20. Khả Năng Quật Khởi

Của Văn Hóa Việt

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Có hai tiêu chuẩn để đo sức mạnh của một nền văn hóa: một là khả năng thống nhất, hai là sự trường cửu: nền văn hóa nào càng có sức thống nhất bao nhiêu, càng trường cửu chừng nào thì càng mạnh chừng nấy. Xét theo hai tiêu chuẩn này thì văn hóa dân tộc phải kể vào hạng ưu thắng nghĩa là thắng vượt các nền văn hóa khác không bằng tranh đoạt mà bằng sự ưu việt nôị tại của mình khiến người ta tự tình tâm phục.

2. Trước hết xét về thống nhất.

Các học giả nghiên cứu về Tàu không ai là không thừa nhận và ngợi khen sức mạnh của nền văn hóa Tàu vì nó có sức cải hóa được hầu hết các đợt xâm lăng. Ðang khi các nền văn hóa khác bị xâm lăng thì liền tan rã. Khi đế quốc Rôma bị rợ bắc xâm chiếm thì liền sụp đổ: cả đế quốc lẫn văn minh, còn khi Tàu bị xâm chiếm đã không bị đổ mà còn cải hóa được mọi kẻ xâm lăng: hết Hồi, Kim đến Mông, Mãn: nhất nhất đều bị Tàu hóa. Các vua xâm lăng chẳng những đã không nghĩ đến thay thế đạo Nho, nhiều ông còn trở nên những cán bộ tuyên truyền đắc lực cho Nho. Lại còn điều lạ này là trong số dân xâm nhập Tàu có cả hạng người thuộc văn hóa cao độ như người Do Thái và Nga, thế mà một khi đã vào nước Tàu thì chỉ dăm ba thế hệ đều trở nên Tàu trọn vẹn. Ðâu là lý do của sự thành công kỳ lạ đó. Xét ra vì Tàu chỉ có một văn hóa bắt nguồn từ dân gian nên khi bị xâm lăng thì chỉ vương triều và quí tộc bị, còn dân vẫn tồn tại với văn hóa của mình, mà văn hóa của dân thì bao giờ cũng hợp với thiên năng, nên có sức trường tồn. "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong": văn hóa kẻ thống trị thường là nghịch thiên không đi với lòng người. Còn văn hóa dân gian thì đi với lòng người nên cũng kể là thuận thiên. Văn hóa Tàu cũng là thuận thiên nên trường tồn. Bởi thế các học giả cho là sức cải hóa của Tàu hầu như vô giới hạn.

3. Nhưng người Việt thì thấy có giới hạn chứng cớ là dù Tàu đã cai trị Việt cả ngàn năm mà không đồng hóa nổi, mặc dầu Việt hoàn toàn chấp nhận văn hóa Tàu, học với Tàu về mọi phương diện, không những chủ nghĩa mà cả đến cách cai trị, kinh tế, chính trị, binh bị v.v... Vậy mà Tàu vẫn còn kém Việt về một vài phương diện của đạo Nho thí dụ Vật Tổ Tàu khởi đầu là Bạch Hổ mãi đến đời Hán mới nhận rồng, chí như Việt thì đã xâm mình rồng từ bao ngàn năm trước. Ðó là một lối "thể đạo" thể rồng (mặc lốt rồng). Vật biểu của một nước nói lên tinh cốt văn hóa của nước ấy. Tàu trước nhận bạch hổ là tỏ ra thuộc du mục một chiều. Còn vật biểu của Việt là tiên rồng tỏ ra văn hóa hai chiều toàn diện. Thế mà Tàu mới nhận rồng sau, như vậy thì rõ rệt văn hóa Việt mạnh hơn văn hóa Tàu, nó cân đối hơn vì có cả bên tiên bên rồng: bên mẹ bên cha. Ðiều đó tỏ ra văn hóa Việt còn giàu chất dân gian hơn văn hóa Tàu. Tàu ở thế cai trị nên đã nhiễm du mục nhiều hơn. Còn Việt vì nhiều lần bị trị nên giữ được tính cách dân gian nhiều hơn nên vững mạnh hơn, đúng là ưu thắng, nghĩa là thắng do ưu thế. Vì đến đời Hán thì đất nước Việt Nam đã bị rút nhỏ, sức mấy mà bắt được Tàu theo mình, cho nên câu nói "giáng long phục hổ" cứ bị hiểu sai, nghĩa chính là "Rồng xuống bắt hổ phải phục mình, bắt hổ phải nhường chỗ cho rồng" tức Tàu bỏ hổ để nhận rồng làm vật biểu. Rõ ràng là văn hóa Việt có tính cách ưu thắng, thắng vì ưu thế chứ không do sức lực võ biên.

4. Tại sao văn hóa Việt lại mạnh đến thế. Thưa vì nó thống nhất lạ lùng; trên dưới chỉ có một nền văn hóa: nhà cai trị cũng như dân gian đều tham dự một nền văn hóa như nhau. Người đi học thì gọi là "văn gia". Người không đi học thì gọi là "chất gia". Chỉ khác nhau vì có đi học hay không đi học chứ văn hóa là một, khác các đế quốc kẻ thống trị có nền văn hóa chuyên chế dân không tham dự, dân tránh văn hóa thống trị được bao nhiêu thì chỉ biết theo lương tri thường nghiệm bấy nhiêu. Chưa biết thiết lập nền văn hóa riêng. Vì thế khi bị xâm lăng, kẻ thống trị bị tan rã thì liền mất văn hóa. Còn bên Tàu và Việt nhà cai trị có bị đánh tan, thì hãy còn dân, vạn đại chi dân đã thấm nhuần văn hóa nên lại chỗi dậy cải hóa kẻ thống trị mới. Còn Việt hơn Tàu vì là dân gian nên thấm nhuần nhiều hơn. Tàu kém Việt vì được thống trị nên đã nhiễm du mục phần nào. Có hai dấu bên ngoài để đo sự thống nhất. Trước hết là trong nước không hề có giai cấp, không hề có chủ nô, ấy là xét như một định chế, vì thế cũng không có đấu tranh giai cấp. Sĩ, nông, công, thương không là giai cấp mà chỉ là sự xếp đặt nghề nghiệp, ai muốn làm nghề nào tùy. Sĩ có thể là nông, là công, là thương. Việt Nam có câu "nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ". Không có luật pháp nào bắt theo một nghề, nên không là giai cấp.

5. Thứ đến không hề có đấu tranh về tư tưởng, không có chiến tranh tôn giáo hay ý hệ (như nay giữa cộng quốc) hơn 50 sắc dân thiểu số với đủ thứ tín ngưỡng khác nhau mà vẫn sống bên nhau không hề có xích mích đó đây.

Còn sức mạnh cùng cực là khả năng chỉ nói một tiếng hay vẽ một hình mà tóm thâu được toàn thể văn hóa. Ðiều này trên thế giới kim cổ không một nền triết nào làm nổi hết, được vô mất hữu, nên không vẽ ra được đồ án sinh động với mất hữu, nên không vẽ ra được đồ án sinh động với mối tương quan nền tảng, chỉ Việt là làm được: đó là chữ Việt, hoặc chữ Trống, hoặc chữ Ðạo; chữ nào cũng hàm chứa hai chiều. Còn hình quả trứng chia đôi (bọc Âu Cơ quốc mẫu). Sau Kinh Dịch gọi là thái cực viên đồ là lưỡng nhất tính; hai mà một, một mà hai. Chính nét đó đã làm nảy sinh ra nhiều đồ án kép mà sau Nho giáo gọi là Hồng Phạm, Cửu Trù, Hà Ðồ, Lạc Thư.

6. Ðến đây tự nhiên ta hỏi nếu văn hóa Việt mạnh dường ấy, đã cải hóa được nhiều đợt văn hóa xâm lăng như đã được chứng tỏ ở trên xuyên qua lịch sử. Vậy thử hỏi liệu rồi đây văn hóa Việt có cải tạo nổi văn hóa ngoại lai đang ngự trị trong nước?

Thưa rằng nhất định sẽ làm được. Lý do là vì nó chỉ bị đàn áp tự ngoại, tự nội nó không hề bị khủng hoảng về cơ cấu. Bởi thế nó hãy còn sống mãnh liệt trong lòng dân. Toàn dân đang khao khát được hút thở lại bầu khí văn hóa của mình. Ðang khi đó văn hóa thống trị được áp đặt trên đầu dân đã không thấm nhuần dân được chút nào mà đã tỏ ra đang tan rã, phải chống đỡ bằng công an mật vụ, vòng trong vòng ngoài mà cũng không xong. Trái lại sự suy vong đã lan vào tận ruột gan tức là niềm tin của chính nhiều cán bộ cao cấp đang trụt giốc mạnh. Hiện xảy ra tình trạng như câu sách Trung Dung nói "tiểu nhân chi đạo chước nhiên nhi nhật vong" đường lối của tiểu nhân mới coi tưởng rực rỡ nhưng ngày ngày lại đi vào tiêu vong. Ngược với đường lối quân tử của dân tộc: thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm giai. Ðến khi phân tích thấu triệt mới thấy nó có một cơ cấu vững mạnh vô cùng. Ðó là điềm triệu báo trước sự phục sinh của Ðạo Việt.

7. Vì thế trong việc phục Việt khi chúng ta đã làm việc đến một trình độ nào đó thì sẽ gặp hậu thuẫn khắp nơi chúng ta có mặt, vì nhân loại nay đã nhận ra văn hóa hiện hành hầu hết là văn hóa của kẻ thống trị, nên đang chờ đón nền văn hóa nhân chủ để được giải phóng. Họ sẽ nhận ra nền văn hóa Việt tộc chính là nền văn hóa của nhân tộc, của vạn đại chi dân, của muôn dân trong khắp vũ hoàn đâu đâu cũng cùng một khát vọng như nhau. Nhưng ở các nơi khác văn hóa dân tộc đã bị bóp ngạt do văn hóa thống trị. Còn nơi dân Việt Nam thì tiếng dân đã được kết tinh thành cơ cấu vững chắc nên nếu được nhận thức lại và truyền bá đủ rộng sẽ trở nên tiếng kèn tiên phong mở màn cho cuộc giải phóng nhân loại. Ðến lúc đó ta sẽ không còn là những tiếng kêu trên rừng mà sẽ trở thành những chiến sĩ cho một nền văn hóa có khả năng thiết lập nền Thái Hòa để bao trùm mọi hòa hợp, hòa bình. Nhìn theo đó thì người Việt di tản không còn là những kẻ lưu vong trôi dạt mà là những chiến sĩ đã bung ra khỏi biên cương nước Việt nhỏ bé để mở mặt trận cao cả của Việt Linh kinh thế hay nói theo xưa là "bình thiên hạ" để an bang tế thế.

8. Chính trong ý đó tập sách: "Gốc Rễ Triết Việt" sẽ trình bày thế nào là văn hóa Việt. Sách được minh họa bằng những bức hình khảo cổ làm cho các câu nói không những được chứng minh cách khách quan mà còn được minh họa đầy đủ bằng hình thể và đồ án đủ loại.

Nhân tiện xin giới thiệu đề nghị xây dựng một nước Việt Nam Linh Thiêng theo nền triết Việt đó, tức đặt nặng trên tinh thần hơn trên đất đai. Những người đã ước định với nhau làm thế thì sẽ nhất trí theo nghĩa cụ thể là cùng theo một sách một chủ đạo, chủ đạo Việt. Lại cùng nhất chí nhất khí là xây đắp liền bằng tích trữ tiền của theo lối "năng nhặt chặt bị" với câu "tích tiểu thành đại" và theo câu "vi chi giã tật, dụng chi giã thư" làm ra tiền thì mau mắn, tiêu tiền thì chậm rãi, cụ thể là chỉ tiêu trên có 77% lãļi. Làm ra và quản lý thì riêng từng nhóm, từng đoàn hội, nhưng tiêu ra thì theo quyết định chung. Cứ như thế qua năm này sang năm khác, hết đời cha đến đời con cháu, chút, chít. Thiết nghĩ trong những vấn đề của người Việt lưu vong (như cứu quốc, kiến quốc, duy trì văn hóa) bất kỳ đường nẻo nào cũng phải khởi đầu bằng những bước tự cường tự lực: tự mình làm ra. Vậy Việt Linh là một bước tự lực tự cường hơn bao giờ hết, bảo đảm thành công hơn hết. Mong hồn thiêng tiên tổ linh ứng cho nhiều người đi theo con đường đó thì tất nhiên Việt Nam sẽ trở nên linh thiêng linh nghiệm và sẽ trường tồn mãi trong trời đất.

 

Rev. Lương Kim Ðịnh

(Tóm tắt ít tư tưởng

trong cuộc nói chuyện với các cụ cao niên

vùng Washington D.C., ngày mồng 7 tháng 5 năm 1988)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page