Sách Ước

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Sách ước chính là thánh kinh của Việt Nam, một kinh vô tự: không có chữ, chỉ có ba trang trống trơn, nhưng hai trang đọc được có tên là hỏa và mộc. Sách được ban cho Thần Tản Viên khi xuống thăm Lạc Long Quân dưới thủy phủ. Ðây là quyển sách gia truyền được ông cha trao lại cho con cháu, trao dưới đáy biển tức chỉ những điều chép trong sách nằm trong vùng tiềm thức cộng thông của đại chủng. Truyền thống tâm linh nhân loại thường dùng lòng biển để chỉ những chân lý thâm sâu cao cả. Những chân lý trong sách ước được diễn tả bằng ba ẩn ngữ: tiên rồng, ẩn số 2-3 và nét cong.

Sách Ước nói lên nguồn gốc văn hóa Việt phát xuất từ Thái Bình Dương như được kiện chứng bằng truyện hiền triết Tanê lên thăm kho trời được ban cho 2 hòn đá quyền lực và 3 thúng khôn tức cũng cùng dùng hai bộ số 2-3 như sách ước (2 trang hỏa mộc: hỏa số 2, mộc số 3). Hiền triết Tanê ở đảo Ðanê tức giữa lòng Thái Bình Dương y như Lạc Long Quân. Chắc vì nguồn gốc biển cả này mà Việt Nam gọi quê hương là nước. Nước Việt Nam: "Water Việt Nam" nói lên liên hệ với biển rõ ràng. Ðể hiểu được nội dung sách ước cần phải hiểu hai trang hỏa mộc là gì tức là phải hiểu ngũ hành ra sao, vì ngũ hành thành bởi hai bộ số 2-3 làm gốc.

2. Hãy xem cơ cấu ngũ hành (hình) sẽ thấy xương sống của toàn bộ văn hóa Việt mà cũng là của Ðạo Nho nằm trong ba số 2-3-5 nên muốn hiểu Việt Nho cách thấu triệt thì phải hiểu về ngũ hành, đó cũng là bí quyết của gia tộc. Như vậy phân tích ngũ hành có nghĩa là phân tích Việt Nho trong đợt tinh hoa nhất và sở dĩ sau Khổng Tử, Nho bị cho là thất truyền, thì một phần cũng tại ngũ hành không được khởi công nghiên cứu về mặt cơ cấu. Tuy Nho có nói nhiều nhưng toàn theo lối ma thuật kiểu âm dương gia tức trật đường rõ rệt.

Vậy nét nổi bật trong ngũ hành của Việt khác với "ngũ hành" các nơi ở chỗ có Vô thể nằm vùng ngay trong giữa gọi là Hành Thổ, đó là điều không mấy ai để ý tới vì nó diễn tả bằng số và hình cái nét đặc trưng của Ðông Nam Á là lưỡng nhất (dual-unit) hai mà một: nếu hai là hai, một là một thì dễ, là sự thường. Ðàng này oái oăm ở chỗ hai mà một, một mà ba. Hai đây cũng là có với không một trật, có với không khác nhau như trời với đất, nước với lửa. Vậy mà Việt Nho bảo là một, khác biết bao với duy vật chỉ có Hữu, duy tâm chỉ có Vô, Việt thì cả Hữu cả Vô một trật.

3. Chân lý đó còn được kết thành đồ án mới lạ ở chỗ vẽ ra cái không được mới tài, bởi không thì vô hình làm sao mà vẽ. Vậy mà Việt Nho vẽ được đấy, đó là nhờ cái khung Giếng Việt. Giếng Việt? Lại một cái vô lý nữa! giếng thì đâu chả có, việc gì mà giữ của Việt? Thưa gọi là Giếng Việt vì nó khác với giếng thông thường ở chỗ bao gồm cả có với không. Có hay Hữu biểu thị bằng 4 thanh gỗ đặt bốn chung quanh miệng giếng, còn Vô được biểu thị bằng miệng giếng tròn, dân chúng quen nói về giếng rằng "bằng cái sàng ba làng ăn không hết". Ba làng đây chỉ cả đạo đất, trời, người, cùng tham dự vào cái Vô ở giữa gọi là vô biên, vô bờ, vô bến, vô cùng. Vì lối đặt 4 thanh gỗ nên có ba tầng chỉ trời đất người mới gọi là Giếng Việt, và tổ tiên Việt đã đưa lên trời trước bạ giữ bản quyền không ai được in lại bằng đặt tên cho ngôi sao đẩu của chòm sao phương nam gồm 7 sao là Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn. Sao Tỉnh có hình Việt Tỉnh.

Thế là có đủ khung đủ số rồi, chỉ còn việc đếm số đặt vào khung nữa là ra cơ cấu ngũ hành như sau:

Ðó là xương sống của Việt cũng như của cả nho. Trong đó số 5 ở trung cung Hành Thổ chơi vai trò then chốt bằng đem lại cho 4 hành chung quanh sự phong phú vô biên, miễn biết khai giếng đúng cỡ, nhưng người sau chưa bao giờ xét tới ngũ hành như cơ cấu hết mà chỉ xét theo câu nói: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thành ra quên vị trí trung ương của Thổ, nên cũng đánh mất luôn phần nhiệm mầu của Việt nho. Vì Thổ ở trung cung đại diện cho Vô thể hay muốn nói cách tích cực là cả Toàn Thể, người ta quen dịch là đất. Sự thật thì không phải là đất mà là cái đức của cả đất trời cùng hàm tàng trong đó.

4. Người sau không để ý tới chỗ tế vi đó nên khinh dễ Hành Thổ coi như bà con nghèo, vì Hành Thổ chẳng có chi hết. Bốn hành chung quanh đều có phương, có mùa.

Hành Mộc số 3 có phương đông, mùa xuân, màu xanh.

Hành Hỏa số 2 có phương nam, mùa hạ, màu đỏ.

Hành Kim số 4 có phương tây, mùa thu, màu trắng.

Hành Thủy số 1 có phương bắc, mùa đông, màu đen.

Thật ra Thổ không có phương mà cũng chẳng có mùa nên phải đi xin 4 hành kia tí đuôi là tuần cuối đưa về làm vốn gọi là "Tứ Quí". Túng đến nỗi bị gọi là "hành vô hành, địa vô địa". Thảm thương chưa? Sự thực thì quan trọng chính lại nằm trong Hành Thổ, như câu phương ngôn quen nói "Trung hòa cực thịnh hồ Ngũ". Lý Nhân Tôn gọi là "Hành Thổ phu nhân" vì Thổ đại diện nguyên lý mẹ là cái làm cho văn hóa Việt trường tồn miên viễn. Ông Paul Mus nói Việt Nam không bị Tàu đồng hóa là nhờ lễ gia tiên và Thổ thần. Thổ thần đây chính là Hành Thổ đại diện cho Vô thể để lập thế quân bình với Hữu Thể.

Ðang có niềm tin là cuối thế kỷ 20 này mọi nền văn hóa đều sụp đổ hết như có một số học giả đã từng chủ trương, nhưng trừ văn hóa Việt, nó sẽ còn tồn tại mãi.

Bài sau tôi sẽ nói về mấy đức tính làm cho văn hóa Việt có tính cách trường tồn ra sao. Ở đây xin hãy nhận xét điều này là các "ngũ hành" khác không là "ngũ hành" mà thường là "tứ tố" với khuyết điểm rất lớn là thiếu Vô thể, nên mất quân bình sơ nguyên, trở nên một chiều kích. Aristotle đã hé thấy điều đó nên cố thêm vào yếu tố thứ năm (quinta essentia) là ether nhưng thử máu thì thấy cùng loại máu Hữu y như 4 tố kia, tức Ether cũng là khí có tinh tế hơn nhưng còn nằm trên bình diện Hữu chưa vào bình diện Vô.

Ðàng khác tứ tố thiếu sự kết hợp với phương, mùa, màu, sắc, vị v.v... nên không diễn tả được tính cách "thiên địa nhất thể" như ngũ hành và do đó tứ tố có tính cách cố định không tăng trưởng được như ngũ hành để biến ra các đồ án sau như Hà Ðồ, Lạc Thư, Hồng Phạm, Cửu Trù, thành ra chẳng có giá trị gì hết trọi.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page