Gậy Thần

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Gậy thần là tên chỉ những đợt tăng trưởng của ngũ hành như sau:

Bước tăng trưởng đầu tiên là vòng trong vòng ngoài.

Vòng trong mới đáng gọi là ngũ hành, vì chữ hành nói lên sự biến động, nói lên luồng linh lực vận chuyển chưa kết đọng ra cái chi cả? Ðiều này chỉ xảy ra ở vòng ngoài, nơi sinh lực đã kết tinh thành sự vật và từ đấy thì phải dịch là tứ tố như của các nơi, vì đã thành sự vật cố định như nước, lửa, kim, mộc. Vòng trong vòng ngoài nhắc lại tính chất lưỡng nhất của con người gồm cả trong lẫn ngoài.

"Ngoài là lý nhưng trong là tình".

Tình thâm nhi văn minh.

Duy tâm chỉ ôm vòng trong.

Duy vật chỉ biết có vòng ngoài.

Các duy làm nên những văn hóa một chiều kích nó làm què quặt con người, đẩy con người xa khỏi cái "chu tri" toàn diện. Các nền văn hóa hiện đang bị khủng hoảng là vì vụ này. Heidegger gọi văn hóa tây âu là quên nét gấp đôi là vì vụ này đây. Bachofen 1851. Briffault 1927 chứng minh được rằng văn hóa tây âu đánh mất nguyên lý mẹ cũng vì vụ này: vì thiếu vòng trong chỉ toàn tứ, ngũ tố, có được chút hành nào đâu mà chả ứ đọng.

2. Cũng chân lý lưỡng hợp nhưng được biểu diễn kiểu khác là vòng sinh vòng kháng.

Vòng sinh là đường đi ra thế sự theo kim đồng hồ với chặng sinh, thành, suy, hủy.

Vòng kháng là đi ngược chiều trở về trung tâm theo 4 chặng: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh nó đem lại chất trường tồn cho văn hóa (và do đó mà có vụ tả nhậm là đề cao tay trái như sẽ nói sau). Vì có trong ngoài, mà cũng có 2 vòng xuôi ngược, nên cuối cùng thành ra chữ Viên gồm cả Vãn lẫn Vạn.

3. Cùng chân lý trên: vòng trong vòng ngoài, tả nhậm hữu nhậm nhưng được trình bày bằng khung Việt tỉnh đã được mở rộng thành Việt tỉnh cương. Thay vì Việt tỉnh thì nó biến ra Việt tỉnh cương từ Việt tỉnh cương ra Thái thất. Thế là có đủ khung đủ số. Bấy giờ đem cả số sinh lẫn số thành đặt vào Việt tỉnh cương thành ra "Cửu Lạc" là 9 con số của dân Lạc Việt. Sau nho giáo gọi là "Hồng Phạm Cửu Trù". Ðó là một thứ Hiến Pháp. Ðúng hơn là một thứ Ðạo gọi là Hồng Phạm là mẫu mực lớn mà các việc lẻ tẻ (cửu trù) đều phải tuân theo. Cái mẫu lớn đó chẳng qua là Ngũ Hành nó phải là mẫu mực cho hết mọi việc. Làm được như vậy thì Cửu Lạc hay là Hồng Phạm Cửu Trù đã biến thành Minh triết gọi bóng là gậy thần. Vì làm được hết mọi việc khó khăn.

4. Minh Triết là gì? Nói theo siêu hình là khả năng hội nhập hai đầu thái cực lại một. Nói theo kiểu thông thường thì Minh Triết là nghệ thuật tối cao xếp đặt cuộc sống thế nào cho mọi người được hạnh phúc. Nhiều học giả khen Ðông Á là miền duy nhất có Minh Triết thì câu nói đó đúng cả về nghĩa siêu hình lẫn nghĩa thường nghiệm. Về nghĩa siêu hình đúng vì đây là miền duy nhất có khả năng nối kết có với không. Còn về nghĩa thông thường thì đây cũng là miền duy nhất tạo hạnh phúc cho nhiều người hơn hết tức liệu mọi người được hưởng bình sản và tự do. Ðang khi các văn minh khác không đạt được: xã hội thì để có giai cấp chủ nô, chủ có hết, nô chẳng có gì. Hầu hết các xã hội lớn xưa đều có giai cấp, có khi đến 3/4 dân là nô. Nay xét kỹ lại mới giật mình quả là tổ tiên đã tạo lập cho con cháu đủ sách ước gậy thần, nhưng con cháu quên lú mới đi rước triết ngoại lai vào làm nước mất nhà tan. Sách Ước là 5 số sinh hay là ngũ hành. Thêm 4 số ngoài vào nữa thành ra 9 số gọi là Cửu Lạc hay Gậy Thần đều như nhau, gọi ngũ hành là Hồng Phạm, còn cửu trù là Gậy Thần. Ðó chỉ là những tên khác nhau để chỉ nền Minh Triết hoặc gọi là Ðạo cũng vậy vì cho được là Ðạo thì phải gồm cả âm cả dương y như Minh Triết vậy "Nhất âm nhất dương chi vi Ðạo".

5. Như vậy Minh Triết chính là đạo "Thuận thiên" mà nếu diễn tả ra bằng tiếng ngày nay là đem lý trí thuận theo "tiềm thức" "thiên năng". Nói bằng số là đem 2 phục 3 hay đem 4 phục 5 gọi là "Mẹ tròn con vuông" như đã nói trên. Hoặc đem câu đó hiện thực vào phép làm lịch là đặt 12 tháng vào khung thái thất chia ra 4 mùa, mỗi mùa có 2 tháng nhỏ (tháng ca) một tháng to, tháng to đặt cuối mùa. Tuần thứ 4 của tháng đó thì vua vào ở trung cung Hành Thổ, để "an Thổ, đôn hồ nhân, cố năng ái". Cuối 4 mùa đều làm như thế gọi là tứ quí. 12 tháng vua phải ở trong 12 phòng. Tháng nhuận thì vua phải ra ở cửa, nên chữ nhuận viết chữ môn là cửa, dưới có chữ Vương. Vua phải theo nguyệt lệnh mà ở như vậy, vì vua thay mặt cho toàn dân đóng vai giao tiếp với Trời gọi là Người bắc cầu số giách (Supreme Pontife - kỹ sư cầu cống thượng đẳng); chỉ thế thi hành khi ông bắc từ đất lên đến trời thì mới đạt Minh Triết và đáng gọi là Pope King. Còn mấy ông vua du mục xưng mình là god king có cao hơn về tên gọi nhưng xét cầu các ông bắc thì giống cầu vòng có vươn lên cao, nhưng cuối cùng lại cắm đầu xuống đất, thì đó chỉ là chuyên chế, độc tài, độc địa chứ đem được hạnh phúc cho ai mà bảo là Minh Triết.

6. Nhìn xem văn minh nhân loại ngày nay đang bị khủng hoảng trầm trọng là vì toàn là vô đạo, thiếu Minh Triết. Nói chi tiết thì văn minh này đang thiếu:

(1) Một nền "chu tri" toàn diện: Cái học ngày nay chỉ là cái học thành công mà thiếu thành nhân. Nước chỉ có đến Hiến Pháp, trên không có gì nữa. Các đảng chính trị cũng chỉ có đến "cương lĩnh" là hết, trên nữa chẳng có đạo nào để mà tu thân, để nâng nhân cách lên cả, nên chính sự của đảng phái chỉ toàn mưu lược sao để nhằm hạ bệ đằng kia, chứ không biết lo cho nước. Ðúng hơn chỉ lo kiểu "hiếu hành tiểu tuệ" chính trị tính từng tuần: thiếu hẳn cái nhìn "an bang tế thế" để bình thiên hạ.

(2) Thiếu khả năng kiến tạo Hòa Bình, vì đến đợt siêu hình đã nối được có với không đâu. Triết học hí hoáy suốt 25 thế kỷ không sao cộng nối vuông với tròn vào nhau được, chỉ có kỹ thuật là sáng lạn. Bên trong không Chủ Ðạo, bên ngoài làm sao thiết lập nổi Hòa Bình. Có làm hết cỡ cũng chỉ đi đến tạm ước (modus vivendi) vậy thôi.

7. Ngoài ra thì đúng như Bachofen đã tố cáo văn minh nay đánh mất nguyên lý mẹ từ lâu rồi, nên không làm sao tạo hạnh phúc cho con người được. Phải có mẹ mới nâng cao sự sống, chứ cha chỉ nghĩ đến tăng quyền lực. Vì bỏ mất nguyên lý mẹ là tình yêu thương nên cho tới nay toàn dùng nguyên lý thống trị, principal of domina chỉ đi đến những đế quốc: từ Babylon, Assyria, Egypte qua Roma, Mongol... toàn đực rựa, dựa trên bạo hành bạo lực. Tất cả đều vang bóng một thời rồi sụp đổ trọn vẹn, không để lại trong khi di sản văn hóa được một cái gì đáng giá. Ngoài mấy trái bom H thì văn hóa này đóng góp được chi.

8. Văn minh lên cực cao đến đợt vi thể... nhưng chưa bao giờ thiết lập được một nền nhân chủ để cho con người làm chủ vận mệnh mình: hết phục tùng trời thời trung cổ, thì đến nay phục tùng đất: hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng điều khiển nhưng con người khốn khổ như lũ chó lè lưỡi thở hắt ra.

Văn minh nay cũng chưa bao giờ tìm ra được cái Học có Hành, nghĩa là cái hành gắn liền với học như sách ước gậy thần. Gậy thần là phần thực hiện của sách ước. Với Sách Ước thì ước gì được nấy. Sách Ước có tất cả các điều vừa kể trtên:

(1) Nền chu tri toàn diện trong ngoài.

(2) Kiến tạo hòa bình kéo dài nhiều ngàn năm.

(3) Giữ được nguyên lý mẹ cho tới tận đời mới.

(4) Thiết lập được nền nhân chủ để con người khỏi làm nô lệ cho các thế lực ngoại lai.

(5) Lập ra được một nền học vấn có hiện thực chứ không chỉ là thứ học gây nên những con người lý thuyết.

Những điều đó cho đến nay mới chỉ thấy miền có Sách Ước mới thiết lập được mà thôi. Và vì vậy có thể nói là nền văn hóa duy nhất đã tạo được hạnh phúc cho con người.

Chương sau sẽ nói về bức tranh hạnh phúc đó.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page