CHUYỆN BUỒN CUỘC ÐỜI
CỦA MỘT OSHIN VIETNAM

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Khoảng cuối tháng 10 năm 1999, nhóm công nhân Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu đến Ðài Loan để làm việc trong các công trường hay xí nghiệp. Cũng tiếp sau đó ít tuần lễ, báo chí và truyền hình Ðài Loan cũng ồ ạt đăng tải các tin tức về nhóm giúp việc gia đình (đầy tớ) đầu tiên đến Ðài Loan để phục vụ trong các gia đình. Cũng từ ngày đó, những trung tâm phục vụ xã hội của Giáo Hội Công Giáo tại Ðài Loan bắt đầu bận rộn hơn để giúp giải quyết những vấn đề bất công xảy ra đối với các công nhân cũng như các đầy tớ người Việt Nam. Nào là bị chủ hiếp dâm, nào là bị chủ đánh đập, nào là làm việc quá mệt quá nhiều giờ mà không được nghỉ ngơi... nào là ngày làm 18 tiếng mà lương hằng tháng bị trừ gần hết chẳng còn bao nhiêu đồng không đủ để tiêu, hoặc muốn mượn tiền để trả nợ bên Việt Nam, v.v.... Một điều đáng để ý, những người được tuyển qua Ðài Loan trong những đợt đầu thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội: có những người là thân nhân của những cán bộ đảng, có những người xuất thân từ gia đình có anh chị em đã từng là hiệu trưởng trường Ðại Học, là giáo sư.... nhưng cho dù thuộc vào thành phần nào, qua tới Ðài Loan cũng chỉ là những công nhân, những người đầy tớ phục vụ như nô lệ. Hằng ngày với những tiếng khóc, những nỗi buồn khổ, oan ức... cũng có những lời cầu cứu tới Văn Phòng Ðại Diện Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam tại Ðài Bắc, nhưng thường thì chỉ nhận được một câu trả lời: "không muốn làm thì về nước thôi." Nỗi tủi nhục, nỗi oan ức, rồi chỉ biết viết nên thành lời tâm sự và đưa vào kỷ niệm... Sau đây chúng tôi ghi lại những lời tâm sự của một nữ đầy tớ Việt Nam tại Ðài Loan. Tên tuổi và nơi chốn đã được thay đổi để bảo vệ cho sự an toàn của người kể.
 
 

CHUYỆN BUỒN CUỘC ÐỜI
CỦA MỘT OSHIN VIETNAM

Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa soi gối chiếc nửa soi dặm trường

 Thuở còn thơ nghe ngoại kể rằng, khoảng năm 1964 cảnh đói nghèo lan tràn khắp cả tỉnh nơi ngoại tôi sinh ra và lớn lên. Lúc ấy ngoại tôi chỉ còn mẹ tôi vì cậu tôi đã hy sinh thời chống Pháp. Bà và mẹ tôi đã phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đưa nhau lên vùng rừng núi khai hoang canh tác kiếm của nuôi sống qua ngày.

 Vì nhà ngoại tôi nằm ngay bên cạnh quốc lộ nhà lại đơn neo chỉ có hai mẹ con nên vào năm 1966 có một đơn vị thông tin liên lạc đã đóng tại nhà ngoại tôi để trực máy bộ đàm. Trong thời gian này mẹ tôi, là cô gái mới lớn với tình yêu trong trắng đã yêu thương bố tôi là trưởng đoàn K 5 thông tin lúc đó. Tình yêu của họ tự nhiên và trong sáng đến từ hai trái tim muốn yêu thương và được yêu như bất cứ một đôi trai gái nào yêu nhau trên trần gian này. Kết quả của tình yêu này là mẹ tôi đã mang thai tôi.

 Dư luận vốn vô tâm và vô trách nhiệm. Hơn nữa cái cảnh không chồng mà bụng mang dạ chửa trong thời đó quả là điều không thể chấp nhận được. Ngoài ra con người vốn thích nghe lời đồn đãi và thích nhìn thấy người khác lầm lỗi để giễu cợt và tự cảm thấy mình tốt hơn lên một chút. Tàn ác hơn nữa là chính sách ?tam khoan? vô nhân lúc ấy nên bố mẹ tôi đã phải âm thầm chịu muôn ngàn đắng cay khổ cực. Mẹ tôi vì yêu thương bố tôi nên đã không tố cáo để bố tôi khỏi bị kỷ luật và khai trừ khỏi đảng nên đã hy sinh một mình gánh chịu muôn đau ngàn đắng của miệng đời gièm pha và trải qua bao nhiêu cuộc điều tra khủng bố. Ngay sau này khi bố tôi đã chuyển đi nơi khác rồi mà cấp trên vẫn cho người đến điều tra mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi một mực chối từ và khẳng định cái thai mình mang không phải là của bố tôi.

 Ngày tháng nặng nề trôi qua rồi ngày 16 tháng 7 năm 1967 tôi đã sinh ra đời. Nhưng sợ liên luỵ nên mẹ tôi cùng ngoại lại một lần nữa đang đêm bế tôi bỏ trốn quay về làng cũ của ngoại tôi. Ở đây một mình thân cò lặn lội mẹ tôi đã bươn chải nuôi tôi khôn lớn nhưng trong lòng vẫn không nguôi niềm thương nhớ bố tôi. Tôi chưa hề thấy nơi mẹ tôi có được một nụ cười trọn vẹn, một niềm vui tròn đầy.

 Mãi đến năm 1982 mẹ tôi mới dẫn tôi về thăm lại quê cũ nơi tôi được sinh ra. Ở đây mẹ tôi gặp lại một người bạn gái thuở xưa là cô Hiền. Khi thấy tôi cô đã ôm chầm lấy tôi và bảo; "Ðây là con của anh Tiến bộ đội ngày xưa." Rồi cô kể rằng sau ngày giải phóng năm 75, bố tôi có trở lại và tìm đến gia đình của cô ấy. Nhưng cô ấy đã theo chồng vào trong Nam nên không gặp được mặt bố tôi. Trong nước mắt nghẹn ngào cô kể tôi nghe về mối tình đẹp của bố mẹ tôi. Cô bảo bố tôi là một người rất tốt và tôi giống bố như lột từ nuớc da, khuôn mặt đến ngay cả nụ cười cũng chẳng khác chi. Rồi cô hứa nếu bố tôi có trở lại cô sẽ cho bố tôi biết nơi ở của mẹ con tôi để gia đình được đoàn tụ xum họp.

 Từ ngày đó trong lòng tôi luôn khấn nguyện Trời Phật độ trì để bố con tôi có ngày được gặp mặt nhau. Riêng mẹ tôi vẫn âm thầm chịu đựng, chôn nỗi đau khổ trong tận trái tim của bà và dồn hết tình thương vào việc chăm lo cho tôi. Còn tôi không lúc nào mà không mơ ước là sẽ có ngày được gặp mặt bố tôi. Từ đó hễ gặp ai là bộ đội thuộc ngành thông tin là tôi dò hỏi tin tức về bố tôi. Nhưng tin tức về bố tôi vẫn cứ biệt tăm.

 Hai năm sau tôi lại lên thăm cô Hiền lần nữa. Cô Hiền cho tôi biết cô có người cháu hiện đang ở trong Nam và người cháu này có gặp một người bộ đội cũng từng đóng quân nơi mà ngoại tôi và mẹ tôi sinh sống lập nghiệp và ông hiện mang quân hàm thiếu tá ban thông tin ở Hà Nội. Tôi mừng lắm vì đã có chút manh mối, một chút ánh sáng le lói ở cuối đường hầm. Dù rất mừng nhưng tôi không biết tìm cha tôi bằng cách nào vả lại "cái khó nó bó cái khôn" nên tôi chỉ còn biết hy vọng và chờ đợi.

 Thế rồi năm 1987 tôi phải bỏ dở việc học hành vì hoàn cảnh nhà quá nghèo không đủ tiền mua chiếc xe đạp làm phương tiện đi học. Sau đó không bao lâu tôi lấy chồng rồi vì lo lắng gầy dựng gia đình mới nên tôi không còn giờ để lo việc tìm kiếm cha tôi nữa dù trong lòng vẫn canh cách như một món nợ trong đời chưa trả xong.

 Cũng may chồng tôi có người anh họ làm trung tá của phòng tuyên huấn của quân chủng phòng không không quân hiện đang công tác tại Hà Nội và tôi đã nhờ anh giúp tôi tìm người cha mà từ ngày sinh tôi chưa hề gặp mặt.

 Người anh họ này đã nhờ các bạn bè thuộc lính truyền tin tìm hộ tung tích của bố tôi nhưng tìm mãi cũng không có manh mối tin tức gì về bố tôi vì ông đã về hưu lâu rồi. Cuối cùng người anh họ của chồng tôi tìm ra một người có cùng tên với bố tôi chỉ khác tên đệm mà thôi. Ông cũng là bộ đội ngành thông tin. Bố tôi tên là Nguyễn Như Tiến trong khi ông bộ đội này lại tên là Nguyễn Ðăng Tiến. Thật chuyện đời nhiều khi huyền diệu không ai hiểu thấu. Có ai ngờ thời chiến ông bộ đội này lại thuộc quyền cha tôi nên đã được cha tôi mang chuyện đời tư của mình tâm sự với ông rất nhiều. Khoảng những ngày cuối năm 1997 ông về thăm quê tôi. Lúc ấy tôi cứ ngỡ ông ta chính là bố tôi. Sau khi chuyện trò trao đổi với mẹ tôi, ông hứa sẽ trở về Hà Nội và tìm cho ra bố tôi.

 Về Hà Nội ông đã giữ lời hứa là tìm những người lính ban thông tin hay bạn bè của bố tôi ngày xưa hiện đã về hưu sống ở Hà Nội để tìm ra manh mối của bố tôi. Ông ta đã tìm ra hồ sơ và thu tập những tấm hình mà họ còn giữ được về thời gian bố tôi đóng quân tại nhà bà ngoại và gửi về quê cho mẹ tôi để nhận diện mặt bố tôi. Không biết do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là phép lạ mà mẹ tôi đã nhận ra trong số những tấm hình đó có một tấm mà ngày xưa bố tôi có tặng cho mẹ tôi khi họ còn bên nhau. Nhưng trong thời loạn ly nhà tôi bị cháy nên tấm hình đó đã không còn nữa. Tôi mừng như người bệnh nằm chờ chết nay bỗng mạnh khoẻ lại và hết sức vui vì tin rằng ngày gặp mặt bố sẽ không còn xa nữa.

 Chú Tiến (vì chú nhỏ tuổi hơn bố tôi), là bộ đội thuộc cấp của bố tôi ngày xưa, khi gặp lại tôi lần nữa thì có nói với tôi rằng bố tôi là cán bộ chính trị nên chú sẽ điện và viết giấy mời gửi đến tất cả các cán bộ lão thành ngành truyền tin về Hà Nội vào khoảng đầu năm 98 để họp mặt giải quyết về vụ xum họp gia đình của tôi.

 Nhưng oan trái thay, khi bố tôi nhận được điện thoại và biết tin về mẹ con tôi thì ông đã choáng váng mặt mày rồi bị nhồi máu cơ tim đứt mạnh máu và không nói được một lời nào. Bạn bè của bố tôi vội đưa ông vào bệnh viện và chỉ 3 ngày sau đó ông từ giã cõi đời chôn chặt nỗi khổ đau của một kiếp sống đơn côi và lạnh lẽo xuống tận đáy huyệt sâu. Vì chú Tiến lúc đó đang đi công tác ở nước ngoài nên hoàn toàn không biết chuyện gì đã xẩy ra cho bố tôi. Khi trở về thì mới biết tin bố tôi đã không có mặt trong ngày họp và đã mồ yên mả dầy. Chú rất buồn và thương cho số phận của tôi sao phải chịu quá nhiều khổ đau. Khoảng gần hai tháng sau ngày bố tôi mất, chú Tiến đã đích thân lái xe về quê đưa mẹ con tôi lên thăm phần mộ của bố tôi nay cỏ đã mọc xanh rì. Tôi ôm nấm mộ của bố khóc ngất và chỉ nói được một câu: "Bố ơi! Có phải bao nhiêu năm trời con mong đợi ngày bố con mình gặp nhau là đây phải không bố?" Rồi tôi ngất đi. Khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong nhà của bố tôi. Nhìn lên bàn thờ chỉ thấy khói hương nghi ngút trước di ảnh phóng lớn của bố tôi trên ngực áo đỏ rực những huy chương và quân hàm nhưng chúng có ý nghĩa gì đối với tôi lúc này.

 Trước đây có những lúc tôi rất hận bố tôi vì nghĩ giờ này ông đã có một mái gia đình đầm ấm bỏ rơi mẹ con tôi côi cút chịu đời đắng cay. Nhưng tôi có biết đâu bố tôi vẫn giữ tấm lòng thuỷ chung với mẹ tôi. Ông sống cô độc và ôm mối hận suốt đời vì đã bỏ rơi mẹ con tôi. Sau này ông có vào một viện mồ côi và xin một đứa con nuôi và đặt tên cho đứa bé là Chung Thuỷ.

 Tôi thương cho số phận của bố mẹ tôi vì ai mà phải đau khổ lận đận suốt cả cuộc đời. Tôi thương cho chính thân phận mồ côi của tôi không hề được gặp mặt bố dù chỉ một lần trong đời.

 Hiện nay tôi đang làm thân phận Oshin (đầy tớ) nơi xứ người. Tôi chợt nghĩ những hy sinh của bố có ích gì không? Những khổ đau của mẹ có lợi gì nhỉ? Rồi tôi tự hỏi còn bao nhiêu gia đình nữa cũng lâm vào hoàn cảnh như của gia đình tôi. Rồi tôi chỉ biết thầm nguyện cùng Trời Phật ban cho họ gặp may mắn hơn gia đình chúng tôi là được đoàn tụ, xum họp và hạnh phúc bên nhau để bù lại bao năm dài dặc đợi trông trong đau khổ và nước mắt.

 Viết lại theo lời kể của một Oshin Việt Nam
Nguyễn Ý
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page