Tiên Rồng

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Ta hãy bắt đầu bằng tiên rồng, hai vật biểu của Việt Nam thăng hoa từ hai vật tổ chim rắn. Ðây là nét đặc trưng quan trọng nhất, dẫn đầu mọi nét đặc trưng sau này. Ðây là con số hai kỳ lạ: hai mà một, một mà hai. Phải siêu Việt mới nhìn ra chỗ đó không thì chỉ thấy có một. Vì thế thường người ta chỉ có một vật biểu: gấu Nga, ó Mỹ, cồ Pháp, voi Ấn, rồng Tàu, v.v... Riêng Việt có hai mà lại ở hai đầu thái cực: một chim bay tận trời, một rồng lặn sâu dưới đáy biển, thế mà vẫn đi đôi. Chữ đôi này phải được nhấn mạnh vì như trên đã nói đây không là nét nghệ thuật trang trí mà là sự biểu thị chiều sâu xa không đâu có được, đây là mối Tương Quan nền tảng nối hai bên thái cực lại một, để làm nên cái vũ trụ quan năng động, đối chọi lại vũ trụ tĩnh im, đông đặc, một là một. Vì thế chữ Tương ở đây (do số hai mà một) kéo theo nhiều hình ảnh khác để nói lên diễn tiến theo bước tiến hóa của con người: Từ chim rắn vật tổ tiến lên chim rắn vật biểu rồi thăng hoa lên tiên rồng. Từ tiên rồng thăng hoa lên con người là mẹ cha làm thành một trang huyền sử cao cả mà lại thật tế, hơn nữa còn thắm thiết sâu xa: tổ mẫu Âu Cơ (Âu là chim hải âu) đẻ ra cái bọc trăm trứng, rồi trứng nở ra trăm con. Và khi bố mẹ chia tay (để phân cực) thì 50 con theo mẹ, 50 con theo cha rất công bằng không có thiên kiến cha hơn mẹ, trái lại mẹ nắm phần trội hơn để khỏi bị ăn hiếp như trong các văn hóa du mục đực rựa, nơi phụ hệ lấn át mẫu hệ. Vì thế mà nói tiên trước rồng, âm trước dương, vợ trước chồng. Lại còn vụ 50 con theo mẹ lên núi lập nước Văn Lang chứ không phải 50 theo cha, tức là nước được kiến tạo theo tinh thần của mẹ (principle of kinship) nên trong nước không hề có giai cấp bên chủ bên nô, như hầu hết trên thế giới. Theo tinh thần gia tộc thì làm chi có nô, chỉ có bà, con, cô, bác, anh, chị, mẹ, cha: thực tế là mọi người đều được hưởng bình sản và tự do. Bất cứ ai hễ đến 50 tuổi đều được vào hội đồng kỳ mục tức là được vào "quốc hội" của "làng nước".

2. Từ lối sống đầy tình nghĩa đó đã vươn lên quan niệm vũ trụ quan động tức bao giờ cũng có hai đầu thái cực nhưng không bị nhìn là hai đầu mâu thuẫn phát xuất từ hai nguyên ủy khác biệt xa cách, nên trong triết gọi là nhị nguyên (dualism) cả 2 do 2 nguyên nhân khác nhau đến độ không sao hội nhập được phải chọn một bỏ một. Trái lại ở đây 2 thái cực được nhìn như nhau hai mặt bổ túc để làm nên một thực thể vì thế giữa hai cực có một mối Tương Quan cơ thể (organic) tức cả hai cần cho toàn thể: bỏ một bên là chết. Nhưng đây là mối liên hệ nằm ngầm phải có mắt hiền triết mới nhận ra và tả lại bằng thoại ngôn rằng "Âu Cơ tổ mẫu gặp Lạc Long Quân trên cánh Ðông Tương". Ðây là mối liên hệ thuộc bản thể nó quan trọng vô cùng nhưng những nền văn hóa một chiều đã không nhìn ra (Heidegger gọi đó là đánh mất nét gấp đôi) thành ra người theo văn hóa đó chỉ thấy sự vật đặc sệt, một chiều độc khối, tĩnh lặng, vì không nhìn ra mối Tương Quan nối sự vật lại nhất thể, nên chỉ thấy sự vật đa tạp, cá biệt. Ðó là điều sai lầm rất trầm trọng nó chia văn hóa ra hai mảng mà Nietzche gọi là nhát chém chẻ đôi luôn dỉ máu qua các thời đại, bên vô bên hữu, bên chủ bên nô... gây nên đầy bất an xao xuyến. Trái lại văn hóa giữ được chữ Tương nền tảng nọ thì xem vạn vật đều là ngành ngọn ngoại vi làm nên một thể, gọi là "thiên địa vạn vật nhất thể". Nhưng nhất đây không là thái nhất một chiều, nhưng là "nhất nguyên lưỡng cực" và tự hai cực có sự đong đưa bất tận làm nên vũ trụ năng động giữa hai bộ âm dương nhị khí, được ví với sông Tương luôn chảy qua cánh Ðồng Tương chở đầy tình người, tình nước:

"Sông Tương nước chảy hai chiều.

Chàng tại Tương giang đầu.

Thiếp tại Tương giang vĩ.

Tương tư bất Tương kiến.

Ðồng Ẩm Tương giang thủy".

3. Không thấy nhưng cũng tưởng nghĩ đến nhau, hơn thế còn đồng uống trong dòng Tương Giang. Vì thế chữ Tương được diễn tả lu bù bằng những hình tác động "giao chỉ" cơ bản hơn hết như:

1. Nữ Oa Phục Hi giao chỉ bằng đuôi.

2. Hai rồng giao chỉ bằng tay và chân.

3. Chim Hồng giao chỉ với Lạc Long Quân bằng miệng (Hình thuyền tình Bể ái).

4. Hai cặp chim rắn tìm được ở người Mường và mới khai quật được ở Tràng Sa (bản địa của Việt tộc).

5. Hoặc thần chim rắn Quetzalcoatl ở Astec, Toltec (Mexico)... Ðây là hai vật biểu dẫn đầu các dấu chỉ khác chỉ tỏ người bản thổ Mỹ Châu tự Alaska xuống tận Peru cùng thuộc đại tộc Việt (các dấu khác như đeo lông chim khi múa. Thờ cúng tổ tiên, tôn kính mến yêu mẹ (dấu tỏ nguyên lý mẹ vẫn được duy trì bền bỉ).

4. Tất cả các tiêu biểu trên đều nhờ cái bọc Âu Cơ quốc mẫu đã thăng hoa tới đợt cuối cùng thành ra quả trứng vũ trụ cũng vẫn giữ được con sông Tương chảy ngòng ngoèo chữ S làm nên một biểu thị vũ trụ quan cực đẹp, cực sâu xa và đầy đủ không thể nào có được cái thứ hai như vậy. Có chăng là "Hà Ðồ Lạc Thư" cố diễn lại tích đẻ trăm trứng: Hà Ðồ 55 trứng, Lạc Thư 45 (như xem hình dưới chương IV) cũng chính cái trứng đó đã gợi lên trang sách về sáng thế ký thời danh trong Kinh Dịch:

"Thái cực sinh lưỡng nghi.

Lưỡng nghi sinh tứ tượng.

Tứ tượng biến hóa vô cùng"...

Nhiều học giả phải tán thán rằng đây là trang sử tóm tắt cuộc khai thiên lập địa gọn nhất mà lại hợp với khoa học hơn cả, hợp cho tới vật lý vi thể ngày nay.

Vì chân lý nền tảng trên đây nên người Việt không lúc nào li lìa 2 vật biểu đã biến thành tổ mẫu tổ phụ. Họ khai quốc xưng mình là Hồng Bàng. Hồng là chim thiên nga đại diện cho sự trong trắng tinh tuyền là cái làm cho nên đẹp cái đẹp trinh trong siêu thoát. Bàng là rồng chỉ những chân lý thâm sâu như đáy bể, phát xuất từ cõi tiềm thức u linh. Không những thế mẹ còn đẻ theo lối chim (điểu tục) đẻ trứng rồi ấp ra con. Và cổ thời các bà bao giờ cũng mặc áo có lông hồng, hay vẽ hình chim trĩ gọi là "Ðịch y". Ðịch là một thứ trĩ gọi là "dã kê", "hùng kê" đuôi dài màu ngũ sắc nên biến ra phượng. Còn cha thì vẽ hình rồng trên mình gọi là thể đạo: mặc lấy đạo vào mình. Sách Sơn Hải Kinh kê khai 4 lối tham dự linh lực vật tổ là: (1) ăn thịt; (2) gọi tên; (3) mặc lốt; (4) xâm mình.

 

Chú thích:

Con cháu lâu ngày không hiểu bảo là vẽ mình để thủy quái khỏi làm hại, là tin theo lời Cố Dã Vương viết thế trong quyển Ðịa Dư Chí rồi cứ lập lại nguyên văn. Tội nặng hơn nữa là quyển Cương Mục Triều Nguyễn (Tự Ðức) còn đòi bỏ từ Lạc Long Quân về trước. Hoặc gọi sự phân cực là bố mẹ chia rẽ nhau!... Ðó là những lỗi nặng nề phải đền tội bằng nước mất nhà tan. Ðạo mất trước nước mất sau là khởi sự tự đó.

Tiên chim thì dễ thấy ấn tích nơi người mang lông chim. Còn rồng vì vẽ vào mình không thấy trong bức chạm nên dưới đây thêm một phụ chương để đọc lai rai. Nên nhớ rằng tục đua thuyền là để mừng lễ giỗ tổ phụ rồng. Và vì tổ ở thuỷ phủ nên con cháu giỏi đi thuyền (Bắc chi mã, nam chi chu) và vì giỏi đua thuyền nên tỏa sang tận Mỹ Châu rất sớm không cần qua eo bể Béring).

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page