Việt Nho Có Thể
Ðóng Góp Gì Cho Văn Hóa
Mai Ðây Của Nhân Loại
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
1. Nho cộng thêm gốc rễ của Việt vào nữa thì gọi là Việt Nho. Nói đến Việt Nho là nói đến liên hệ Việt với Tàu bị biến đổi: Việt Nam từ học trò biến ra đại diện nho ở giai đoạn văn hóa; còn Tàu đại diện Nho giai đoạn văn minh. Cần làm sáng tỏ sự biến đổi này vừa để tránh hiểu lầm vừa để mang lại ơn ích tối đa cho văn hóa nhân loại.
Từ trước tới nay Tàu được coi là chủ của nho, cho cả văn hóa Ðông Á, và là thầy của mấy nước chung quanh trong đó có Việt Nam. Việt Nam học với thầy Tàu về hết mọi sự: từ chữ viết, đạo nho cho đến cách cai trị, binh bị, kinh tế, cả đến kiến trúc nữa mà không sáng tạo được gì như Hàn, hay Nhật. Niềm tin đó có đúng không? Thưa có đúng đến 100 phần trăm, nhưng chỉ đúng đến Tần Hán tức chung quanh thế kỷ thứ 2 hay 3 BC, còn trên nữa thì trật, nhưng không may người ta đã lầm đem cái nhìn sai lạc đó mà trùm lên thời kỳ rất lâu dài trước mà ta sẽ gọi là thời văn hóa, có thể lâu đến vài ba chục thế kỷ rồi. Ngày nay khám phá ra gốc Hòa Bình của văn hóa Tàu. Thế mà Hòa Bình muộn nhất cũng là 12,000 năm, còn sớm nhất quãng 50,000 năm.
2. Sự lầm lẫn trầm trọng như vậy khiến người ta bám vào có giai đoạn văn minh hiểu là đã kết tinh đã thành chủ thuyết thì có lạ chi là sau Khổng Tử nho kể như thất truyền; không ai hiểu thấu nho nữa. Vì cho được hiểu thấu đáo một nền văn hóa nào tất phải tìm hiểu tự lúc nó đang hình thành mới thấy được những cái tế vi nhất, mới đủ khả năng xây dựng một nền triết mới tự đó. Hậu quả là các sách biên khảo về nho cho tới nay chưa quyển nào đáng gọi là một nền triết mới tư nho, hơn kém chỉ là những giải nghĩa rộng hẹp có khác nhau nhưng chưa đủ sức đáp ứng lời mời của hội nghị triết học hoàn cầu 1949 ở Honolulu đề nghị đem triết nho ra làm nhạc trưởng chỉ huy cuộc thống nhất hòa âm nhân loại thời mới, "vì Khổng Tử có chân trên cả hai tàu: cả tàu thế sự lẫn tàu tâm linh". Ðó là một đề nghị rất chính xác nó làm vinh dự ngay cho nền triết hoàn cầu tuy bất lực nhưng còn đủ sáng suốt nhìn ra chỉ có Khổng Tử mới cung ứng nổi nền móng cho một nền chu tri mới, một nền triết lý nhân sinh hợp cảm quan thời đại. Nhưng không may suốt 40 năm đã trải qua mà không một học giả nào (sinologist) đưa ra được một nền triết đáp ứng nhu yếu khẩn cấp của nhân loại, một nền triết cần thiết cho vận hệ sinh tử của toàn cầu.
3. Nhân loại hiện như đang đi trên con tàu thiếu la kinh, không biết hướng đến bến bờ nào. Tất cả mọi niềm tin, mọi đức lý đều đang suy thoái mạnh. Nếu không mau mau tìm ra được đường lối mới để cứu vãn thì thế giới này tất sẽ đi đến bờ vực thẳm. Chính trong ý đó mà có sự cần phải xét lại mối liên hệ giữa Tàu và Việt để tìm ra lối thoát cho sự bế tắc kia, chứ không phải vì niềm hãnh diện quốc gia hẹp hòi như có thể bị hiểu lầm thế. Vậy điều cần phải xét trước hết là hỏi nước Tàu là chi? khởi đầu từ thời nào. Hầu hết các học giả đều nói: Tàu chỉ là một thực thể văn hóa, tức nước Tàu có là do đạo nho và chữ nho, nếu không có nho thì nước Tàu nay chắc chắn đã như Âu Châu gồm ít gì chung quanh mươi nước với tiếng nói khác nhau với phong tục dị biệt. Thiết tưởng không một học giả nào cải chính điều trên. Ðến chính ngay những tác giả Tàu như ông Ngô Kinh Hùng còn chứng minh là Tàu không có cả đến chủng tộc: không là Hoa, không là Hạ, không là Hán. Tên Tàu nay là tên của nước Tần (thành ra Chine, China Heritage 110).
4. Vậy Tàu là gì? Thưa là phần tiến bộ nhất của Việt theo nghĩa Việt là toàn dân thổ trước xưa quen gọi là Mông Cổ, nay xin gọi là Việt (đọc chú thích bài 2) mà ngành nổi nhất là Di. Chữ Di theo nghĩa hẹp là rợ miền đông. Theo nghĩa trung bình là Ngô Việt. theo nghĩa rộng xưa là Tứ Di có nghĩa như Bách Việt tức là toàn thể dân thổ trước Ðông Á. Có thể nói thế này: người Tàu là dân thổ trước nhưng đã tiến lên Di trước rồi ra Tàu sau. Và khi đã tiến lên Tàu (lối nhà Chu) thì không những quên gốc mà còn khinh khi ruồng bỏ gốc, cho là Man Di là rợ mọi. Vì sự đoạn tuyệt đó nên trong cuộc quang phục nho phải tìm một chi khác đại diện cho đại tộc ở thời văn hóa để nói lên tiếng nói trung thực của đại tộc. Thiết tưởng chi đó không đâu hơn là Việt Nam. Việt Nam đại diện nho ở đợt văn hóa, còn Tàu đại diện ở đợt văn minh khi hiểu văn minh là thời đã phát triển đâu ra đấy, có thể nói là thời đang hình thành mới vươn lên chưa kịp sắp xếp nhưng đầy óc sáng tạo. Chính với ý đó mà ta nên đón nhận những thám quật mới nhất về nguồn gốc văn minh Tàu được nói tới trong hội nghị về văn minh Tàu họp ở Berkeley năm 1981 đã công bố trong quyển "The Origins of Chinese Civ. Berkeley 1983" (sẽ viết tắt Origins). Xin trưng vài câu làm mẫu:
a. Nghiên cứu về Việt có thể dọi nhiều tia sáng vào nguồn văn minh tàu (Origins, p. 148).
b. Văn hóa bắt đầu ở Ðại Vấn Khẩu (Sơn Ðông) và ở Ðại Bôn Khanh (Ðài Loan) đều phát nguyên từ văn hóa Hòa Bình (Origins 579).
c. Tàu do Việt. Văn hóa Hòa Bình lan lên tới tận tộc Thương. (Origins 223). Ðó là những chứng từ cập nhật hóa đều nói Tàu do Việt tộc.
5. Xin coi đây chỉ là vài trưng dẫn mẫu thay cho hàng ngàn tang chứng khác đã thu lượm qua hàng trăm sách nghiên cứu cách nghiêm túc để khỏi quấy rầy độc giả phải đọc thêm nhiều trưng dẫn khác. Chỉ cần tóm lược rằng tất cả các chứng từ đó đều đưa đến kết luận chung là Tàu cùng một chủng tộc, cùng văn hóa với đại chủng Việt, và mới tách ra từ tộc Thương (Hoàng Ðế do Ðạo Lão đặt ra sau. Need. I 189). Còn tộc Hạ thì không tìm được ấn tích nào trong khảo cổ, cả đồ đồng lẫn bốc tử. Nói đúng ra thì Tàu mới có tự Ban Canh (1401-1373 BC) nhưng ngoài vài thói tục riêng (cờ Bạch hổ, đi xe ngựa) thì văn hóa hoàn toàn là Di, cả đến bà Giản Ðịch sinh ra tộc Thương cùng sinh đẻ theo lối Di là "nuốt trứng chim" Trống quân.
Như vậy các tổ trước gặp trong sách được cho là Tàu vừa trái khoáy lịch sử (anachronisme) vừa mâu thuẫn, thí dụ Nghiêu Thuấn mới có trong sử sau Khổng Tử, Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông toàn là người Di, Phục Hi cũng gọi là thanh tinh: rồng xanh (rồng là Di). Nữ Oa đầu người mình rắn (Di). Thần Nông cao 8 thước 7 tấc tức trừ 5 thì ra số 2-3 của Di vì thế không được nhắc đến trong Kinh Thư, chỉ mới được đưa vào sau theo một lối riêng: càng cổ thì càng được đưa vào muộn thí dụ Bàn Cổ lâu nhất vì mở đầu lịch sử toàn vùng thì mới được đưa vào đời Tam Quốc do Tử Chỉnh trong quyển "Tam Ngũ Lược Kỷ". Bàn là họ đứng đầu người Việt Ðông (Origins 459). Theo lưu truyền thì mồ mả còn đâu đó trên rừng núi Quảng Ðông. Vậy Bàn Cổ là tổ họ khai quốc Việt Nam 2879 BC. Bàng cũng đọc là Bành là Bàn là Ban, Man, Mân, Môn, Mana, Mã Lãi, Mongol... đều tự Bàn Cổ mà ra, chỉ có cách đọc là khác. Ðây mới là liên hệ tên chứ nếu kể đến liên hệ văn hóa thì toàn cõi Ðông Á không đâu ra khỏi đại chủng Việt.
6. Tách ra khỏi đại chủng thì Tàu khác gì? Thưa ra văn minh tức có nhiều tư tưởng khúc chiết, đưa ra nhiều điểm mạch lạc, làm cho ra minh nhiên có lý luận. Còn văn hóa không có tư tưởng, chỉ có mấy lý luận. Còn văn hóa không có tư tưởng, chỉ có mấy ý lực nòng cốt nên phác tố, tự nhiên: con người gần với thiên năng hơn, được hưởng nhiều tự do hơn nên về đàng nhân cách đức độ thì cao hơn văn minh. Có thể dùng câu sách Trung Dung (câu 20 và 21) để tả văn minh văn hóa. Văn hóa là thành giả. Văn minh là thành chi giả.
"Thành giả thiên chi đạo dã, bất miễn nhi trúng, bất tư nhi đắc. Trung Dung trúng đạo: thánh nhân dã. Thành chi giả nhân chi đạo dã: trạch thiện nhi cố chấp chi: bác học chi, quảng vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi".
Tự thành minh vị chi Tính - văn hóa.
Tự minh thành vị chi Giáo - văn minh...
Văn minh ưa ở tỉnh thành nhiều hơn (tỉnh là civis nên sinh ra tiếng civilization) thiên về buôn bán và công nghệ. Về đàng trí thức thì nhận thức rõ hơn về sự vật nên có ý niệm xác định hơn, gọi tên lên nhiều điều mà văn hóa mới chỉ thị lờ mờ bằng hình tượng, thí dụ Việt Nam làm bánh giầy bánh chưng, thì Tàu nói "Thiên viên địa phương: ý tưởng như nhau nhưng Tàu nói bằng lời. Việt làm lễ "Thành Ðinh" với các cuộc chạy thi: thi chạy, thi vật, làm lễ nhập cuộc v.v... còn Tàu là gia quan với những lời dặn dò kỹ lưỡng. Việt thờ tổ tiên còn Tàu là gia tiên đặt bài vị theo vị trí ngũ hành... Tiến trình này kết tinh bằng kinh sách Tàu là Tứ Thư, Ngũ Kinh. Việt thuộc giai đoạn chưa thành văn, nên không có sách, hay gọi là thời "kinh vô tự".
7. Nói như vậy thì văn hóa cao hơn văn minh cần phải đi đến văn minh? Thưa rằng văn minh là phần việc của con người lý trí, mà lý trí là cơ năng ban cho con người để con người tham dự với trời đất trong cuộc tiến hóa của mình. Thú vật không có lý trí nên suốt đời cứ tự nhiên không lầm lỗi. Con người trái lại lầm lỗi rất nhiều và chỉ tiến được qua lầm lỗi, và tiến trong cõi nhân vi chứ làm sao mà bằng được với thiên năng, nhưng con người hơn con vật ở chỗ có phần tự làm ra để đóng góp, còn lầm lỗi là tại pha lý trí với tiềm thức tâm linh không đúng độ. Ðúng độ là khi lý trí "soi" tiềm thức mà không phá tiềm thức (cũng gọi là thiên năng) nên tiềm thức vẫn càng làm ích cho con người, giúp con người đạt hạnh phúc thí dụ bình sản và tự do. Nơi nào không đạt thì có chế độ nô lệ, mắc nhiều chiến tranh với các chênh lệch. Vậy mà ít nơi đạt được quân thiên đó (celeste equilibre). Ấn Ðộ cho tới nay chưa giải thoát được lý trí ra khỏi tôn giáo nên khi Upanishad khám phá ra chân lý nền tảng tatvam asi thì thầy trò phải đưa nhau vào rừng mà nói nhỏ vào tai, không thì bị với các nhà tư tế. Lý do vì Ấn Ðộ ở miền nhiệt đới: cái nóng uống hết sinh lực, nên những hoạt động trí óc cao hơn phải chuyển sang Tàu. Còn Âu Châu thì mới đạt "tự do thoát khỏi mà chưa có tự do tích cực (freedom from not yet freedom to). Trong các triết gia trên thế giới chỉ thấy có Khổng là đạt độ quân thiên theo liều lượng vài ba: lý trí 2, tâm linh 3.
8. Ðến đây ta có thể hỏi nếu không có Việt tộc thì liệu ông có đạt được độ quân thiên đó chăng. Có lẽ không vì ngoài khu vực Việt không thấy được người nào. Tuy nhiên ta cũng cần hỏi lại, là nếu không có Khổng Tử thì liệu nền Minh Triết Việt có thành tựu được như Khổng Giáo chăng. Khó nói! Chỉ biết rằng sau Khổng Tử cả cái miền Ðông Á chưa có người nào nối tiếp được sự nghiệp ông. Sự nghiệp ở tại lập một tỉ lệ quân bình giữa lý trí và thiên năng: (tỉ lệ "vài ba" hay là lý trí 2, thiên năng 3), cũng gọi là "quân thiên" (celeste equilibrium). Ngoài ông ra thì trong các vị có ghi chép lại trong sách vở chưa có người nào kể cả Ðông lẫn Tây, cả kim lẫn cổ. Ông Speiser đã có lý khen Khổng Tử khi đi tìm đạo có công biết quay về Phương Nam. Dầu sao thì ông Howord Smith có lý để nói "Khổng Tử là món quà to nhất ban cho loài người" ông xứng đáng được coi là gạch nối giữa Việt và Nho. Sau ông, nho bị nghiêng sang lý trí đến 30 phần trăm. Vì Lão Trang cứ nằng nặc đòi trở về phác tố, cho đó mới là Ðại Ðạo rằng "Ðại đạo mất nhân nghĩa xuất", mà không suy rằng Ðại đạo mất không do người đưa nhân nghĩa ra mà do thời thế. Ðâu cũng vậy. Ðại đạo đều mất chỉ có thú vật cây cỏ là không mất đại đạo, chứ hễ là con người thì đều mất Ðại Ðạo. Vì có mất Ðại Ðạo thì con người mới có dịp đóng góp phần mình khi đưa lý trí vào. Có thể nói xét về đàng Minh Triết hay Ðại Ðạo thì con bò với thánh triết ngang nhau, hai đàng cùng một độ tinh thần và thánh thiện ngang bằng, chỉ khác là nơi con bò (hay thú vật nào cũng thế) thì hoàn toàn phác tố, vô thức, còn nơi thánh triết thì có ý thức. Quãng cách giữa con bò và nhà thánh triết chính là con đường nhận thức cũng gọi được là tiến trình nhân cách hóa hay cá thể hóa (process of hominization or of individualization). Và đó là con đường tiến hóa của chung con người nó ở tại đem ý thức soi vào vùng tiềm thức, làm cho đôi bên giao thoa với nhau. Làm sao cho cả hai bên đều cùng làm việc thì gọi là đắc đạo. Nếu lý trí ý thức đóng góp bên dưới số 2 thì ra dị đoan tín nhảm gọi là duy thiên hay duy tâm. Nếu lý trí vượt quá số 2 thì ra duy lý với chủ thuyết, với ý hệ Ðại Ðạo cũng mất luôn gọi là duy địa (duy vật).
9. Riêng nho thì đưa ra nhân nghĩa tương đối gần được quân thiên (2-3) hơn hết. Ðành rằng nhân nghĩa không thể nào so được với Ðại Ðạo, nhưng trong đợt văn minh thì không giải pháp nào bằng nhân nghĩa cả, vì tâm thức con người đã nhiễm nhiều lý trí không còn đủ trình độ phác tố mà đón nhận Ðại Ðạo. Lý trí đã lên đến quá độ hai thì phải có cái thang nới rộng hơn mới ứng hợp. Hãy tạm ví triết lý như cái thang để con người leo lên sân thượng Ðại Ðạo. Lý trí con người tiến triển mỗi đời mỗi khác nên mỗi đời phải có cái thang khác, cái nền triết lý mới khác tuy xuất tự cùng một gốc cũ. Ví như cây trái mỗi mùa phải nở một loạt hoa trái khác. Hết mùa thì hoa trái rụng, có còn cũng thối không ăn được nữa. Sang năm phải một mùa mới. Việt Ðạo là một mùa hoa trái cực kỳ sum sê. Nhưng đến đời Xuân Thu thì triết lý hết xài. Lại phải đặt ra một nền triết lý mới và Khổng Tử đã thành tựu trong việc này. Ðến nay lý trí đã phát triển hơn nhiều thì lại phải có một nền triết lý mới khác mà chúng ta còn đang chờ. Ðó là điều giải nghĩa tại sao nho lúc này cần phải thêm chiều kích triết vào cái học. Chỉ nghiên cứu suông không còn đủ nữa.
10. Trong khi chờ đợi ta thử lên số ít nét bên ngoài phân biệt văn hóa với văn minh vì điều này vừa kiện chứng sự vụ là Việt thuộc giai đoạn văn hóa khác Tàu ở giai đoạn văn minh, vừa cũng giúp vào việc đón nhận hoặc làm ra nền triết mới.
Vậy trước hết ta hãy xét chữ Việt chữ con quăng và chữ chân chim. Con quăng chỉ rồng, chân chim đại diện cho chim tiên, cả hai còn nặng tính tượng hình, chưa đạt độ tượng ý bằng chữ lệ (chữ nho nay nó khúc chiết hơn chữ con quăng nhiều). Vì xem một chữ đọc lên tên sự vật liền rất đích xác. Như vậy với chữ lệ nho đã bước lên một bước cao hơn văn hóa về đàng xác định, nhưng về đàng tự do thì mất đi một ít. Rõ nhất là trong việc cưới hỏi: văn minh bắt phải có mai mối, có lễ nghi, đủ thứ... còn thời Việt thì tự do quần hôn, rồi bạn lữ hôn, nếu không thì lối trống quân: cô cậu nào yêu nhau thì tự do lấy nhau. Ðây là chỗ khác nổi bật và bao câu nói của Vương triều chê Man Di không có đạo lễ gì ráo, cần phải "đức hóa"... thì đến 90 phần trăm là bắt theo mai mối, lễ nghi rườm ra cưới hỏi, chứ về đức hóa thì vương triều kém Man Di nhiều "đức hóa" sao nổi.
Còn nhiều cái bày đặt có tính cách xa xỉ do "giầu có sinh lễ nghĩa", dân không đủ tiền của mà theo thì họ cho là "lễ bất hạ thứ dân" v.v...
11. Tóm lại văn minh có tổ chức hơn, mà tổ chức thì không gì ngặt bằng du mục quen sống thành đoàn lũ, không dành chỗ cho cá nhân phát triển, nhất là khi năng đi chiếm đoạt, nên phải đề cao tù trưởng, đề cao quân đội và luật hình. Học giả Creel đã lên sổ mấy khoản do nhà Chu đưa vào nho như sau:
(1) Chức thiên tử.
(2) Quân đội chuyên nghiệp.
(3) Tông pháp cha truyền con nối (trưởng nam).
(4) Luật hình.
(5) Hoạn quan (cấm dân không được dâm dục, còn vua thì thả dàn có cả ngàn cung phi).
Nói chung với văn minh thì du mục hay phụ hệ lấn át mẫu hệ, trọng võ hơn văn, đầy bóc lột, xã hội chia giai cấp, nhưng may mắn cho Ðông Á vì nho quá mạnh trong dân gian nên du mục chỉ lấn được độ 30 phần trăm còn đến 70 phần trăm vẫn là nho. So với văn minh du mục thì mẫu hệ mất trọn, dân chúng bị đàn áp nên không dự cùng một văn hóa như quí tộc. Khi Rôma bị xâm chiếm thì liền tan vỡ, còn Tàu bị xâm chiếm bao lần đã không tan rã, còn quay lại cải hóa kẻ xâm lăng. Khác nhau thế là nhờ có dân vẫn đi theo văn hóa có nguyên lý mẹ bám sát từng bước.
12. (1) Vài dấu bên ngoài khác. Chu Dịch đổi thứ tự khôn càn ra Càn Khôn tức cho dương đi trước âm: đặt võ trước văn. Khi Khổng Tử sang nước Tống (con cháu Thương Ân) thì còn gặp đạo "khôn càn" tức nguyên lý mẹ (khôn) trước nguyên lý cha (càn) theo đúng thứ tự âm trước dương.
(2) Ngũ luân Tàu: vua tôi, cha con, chồng vợ (đực rựa)...
Ngũ luân Việt: vợ chồng, cha con, vua tôi. Dân chủ trọn vẹn, dân trước vua, vợ trước chồng: laydies first ngay từ đó.
(3) Nhà Tàu mái không cong mà chỉ cong ở giao đầu, còn hồi văn thì loại gãy khúc chữ chi, tức đã ít nhiều nghiêng về số 4 vuông. Việt thì cong toàn mái như trống đồng, hồi văn cũng cong như biến từ Bắc Sơn ra chữ S, nghĩa là nét cong to hơn và giữ đến chi tiết là thay hồi văn bằng chử S ngả ~.
13. Về nghệ thuật thì Việt là zero hoàn toàn bắt chước Tàu không sáng tạo được gì. Ðó là xét về văn minh. Hàn và Nhật còn có cái gì riêng chứ Việt thì hầu không vì vài lý do riêng:
(1) nước nhỏ bên cạnh nước quá lớn, phải cống thợ giỏi tự 40 đến 60 người; những người giỏi không dám lộ ra sợ bị xung công cống Tàu.
(2) thứ đến vì nằm trong nhiệt đới nóng như đốt thiêu rụi mọi sinh lực sáng tạo. Nhưng còn lễ chính chưa ai để ý đến là Hàn, Nhật, còn có quí phái và tăng lữ nên có nghệ thuật tách rời, tuy nhiên không nhiều bằng những nơi có kim tự tháp, có ziggurat có Pantheon...
Vì cuối cùng người ta nhận ra rằng nghệ thuật mọc lên trên 3 cái lầm chí tử của loài người: thần quyền, quân quyền, quí quyền; nơi nào có mặt một trong ba thứ đó thì nghệ thuật biệt lập cao. Vì Việt Nam thoát ba tai họa đó nên không có nghệ thuật nằm trong vật dụng (kết hợp óc thẩm mỹ với thực dụng). Do đó xét chung thì Việt còn giữ được của đại tộc mấy điểm hơn Tàu sau:
(1) Ðịa vị đàn bà Việt cao hơn, như đàn bà trong Kinh Thi tự do hơn sau này. Bà tế lễ (bà đồng) các ông mãi sau mới được nhận vào "đồng tế" rồi thừa thắng xông lên chiếm luôn.
(2) Bình sản giữ được nhiều hơn: thường quá bán ruộng là công điền chỉ có thời thực dân Pháp gom ruộng vào mấy đồn điền lớn thì số tá điền mới thêm nhiều, chứ còn nói chung thì là công điền vẫn nổi hơn tư điền nên ngoài bắc có nơi đến 98 phần trăm người cày có ruộng.
(3) Không có vụ chôn người sống theo người chết như bên Tàu nói có vua chôn theo hàng trăm người. Tần Thủy Hoàng chôn 3,000 cung phi theo.
(4) Tự trị xã thôn cao hơn. Bên Tàu thường bị một dòng họ độc chiếm, chứ ở Việt Nam thì bất kỳ ai đến 50 tuổi đều được vào hội đồng kỳ mục...
14. Xuýt xoát đó là bảng vẽ lại những dấu phân biệt Việt với Tàu nó cho ta thấy một bảng nhất lãm về nho cả văn hóa lẫn văn minh. Nó cho thấy văn minh hơn văn hóa một số điểm nhưng kém một số khác, nhất là nó giúp nhìn rõ giá trị của nho giáo có thể có trong thời đang tới như thế nào, và nay các học gia còn bị vướng mắc những gì cần được giải tỏa. Nó cũng làm thay đổi cái nhìn về liên hệ Tàu với các nước chung quanh ra sao. Với cái nhìn mới thì Tàu không còn là chủ độc nhất của nho nhưng không còn bị coi là ông khổng lồ chuyên môn đàn áp hàng xóm, nên hàng xóm rất dè dặt để khỏi nói là sợ và ghét, rồi đâm ra ghét lây cả nho giáo coi như là cái gì của Tàu. Ðó là cái nhìn rất bất lợi cho cả Tàu lẫn chung quanh, cả về chính trị lẫn văn hóa nhất là văn hóa. Trái lại với cái nhìn mới thì Tàu xuất hiện như người anh cả trong đại gia đình văn hóa, một nền văn hóa đã mở rộng thênh thang sang tận Mỹ Châu, Phi Châu, Âu Châu và lại nhận ra sứ mệnh đang chờ cả gia đình.
15. Sứ mạng đó là hợp nhau góp công với toàn thể nhân loại để kiến tạo một nền văn hóa mới, một nền văn hóa hợp cảm quan thời đại, một cảm quan đã lý trí hóa đến độ không còn thể chấp nhận cái gì vô nền tảng tâm lý hay lý trí, với một tâm thức mở rộng được chỉ thị bằng các ngành tân nhân văn: uyên tâm, cơ cấu, vi thể... nên cũng mong muốn một nền chu tri toàn diện, để kiến thiết được nền huynh đệ phổ biến. Trong việc này thì người Ðông Á tuy có được thừa hưởng nền Minh Triết cha ông nhưng đã mất ý thức, cần một nền triết lý mới giúp cho. Mà nói đến thì người Ðông Á rất kém, chắc vì lâu ngày đi lối trực thị, lối này làm cho người theo giỏi về nghệ thuật, như người Tàu thì về đồ đồng, đồ sứ, tranh thủy mạc... không ai hơn được, nhưng về đàng triết thì bất lực tỏ tường cũng cùng hạng với Do Thái, Roma, Arab kém triết mà nổi về thực tế vậy. Âu Mỹ thì về triết bất địch: có thể là do triết cổ điển không đạt Minh Triết tức không hội nhập được hai thái cực với nhau nên vấn đề nào cũng mắc mâu thuẫn trầm trọng bắt người học phải suy tư ráo riết, lâu ngày làm cho cơ năng suy tư phát triển đến tuyệt độ, đi hết con đường diễn dịch với biết bao nhận xét rất chí lý ơn ích cho cuộc đi "tự minh tới thành" trở nên dung dị. Bây giờ đem áp dụng tài năng đó vào "gốc rễ Việt Triết" thì nhân loại chắc chắn sẽ có được một nền triết lý gắn liền với Minh Triết để đi vào năm 2000 thiết lập tình huynh đệ phổ biến. Ðó chính là điều mong ước của toàn thể nhân loại, nhưng cho tới nay nó chỉ xuất hiện như một mơ ước không tưởng, không làm sao kết tinh nổi, là vì nó chưa gặp được một đường lối cụ thể nào.
16. Thiết tưởng đường lối cụ thể đó đã hiện hình lên lờ mờ trong dự phóng của Việt nho, vì nó gom được ba điều kiện thuận lợi từ trước tới nay chưa đâu có. Trước hết là Nho được các đỉnh cao trí tuệ nhìn ra có khả năng tiềm ẩn làm được thế như đã nói về Honolulu 1949 khi chọn Khổng Tử làm nhạc trưởng cho cuộc thống nhất hòa âm nhân loại.
Thứ đến sự phăng lần ra gốc rễ của Nho cũng là một thuận lợi nội tại đích thực hơn giúp rất nhiều cho việc kiến tạo một nền triết mới cần thiết cho giai đoạn mới.
Thứ ba là biên cương của Việt rộng vô cùng lan tỏa khắp thế giới: Á, Mỹ, Phi, cả Âu Châu thời các đại mẫu như Demeter, hầu như không sót ai ngoài vòng, nên việc quang phục gốc rễ Việt Triết cũng kể được như là quang phục gốc rễ của loài người tức đã có sẵn tính cách phổ biến ở trong rồi. Như vậy chỉ còn thực hiện nữa là chúng ta sẽ có một tình huynh đệ phổ biến: bốn bể một nhà. Ðó: ơn ích của cái nhìn mới: nhìn qua cơ cấu của Nho toàn diện cả văn minh lẫn văn hóa là như vậy.