Cây Việt

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Như trên đã nói chữ Việt chính nghĩa là siêu việt. Về sau đại chủng lấy làm tên cho chủng của mình thành ra Việt tộc. Rồi về sau, một số chi bắt chước cũng dùng tên Việt đặt cho chi mình, trong sử gọi là Bách Việt. Người ta đếm được đến hàng tá Việt trong đó Việt Nam gồm Lạc Việt và Việt Thường, còn đến 70% Bách Việt ở lại miền Bắc để ra người Tàu. Sau dần các chi bỏ tên Việt hầu hết, còn có Việt Nam kiên trì giữ tên Việt, tính ra trong sử đến 6 lần, nên tên Việt còn theo đến ngày nay. Phải chăng Trời định thế cho giòng Việt có kẻ nối dõi tông đường khói nhang nghi ngút, cho triết Việt có chỗ phục sinh?

Như vậy Việt Nam chỉ là một chi của đại chủng Việt, còn chính chữ Việt thì có nghĩa là siêu lên, nhưng siêu lên một cách rất Việt, nghĩa là không siêu lên một chiều lên hay xuống, mà cả lên cả xuống, sau nho gọi lên là "triệt thượng" hay "phối thiên", siêu xuống là "triệt hạ" hay "phối địa". Triệt thượng thì biểu thị bằng chim Hồng Hộc cũng gọi là Thiên Nga ý chỉ nói bay cao sát trời. Triệt hạ thì chỉ bằng rồng lặn sâu tận đáy biển. Ý tưởng thâm sâu đã được minh họa lại trong Cây Việt. Ðây là một may mắn cực kỳ lớn lao.

2. Vì Cây Việt có nét đặc trưng nổi bật là lưỡi cong xéo. Loại tìm được ở Ðông Sơn lại có hình trên 2 giao long đang cài tay gọi là hát cài hoa kết hoa, dưới là 3 người đeo lông chim đang múa. Tất cả chìa khóa của nền văn hóa Việt tộc cũng như Việt Nam nằm gọn trong bộ số 2-3 này. Như trên đã nói người Việt là "dân ưa dùng số 5 và đeo lông chim khi múa". Ta hãy khởi đầu xét tự điểm dễ nhất đó là tiên rồng ở trong Cây Việt. Ở đây ta gặp tiên rồng trong người đeo lông chim và hai giao long như được khắc rõ trong cây Việt. Ðó là dấu chỉ rõ nhất mẫu số chung của đại chủng. Các chi khác khi lìa gốc thì nhiều chi bỏ bê mẫu số này. Thí dụ Tàu đi nhận Bạch hổ, mãi sau mới nhận lại được có nửa bố là rồng, chứ thiếu chim tiên (đó là dấu phụ hệ) còn Việt Nam thì giữ y nguyên cả tiên mẫu lẫn long phụ kể ngay từ lúc phải lìa đại chủng.

3. Theo lưu truyền vào năm 2879 trước Kỷ Nguyên, Việt Nam tách rời khỏi đại tộc, để làm một nước riêng, thì họ khai quốc gọi là Hồng Bàng tức chim và rồng như đã nói trên. Chỉ ghi rằng lúc trước khi ta còn thờ mặt trời thì là các dương điểu (cũng gọi là hỏa điểu) như trĩ cũng gọi là Lạc địch và Chương dương, Tất phương, Uyên ương... Tất cả đều mang dấu Việt là tả nhậm con nào cũng "chấp kỳ tả dực": xếp cánh tả. Và thường có 1 chân 8 cánh (thái cực và bát quái). Ðây là thời Viêm Việt hay Hoàng Việt. Từ Họ Hồng Bàng thì bước lên đợt thờ Trời, nhận chim nước để liên lạc với cha ở thủy phủ, đó là Bàng cũng đọc là Bàn như trong Bàn Cổ và Bàn Quì. Bàn Quì là thứ rồng một chân (không nói có 8 cánh nhưng thấy nói ông Vũ xoè cánh đánh trống). Vậy hai chữ Hồng Bàng nói ra bằng hình ảnh cái nét song trùng sơ thủy cũng gọi là lưỡng nhất (dual-unit) mà các nhà nghiên cứu quen gọi là nét đặc trưng của Ðông Nam Á. Ðó là thứ số co giãn hai mà một thành ra ba, nên cũng gọi là "vài ba" nó nói lên mối Tương quan nền tảng giữa không và có, ngược với văn minh tây âu có hay không. Bộ số "vài ba" này cũng nói lên rằng văn hóa Việt không bao giờ đánh mất nguyên lý Mẹ như văn minh tây phương đã đánh mất (được chỉ rõ do hai ông Bachofen 1851 và Briffault 1927).

4. Ðiểm hai là bộ số "vài ba" hàm tàng một chân lý tối quan trọng được Việt tộc chú ý đặc biệt đó là nó diễn tả sự hòa hợp giữa hai thế đối ngược (chẵn lẻ) mà tây âu gọi là mâu thuẫn còn Việt tộc gọi là bổ túc, chẵn lẻ đây đại diện cho tròn vuông.

Duy vật ưa hình vuông chỉ địa, chỉ có, hay là hữu, với siêu hình là Hữu Thể học giỏi về ngoại vật (ontology).

Duy tâm ưa tròn (rắn cắn đuôi) với siêu hình đặt trên Vô thể: Thế giới ngoài bị gọi là "tuồng ảo hóa đã bày ra đó" (maya).

Việt tộc nhận cả tròn cả vuông nhưng đặt tròn trên vuông, dân chúng quen nói "mẹ tròn con vuông" với ý nghĩa là văn trên võ, nhân nghĩa trọng hơn tiền tài, nó làm ra một lối sống giàu tình người, nên rất uyển chuyển được diễn tả bằng nét cong. Có thể nói nét cong là hậu quả của tròn vuông cộng lại. Nét cong được diễn tả ba cách một là bằng chữ S đứng. Hai là chữ S ngã như dấu Ðông Sơn ~. Ba là mái cong, đao đầu cong, để chỉ lối ở đời đừng quá cứng kiểu duy lý, logic, nhưng phải uyển chuyển theo tình người.

"Yêu nhau trăm sự chẳng nề,

Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng".

Nhà Việt cong ngay từ xa xưa như thấy trên trống Ðông Sơn, còn bên Tàu mới cong từ đời Ðường thế kỷ 8. Nét cong được diễn trong Cây Việt ở hình lưỡi cong xéo. Cong xéo đây là hậu quả giữa vuông (sống phủ Việt vuông búa) cộng với tròn (ở đây là lưỡi sắc thay cho tròn vì vuông tròn cùng diễn bằng nét sắc chỉ nét dọc I hay là O nên nét sắc là đại diện tròn) hai đàng tròn vuông hợp nhau làm thành nét cong vì thế Cây Việt có tính Việt hơn đâu hết: (1) đã rồng tiên; (2) còn 2-3; lại thêm nét cong nữa!

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page