21. Làm Thế Nào Ðể Phát Huy

Văn Hóa Dân Tộc Việt

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Những bài sau đây đều nhằm trả lời câu hỏi "Làm thế nào để phát huy văn hóa dân tộc Việt". Nhưng vì viết vào những lúc khác nhau nên coi như những bài khác nhau với một vài điều lập lại. Nay xin cho in chung để làm đề tài thảo luận:

- Việt Linh Kinh Thế

- Kế hoạch bốn điểm.

- Tổ ấm.

- Cơ chế Việt Linh.

I. Việt Linh Kinh Thế

1. Tôi ước mơ một Việt Nam linh thiêng bao gồm cả quê nội lẫn hải ngoại: trong ngoài gắn bó nhau bằng mối tình tương trợ tương thân, bằng yêu thương đùm bọc được hiện thực qua những công tác văn hóa xã hội trường kỳ.

Tôi ước mong hễ đâu có người Việt thì đấy có những hội họp nhau thành xóm thành làng để cùng nhau trao đổi về văn hóa dân tộc, để trẻ em có dịp nói tiếng Việt, học về văn hóa theo những bài bản phát ra từ một trung ương.

Tôi ước mơ thấy một tổ chức chuyên lên sổ những việc cần được làm để cho cộng đồng Việt Nam lên mạnh và tìm cách hiện thực những việc đó, thí dụ một tờ báo ngoại ngữ để nói lên quan điểm của người Việt hay những sách quốc gia cần đặt vào trong các thư viện chung.

2. Tôi ước mơ thấy một tổ chức chuyên lo khai quật những giá trị tinh thần của tổ tiên để biên ra thành bài bản đặng trao truyền lại cho các thế hệ tương lai.

Tôi ước ao thấy một tổ chức người Việt chuyên lo gắn bó lấy nhau giúp nhau hiện thực những ích chung cho dân cho nước.

Tôi ước mong ngày kia khi nước nhà được tự do thì những người hải ngoại về thăm quê nội tay đầy quà của những người ra đi đem về biếu bà con ở lại. Trong đám quà đó có "Bộ Sách Dân Tộc" với những "sách giáo khoa" đã được soạn thảo do những ủy ban chuyên nghiệp, những video giáo dục, những phim về huyền sử, với rất nhiều học bổng cho các học sinh nghèo...

Và còn biết bao mơ ước khác nữa sẽ mơ sau. Bây giờ hãy thử tìm phương đi vào thực hiện.

II. Kế hoạch bốn điểm

3. Tôn Dật Tiên có nói "người Việt vẫn nô lệ từ trong căn tính". Câu nói rất sai về mặt căn tính, vì nếu thực thì đã chẳng đánh cho Tàu chạy trối chết nhiều lần. Nhưng câu nói lại đúng trong thường nghiệm vì tự lúc gặp thực dân thì phần nô lệ đã tiến lên mạnh đến lấn át được phần nhân chủ tính nơi người mình, và khuynh hướng nô lệ ngoại lai đến đời Cộng sản Việt nam thì kể là đi đến chót đỉnh, đến nỗi toàn dân rơi vào kiếp nô lệ cùng cực. Như vậy điều chúng ta phải lo bây giờ là phục Việt. May mắn thay ý chí phục Việt nổi lên cùng khắp nơi, cần làm thế nào chuyển ý chí kia thành một mặt trận tinh thần có kế hoạch hẳn hoi. Chính trong ý đó mà xin đề nghị bốn điểm sau: "nhất kiến, nhì kiên, tam tiền, tứ tiến".

4. Nhất kiến. Từ cổ chí kim: từ đông chí tây, bất cứ cuộc tranh hùng nào cũng là cuộc tranh hùng của trí tuệ, của kiên trì, của can đảm. Và bên thủ thắng cuối cùng vẫn là bên có được một ban lãnh đạo bền chặt sáng suốt nắm vững được tinh thần cho đến cùng.

Cái nhìn càng thấu triệt thì công cuộc càng vững mạnh, càng lâu bền. Xưa nay chưa có đế quốc nào đứng vững được là vì cho tới nay chưa có cái nhìn nào đủ sâu, nên rồi mọi xây đắp đều đã sụp đổ. Ðiều đó vẫn thật mãi mãi. Hiện nay nhân loại đang mắc kẹt giữa hai gọng kìm dẫn tới tiêu diệt: một bên là đồng nhất, một bên là tự do. Ðồng nhất thì như cộng sản chỉ có một chủ thuyết, độc đảng, độc tài, mọi người bị ngạt thở nên đang tan rã. Còn tự do thì vô hướng vô hồn cũng đang suy thoái. Lương tri ai cũng bảo phải chết trung, nhưng nói dễ làm khó, tức không biết phải làm sao để tìm ra con đường chiết trung.

Dọc dài sứ mệnh nhân loại mới thấy có được một người tìm ra đó là Khổng Tử. Và Khổng Tử đã thành công là nhờ gia sản tiên tổ Việt Tộc, nhưng Khổng Nho đã hết thời. Liệu con cháu Việt Tộc có thể thành công lần thứ hai chăng. Cuộc nghiên cứu về văn hóa thấu triệt cho thấy rằng triết Việt là nền triết ưu thắng nghĩa là nếu được thấu hiểu rành mạch thì chắc chắn sẽ giúp đắc lực vào việc thành lập được bộ lãnh đạo thấy rõ đường đi. Thiếu nó thì không thể phát triển, càng không thể phát triển lâu dài. Vì trong cái thế giới ngày nay có vô số chủ thuyết rình rập lôi kéo mình về phe nọ nhóm kia rất dễ trật đường. Nên bước đầu tiên phải là nhất kiến phải cùng nhau tìm hiểu cho tới tận gốc rễ đạo của tiền nhân dân tộc, việc này ví như sắm cho con tàu chạy trong đêm tối cái đèn pha để thấy đường đi. Kết quả là bộ sách dân tộc.

5. Nhì kiện. Nhất kiến giúp cho thấy đường đi, thì bước thứ nhì phải là kiên gan trì chí. Vì đây quả là "nhậm trọng nhi đạo viễn". Ðường trải qua bao chặng lớn lao. Chặng đầu là thuyết phục. Tìm ra đường lối rồi còn phải làm cho nhiều người chấp nhận nữa mới nên việc, mới trông đem áp dụng vào việc cứu quốc kiến quốc. Biết bao phức tạp dễ làm nản chí. Biết bao tấn công của các ý hệ đối nghịch, nếu không có ban lãnh đạo cao tay ấn cộng với ý chí kiên cường thì không thể nào đi tới cùng được. Vì thế mà phải có những tâm hồn văn hiến, những người chí sĩ gắn bó lấy nhau. Trong hoàn cảnh lưu vong li tán cần thiết họ phải liên kết cách bền chặt sống chết với nhau để giúp nhau kiên trì.

6. Tam tiền. Tiền ví được như dầu nhớt. Có đèn có máy manh, mà thiếu dầu mỡ tàu cũng không đi được, ai cũng thấy và đã làm như thế. Cái điều đặc biệt phải nhắm đến là "tích lũy", cho đó là tối quan trọng, đến độ lấy tiền tích lũy làm như thước đo sự tăng trưởng của mình. Sự tăng trưởng phải thấy được hằng tháng, nếu không là hàng tuần. Ðây là chỗ thi đua về đức can đảm hy sinh, nó thay cho những nằm gai nếm mật của các chiến sĩ ngoài mặt trận hay những người tiên phong trong việc dựng nước đều phải có. Cho nên sau này khi đã có tiền của nhiều cũng vẫn nên giữ làm như đức tính cần thiết. Ngạn ngữ Pháp nói mày hãy tự giúp rồi trời sẽ giúp cho. Ðó là con đường mầu nhiệm của Trời xếp đặt như thế: mình không hy sinh thì trời không cho, nên tiền mình hy sinh đúng là thứ mồi để câu được những cá kình vượt xa những món tiền mình tự tích lũy rất nhiều (xem ngũ mạch gậy thần). Tóm lại tam tiền kết bằng hai chữ Việt Linh.

7. Tứ tiến. Tiến đây là một sự tiến không ai cản trở được hay can gián nổi mà bầu nhiệt huyết không thể cạn, cả tiền tài cũng thế vì tiền tiêu pha một cách "càng tiêu càng thêm" nên có thể tiến mãi mãi. Việc nào đã khởi công làm thì làm tới, không để cho vì hết tiền mà phải bỏ giở. Việc lâu dài thì năm sau tiêu vào đó nhiều hơn năm trước. Bao gờ cũng như vậy cho tới lúc thành công mới thôi. Tất cả đều làm được miễn giữ đúng điều ước định làbao giờ cũng chỉ tiêu trên một phần tiền lãi thí dụ 66 phần trăm...

8. Hai điểm đầu thuộc về tâm chí có thể hiện thực một mình, còn hai điểm sau phải có đoàn hợp vì nó khó một cách khác ở chỗ đối tượng còn xa vời như kiến quốc. Và nhất là điểm thứ bốn không ai nghĩ như vậy nhưng thiết nghĩ có làm vậy mới đạt mục tiêu đã đề ra là thiết lập một nước Việt Nam Linh Thiêng tức là một công cuộc trường kỳ không thể nhằm công hiệu tức khắc. Những việc đó chỉ hợp cho lối ăn xổi ở thì ngắn hạn. Ðây là công việc truyền dòng nối dõi. Ðặt tên là Việt Linh mà không Việt Nam là có ý giúp vào việc nhìn xa đó và để chúng ta có đối tượng liền mà phục vụ, khỏi cần chờ đến lúc lấy lại được nước. Nhưng chỉ thực hiện ít lâu sẽ thấy đầy hứng khởi và mấy điều "kiến, kiên, tiền, tiến" đã được điều lý rất chính xác không một chút phiêu lưu, nên cũng không thể thất bại. Và chỉ ít lâu sẽ thấy sự việc tưởng rất lâu mà hóa ra lại mau chóng hơn là những việc ngắn hạn.

Dầu sao khi quan sát so đo các việc trong 13 năm qua thiết nghĩ ta chỉ thành công nếu làm đúng tinh thần Việt theo nghĩa siêu việt, tức đã làm thì phải làm rất lớn, càng lớn bao nhiêu càng dễ thành công bấy nhiêu (tất nhiên phải chẻ nhỏ chương trình để bắt đầu từ những cái rất nhỏ, nhưng đây là phần chiến thuật sẽ ban sau).

III. Tổ ấm (đạo thất)

9. Biết bao người khi vượt biên đã hạ quyết tâm phải làm cho nước một cái gì? Và đã làm nhiều: từ kháng chiến đến ngăn cộng và ra sách báo để hun nóng tình non nước. Ơ đây xin đề nghị một phương thức nữa là lập những tổ ấm.

Ðấy sẽ là những trung tâm Việt Nam trong đó không những các trẻ em được đến chơi, nói tiếng Việt, học tiếng Việt, văn hóa Việt, mà luôn cả thanh thiếu niên cũng có nơi sinh hoạt, cả các cụ già nữa, những cụ thích về đó sống để làm việc cho nước, sống với nhau, có đủ thứ việc: tự nghiên cứu, xem sách chưởng, cho đến đủ thứ giải trí, tự đánh cờ, làm cảnh, xem video... Tổ ấm sẽ là cái nhà Việt phản chiếu tinh thần bọc Mẹ Âu Cơ tổ mẫu đầy yêu thương tương trợ.

Cái khó là lấy tiền đâu, và thuê những ai đứng ra dựng nên. Thưa không phải cần nhiều tiền cũng như không cần thuê khoán ai mà đó sẽ là công trình của những tâm hồn kẻ sĩ, những văn hiến hội ý với nhau để làm viêc cho nước, trong đó một số ở trong hoàn cảnh không gia đình thì thuận tiện để ở tại chỗ. Hợp nhau gom góp tiền thuê hay mua một cái nhà, vừa để ở, vừa để sinh hoạt làm trung tâm Việt Nam. Mấy ông già thì ở nhà coi sóc. Còn anh em đi làm thì cuối tuần làm văn hóa xã hội. Trước là nhà nhỏ, sau việc xuôi bà con giúp vào nữa thì tậu nhà lớn.

10. Ðiều này mới nghe như một giấc mơ đẹp nhưng không bao giờ hiện thực được. Sở dĩ dám đề nghị vì xem vào hoàn cảnh di tản thì khốn khổ cũng có, mà thuận lợi cũng nhiều, nếu được chủ đạo an vi thúc đẩy thì không phải là không có thể. Ở những việc thiện khác thì công của mình bỏ ra là cho đi hẳn: nó rời khỏi quyền hạn mình, nên ít người làm được, phải đủ tiền của, nếu không thì chỉ làm chút ít. Còn ở đây thì công của mình bỏ ra vẫn nằm trong tay mình và như vậy mãi mãi. Nó là một thứ dòng tu, vào đây thì không còn phải lo mai hậu, đã có công thể đứng ra lo, mình chỉ còn hoạt động, Nói cho đúng thực thì xây dựng tổ ấm chung cũng là xây dựng bảo hiểm đời sống cho mình. Hơn thế tổ ấm không những là một thứ bảo hiểm cho mình mà còn cho toàn thể gia đình. thực ra đó là cái không đáng quí lắm vì bên này không ai phải lo ngại cho tương lai nhiều, không lo được thì đã có chính quyền lo, khỏe thì an sinh, già thì có lương dưỡng lão, nhưng về đàng tinh thần thì bảo hiểm nào cũng bất lực, nhất là việc cứu quốc, kiến quốc. Còn nếu ta lập được tổ ấm thì có đủ cả tinh thần lẫn vật chất, chúng ta sẽ kiến tạo được nước Việt Linh để: chung ít của thì chỉ có gia tăng chứ không ai phải ăn vào đấy cả nên sẽ gia tăng đến độ dám nhằm mục đích bao bọc cho nhiều người, phương chi là cho mình và những người cùng dấn thân với nhau. Ban đầu phải nói rõ như vậy để thấy rằng về đàng vật chất thì chúng ta có thể làm được. Và làm được thì ta có thể dấn thân cách hiệu nghiệm cho nước, cho toàn dân, chứ không phải là bảo đảm cho mình và gia đình, những việc mình lo liệu nó lớn lao hơn rất nhiều tức là làm cho nước được một cái gì rất đích đáng. Nói khác thì hội họp với nhau để xây dựng đất nước dưới hình thức một tổ ấm là làm việc để cứu toàn dân, cứu chung đồng bào và đến lúc nhắm mắt xuôi tay thì sẽ để lại cho các thế hệ sau một cái gì bền vững. Tuy nhiên chỉ thấy rõ sau một thời gian, chứ ban đầu phải có chữ dũng mới vượt lên được. Vì thế cần nói đến một điều làm nhiều e ngại đó là tương lai con cái.

11. Ðây là điều cần phải có can đảm hơn chút nhưng nghĩ kỹ thì có thể vượt qua. Lo cho con cái được ăn học và một chút tài sản để khởi điểm là điều cha mẹ nào cũng muốn lo cho con cái. Ðó là điều rất hợp lý hợp tình. Và ai bỏ ngang thì kể là thiếu bổn phận. Nhưng còn việc lo để lại tài sản cho con thì có thể bỏ khi có một tổ chức thực tình lo cho quê nước. Lúc đó ta nên giối lại cho tổ chức ấy phần nào nếu không là tất cả, mà không cần giối lại tài sản cho con cái, khi chúng đã vượt độ cần. Người Mỹ phân ra need với want. Need là cần thiết như con cái cần được học hành đủ để có thể tìm job... Còn thêm lên nữa thì thuộc về want: tham muốn chứ không còn là needs... Need có cùng, ham muốn thì vô hạn. Người xưa quen nói là "nhân dục vô nhai". Needs có cùng: lo cho con cái đến hết chỗ đó thì có thể chấm dứt để "đời cua cua máy, đời cáy cáy đào". Thế hệ ta sang đây với hai bàn tay trắng, không biết cả tiếng tăm vậy mà bây giờ nhiều người đã vươn qua đợt need để đạt độ phây phây. Vậy thì không nên quá lo cho con cái, không cần lo giối lại cho chúng tài sản lớn, có thì tất nhiên hay rồi về đàng vật thể, nhưng về đàng vô hình chưa chắc đã hay vì có thể làm cho con mất dịp luyện đức tự lực tự cường hoặc trở nên chậm lụt trên đường tu tiến.

12. Người ta quan sát thì thấy con nhà nghèo nói chung thường giỏi tự lực cánh sinh hơn con nhà giầu. Ðiều đó tỏ lộ ngay từ lúc còn đi học: con nhà nghèo phần lớn học giỏi hơn. Dân Ðông Á được tiếng là học hành nổi hơn trẻ Mỹ, thì không phải vì bản chất hơn, mà là do nghèo nên biết thân biết phận hơn. Con nhà giàu nhiều khi ỷ vào của cha mẹ để lại nên học hành bê trễ. Có người nhà giàu bạc tỉ mà 5 người con trai không một ai học hết đại học để kiếm lấy 1 bằng kỹ sư. ta thấy rõ dấu chúng sẽ phá tan cái gia tài kia. Việt Nam ta có câu "ai giàu ba họ ai khó ba đời" có thể áp dụng vào trường hợp này. Vậy thì lo vừa đủ cho nhà, còn lại nên lo cho nước. Ðược nhiều người hiểu như thế thì nước sẽ nhờ biết bao.

13. Phương chi còn nói về đàng tu trì thì người ăn sẵn kém hẳn một độ vì theo kinh nghiệm tu trì thì người tự cường tự lực được nhiều sẽ tiến đến gần Thượng Ðế hơn vì Thượng Ðế là đấng hoàn toàn tự mình. Tiếng La tinh gọi là a se (a - tự, se - là mình) đổi ra bàn thể gọi là aseitas. Nếu dịch nôm thì là "tự mình một cày" deus est aseitas - Chúa là đấng tự lực một cày, loài người không thể tự lực hết mọi đường như thế, không thể tự lực một cày, nhưng chỉ tự lực một ngành. Những ngành thiếu tự lực không sinh hoa trái, là tại nó quen ăn bám, không tự tay làm ra. Theo đó cha mẹ quá lo để tài sản cho con là làm trở ngại đường tiến hóa chung của chúng. Và cũng làm thiệt cho phần tu tiến của riêng mình. Vì còn bám vào của cải tư riêng mà không thể xả, để hết mình phụng sự ích chung đến hết cỡ mình có thể.

Vì những lý do đó cha mẹ không nên chuyên lo để lại nhiều của cho con, chỉ cần lo cho chúng ăn học để chúng đủ sức tự lực cánh sinh và một chút tài sản thí dụ giúp vài bước đầu, còn mình thì làm việc nghĩa. Thế là được cả cho mình cả cho con cái, được cả cho nhà, được cả cho nước...

14. Có một điều rất may cho nước Việt Nam ta là người Việt lưu vong nay tràn lan khắp hoàn vũ, trong đó có nhiều nước người dân được bảo đảm về mặt sinh sống: lúc khỏe mạnh làm việc cũng như khi ốm đau, cho nên khi có những tâm hồn tận tình lo cho nước thì tìm ra được phương tiện và nhất định thành công. Cái tổ ấm họ xây lên không phải cho họ kiểu để bảo đảm đời sống tư riêng mình mà là lo cho nước. Ðó chính là làm một việc cao cả, một việc nghĩa cho nhân quần xã hội, chứ cho mình thì chỉ hoàn toàn thuộc tinh thần: là mình đã làm cho nước một cái gì rất đích đáng, nó sẽ còn tồn tại để sưởi ấm cho muôn thế hệ về sau ở hải ngoại cũng như ở quê nội.

Các vị cao niên khi hi hiến thân tâm cho dân nước, hoặc sống trong tổ ấm hay không, thì đến lúc nhắm mắt xuôi tay sẽ được thỏa lòng vì đã giúp vào công việc cứu quốc, kiến quốc, kiến tạo Việt Linh. Hồn thiêng các cụ sẽ sống mãi với con cháu. Mỗi nhà Việt đều có gia phả ghi công đức các vị và nhang khói nghi ngút suốt đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay các vị có thể mỉm cười vì xuyên qua cuộc di tản các vị đã làm nên truyện có ơn ích cho quê hương đất nước như vậy.

IV. Cơ chế Việt Linh

15. Việt Linh là Việt tộc tương tế trải rộng khắp hoàn cầu. Chữ linh đây mang hai nghĩa, một là linh thiêng chỉ những đức tính nổi bật cần cho một nước có tiếng là văn hiến cho bang, hai là linh nghiệm nhờ những đức kia nên có được khả năng trường tồn vĩnh cửu. Ta hãy chú ý đến một hai đức tính đó.

Trước hết phải nhớ câu "Phi hiền bất nghệ". Thiếu triết thì không có tài cai trị ra cỡ an bang tế thế. Cho tới nay nhân loại không đạt được một nền triết lý chính trị có khả năng cỡ đó vì thiếu triết lý chính trị, chỉ có triết một chiều thì không thể là triết lý chính trị cũng không là triết là nhân sinh, vì đời sống vốn có hai chiều y như điện năng thành bởi tiêu tích thế nào thì con người cũng vậy. Cho nên mọi triết lý một chiều đều là duy tâm tức không có chân đứng trong thực tế. Chính vì đó mà cho tới nay không có triết lý nhân sinh hay chính trị, bao nhiêu đế quốc đều sụp đổ vì không có triết lý nên phải dùng bạo lực, luật hình pháp đều là những hình thái bạo hành không tồn tại lâu được.

16. Chỉ có một thành tựu phần nào đó là nước Tàu. Nếu ta xét linh hồn Tàu thì là Nho giáo, Nho vốn chống hình luật, cả pháp luật, mà chủ trương lề luật là cái do từ dân mọc lên nó hợp với từng địa phương, rồi lại có nghĩa quen gọi là lễ nghĩa, chú ý đến sự thích nghi (nghĩa giả nghi dã) nó khác với sự vật thì đúng luật, vì vật bao giờ cũng như nhau. Con người là vật linh thiêng biến đổi theo từng hoàn cảnh. Vì thế phải dùng lễ nghĩa thay luật pháp. Nền tảng của lễ là nhân. Dịch nhân là minh triết là lối dịch đúng nhất, vì minh triết là sự hội nhập hai yếu tố đối nghịch. Vậy người chính là trường hợp nọ, vì người là đức của trời cùng đất. Trời cao đất thấp mà hội nơi nhân, thì nhân không là minh triết một cục còn chi. Như vậy muốn nắm được bí quyết cai trị người thì phải có minh triết. Ðó là ý câu "Phi hiền bất nghệ" không hiền là không minh triết thì không có nghệ là tài an bang tế thế, tài cai trị thực sự phải tỏa ra bằng tế thế, biến thế giới thành một nhà có thể gọi là tình huynh đệ phổ biến. Cho tới nay ngoài Nho ra không đâu có, nên dù có đến đế quốc, nhưng thiếu triết phải dùng võ lực không sao thành một nhà. Nước Tàu đã nhờ đạo Việt mà trường tồn, nhưng vì thiếu người thừa hành tới nơi, và hoàn cảnh xưa chưa cho phép nên mới có an bang mà chưa hẳn tế thế. Vì gương lịch sử đã rõ rệt như thế nên con đường của Việt Linh phải là "hi hiền" (phải chuyên về triết) thì có thể đạt chữ Nghệ, hiểu là "nghệ thuật tối cao làm cho mọi người được hạnh phúc". Ðó cũng là con đường tổ tiên ta đã theo.

17. Nhiều người tây phương lúc mới tới Việt Nam vào thế kỷ 16, 17 đã cực kỳ khen ngợi Tàu Việt có phép cai trị giỏi nhất vì một nước dân gấp 3, 4 lần Âu Châu mà chỉ có ít luật mềm giẻo là lề luật, rất ít công chức. Chẳng thấy bóng công an cảnh sát đâu cả. Mỗi người sống nhân chủ. Roma đầy luật pháp vì chỉ có luật pháp, nói đến luật pháp thì quán quân là Rôma. Người ta đã lầm vì chỉ cần một làn sóng xâm lăng là cả một đế quốc Rôma sụp đổ tan nát. Lý do sâu xa là bên trên luật pháp hiến pháp là 1 quãng trống chẳng có Ðạo nào. Trái lại Tàu rất ít luật nhưng trên luật có đạo nên xảy ra hiện tương trái ngược là khi Tàu bị xâm lăng đã không tan rã còn quay lại cải hóa xâm lăng. Ðó hiệu quả của đạo của minh triết. Ðạo mới là chất keo sơn giữ nước. Với Ðạo luật pháp không cần nhiều nên để dành đất sáng tạo cho những người thừa hành để có sự mềm giẻo thích nghi, nhờ thế mà có sức trường tồn. Tóm lại khi không có minh triết thì luật pháp tất sẽ phát triển mạnh. Ðó là bước vào đường suy thoái. Khi nước nào ra đầy luật thì đây là dấu nó bắt đầu dẫy chết.

18. Người ta lầm tưởng pháp luật ngăn tham nhũng mà không ngờ rằng pháp luật giống như màng nhện bắt được ruồi muỗi chứ không bắt nổi bọ hung... Pháp luật ngăn chận được tham nhũng nhỏ thôi chứ làm sao ngăn chận được mấy tay bự. Phương thế ngăn ngừa tham nhũng tốt nhất là lễ nghĩa là Ðạo học: tốt đến 85 phần trăm. Với luật tốt nhất cũng chỉ tới 50 hay 60 phần trăm. Còn 100 phần trăm thì không có ở thế gian này: người cầu bị tỏ ra không là nhà chính trị có tài. Quản Trọng cho Thúc Nha không làm chính trị được vì chủ trương thiện ác quá ư phân minh.

Vì thế đừng chờ mong những qui luật chặt chẽ đâu ra đấy, nên nhớ câu "yến ư chủ, tường ư thần" then chốt cốt yếu thì do chủ, còn tường tận thì do người thừa hành (xưa kia là quan đại thần) nên nói "tường ư thần". Những luật lệ xác định nên để cho người thừa hành, người đứng đầu một nhóm phải biết xoay sở nếu không làm nổi thì có đầy đủ luật lệ cũng không xong.

19. Ðiểm hai là đức cần kiệm. Ðó là đức căn bản của tổ tiên ta không những vì nước nhỏ, nhưng nó cũng là điều kiện rất nền tảng cho việc dựng nước và giữ nước ở bất kỳ đâu đâu. Phương chi cho chúng ta trong hoàn cảnh di tản. Hãy nhớ câu "kiệm cố năng quảng". Câu này theo nghĩa thường là cố kiệm ước mới quảng đại được, mới có khả năng giúp tha nhân được. Còn nghĩa rộng cho việc dựng nước là có cần kiệm mới có thể xem xa làm lớn, có những việc cần tiêu lớn thì phải có sức lớn. Mà sức lớn không nên tìm ở đâu xa nhưng chỉ tìm ngay trong mình mới vững chắc. Người ta đã nghiên cứu thấu đáo xem các nươc tiến lên giàu sang đã đi đường nào, thì thấy bao giờ cũng là con đường tiết kiệm. Ðối với Việt Linh thì tiết kiệm trở nên quốc sách. Vì có vậy mới xây dựng nổi một nước linh thiêng từ 2 bàn tay trắng. Cho nên chúng ta sẽ thi hành câu "kiệm cố năng quảng" không những trong việc dựng nước mà luôn trong gia đình, trong bản thân, coi đó như một đức trụ trong Việt Linh.

20. Chúng ta sẽ thi hành cách thực tế là tiết giảm những cái không mấy cần. Có người dám tiêu mừng sinh nhật con cái cả nhiều trăm. Có người hút thuốc mỗi năm tốn cả dăm ba trăm, lại còn các cuộc chơi, nhảy... Rồi những cái nhỏ mọn mà góp lại ra to như tập cho trẻ những cái lặt vặt bật đèn vừa đủ. Hãy xem chúng trong việc đánh răng, rửa bát; cứ mở nước cho chảy xè xè từ đầu chí cuối có khi hao nước đến cả chục gallon, đang khi nếu khéo xếp đặt thì chỉ mất một vài gallon. Cứ những cái ấy mà cộng vào mỗi tháng cũng để ra được vài chục. Ðừng ai nghĩ đó là bủn xỉn mà chính là để có thể quảng đại hơn. Nếu ta hạ quyết tâm đóng nguyệt liễm, cọng thêm số tiền sẻn so được thì đã có thể làm nên cái phi thường bằng những cái thường thường đó. Dựng nên một nước chính là truyện phi thường. Vậy mà chỉ có bấy nhiêu cái nhỏ nọ đã làm nên. Dầu sao thì từ nay nhất định với nhau chỉ tiêu trên lãi năm cuối cùng và cũng chỉ nên giới hạn đến 77 phần trăm lãi thôi. Ban đầu rất chật vật nhưng càng về sau thì càng thoải mái. Ðó là cảnh "nằm gai nếm mật" của chúng ta.

21. Ðiểm ba là quyền bính. Việt Linh sẽ xếp đặt cho quyền bính không còn chỗ kiêm chắc, mà phải trở nên một hy sinh cao cả. Những người cầm quyền theo thể chế Việt Linh đương nhiên sẽ là những người đáng quý tôn: họ không đến với quyền bính vì danh lợi, mà đến để hy sinh cho quê hương đất nước. Ðể liệu được như thế chúng ta sẽ khước từ lối phổ thông đầu phiếu, đó là lối chọn người mà không biết người. Dân chúng làm sao biết được người nhất là người đó ở mãi xa, thành ra chỉ có những kẻ khéo nói, khéo vận động là được bầu, nhưng rồi ra làm việc rất giở hoặc tham nhũng. Thay vào đó là dân chọn lấy người có tài có đức mà dân chọn là căn cứ trên công tác đã hiện thực nơi những người mình đã biết, đã chứng tỏ bằng thi hành nhiệm vụ. Chọn từ cấp thôn làng lên đến cấp tỉnh, rồi cấp Bang. Học thức chỉ cần trình độ phổ thông nhưng phải qua mấy lới huấn luyện về Ðạo Lý về tu thân về cai trị v.v... Có thể sẽ chọn sau môăi lớp huấn luyện, những hệ số 1. Còn khi anh em chọn nhau thì là hệ số 3. Và khi trao việc thì tùy đã được chọn ở cỡ nào: mới chọn ở cấp thôn làng thì chỉ là xã trưởng. Ở cấp bang mới giữ tỉnh trưởng trở lên. Ðược bầu lại định kỳ 4, 5 năm và có thể giữ mãi nhiều khóa đặng có thể dùng kinh nghiệm cho nước. Cái cách Việt Linh là lãnh đạo tự mọc lên rồi sẽ được củng cố su bằng sự chọn lựa của dân chúng.

22. Ðó là đại để mấy cái cột trụ của Việt Linh. Cần trước hết học triết, học tu thân và lối cai trị. Rồi tới đức cần kiệm để tập luyện hàng ngày nơi mình cũng như gia đình để trở nên đức tính căn bản. Sau là lối chọn người. Việc thành hay bại phần lớn ở nơi người, cần phải chọn theo lời thực tế của tiên tổ. Giữ được mấy điều đó thì chưa cần luật pháp Việt Linh cũng sẽ mọc lên. Và một khi đã xuất hiện sẽ không bao giờ lùi bước. Hiện chúng ta đã có rồi, nhỏ xíu nhưng có thực và chúng ta đang phục vụ mỗi ngày cũng như một trật có những anh em khác cũng phụng sự với ta chung quanh hoàn cầu: không có lúc nào mặt trời lặn khỏi Việt Linh: Âu Mỹ ngủ thì Úc Á thức, bắc bán cầu xuân hạ xong thì trao xuống cho nam bán cầu để anh em Úc tiếp nhận. Cứ hoạt động như thế hết đời cha đến đời con rồi cháu, chắt, chút, chít, chụt, chịt thì biết nó sẽ mạnh dường nào.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page