Thật ra, trong những người Công Giáo chúng ta, chỉ có một Ðức Mẹ là Ðức Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Nhưng chúng ta thường được nghe những danh xưng về Ðức Mẹ như Ðức Mẹ Lộ Ðức, Ðức Mẹ Fatima... vì ở những nơi mang danh xưng ấy Ðức Mẹ đã hiện ra.
Cũng thế, chúng ta gọi Ðức Mẹ La Vang, vì theo truyền thuyết thì vào năm 1798, dưới thời Vua Cảnh Thịnh ra lệnh bắt bớ những người theo đạo Thiên Chúa, Ðức Mẹ đã hiện ra một nơi có tên La Vang.
Vậy La Vang ở đâu? Ðức Mẹ đã hiện ra trong trường hợp nào? Thời xa xưa La Vang là nơi rừng rú hẻo lánh có nhiều cây "Lá Vằng", và thú dữ, nằm về phía tây Ðồn Dinh Cát về sau là tỉnh lỵ Quảng Trị khoảng 5 cây số và nằm về phía Bắc của Phú Xuân tức Kinh đô Huế khoảng 58 cây số. Theo địa bộ của làng Cổ Vưu được lập từ đời nhà Lê và được quản tu lại đời Gia Long có tên là Phường LÁ VẰNG vì nơi ấy có nhiều Lá Vằng, từ Lá Vằng đọc trại thành La Vang. Cũng có người cho rằng gọi là La Vang vì ngày xưa nơi rừng rú này có cọp beo và nhiều thú dữ khác nên mỗi lần các toán người đi làm củi ngang qua phải la vang lên để thú dữ tránh đi.
Còn việc Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang trong trường hợp nào thì theo truyền thuyết vào năm 1798 ngày 17 tháng 8, vua Cảnh Thịnh, con của Vua Quang Trung ra sắc dụ cấm Ðạo từ Phú Xuân đến Bắc Hà, lệnh cho tiêu diệt đạo Gia Tô, triệt hạ các Ðạo Ðường, Ðạo Quán và tróc nã các Ðạo Trưởng. Ðể tránh sự bắt bớ của quan quân Tây Sơn, Giáo Dân xứ Trí Bưu (Cổ Vưu) xứ Thạch Hãn v.v... đã trốn vào ẩn náu trong Phường Lá Vằng. Họ phá rừng làm rẫy, có người đã làm trại để giữ hoa màu. Theo truyền thuyết đêm đêm giáo dân thường họp nhau lại để đọc kinh lần chuỗi. Bỗng nhiên vào một đêm họ cùng nhìn thấy một người đàn bà đẹp, tay bồng cháu bé xuất hiện dưới gốc cây đa cổ thụ, có hai vị cầm đèn chầu. Họ nhận ra đó là Ðức Mẹ bồng Chúa Hài Ðồng, có hai thiên thần đứng chầu hai bên. Ðức Mẹ ngõ lời an ủi họ, bảo họ hái lá cây xung quanh mà uống sẽ được lành bệnh. Và hứa rằng ai đến cầu khẩn tại chốn này Ngài sẽ ban ơn. Sau đó Ðức Mẹ còn hiện ra với họ nhiều lần nữa.
Năm 802, Vua Gia Long thống nhất Sơn Hà. Việc Ðạo tạm yên. Sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang được truyền miệng khắp các xứ Ðạo vùng Dinh Cát (Quảng Trị). Cũng theo khẩu truyền thì trước năm 1885, La Vang đã có một nhà thờ tranh kính Ðức Mẹ, nhưng vào ngày 4 tháng 8 năm 1885, cha con ông Mẹo dựa thế Văn Thân phóng hỏa đốt cháy.
Từ đó, La Vang một danh xưng bắt đầu quen thuộc và trìu mến của Giáo phận Huế, rồi nhanh chóng vang danh khắp Việt Nam. Năm 1886 Ðức Cha Gaspar (Lộc) cho xây đền thờ và sau 15 năm mới hoàn tất. Ðại Hội đầu tiên được diễn ra vào ngày 8 tháng 8 năm 1901. Bổn mạng của Thánh Ðường La Vang là: "Ðức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu". Ðức Giám Mục qui định cứ 3 năm mở Ðại Hội một lần, ba ngày trong tuần lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tục lệ này vẫn được tôn trọng và thi hành cho đến ngày hôm nay. Ðại Hội lần thứ 24 đã diễn ra tháng 8 năm 1996 và hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798-1998).
Tôma Thiện Vô Tư
Quí giáo hữu muốn
tìm hiểu sự tích Ðức
Mẹ La Vang hiện ra như thế nào,
xin đón đọc:
VỀ BÊN MẸ LA VANG
của Bùi Văn Giải
sắp xuất bản nay mai.