Hình Cây Việt
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
1. Hình Cây Việt (chính là phủ Việt) tìm được ở Ðông Sơn có khắc 5 hình: chìa ra 2 tầng: trên, 2 giao long đang giao chỉ (giao tay); dưới, 3 người mang lông chim (hay 3 con vật). Lưỡi Việt cong xéo. Nét cong là nét đặc trưng của Việt tộc nằm giữa vuông và tròn cộng lại thành nét cong. Tuy ban đầu nước ta không gọi là Việt, nhưng Cây Việt mang dấu tính Việt là tiên rồng thì còn hơn danh hiệu.
2. Một phủ Việt khác đã trút hết hình nhưng điểm đặc trưng là nét cong thì nổi bật. Nét cong do hình vuông ở sống vuông và lưỡi phủ Việt sắc (chỉ đường thẳng thay cho tròn) làm thành, nét cong lại là cái cung (cong) cũng đọc là phủ, một thứ hình thêu vào áo tế.
3. Hình Thao Thiết là đồ đồng đời Thương. Chính ra là hình thần rồng (giao long) gặp được ở nhiều đảo Thái Bình Dương đan bằng một thứ cây mềm thành hình cá sấu có mang lông chim, miệng mở rất lớn để nuốt lọt người được điểm đạo vào bụng để được tẩm nhuận linh lực (Mothers trang 323: Kopiravi) khi truyền vào đất liền thì được đúc thành đồ đồng. Sau lại biến ra Văn Qui long, rồi cuối cùng ra chim và rồng, tức tiên rồng hòa hợp rồi lại phân cực.
4. Văn quì long biến từ Thao Thiết thành một thứ nửa chim nửa rồng. Là Rồng nên có chân trước chân sau, là chim nên có cánh.
5. Thao Thiết đang biến trở lại thế rồng, có lẽ đây là nơi phát xuất ra con rồng ngày nay: nơi giao long góp 4 chân với xà long góp cái mình dài. Các nhà nghiên cứu gọi đây là nghệ thuật sông Hoài, vì có lẽ vụ biến thể nọ xảy ra ở miền đó. Ðó là miền hơn kém thuộc Giang Tô trước kia có Châu Từ quê hương đồ sứ (do chữ Từ, Tàu phát âm là Sư) quê hương Nữ Oa Thái Mẫu và Phục Hi.
6. Vài hình người hóa tiên tức là mọc cánh chim, nên chim là tiên, tiên là chim. (Hình người tiên có lông chim nên gọi là Vũ hóa. Vũ là lông chim đối với Mao là lông thú).
7. Hình vuông tròn biểu thị bằng bánh dầy bánh chưng. Ðây là tròn vuông diễn bằng cách xếp các quẻ Kinh Dịch. Hình tròn vuông diễn bằng số là lẻ chẵn: 3-2 trong Cây Việt, tàng ẩn trong hai giao long và ba người.
8. Hình thái cực phân lưỡng nghi phát xuất từ 2 giao long số chẵn (chỉ âm) và 3 người (số lẻ chỉ dương). Dương tròn, âm vuông, khi cộng lại thì ra hình cong chữ S.
9. Cũng hình cong nhưng lấy ra khỏi âm dương và đặt ngang để trở thành dấu Ðông Sơn ~ = ~. Và cũng là dấu của Việt tộc. Nếu Tây Âu gọi được là vuông, Ấn Ðộ là tròn, thì Việt là cong. Cong là sản phẩm của vuông tròn cộng lại.
10. Hình cong kép gọi là hình xoáy ốc, cũng là một diễn đề (leimotif) của Việt tộc, nhiều nhà nghiên cứu đoán là phát xuất từ hình rắn uốn khúc.
11. Vài hình cong khác, nó là dấu đặc trưng của Việt tộc. Tàu phân biệt chút ít bằng hồi văn gẫy khúc có trong cái tước.
12. Nhà mái cong. Ta quen nghe nói nên "tránh góc ao đao đình vì có quỉ ở đó". Ðấy là hình thái sa đọa ra dị đoan. Sự thực là nét cong chứa ẩn bài học ở đời nên tránh sự bắt góc đừng quá lý sự mà phải uyển chuyển theo tình người, đó là lối ở đời đặc biệt của dòng Việt được tiền nhân khảm vào nhà ở. Nhà Việt mái cong mãi từ Ðông Sơn. Nhà Tàu mới cong tự đời Ðường.
13. Hình Cái Tước, một thứ chén tế lễ đời Thương diễn tả rõ con số vài ba: 3 chân 2 tai, trong các đỉnh cũng 3 chân 2 tai, nhà 3 căn 2 chái v.v... "tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số" Thuyết quái 1.
14. Hình trong cái qua: trên, 3 người; dưới, 2; sửa soạn cho ngũ hành trong Sách Ước.