Về Bên Mẹ La Vang

Bản Tin Cổ Ðộng Hướng Về Mẹ La Vang

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Người Ngoại Quốc
Nói Về Mẹ Lavang

Hôm trước, trong Về Bên Mẹ Lavang số 11, ông Vũ Hồng đã trích dịch một bài báo ngắn đăng trong tờ Catholic Sentinelle ra ngày 13/02/1998 nói về Mẹ Lavang.

Hôm nay, "Sở Vườn Rào Kỷ" số 11, ông Trần Văn Trạng chủ biên, ở Madison AL cho biết: "Theo sách A Litanny of Mary của Ann, nguyên tác bằng tiếng Anh, từ trang 65 đến trang 70, bà đã viết về Ðức Mẹ lavang (Our LAdy of Lavang). Nói về bức tượng Ðức Mẹ Lavang bà cho rằng tương tự bức tượng "Ðức Bà chiến thắng" ở Paris, bên Pháp.

Cũng theo "Sở Vườn Rào Kỷ" thì trong báo Song Nguyệt Queen of All Hearts ở số tháng 3 và 4 năm 1995 có đăng hình nhà thờ Lavang và hình Ðức Mẹ giang xuôi hai tay, trên đầu có vòng ngôi sao, có tựa đề Vietnamese National Shrine our Lady of Lavang, (Linh địa quốc gia của nước Việt Nam, Ðức Mẹ Lavang) của cha Engene Lynch dòng Mong Pho, báo ra ở Mỹ. Linh mục này đã qua Việt Nam trước năm 1962 trong đoàn Cứu Trợ Công Giáo (Catholic Relief Service). Bài báo đã nêu vấn đề: Tại sao Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam dâng Lavang làm linh địa quốc gia?

Cũng trong tờ báo nói trên, tác giả Card Noark nói đến lòng tôn sùng Ðức Mẹ của người Việt với nhan đề: (Queen of Peace, Shrine recreated by the Vietnamese in the USA) Nữ Vương Hòa Bình, linh địa tái lập của người Việt trên đất Hoa Kỳ.

Ông Yres Chiron là một giáo sư lịch sử, ông viết về Ðức Mẹ hiện ra trên thế giới. Ông đã đến Việt Nam vào tháng 7 năm 1993 để tìm hiểu về Ðức Mẹ Lavang (1798), Ðức Mẹ Bình Triệu (1975), Ðức Mẹ Thủ Ðức (11-02-1993). Trong quyển Enquêtes sur les apparitions de la Vierge trang 112, ông đã viết về Ðức Mẹ Lavang như sau:

"Lavang, vào cuối thế kỷ XVIII, là một thôn xóm mất hút trong rừng nhiệt đới, cách Huế khoảng 60 cây số về phía Bắc. Từ năm 1773, thời kỳ Tây Sơn khởi nghĩa, Giáo Hội Công Giáo bị bắt bớ... Vì thế, người tín hữu phải ẩn trốn trong rừng già, về phía Bắc thành phố Huế. Tối đến họ tụ tập trong một cái chòi lụp xụp bằng gỗ để đọc kinh. Hình như họ có tạc một bức tượng Ðức Mẹ và cầu xin Người giữ gìn cho khỏi bị cọp bắt, vì chúng rất nhiều trong vùng, khỏi bị thổ tả bấy giờ đang hoành hành, và dĩ nhiên khỏi những cuộc ruồng bắt đạo. Một tối kia, sau khi họ đọc kinh xong, thì một bà ăn mặc toàn trắng, đầy hào quang bao quanh, bất ngờ hiện ra. Có hai thiên thần cầm đuốc quỳ chầu hai bên. Ai nấy đều nhận ra chính là Mẹ Maria... Rồi Mẹ cất tiếng nói dịu dàng mà ai nấy đều nghe rất rõ, nên họ lặp lại từ thế hệ này qua thế hệ khác: "Các con của Mẹ, những gì các con kêu xin Mẹ, Mẹ sẽ ban cho. Từ nay, tất cả những ai đến đây khẩn cầu Mẹ, Mẹ sẽ nhậm lời họ xin."

Khi hết cơn bắt đạo, người ta dựng một ngôi nhà nguyện, vào năm 1800, ngay nơi Mẹ hiện ra. Về sau, ngôi nhà nguyện này được biến thành những nơi thờ tự rộng lớn hơn. Cho đến khi hết giặc Ðông Dương, hàng ngàn người hành hương không những trong nước tuôn đến, mà lữ hành đến từ Ai Lao, Cao Mên nữa, để tham dự Ðại Hội Hành Hương ba năm một lần vào ngày 15 tháng 08 dương lịch." (trích trong bài: Tôi về dự đại hội hành hương Ðức Mẹ Lavang '96 của Phan Hữu Lộc ở Pháp).

Ghi lại một vài điều mà người ngoại quốc đã viết về linh địa Lavang không ngoài mục đích là muốn nói lên danh Mẹ Lavang đã được nhiều người trên thế giới biết đến và là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta vui mừng hãnh diện vì Ðức Mẹ đã khấn thương quốc gia dân tộc chúng ta nên đã hiện ra trên quê hương chúng ta để ban ơn cho dân Việt đã nhiều đau khổ qua bao thế hệ.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page