Những lề lối làm ăn thiếu minh bạch
và sai nguyên tắc của
một công ty Xuất Khẩu Lao Ðộng Việt Nam
đưa đến hậu quả làm mất thể diện
Công Nhân Việt Nam tại đảo Samoa

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Những lề lối làm ăn thiếu minh bạch và sai nguyên tắc của một công ty Xuất Khẩu Lao Ðộng Việt Nam đưa đến hậu quả làm mất thể diện Công Nhân Việt Nam tại đảo Samoa.

 Samoa - November 2000 - Theo những tin tức mới nhất từ American Samoa, nguyên nhân chính đưa đến nạn bóc lột công nhân Việt Nam tại xưởng may Daewoosa là do những lề lối làm ăn thiếu minh bạch và sai nguyên tắc của một công ty Việt Nam đưa đến hậu quả làm mất thể diện người Việt tại một nước ngoài cũng như đã tạo cơ hội cho những công ty khác cạnh tranh và loại trừ mình ra khỏi thị trường. Trên nguyên tắc, sự cạnh tranh trên thương trường tự do là một sinh hoạt được bảo vệ tuyệt đối. Tuy nhiên những hoạt động chuẩn bị đưa đến việc thành lập công ty Morgan Cooper, ngay trong khoảng thời gian vụ kiện cáo xưởng may Daewoosa đang xẩy ra và chưa ngã ngũ, đã cho thấy rằng lề lối làm ăn kém nguyên tắc và, nhất là thái độ hà hiếp và bóc lột kẻ dưới của những chủ nhân ông Việt Nam, đã tạo lý do và cơ hội cho nhưng công ty cạnh tranh loại trừ ra khỏi thương trường. Ðiểm đáng đặc biệt chú ý ở đây là kẻ thừa nước đục thả câu và phỗng tay trên Daewoosa và đối tác Việt Nam lại chính là ông Ðàn Anh Vĩ Ðại Trung Cộng.

 Trong khi vụ kiện cáo hãng Daewoosa Samoa và số phận của 300 công nhân Việt Nam (xuất khẩu lao động từ Việt Nam) còn chưa ngã ngũ và nội vụ vẫn nằm tại Tòa Án Tối Cao tại quần đảo American Samoa, thì một công ty may mặc của người Do Thái, có trụ sở tại New York, vừa được cấp môn bài và giấy phép hoạt động tại quần đào này dưới danh hiệu Morgan Cooper American Samoa, Inc. Ðược biết công ty may này hiện đang hoạt động tại Thượng Hải với một đối tác Trung Cộng là Oriental International. Những nguồn tin mới nhất còn tiết lộ rằng công ty Morgan Cooper nay đã ngỏ ý muốn mua lại Daewoosa và nếu nghiệp vụ này được chấp thuận, có nhiều triển vọng tất cả số công nhân Việt Nam sẽ bị sa thải và trả về Việt Nam, vì Morgan Cooper đã ra giá mua cơ sở và máy móc của Daewoosa và sẽ đem một số công nhân từ Trung Quốc vào để thay thế khối lượng công nhân Việt Nam nói trên.

 Công ty Daewoosa là một xưởng may do một doanh nhân người Ðại Hàn thiết lập và hoạt động tại American Samoa. Theo sự tiết lộ của các vị luật sư đại diện cho khối công nhân người Việt, doanh nhân Ðại Hàn tên Kil- Soo Lee là người đã có những lề lối quản trị bóc lột công nhân Việt Nam. Toàn bộ khối công nhân người Việt đã do Công ty Du lịch 12, có trụ sở tại Hà Nội cung cấp, qua một hợp đồng xuất khẩu lao động do Daewoosa ký kết với Công ty Du Lịch 12. Theo những tin tức riêng, công ty Daewoosa bắt đầu hoạt động tại American Samoa vào khoảng tháng 3/1999 và có ký hợp đồng với Công ty Du lịch 12 của Tổng Cuộc Du lịch Việt Nam đặt trụ sở tại Hà Nội để công ty Việt Nam này cung cấp nhân công cho xưởng may của Daewoosa tại American Samoa. Theo quy chế "Lãnh thổ Hoa Kỳ", những công ty sản xuất hàng hóa tại American Samoa được quyền dán nhãn hiệu "Made in USA" trên sản phẩm của mình và đem phân phối tự do trên nội địa Hoa Kỳ không hạn chế số lượng và không bị đóng thuế quan nhập cảng.

 Theo nguồn tin trên, gia đình mỗi công nhân Việt Nam được tuyển dụng và cấp giấy phép và thông hành qua American Samoa làm việc đã phải đóng một số tiền từ 5 đến 7 ngàn Mỹ kim cho Công ty Du lịch 12. Những người công nhân này đã được hứa hẹn một số lương hàng tháng khoảng từ 700 đến 1,000 Mỹ kim, do đó họ hy vọng sẽ dành dụm được một số vốn nhỏ sau khi trang trải món nợ lớn cho công ty du lịch nói trên. Khi sang American Samoa, họ mới ngã ngửa ra rằng số lương được nhận lãnh ít hơn số đã hứa rất nhiều. Ngoài ra, họ còn bị công ty khấu trừ thêm khoảng 150 Mỹ kim mỗi tháng mà không được công ty giải thích là số tiền này được dùng vào những việc gì. Bốn công nhân người Việt đã mạnh dạn đình công để phản đối cách trả lương bóc lột của chủ nhân và sau đó đã bị công ty vận động với giới hữu trách địa phương để tống giam và hăm dọa trục xuất họ về Việt Nam. Do sự can thiệp kịp thời của Bộ Lao động Liên Bang Hoa kỳ cho nên bốn người này được bảo vệ chống lại những hành vi trả đũa của giới chủ nhân.

 Vào khoảng giữa năm 1999, Bộ Lao Ðộng Liên Bang Hoa Kỳ đã phái một đoàn Thanh tra Lao Ðộng từ Hawaii phái sang điều tra và ký lệnh bắt công ty Daewoosa bồi hoàn trên 350,000 Mỹ kim lương và giờ phụ trội truy lãnh cho 230 nhân công Việt Nam. Giới chủ nhân công ty đã không thi hành những điều cam kết với Bộ Lao động Hoa Kỳ về việc bồi hoàn lương bổng truy lãnh do Bộ ấn định, đưa đến việc công nhân Việt Nam đã làm đơn kiện công ty trước tòa án địa phương. 9 công nhân người Việt có tên trong đơn kiện cũng bị công ty âm mưu cấu kết với một số giới chức địa phương để tìm cách trục xuất về Việt Nam. Những cuộc vận động này đã đưa đến việc luật sư phải xin án lệnh của tòa án địa phương cấm chỉ công ty không được trục xuất công nhân Việt Nam về nước nếu không có phép của tòa và sự đồng ý của luật sư đại diện cho phía công nhân.

 Cho đến nay đã có trên 100 công nhân Việt Nam tham gia vụ kiện và Tòa đã chấp thuận chỉ danh vụ kiện như một vụ kiện theo tố quyền tập thể để bảo vệ cho toàn thể số lượng công nhân Việt Nam đã và đang làm việc cho công ty Daewoosa. Ðơn kiện này cũng đã gây rắc rối cho những công nhân Việt Nam từ phía những người Việt đại diện cho ban giám đốc Công ty Du lịch 12 có mặt trên đảo. Những người Việt cai thầu này đã có những hành động áp lực sách nhiễu và đe dọa công nhân có tên trong danh sách những công nhân người Việt đứng đơn kiện và đã đe dọa họ về những "hậu quả" đối với hành vi bi coi như chống phá công ty. Giới chủ nhân đã tịch thâu giấy tờ căn cước và thông hành của các công nhân sống trong khu nhà tập thể, và gia đình của họ tại Việt Nam đã bị nhân viên công ty du lịch 12 sách nhiễu vì đã có con cái thuộc thành phần "chống đối".

 Kể từ khi công nhân người Việt lên tiếng khiếu nại lề lối quản lý bóc lột của giới chủ nhân, họ đã bị cấm làm việc, do đó không nhận được những khoản lương bổng và phụ cấp ăn uống theo hợp đồng. Họ còn bị giam giữ trong khu nhà tập thể dành cho họ và bị bỏ đói, do đó mới xẩy ra những trường hợp họ phải trốn ra ngoài để tìm cách đi làm mướn lấy tiền độ nhật cũng như để đi bẻ hái rau và hoa quả tại các vườn rau của dân địa phương để ăn. Một số người khác đã lẻn ra ngoài để đi làm việc "chui" tại những nhà may nhỏ của người địa phương để kiếm tiền gởi về nước trả món nợ giấy phép xuất ngoại cũng như để có tiền mua lương thực sống qua ngày. Nhưng sau đó, vì bị cạnh tranh nghề nghiệp cho nên những người địa phương đã phản đối việc công nhân người Việt đi làm ở ngoài và từ đó những nhà may địa phương không còn thuê người Việt nữa. Những sự bất bình của dân chúng và chính quyền địa phương đối với công nhân người Việt tại Daewoosa có nhiều nguyên nhân. Hiện nay, theo những sự tường thuật của báo chí địa phương thì dư luận quần chúng tại quần đảo American Samoa đã tỏ ra chống đối sự hiện diện của số người Việt Nam vì những hành động họ cho rằng làm mất trật tự công cộng như đi bẻ hái rau tại các trại vườn của người địa phương và trốn ra khỏi khu tập thể để đi ngoài đường xin việc làm để sống qua ngày. Tuy nhiên một số người địa phương cũng đã xác nhận rằng người Việt đã có xin phép họ trước khi hái rau.

 Ngoài ra, một hiện tượng khác cũng được báo chí nêu lên như một vấn đề xã hội nan giải là sự kiện có rất nhiều trường hợp nữ công nhân được phát hiện là đã mang thai trước khi đến làm việc và sau đó đã sanh con trên đảo. Vì đảo thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ cho nên những đứa trẻ này được hưởng quy chế kiều dân Hoa Kỳ. Vấn đề quốc tịch của những đứa trẻ như nói trên sẽ đưa đến một khó khăn lớn sau này là việc hồi hương những người mẹ sau khi mãn hạn hợp đồng cũng sẽ đặt ra vấn đề quyền di trú của những đứa con trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Mặt khác, do đơn yêu cầu của luật sư đại diện cho công nhân người Việt, tòa đã bắt buộc công ty phải thâu nhận lại ba nữ công nhân đang mang thai sau khi công ty đã tìm cách đuổi ba nữ nhân viên này vì họ có đứng tên trong danh sách những người làm đơn kiện công ty. Công ty đã nại cớ tình trạng mang thai của ba nữ công nhân này để không cho họ tiếp tục làm việc tại xưởng may.

 Sự kiện những vấn đề được nêu lên và chiều hướng tường trình và bình luận của báo chí địa phương xoay quanh trường hợp của khối công nhân người Việt vào cùng thời điểm với những cuộc vận động của công ty Morgan Cooper nhằm thiết lập một xưởng may cạnh tranh với Daewoosa đưa đến một số nhận xét về lề lối làm ăn "đem con bỏ chợ" của các công ty Xuất Khẩu Lao Ðộng Việt Nam. Một số người Việt tại Hoa Kỳ hiện đang theo dõi vụ kiện tại American Samoa đã đưa ra ý kiến rất xác đáng rằng đây không phải là một sự tranh chấp có tính cách kỳ thị giữa người Ðại Hàn và Việt Nam mà hoàn toàn là một trường hợp bóc lột lao động và vi phạm nhân quyền của giới công nhân do lòng tham của giới chủ nhân chủ trương, bất luận sắc tộc của những người liên hệ. Ngay đối với công ty Morgan Cooper, cũng không thể có đủ yếu tố để quy trách công ty này về quyết định thiết lập một xưởng may của họ tại American Samoa và đưa công nhân người Hoa vào thay thế công nhân người Việt. Có thể đó là một quyết định đúng lúc để nắm bắt một thời cơ kinh doanh. Ðiểm đáng nêu lên ở đây là sự kiện những người liên hệ đến công ty Daewoosa đã làm hỏng một cơ hội kinh doanh vì lòng tham.

 Nhận xét đáng nêu lên ở đây là chính lề lối làm việc bóc lột và thái độ hà hiếp giới công nhân thấp cổ bé miệng của những giới chức trong ban giám đốc thuộc công ty Daewoosa cũng như Công ty Du Lịch 12 đã là nguyên nhân đưa đến việc công ty này có thể bị một công ty cạnh tranh loại ra khỏi một thị trường thuận lợi. Ðiểm đáng buồn là không biết số phận những công nhân người Việt bị mọi phía bóc lột sẽ đi về đâu sau khi công ty Daewoosa bi đóng cửa.

 Nguyễn Quốc Cường
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page