22. Bàn Chung Về Bộ Ngũ Ðiển

(Ngũ Kinh Khải Triết)

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðó là 5 quyển trong bộ Ngũ Kinh đã tạm được hình thành. Trong 5 quyển đó thì Kinh Hùng và Sứ Ðiệp có thể coi là cố định, tức được phong thức (consacré). Kinh Hùng thì do bản văn của 15 truyện. Còn Sứ Ðiệp vì gắn liền với Trống Ðồng như phát ngôn viên, mà Trống Ðồng là kho tàng hàm tàng trọn vẹn nền triết lý và minh triết của dân tộc, nên đáng tôn là chân kinh vô tự. Nếu muốn dùng tiếng xưa thì đó là Kinh Ước, theo tiếng Sách Ước gậy thần của Hùng Vương. Ba quyển còn lại hãy tạm cho đứng đấy tới lúc làm ra được ba kinh khác thì hoặc sẽ để chúng ra vòng ngoài, hoặc cho đi với hai kinh như phụ trương. Ba kinh đang hình thành sẽ là Kinh Ngữ, Kinh Lạc (Nhạc) và Kinh Dịch. Cả ba đang được thai nghén. Kinh Ngữ sẽ là bản thâu thập ca dao tục ngữ rồi hệ thống hóa do một ủy ban đảm trách. Kinh Lạc (Nhạc) cũng sẽ do những nhạc sĩ trứ danh điều động. Còn Kinh Dịch thì có thể dùng quyển Dịch Kinh Linh Thế làm cốt, sau khi đã thay đổi và thêm bớt. Trước kia tôi nghĩ đến Kinh Nghĩa nhưng nay nghiêng về Dịch vì nó có bản văn. Và nguồn gốc Việt của Dịch thì nay đã đủ chứng tích.

Ba trong năm quyển trên đang ở vào thời kỳ dự tuyển. Vì chưa có liên danh khác nên tạm coi đó là "chủ đạo của quê nước" trong dăm ba thế hệ hay lâu hơn nữa nếu được "tiếng dân" công nhận thì sẽ thành cố định. Tiếng dân thứ thiệt là uy quyền tối cao không cá nhân nào thay thế được. Nó vô tư trọn vẹn và sáng suốt một cách sâu xa nên không bao giờ làm. Nó xuất hiện cách cụ thể bằng sự ưa thích của nhiều người. Sau dăm ba thế hệ mà sách nào còn được nhiều người vẫn ưa đọc thì đấy là đầu nó được chọn. Hiện nay Ngũ Kinh Khải Triết chưa được "phong chức" như vậy. Nó chỉ xuất hiện như một đề nghị một khởi đoạn để các thế hệ sau có đối tượng lựa chọn, thêm bớt, sửa đổi hay phát huy. Nhưng công tác này không thể có nếu thiếu một khởi đoạn. Vì thế mà phải can đảm xướng lên, để có ấn tín cho chữ "bốn ngàn năm văn hiến" cũng như để đồng bào đang sống rải rác khắp năm châu có một điểm tựa tinh thần cho tâm hồn qui hương. Ước mong mỗi gia đình sắm một bộ. Dầu chưa đọc nhưng ít ra để đó như di sản thiêng liêng của nước để con cháu sẽ cần dùng lúc lên cấp đại học. Khi nói đến triết, người ta sẽ hỏi người Việt có triết không? Tại sao cái phủ Việt lại cong? Tại sao ngũ hổ lại xếp trên ba dưới hai, và một chuỗi câu hỏi khác, nếu không đọc sẽ không thưa được, mà không thưa được là không biết triết Việt. Vả chăng, khi có bộ sách dân tộc trong nhà thì ít ra còn có một lời nhắc nhở nguồn gốc và dòng tộc mình. Nếu mình không gắn bó với thì mai ngày sẽ trở nên một giống vô loại. Khuôn mặt và màu da không bao giờ cho phép mình hòa đồng với người Tây Âu. Chính vì thế mà An Việt cảm phục những nỗ lực dạy trẻ tiếng Việt, và sẽ thiết lập phần thưởng để khuyến khích các em, cũng như tỏ lòng quí mến các vị có công trong việc này.

Quyển 1: Hùng Việt Sử Ca

Nói về điều kiện để một nước đáng tên là "Văn Hiến Chi Bang", điều kiện đó gồm hai phần: một là bộ sách dân tộc; hai là những sách đó phải có phần siêu hình (Chương 1).

Cần phải khai thác những mỏ nào để lấy nhiên liệu để hình thành bộ sách kia? Ðó sẽ là bốn mỏ sau: (1) Kinh Dịch; (2) Trống Ðồng; (3) Nhân Thoại (trong Kinh Hùng); (4) Thể Chế Làng Xã.

Về tiến trình hình thành dân tộc Việt: thử qui định "bốn ngàn năm văn hiến dài bao nhiêu (Chương III-IV).

"Thử máu văn hóa Việt" để biết thuộc loại nào, đặng có nền tảng mà nhận diện tiên tổ. Vì sau bao cuộc chiến đấu với văn minh Bắc phương nhiều nhân vật khó nhận ra gốc gác (Chương VI).

Nói về hai thứ Việt: Việt Mễ và Việt Thường, cũng như ý nghĩa chữ Hùng. Sẽ thấy sức văn hóa Việt sâu xa và hùng mạnh dị thường với đủ bằng chứng (Chương VII).

Biên giới cổ sử Tàu. Chương này rất cần để ta nhận ra ban đầu Tàu là ai? Ðã đọc với Việt ra sao (Chương "Hai Lão, Ba Cô Với Một Trò). Và vụ hiếp dâm bà Nữ Oa cần được phanh phui để sử Việt được thêm rõ nét (Chương IV-XI).

Tiểu sử Việt là huyền sử. Huyền sử chính là sự hình thành một nền triết tác Việt, đủ nội lực để biến đổi được văn minh Tàu: chứng cớ quan trọng nhất là "Văn Thao Tiết" xưa rày vẫn được coi như nền tảng văn minh Tàu đời nhà Thương, nhưng khi phân tích lại thấy đó chính là quá trình chuyển hóa văn minh Tàu do ảnh hưởng Việt. Thành ra sức cải hóa của văn hóa Tàu đối với các làn sóng xâm lăng chính ra là của văn hóa Việt (Chương XII-XV).

Kết "ta Về Ta Tắm Ao Ta". Ao ta chứa đựng những bộ cơ cấu lợi hại ra sao. Nó chứa đựng lối giải quyết vấn đề cực khó khăn trong triết đó là vấn đề tiêu chuẩn: phải y cứ vào đâu để bảo điều này là tốt điều kia là xấu?

Về những sơ sót có tính cách lấp đường tìm về nguồn cội cần được giải tỏa (Chương XVI-XVII).

Mười bảy chương sách nêu lên những vấn đề lớn lao có tính cách triết cao độ mà từ nay chúng ta phải để tâm nghiên cứu thấu triệt.

Quyển 2: Kinh Hùng Khải Triết

Bàn về một khía cạnh bất ngờ và không đâu có được như ở Kinh Hùng: đó là nền nhân thoại cân đối cùng cực, lại được bày tỏ trong 15 nơi tiếp nhau nên quá đủ để chứng tỏ đó là nền nhân chủ đã có nền tảng rất vững.

Xưa nay người ta cứ kêu triết Việt Nho không có hệ thống. Kỳ thực, nó có ở đợt siêu tuyệt: nó khác rất xa với hệ tư tưởng, vì nó vượt hệ thống (các ý niệm) để lên tới độ tâm linh. Ở đợt uyên nguyên này, nó biểu lộ bằng vài ba bộ huyền số. Các số tổ hợp với nhau làm thành một thứ kinh vô tự siêu đẳng có mà như không. Không mà lại có.

Ngoài ra sách còn bàn đến linh hồn nước Văn Lang, thí dụ khi nói Hùng Vương dùng huyền thuật thu phục được 15 bộ làm nên nước Văn Lang. Ở đây đưa ra hai chứng tích cụ thể về huyền lực này, đó là Văn Lang đã biến đổi văn minh du mục Bắc Phương ra sao, sau là chuyển hóa Phật giáo như thế nào. Tóm lại, cái đặc sắc của Kinh Hùng là tính cách nhân tộc được chứng minh bằng 15 truyện nhân thoại đặt liền nhau, chứ không phải cái chi rời rạc cầu may chút nào cả. Sự lớn lao của Kinh Hùng ở chỗ đó: ở chỗ có nhân thoại, đang khi hầu khắp nơi chỉ có thần thoại (Thần làm chủ). Ðây không những có mà có một chuỗi dài tới 15 truyện. Quả là họa hiếm.

Ðây là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Kinh Khải Triết của An Việt.

Quyển 3: Pho Tượng Ðẹp Nhất Của Việt Tộc

Về thế đứng của triết Việt trong thế giới mai ngày khi nhìn theo tâm trạng xao xuyến của con người thời đại có thể nói đó thế đứng rất vững, vì nó đem lại cho con người tâm trạng an nhiên tự tại (Chương I-II).

Sách sẽ xét xem triết tiến qua bao chặng, và thường dùng những bộ phạm trù nào mà được như vậy. Ta hỏi sao lại gọi là Việt Nho (Chương II-IV).

Ðể trả lời câu hỏi này cần phải xét về nguồn gốc Việt và Nho cách thấu triệt, chứ không nên bằng lòng với tiếng nói thông thường, mà phải đào xem Việt là gì? Nho là gì? Ðó là một thứ trình sử nhân tộc, một trình sử đầy cam go gây ra do vật tộc và thiên tộc, nói kiểu triết là do bái vật (Thiên) và ý hệ (Ðịa) (Chương V-VII).

Nền tảng cụ thể Việt Nho là gì? và vai trò chữ Nho ra sao? (Chương VIII-IX).

Sau đó bàn đến biểu hiệu truyện đúc người, rồi vẽ pho tượng đẹp nhất của Việt tộc mà chúng ta được chứng kiến, nó phản chiếu tính cách đẹp siêu diệu. Ðó là tượng núi nưa (Chương X-XI).

Ngoài tượng đồng còn phải nói tới những tượng sống động có thật trong xương, trong thịt được đề cập trong bài "Quốc Túy, Quốc Hồn Trong Ba Ngày Tết". Cuối cùng là bài phỏng vấn về triết lý An Vi, tên gọi chính của nền triết lý Việt Nho. Bài này có tính cách tóm lược nền dân tộc (Chương XII-XIII).

Bài "Minh Triết Trống Ðồng" tóm lược tinh hoa quyển Sứ Ðiệp. Ðộc giả sẽ thấy Trống Ðồng quả là bản tóm lược triết lý của ta cách tuyệt diệu. Vậy mà đầu thế kỷ này người mình không dám nhận là Việt có triết (Chương XIV).

"Ðề Tài Thảo Luận" bàn xem ta phải làm gì cách thiết thực để duy trì nền triết đó vào đời ta (Chương XV). Rồi đến bài kết sách là "Từ Hải Anh Hùng" được giới thiệu như bóng "Người Việt Ðông" tức hiện thân của nền triết lý tự cường, tự lực. Lần đầu tiên truyện Kiều được phanh phui theo chiều hướng trong bài này (Chương XVI).

Quyển 4: Sứ Ðiệp Trống Ðồng

Trống Ðồng Ngọc Lữ là một di vật cực kỳ quí báu. Phải nói đó là một lâu đài rực rỡ chưa từng thấy ở thời cổ sơ: Nó phản ánh chói chang nền triết lý dân tộc, một nền triết nhân bản cực cao nên phải gọi tôn lên là nhân chủ. Bởi về phương diện triết lý chưa biết trên đời này đã có được điển chương nào đáng sánh với Trống Ðồng. Vì khi đưa lên đó cái nhìn triết lý, tức lối nhìn xoi mói thấu triệt đủ kiểu, ta đều thấy có chỗ đáng ca tụng.

Trước hết là với cái nhìn tổng quan ta thấy được những nét lớn của nền triết Việt hiện hình trên đó. Tất cả chúng đều mang đến một ý nghĩa sâu xa cho nhiều danh hiệu, nhiều tục lệ mà có thể ta tưởng rằng vô nghĩa như danh xưng Viêm tộc, Xích quỳ, hay chim Chu tước đều liên hệ với giai đoạn tiên tổ ta thờ Thái Dương Thần Nữ. Rồi tới giai đoạn thờ trời được biểu lộ bằng việc giã gạo chầy đứng, cho tới hai vật biểu lẫy lừng là Tiên và Rồng. Tiên Rồng là hai biểu tượng tràn ngập khắp mặt va tang trống. Cũng như các đoàn vũ tiến theo hướng tả nhậm nói lên ý nghĩa của vòng đồng tâm, mà vòng này chính là con đường dẫn đến nguồn suối mọi âm phúc.

Thứ đến là cái nhìn cơ cấu tức nhìn lối xếp đặt các tượng hình số độ trên mặt trống. Tất cả chúng đều nói lên nền triết lý Thái Hòa. Hòa giữa trời cùng đất và con người. Trời đại diện do mặt trời ngự ở trung cung. Thứ đến là hai vòng Người: một đại ngã, một tiểu ngã. Còn Ðất đại diện do các con thú vật, chim muông cùng loại thuỷ tộc. Nhìn theo lối này ta có thể nói tổ sư cơ cấu luận chính là Trống Ðồng Ngọc Lữ vậy.

Sau cùng là cái nhìn đàm thấu qua trung tâm làm ta hiểu danh từ Trống muốn nói lên điều chi. Ðó là căn nguyên của cuộc Thái Hòa vừa nói ở trên. Căn nguyên đó chính là "Hư Tâm" hay tâm hồn trống rỗng. Tâm có trống rỗng thì Trời, Ðất, Người mới có nơi tụ họp, mới có thể hạnh thông, mới gây nên được cảnh Thái Hòa.

Từ ba cái nhìn căn bản để ta tiến dần đến cái nhìn lan tỏa vang vọng vào các thể chế lớn lao, những thói tục nền tảng, những kinh sách được kính trọng xưa nay. Tất cả đều âm vang tiếng Trống. Lúc ấy ta mới thấy Trống Việt phong phú vô kể, có thể viết về Trống mãi mãi không hết, đó quả là kho tàng văn học đáng tên là Việt tỉnh luôn luôn trào: càng đào sâu càng thấy thâm thúy. Thiệt là tuyệt diệu.

Quyển 5: Văn Lang Vũ Bộ

Quyển Văn Lang Vũ Bộ, diễn tả Ðạo bằng hành động, nói cho chính xác là tác động Ði. Ðiều đó gợi lên từ dạng chữ đạo vì nó kép bởi bộ Xước và Thử có nghĩa là Ði về Ðầu cội rễ. Vậy mà đi kiểu say sưa và náo nhiệt hơn cả là vũ, là ca, là múa: Múa ngang trên mặt đất như ca lý liên: Múa dọc lên tận trời (bài Vòng Con Giáp), múa ăn sâu xuống lòng đất (bài Việt Tỉnh Cương), múa giữa con người (bài Thuật Xử Thế Của Người Xưa).

Múa gồm đủ nhịp: Nhịp hai (Trống Quân). Nhịp ba (bài Lưỡng Lưỡng Tam Tam). Nhịp chín (điệu Vũ Li Vưu). Nhịp nào cũng đầy ứ đạo lý. Hướng nào cũng sâu xa (bài Tả Nhậm). Ðoàn vũ tỏa ra bao la như chiếc hoa quì vĩ đại (bài V) luôn luôn hướng về nguồn cội, nên nó thấm thấu vào những động tác căn bản của cuộc sống: như Ăn, Ở, Nói, Làm, Mặc. Không hành vi cử chỉ nào không hàm tàng cốt đạo, như xem trong năm chương từ IX tới XIII. Mỗi chương đều nói lên một khía cạnh sâu xa bất ngờ của đạo Việt, thí dụ chương về tiếng nói, càng nhìn bao trùm càng thấy tiếng Việt chứa những khía cạnh sâu xa kỳ lạ. Cả đến thể chế căn bản hơn hết là cái làng cũng đầy ca múa đám đình (bài Làng Xã, Cái Bọc Mẹ Âu).

Ðọc xong quyển Văn Lang Vũ Bộ của triết gia Kim Ðịnh, chúng ta sẽ thấy trên đời không thể tìm được nền triết nào đầy tính chất sinh động đến thế: ca vũ khỏi đất, múa hát động trời mà lại uyển chuyển tế nhị (bài Nét Cong Duyên Dáng của Việt) tức bài phân tích cổ nghệ để tìm ra mấy nét đặc trưng của Nghệ thuật Việt.

Thiệt là một nền triết tự cường, tự lực hết cỡ.

 

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page