Tượng Ý Hình Rồng

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

(riêng tặng người tuổi rồng)

 

Từ vô thức nhiều đời để lại, người Việt đã chấp nhận hình tượng một Linh vật mang tên Rồng đứng đầu trong tứ Linh: Long-Lân-Qui-Phụng. Theo truyền thống mang cái đầu u nần quái dị không giống hẳn một con thú nào trong thực tế, với mắt lồi, mũi lân, sừng nai uốn cong ra phía trước và nhánh lộc chỉ mới lú ra một tí, cổ rắn, mình sấu, vảy cá, chân Phượng hoàng, thường có ba ngón trước và một ngón sau với vuốt cong bén nhọn. Cặp râu mép thoát ra từ hàm trên bung ra dài, uốn khúc như cặp rắn nhỏ. Cài bờm sau gáy tuôn ra nhiều đợt, những vi, ngạnh, kỳ từ bên mép, dưới cổ họng cuồn cuộn bốc lên, lượn nhịp nhàng về đàng trước, hoặc từ nơi khuỷ chân, trên sống lưng lướt nhẹ về đàng sau như một lá cờ đuôi nheo đang reo với gió. Những đường nét sinh động uốn lượn dịu dàng đi từ to đến nhỏ, toàn thể phập như một tàu lá phất phơ trong cơn gió hay như những ngọn lửa bốc lên phừng phực và luôn luôn tạo thành một nhịp điệu tương đồng với thân rồng tròn trịa uốn lượn nhiều khúc và nhỏ dần đều về phía dưới cuộn xoắn ốc lại.

Khởi từ huyền thoại lập quốc "Con Rồng, Cháu Tiên", Rồng đã hiện diện khắp nơi trong tư tưởng và văn hóa Việt: Ông bà ta đã đặt tên cho sông (Cửu Long), cho núi (Long Ðội Sơn, Bửu Long), cho đến tên đất Thanh Long vừa tạo niềm hạnh phúc cho đất dương cơ vừa gieo niềm an lạc cho chốn âm phần và mộ táng ngay đúng Long mạch còn tạo vương nghiệp cho nhiều thế hệ con cháu đời sau. Từ chốn cung son điện ngọc, qua các miếu mạo, đền chùa và về sau này còn vào đến tận nhà cửa dân gian, đâu đâu cũng thấy tượng ý hình Rồng chạm trổ trên cột kèo, đòn tay, xà nhà, ở đầu hồi, trên sống nóc... Từ dưới chân bàn, đầu tay ghế, trên thành giường, nóc tủ, mặt bình phong, khám thờ, qua các vải lụa thêu Rồng, đến các đồ cổ ngoạn, đồ sứ vẽ Rồng và đặc biệt là những cây cảnh được uốn sửa cắt xén thành hình Song Long hoặc Hóa Long. Hình tượng Rồng đã khoác lên mình nhiều ý nghĩa siêu nhiên gắn chặt với tín ngưỡng dân gian.

Tuy đến nay, Rồng không còn được thờ phượng theo hình tượng vật Tổ như vào thời dựng nước nữa, nhưng nhiều người Việt vẫn tin Rồng là vua các loài thủy tộc, thường ngự ở Long cung dưới sông dài biển rộng và có quyền năng gọi mây, làm mưa gió trên mùa màng thời tiết.

Xưa kia, Rồng còn là biểu tượng của nhà vua; quan quân, dân chúng không thể nói thẳng đến con người nhà vua mà gọi là mình Rồng, mặt Rồng, Long thể, Long nhan, và nơi vua trú ngụ là điện Rồng, giường vua nằm là Long sàng, xe vua đi là Long xa. Vua sẽ ngự đến thềm Rồng, bệ Rồng, ngồi trên ngai Rồng để bàn định việc trị quốc an dân với bá quan đang chầu hầu nơi sân Rồng, văn quan võ tướng đứng hai bên trước hai hàng cột chạm nổi hình Rồng uốn khúc quấn quanh cột, sơn son thiếp vàng cực kỳ tráng lệ. Nói chung, tượng ý hình Rồng thuở đó còn thuộc độc quyền xử dụng của nhà vua trong việc trang trí các cung điện hay chạm khắc trên các vật dụng. Các nhà dân giả, cho đến dinh thự các thượng quan, ngay cả các vương phủ hoàng thân quốc thích và cả các chùa đền miếu mạo mà không do vua sáng lập hay được chọn làm nơi vua chúa lui về ẩn tu đều không dám chạm vẽ hình Rồng. Ðể tránh phạm luật vua phép nước, họ đã khéo léo chọn hình con giao, con cù là những loại rồng nhỏ không chân, không sừng như thể loại rắn hóa rồng, loại cù con không râu, không ngạnh, không bờm, thường được chạm khắc trên các xà nhà nên được gọi là xà cù, trên gối tựa bằng gỗ hay nơi đầu thành ngai tựa tay trên ngai thờ các nữ thần.

Thêm một cách xử dụng tượng ý hình Rồng mà không lo phạm phép vua là hình thức "Hóa Long" với thiên hình vạn trạng, từ những song cửa chạm hồi văn hóa long, những khung rèm gỗ chạm lông những dây hoa lá hóa long, những bức liên đằng khắc hình vầng mây hóa rồng, những tấm hoành tấm trướng khảm hình cúc, mẫu đơn và cả Phật thủ hóa long, những bức phù điêu chạm trổ tượng ý mai, tùng hóa long cho đến những cột trúc hóa long, những bụi kiểng "song long".

 

(Bài "Tượng Ý Hình Rồng" của Trần Phong Lưu, in trong báo Ðộc Lập số 2/1988)

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page