Ghi Chú Về Nguồn Gốc Nho
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
1. Ai cũng biết là đạo nho phát xuất từ Kinh Dịch. Kinh Dịch thành bởi âm dương, tam tài, ngũ hành. Nói kiểu cơ cấu là thành bởi ba số 2, 3, 5 (số 2: âm dương; số 3: tam tài; số 5: ngũ hành). Vậy muốn biết gốc đạo nho thì hãy tìm gốc ba bộ số 2, 3, 5. Hễ thấy chúng phát xuất từ đâu, thì nho cũng từ đấy. Kinh Dịch đã nói điều đó trong câu:
"Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số" (Thuyết quái 1).
Vậy số 2 phát xuất ở cái gạch Bắc Sơn (tỉnh Thái Nguyên).
Số 3 phát xuất ở bộ ba cái chạc Ðông Sơn (tỉnh Thanh Hóa).
Số 2-3 cũng ở Ðông Sơn trong một mộ cổ tìm thấy 5 hòn sỏi thì 3 hòn mài nhẵn, 2 hòn để thô. Lại thấy hình xếp 3 người trên, 2 người dưới trong các qua. Rồi trong hai huyền thoại: một sách ước với hai trang hỏa mộc, hỏa số 2 mộc số 3; một về hiền triết Tanê (ở Ðanê) nhận được 2 hòn đá quyền lực và 3 thúng khôn v.v...
2. Khổng Tử xưng mình chỉ thuật lại đạo xưa mà không sáng tác Thuật nhi bất tác. Tín nhi háo cổ. Thiết tỉ ư ngã lão Bành (Luận Ngữ VII-I). Khổng Tử trộm ví mình như Lão Bành. Bành với Bàng là một. Ví mình với Lão Bành tức ví với người họ Hồng Bàng.
Học với Thuấn là người Ðông Di "Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn" Trung Dung (30) "Thuấn Ðông Di chi nhân" (Mạnh Tử). Di là Lạc Việt. Người Tàu quen gọi ta là Man Di nên có Di Việt. Hoàng Di (như Hoàng Việt).
Khổng Tử hướng lòng về phương nam. "Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo. Nam phương chi cường dã quân tử cư chi" (Trung Dung câu 10).
Trong Kinh Thi ông đề cao thơ Châu Nam và Chiêu Nam đến độ bảo ai không học hai thơ đó thì như quay mặt vào tường. Luận Ngữ XVII 10. Còn rất nhiều lẽ, xin nhường lại cho chuyên môn. Ðây chỉ cần nhớ một điều là không tìm được trong cổ sử Tàu một điều nào chứng rằng Tàu là chủ khởi xướng ra nho hết. Trong truyện cổ Tàu không có vụ dùng số cách đặc biệt. Ðang khi trong truyện cổ ta có đầy dẫy. Truyện cổ Ca Tu trong 5 trang đếm được 16 số 9. Riêng trang 95 thì số 3 trở lại 22 lần. Trong nho số cũng đầy rẫy. Ông Mayers trong quyển "The Chinese Reader's Manual" đếm tới 319 bộ phạm trù bằng số (numerical categories). Các điều trên chứng tỏ nho phát xuất từ Việt tộc trọn vẹn. Vì thế người Việt mà ruồng bỏ nho là bỏ mất linh hồn của mình vậy.
Hỏi nếu vậy thì Khổng Tử có công gì?
Thưa vẫn có công lớn lắm ở chỗ đưa lý trí vào để làm ra minh nhiên những huấn điều của Việt Ðạo hãy còn nằm trong tiềm thức thiên năng. Thiên tài của Khổng Tử là đưa lý trí vào vừa đủ nên không phá mất thiên năng. Ông giữ được tỉ lệ 2-3: 2 lý trí, 3 thiên năng. Triết Tây Âu đưa vào đến 4 lý trí làm thui chột thiên năng (còn có 1). Ta có thể nói trước Khổng Tử, thì nho đạo là "tư thành minh giả vị chi Tính". Sau Khổng Tử thì là nho giáo "tự minh thành giả vị chi giáo" (Trung Dung câu 21). Về mặt quân bình 3-2 thì khắp Ðông Tây kim cổ không tìm thấy một thiên tài nào sánh ngang được với Khổng Tử.