Hồi Ký Lao Ðộng

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ước mơ kiếm tiền bằng con đường đi lao động tại nước ngoài là điều mong mỏi của tất cả những ai có trí thức và kỹ thuật, bởi vì điều kiện kinh tế, nhà máy trong nước chưa đáp ứng nhu cầu lao động hiện tại của Việt Nam. Nhiều người Việt Nam từ 20 - 35 tuổi chưa có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định hoặc có thu nhập về kinh tế thất thường. Cơn sốt đi lao động xuất khẩu để kiếm tiền, đặc biệt là đi lao động tại Ðài Loan, đang là vấn đề thời sự nóng hổi tại Việt Nam. Tại các xí nghiệp, công ty, tại các quán ăn, nhà hàng, cho tới các vùng quê xa thành phố, đâu đâu cũng thấy người ta trao đổi bàn luận về vấn đề đi Ðài Loan, nào là công ty này tuyển, công ty kia tuyển, và cũng từ đây, hàng loạt dịch vụ môi giới tư nhân đứng ra môi giới để kiếm tiền nơi người cần đi lao động. Những tư nhân "ma" này núp dưới các hình thức như: người nhà của giám đốc công ty môi giới nọ kia; Suất ưu tiên của trưởng phó phòng v.v.... Qua kinh nghiệm của người viết, hiện tại có bốn dạng tuyển công nhân đi lao động như sau:

 1. Tuyển theo luật nhà nước: Nộp hồ sơ vào công ty xuất khẩu lao động của nhà nước, và phải chờ đợi một thời gian rất là dài vì bị chen ngang chen dọc, hết các lượt chen này, sau đó khi tới lượt mình thì muộn rồi, có thể sẽ phải chờ đợt khác.

 2. Nộp hồ sơ vào theo đúng điều lệ của công ty tuyển: Nếu có sự quen biết dẫn dắt trong công ty và họ sẽ xếp vào danh sách hồ sơ được tuyển và có điều kiện trúng tuyển. Việc này rất dễ trúng tuyển vì biết trước được ngành nghề và số lượng được tuyển.

 3. Qua các cò trung gian: Các cò trung gian đưa đến một người cò chân tay công ty môi giới, và đăng ký dự tuyển, còn tuyển bao giờ và ra sao thì chưa rõ lắm và đang còn chờ đợi.

 4. Qua các tư nhân lợi dụng: Một số tư nhân lợi dụng được nhà nước báo có lấy danh nghĩa là người nhà giám đốc nọ, trưởng phòng kia rồi bảo với người lao động là đảm bảo chắc chắn 100%. Thu của người lao động 2 đến 5 "vé" mỗi người để gọi là đặt cọc, còn thực tế thì họ chiếm dụng vốn, quan hệ được thì xơi cả, không được thì bảo là từ từ vì chưa có đợt, sau đó nếu người lao động làm căng quá thì trả lại 50% tiền với lý do là phải trừ đi chi phí đi lại quà cáp nước nôi v.v...

 Những người trúng tuyển thì phải đóng "phần mềm" trước, ngoài "phần chính thức" theo tiêu chuẩn nhà nước, ít nhất là 500 USD, nhiều nhất là 1,000 đến 1,500 USD, (thậm chí còn có những lúc phải lên tới 3,500 USD mới đủ), chưa kể tiền đi lại ăn uống mấy tháng trời cực nhọc. Ðược trúng tuyển, như thế là mừng rồi, vì được đi lao động, sẽ có tiền bù vào, sau sáu tháng đầu một năm làm việc. Còn có những người chưa trúng tuyển thì phải chờ đợi, đi lại không biết bao nhiêu lần, chi phí các khoản phụ càng ngày càng tốn kém, ít nhất là mất 3 triệu, còn nhiều thì tới 10 triệu, cả tiền ăn ở, học tiếng và đi lại. Ðôi lúc phải trở về nhà với sự ấm ức trong lòng, và lại còn nợ nần không nhỏ. Từ chuyện nợ nần tới chuyện kinh tế khủng hoảng trong gia đình, từ đó biết bao nhiêu chuyện khác còn xảy ra... tất cả cũng chỉ vì cái nghèo... Ai gây nên cảnh nầy, thứ nhất vì cái nghèo muốn đổi đời; thứ hai vì xã hội đang bị lũng đoạn dưới nhiều hình thức như tham ô, móc ngoặc hoặc lừa đảo...; thứ ba vì những người này chưa thực sự có kiến thức về xã hội và luật pháp cho nên bị lừa vào con đường "môi giới ma" dẫn đến tiền mất tật mang.

 Nỗi vui mừng vì được trúng tuyển chưa được trọn, thì những người được đưa tới Ðài Loan làm việc, phải khởi sự đối đầu với bao khó khăn và vất vả mới. Công việc hoàn toàn mới lạ đối với tất cả mọi công nhân Việt Nam tại Ðài Loan. Những giờ tăng ca hằng ngày làm mọi người rất mệt nhọc. Sau những ngày làm việc tan ca về phòng, lại vấn đề ăn ngủ khác thường với giờ giấc, đêm làm ngày ngủ v.v.... Thức ăn của người Ðài chưa quen khẩu vị với người công nhân Việt Nam... Lại còn vấn đề phòng ngủ ở ký túc xá: thông thường 4 đến 10 người ở một phòng nhỏ, có những nơi 30 đến 40 người một phòng lớn, có người mệt quá muốn ngủ sớm, có những người lại thích xem tivi, có người nhớ nhà lại khóc thút thít.... Trong cuộc sống lại dễ có những bất đồng nho nhỏ, kẻ thích chổ nầy, người thích chỗ kia thật là phức tạp. Ðã có những mâu thuẩn nho nhỏ bắt đầu xảy ra trong những nhóm Việt Nam với nhau, có những hiểu lầm cá nhân đã làm cho tình liên đới yêu thương bị sứt mẻ. Người viết thiết nghĩ, chúng ta nên hoà hợp với nhau, anh chị em có gì không vừa ý mình nhẹ nhàng góp ý bảo nhau, mỗi người cần có sự ý thức trong cuộc sống tập thể, nhường nhịn nhau để sống và giúp nhau để làm việc tốt hơn. Ðừng vì những cái nhỏ hoặc vài sự hiểu lầm mà dẫn đến mâu thuẫn, nhẹ thì cãi nhau, lớn hơn một tý thì gây lộn xộn đánh nhau, hoặc tố cáo nhau. Ước chi những điều không hay này sẽ không xảy ra nữa vì như thế chỉ làm chủ hiểu lầm người Việt Nam, như đã có những trường hợp công nhân bị trả về nước, khi hiểu ra thì đã muộn rồi.

 Người viết thiết nghĩ, anh chị em công nhân Việt Nam sang Ðài Loan làm việc đã phải chịu nhiều vất vả về thi tuyển, làm thủ tục, công việc đang làm lại rất mệt nhọc, chúng ta nên tìm cách để an ủi nhau và tạo tinh thần yêu thương giúp đỡ nhau. Không nên gây thêm những khó khăn cho nhau. Chúng ta cần phải đoàn kết đùm bọc và qúy trọng nhau, giúp nhau trong cuộc sống và công việc, động viên nhau về tinh thần và cùng vui tươi giải trí lành mạnh với nhau, cùng nhau trao đổi tâm tình mỗi khi có những ngày nghỉ hoặc chủ nhật, như thế chúng ta thắt chặt tình đoàn kết dân tộc và cùng nhau hướng về một tương lai tươi sáng và hạnh phúc.

 Chúc các bạn xa gần đang lao động tại Ðài Loan những điều tốt đẹp nhất về tình cảm trong cuộc sống và công việc. Hẹn gặp các bạn trong các dịp vui vào những ngày nghỉ cuối tuần.

 Ðêm Ðài Loan 2/9/2000
Nguyễn Hoàng Anh
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page