Dẫn Nhập Về Văn Hóa Việt Nam

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Văn hóa Việt Nam cho tới nay thường bị coi như cái gì không đáng kể, nhưng nếu nghiên cứu thấu triệt sẽ thấy nó là một trung tâm văn hóa không những cao siêu và thực tiễn của Ðông Á mà còn kiêm luôn cả Thái Bình Dương ăn sang tận Mỹ Châu tự Alaska qua Vencouver xuyên qua Mexico (Astec, Maya) cho tới Peru. Về phía tây bao Ấn Ðộ và xem ra cả Sumer rồi từ đó đi vào Ai Cập và Âu Châu. Cuối cùng với Tàu hay Khổng Giáo thì quá rõ ràng, nhưng không ai ngờ đến liên hệ từ Việt tới nho đó. Chính vì sự thiếu sót này mà cho tới nay các học giả về nho cả Tàu lẫn Tây Âu chưa sao dựng nên được một nền chủ đạo để đáp ứng cho lời đề nghị của hội nghị Triết ở Honolulu 1949 tính đưa Khổng Triết ra làm nhạc trưởng để hướng dẫn cuộc thống nhất hòa âm giữa Ðông Tây kim cổ.

Tình trạng bế tắc đó một phần tại các học giả còn giam mình trong biên giới nước Tàu, lấy từ đời Tần Hán mà gán cho những thời đầu: ít ai nhận thức rằng Tàu mới manh nha từ tộc Thương quãng thế kỷ 15 trước tây lịch. Ðang khi nho đã thành lập xong ít ra từ vài ba ngàn năm trước ở Việt tộc. Tàu cũng là miêu duệ của Việt tộc nhưng xét như dân tộc thì chỉ làm chủ nho ở đợt văn minh tức nho đã thành tựu đầy đủ chứ không trong giai đoạn văn hóa dùng nhiều biểu tượng và huyền thoại, chưa hẳn thành văn, nhưng lại giàu khả năng sáng tạo.

2. Vì thế muốn hiểu nho thấu đáo, hiểu đến độ có thể rút ra từ đó những nguyên lý hợp thời để dựng nên một nền triết mới, một đạo sống khả dĩ chỉ dẫn đời sống hiện đại, thì phải tìm hiểu nho ở đợt đầu mà tôi gọi là Việt nho. Xin nhắc lại chữ Việt đây có 3 nghĩa, một nghĩa chính nổi bật và chi phối toàn bộ văn hóa là siêu việt, còn hai nghĩa sau chỉ là tùy thì một là Việt Nam, hai là Việt tộc là tên đại chủng. Chữ Việt này có lâu trước cả chữ Bách Việt gặp thấy ở sách Cổ Tàu như Kinh Thư, Ngôi Việt Xuân Thu... Hiện người ta còn tìm được một di vật quen gọi là phủ Việt hay cây Việt đặc biệt ở chỗ có khắc hình đủ để biểu lộ căn tính nền văn hóa Việt cách rất việt nghĩa là cách sâu xa đầy đủ. Theo hình vẽ trong đó thì có thể tả người Cổ Việt là "dân có cánh và ưa dùng số 5". Hai điểm này vừa là dấu để nhận diện người Cổ Việt, đồng thời cũng là dấu chỉ đường cho biết tinh hoa văn hóa Việt ở đâu, nó sẽ giúp hiểu được mấy điểm mà các nhà khảo cứu từ trước tới nay vẫn cho là "bí nhiệm" như:

1. Hai gạch Bắc Sơn.

2. Dấu Ðông Sơn.

3. Văn Thao thiết.

4. Qui củ...

3. Ðiều làm cho văn hóa Việt bị quên là tại nó đã thể hiện đúng ý nghĩa cái tên của nó là Việt theo nghĩa siêu việt. Vì vậy tinh hoa của nó chỉ tìm ra được ở chỗ siêu việt chứ không trong những di vật thù lù hay những nghệ thuật đồ sộ, ở đây phải tìm trong dăm ba biểu tượng thí dụ "có cánh" vài ba "lược đồ bằng số độ" rồi phải tự đó suy luận ra kiểu triết siêu hình, cơ cấu, uyên tâm v.v... chứ chỉ đi theo kiểu khảo cổ: rìu có vai với rìu chữ nhật, rồi đo sọ, đo xương, đầu tròn với đầu dài... thì không thể nào thấu tới cốt tủy của nền văn hóa này được. May thay hầu hết các học giả nay đã theo lối ông Groslier bỏ đường lối vụ mắt đó. Lối vụ mắt khiến người ta không tìm được những cái tế vi siêu hình.

Có nhiều học giả đã định nghĩa văn hóa Việt là văn hóa biểu tượng (emblématique). Chữ này theo nguyên nghĩa thì không những biểu thị, mà còn là hiện thực. Trong loạt bài này tôi sẽ thử đi theo lối đó và xin nói lại là embleme không có tính cách biểu thị trang trí mặc dầu có rất nhiều hình, nhưng các hình đó phải là những bàn nhún khác nhau để siêu lên, để vươn tới thực thể u linh không hiện hình. Có thể kể ra đến 5 loại biểu tượng hay đồ án như sau:

1. Tiên Rồng.

2. CâyViệt.

3. Sách Ước.

4. Gậy Thần.

5. Trống Ðồng.

Chúng tôi gọi là loại vì mỗi loại mỗi tầng bao gồm nhiều tượng hình như sẽ xem sau.

4. Vì thế đây không là những trang cổ sử hay khảo cứu chỉ đọc cho biết như những kỷ niệm mà là những giá trị cần được phục hoạt. Ðây không là sử ký để đi tìm những niên kỷ hay những địa danh đích xác, nhưng là những trang huyền sử mà giá trị của nó là khơi lên những ý niệm, những cảm xúc, càng gợi lên những ý niệm, những cảm xúc, càng gợi lên cách thấm thía nồng nhiệt thì càng có giá trị. Vì nó sẽ giúp vào việc quang phục lại được một đạo sống đã tỏ ra rất hữu hiệu vì đã trường tồn suốt thời gian dài dằng dặc quen gọi là bốn ngàn năm văn hiến mà sự thực có thể là vài ba chục ngàn năm vì những ấn tích đầu tiên như mang cánh chim, thờ tổ tiên, kính mến mẹ đã gặp thấy từ văn hóa Hòa Bình, mà Hòa Bình quãng muộn nhất cũng là 12 ngàn năm, còn sớm thì phải từ 50 ngàn năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng phải có từ vài ba trăm năm trở lên mới đủ cho một ý lực lắng đọng thành biểu tượng rồi biểu tượng thành đồ án (diagrams). Vậy mà văn hóa Việt đã để lại đến 5 tầng đồ án với những hình thái cực phong phú, mà vẫn liên kết với nhau cách cơ thể, nên tôi cho là 5 tầng phát triển của một thực thể. Ðây là những ấn tích hết sức cao đẹp phải được gọi là bấy nhiêu lâu đài của một nền văn hóa cổ kính nhất của loài người đã một thời lan rộng khắp hoàn vũ.

Với người Việt lưu vong đang bơ vơ trước 12 bến nước, với tất cả con người hiện đại đang đói khát tinh thần vì những niềm tin cũ đóng hộp đã quá hạn, đã cạn hết chất dưỡng nuôi... tất cả đang cần một bản đồ linh thiêng với một đối tượng phụng sự. Vậy sự tìm hiểu văn hóa Việt tạo nhiều cơ may giúp ta tìm thấy được hai điều đó hơn đâu hết. Và xin nhắc rằng tìm hiểu văn hóa Việt nho không còn là để thỏa tính hiếu tri để mà tưởng nhớ như một kỷ niệm, mà chính là những giá trị nhân bản tinh tuyền cần được phục hoạt ngay trong bản thân mình, cho nước mình, cuối cùng cho cả nhân loại trên khắp cõi đất.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page