào dịp đại hội lần thứ 15, ngày 22 tháng 8 năm 1961, qua sắc chỉ "Ðể muôn đời ghi nhớ".
Nhưng chiến cuộc tàn khốc năm 1972 đã tàn phá hoàn toàn linh địa Mẹ. Ðền thờ Mẹ tốc mái, tường vách sụp đổ, rồi sau đó cơn bão năm 1985 đánh sập những phần còn lại. Hiện nay chỉ còn trơ lại hai bức tường phía mặt trước và bức tường phía cung thánh. Cây cối Lavang như tàn rụi, hố hầm chằng chịt, các bức tượng 15 sự mầu nhiệm được điêu khắc công phu cũng bị thương tích, sứt mẻ, sụp đổ. Nói chung Lavang ngày trước không còn "viên đá nào trên viên đá nào". Duy chỉ có 3 cây đa nhân tạo được thiết kế lâu đài Mẹ thì vẫn còn nguyên vẹn, chỉ trừ cây đa bên tả bị một viên đạn xẹt qua, gây nên một vết xước nhẹ. Ôi lạ lùng thay. Không có sự ngẫu nhiên nào đến thế. Vì theo lời truyền của người xưa để lại, nơi ba cây đa nhân tạo là nơi Ðức Mẹ đã hiện ra cho các tín hữu thời đó, và bởi thế họ đã dựng nên một lâu đài Mẹ để tạ ơn Mẹ.
"Lạy Mẹ Lavang, con đến đây không phải để thấy huy hoàng, vì huy hoàng thì dễ tan hoang. Con đến đây để thấy siêu việt, vì siêu việt thì mới bất diệt."
Sau năm 1975, giáo hữu các vùng lân cận như Quảng Trị, Huế, Ðà Nẵng cũng vẫn nhớ ngày đại hội truyền thống, hàng năm vẫn đến đây kính viếng Mẹ, tuy hoàn cảnh lúc bấy giờ lắm khó khăn gian khổ.
Ðại Hội năm nay (1993) đã được chính quyền Quảng Trị "đồng ý cho tổ chức Lễ Lavang năm 1993 theo thường lệ, từ 12 giờ trưa ngày 12 tháng 8 đến 12 giờ trưa ngày 15 tháng 8 năm 1993". Ðây cũng là ngày Ðại Hội chính thức được tổ chức, kể từ sau biến cố năm 1975. Tuy nhiên hình thức tổ chức cũng chỉ hạn hẹp trong phạm vi giáo hạt Lavang, nhưng nội dung đại hội lại mang tinh thần cả nước, vì con cái Mẹ từ khắp mọi miền đất nước đã về đây kính viếng Mẹ. Cũng nên nhớ rằng: vào ngày 13 tháng 8 năm 1961, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (lúc đó là Miền Nam Việt Nam) đã quyết định thành lập Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc tại Lavang.
Sau khi xuống xe, chúng tôi len lỏi giữa rừng người để tìm chỗ trú chân. Ðâu đâu cũng đầy ắp người là người, nhất là khu vực quanh Ðài Mẹ, dưới những bóng cây non mới lớn thì không sao chen chân được. Cảnh "màn trời chiếu đất" ở đây cũng thật lạ lùng, thật vui tươi, thật phấn khởi. Nhìn khung cảnh đơn sơ của Ðài Mẹ tôi chợt nhớ về Ðại Hội năm 1970 thật tưng bừng rộn rã bao nhiêu, thì Ðại Hội năm nay lại đơn sơ âm thầm bấy nhiêu. Duy chỉ có niềm tin yêu dạt dào thành kính của con cái Mẹ thì lại sốt mến thật lạ lùng. Dù nắng hạn oi bức, dù gió bụi mịt mù, dù nước uống cũng rất khan hiếm, dù nằm đồi nằm đất, thiếu thốn khó khăn mọi bề, nhưng con cái Mẹ vẫn tin yêu, vẫn miên man cầu nguyện suốt ngày đêm. Những bó lá cây, những chai nước Mẹ của niềm tin dân dã bình dân, được sắp đầy trên đài Mẹ. Thoát nhìn có người sẽ nghĩ rằng: mê tín dị đoan. Nhưng thực ra đây là niềm tin mãnh liệt, niềm tin đã làm biến đổi những vật tầm thường vô tri giác kia thành linh dược. Niềm tin đã buộc Mẹ phải gia ơn và chính niềm tin đó đã nuôi sống những người dân nghèo đói bệnh tật trong hoàn cảnh thiếu thốn thuốc thangï.
Vào 3 giờ sáng Chúa Nhật ngày 15 tháng 8 năm 1993 đang lúc một số lớn giáo dân đang ngã lưng nghỉ ngơi đôi phút, thì một cơn gió mạnh thổi tung những chiếc lều vải, rồi mưa rơi bắt đầu nhỏ giọt. Mọi người chổi dậy để thu xếp đồ đạc và chuẩn bị đón một cơn mưa rừng sắp ập xuống. Nhưng lạ lùng thay khi tất cả mọi người đã thức giấc và thu xếp xong đồ đạc thì gió ngưng thổi và mưa ngưng rơi... rồi trời sáng dần và mọi người hân hoan với một ngày mới bên Mẹ Lavang, cứ thế kéo dài mãi cho đến khi tiếng chuông Lavang bắt đầu ngân vang báo hiệu cho ngày Ðại Hội bế mạc.
Cơn gió lạ đã đánh thức mọi người dậy thật sớm và họ đang chuẩn bị cho cuộc cung nghinh Mẹ quanh linh địa Lavang.
Ðúng 6 giờ 30 sáng, cuộc cung nghinh Mẹ bắt đầu. Ðoàn người đông đảo, đại diện cho mọi miền đất nước, xếp hàng tám, lũ lượt lên đường, lòng tràn đầy hân hoan, tin yêu và phấn khởi. Họ ra đi không chỉ một mình mà còn có anh em, còn có Mẹ cùng đồng hành với họ. Dẫn đường cho cuộc cung nghinh là Thánh Giá Chúa Kytô, rồi đến các thành phần dân Chúa. Ngoài các đoàn con Mẹ ở Giáo Phận Huế, người ta còn thấy các đoàn Miền Nam như Sài Gòn, Xuân Lộc, Cà Mau, Ðà Lạt, Kontum - Gia lai, Nha Trang, Quy Nhơn, Ðà Nẵng và đặc biệt có cả đoàn con Mẹ từ miền Bắc vào như Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa.
Ðoàn cung nghinh Mẹ đã tiến vào lễ đài lúc 8 giờ 30 để chính thức hiệp dâng thánh lễ ngày hội. Thánh lễ do Ðức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thể chủ tế với khoảng 50 linh mục đồng tế, và có khoảng 40,000 giáo dân tham dự.
Ðến 10 giờ 30, Thánh Lễ chấm dứt. Sau những lời cám ơn và hứa hẹn sẽ gặp nhau vào năm 1996 của ban tổ chức, mọi người bùi ngùi cảm động ra về.
Lên xe về lại Ðà Nẵng tôi cảm thấy lưu luyến và yêu thương linh địa Lavang và nhất là nhớ mãi lời nhắn nhủ của Ðức Cha chủ tế: "Từ Lavang về, anh em phải sống tốt hơn, phải là nhân chứng của Ðức Kytô trong cuộc sống hằng ngày, như thế cuộc hành hương về bên Mẹ mới thật sự có ý nghĩa".
Người con Mẹ
Việt Nam, Ðầu năm 1998