21. Việc Trùng Tu Bộ Sách Dân Tộc

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Dân tộc nào may mắn có được bộ sách của riêng mình thì là một dân tộc lớn dù dân số ít, đất đai chật hẹp, hay không cả đất nước như Do Thái, nhưng nhờ có bộ sách mà dân trở nên hùng mạnh, nhờ bộ sách làm như lá cờ để mọi người dân dễ biết nơi ấy cứ đặng hướng lòng về. Nhờ đó nền thống nhất dân tộc được củng cố mạnh. Xem thế bộ sách dân tộc quả là lá bùa hộ thân, hay ít ra là tiêu biểu cho sự trường cửu hùng mạnh của dân ấy.

Việt Nam ta có hay không bộ sách đó? Thưa rằng có mà hóa ra không. Sở dĩ phải nói là không vì chúng ta đã không biết rằng ta có sách, bởi hai lý do: một vì sách của ta hầu hết đều là sách không lời, là những kinh vô tự. Thứ đến vì đã có quá lâu đời nên vượt ra khỏi tầm nhận thức của dân nước, thành ra ta rơi vào cảnh tang thương như những dân Á Rập lúc xưa: cực kỳ nghèo khổ đang khi dưới lòng đất Mẹ có vô số mỏ dầu như bất tận. Như vậy thì nay chỉ còn cần phải làm thế nào để khai quật mỏ quý đó và đưa lên bình diện nhận thức của toàn dân thì dân sẽ tìm lại được hạnh phúc. Vấn đề là phải dùng những khoa học tân tiến như khảo cổ, uyên tâm, cơ cấu để "đọc ra" được nội dung của các kinh vô tự kia, và làm cho hợp với cảm quan con người thời đại nữa là nên việc. Muốn làm điều đó trước hết cần phải biết những bộ sách cổ của tổ tiên Việt ta có bao nhiêu và mang tên gọi nào? Thưa đó là bốn bộ sách:

"Tam Phần

Ngũ Ðiển,

Bát Sách,

Cửu Khâu".

Tam Phần là "ba phần mộ"; nói thế để chỉ phần u ảo nhất nên đã bị chôn vùi sâu hơn cả, nay nếu quật lên được sẽ làm mọi người bỡ ngỡ về sự cao cả nọ.

Ngũ Ðiển đây nên hiểu là kinh điển, cũng có thể gọi là Minh Triết hay triết đã đạt thân.

Bát Sách là tám sách có lẽ ám chỉ 8 quẻ trong Kinh Dịch, vì nó là nền cho rất nhiều sách sau này...

Cửu Khâu có nghĩa là 9 ngọn đồi tức là số 9 của dân Lạc Việt, cũng gọi là Cửu Lạc mà sau Nho Giáo thăng hoa thành "Lạc Thư", hay "Hồng Phạm Cửu Trù" để chỉ những việc quan trọng trong đời sống của dân nước. Vì là việc dễ nhận diện nên gọi là Cửu Khâu là chín cái đồi tức không cao lắm, vì là phần khai mở để di dân lên cao sau, đó là những suy đoán theo dòng văn của cổ học.

Vậy bộ sách này đã mất hẳn, may còn lại có tên gọi đươc nhắc đến trong sách Chu Lễ với quan trông coi bộ sách có tên là "ngoại sử" (đối với "nội sử" trông coi các sách của nhà Chu. Xem Chu Lễ, chương Xuân Quan Tông Bá, Tiết ngoại sử).

Sau năm mươi năm nghiên cứu về triết tôi chợt nhận ra là mấy quyển Triết Lý An Vi và Việt Nho có thể đề nghị ra như những sách giải nghĩa cho bốn bộ cổ thư trên: từ dưới lên trên theo thứ tự quyển nào viết trước thì thấp hơn quyển sau. Càng về sau nghiên cứu càng thấu đáo, suy tư càng thâm sâu thì cho chúng đại diện những quyển trên cùng. Như vậy tiện cho những ai nghiên cứu tự đầu thì càng đi lên càng vào chi tiết hơn, sâu xa hơn theo thứ tự sinh thành (tức thứ tự các sách được viết ra) thì sẽ dễ hiểu hơn, vì đọc ngang thì sẽ gặp nhiều điều đã nói rồi trong các sách trước, nên chỉ nói lướt qua khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Hy vọng mỗi ngày sẽ thêm số người nhận thức ra tầm quan trọng của sự việc, nhờ đó số độc giả gia tăng thì An Việt có thể sẽ tái bản đầy đủ. Trong khi chờ đợi xin lược qua lại các sách theo thứ tự đã viết và liệt luôn vào 4 loại cổ thư từ dưới lên trên như sau:

I. Cửu Khâu

Cửu Khâu là 9 cái đồi nhỏ. Ðó là những cuộc khám phá ra Nho Giáo là nền nhân bản cao nhất. Ðiều này đã làm nhiều người rất bở ngỡ, vì quãng 1920-1969 bên Ðông Á hầu hết còn đang khinh dễ đạo Nho, coi đó như là đà cản bước tiến của các xã hội Ðông Á. Vậy mà bộ tân Cửu Khâu dám nói ngược hẳn lại rằng Nho mới chính là mũi nhọn tiến hóa của con người. Bộ này mở đầu bằng quyển:

1. Nguyên Nho (tên cũ là Cửa Khổng). Dùng sự giải nghĩa sách Luận Ngữ để chứng minh Nho vừa là nền nhân bản vừa là nền dân chủ trưng thực (vì có nội dung là tự do và bình sản). Mấy bài cuối nhắc đến ảnh hưởng quyết liệt của Nho trên nền cách mạng nhân bản Tây Âu. Tên sách trước kia là Cửa Khổng, nhưng sau khi nghiên cứu mới thấy tất cả Ðạo Nho đã có đầy đủ trước Khổng Tử, nên đổi ra tên mới là Nguyên Nho.

2. Triết Lý Giáo Dục nói về nền giáo dục thành nhân đã đưa đến sự đào tạo nên những con người cao thượng, khác hẳn với giáo dục thành công của Tây Âu tạo nên những con người kỹ sư, khoa học... nên xã hội sản ra quá nhiều người chiếm đoạt tranh đua.

3. Nhân Chủ trước kia gọi là nhân bản, nhưng sau thấy tính chất siêu tuyệt nên đổi ra nhân chủ. Nói nhân chủ là hiểu con người có nền độc lập hàng dọc đối với Trời cùng Ðất, cũng có bàn về cứu cánh con người. Bài rõ hơn hết là "mẫu người quân tử" rất thực tế.

4. Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên. Nền nhân chủ trên được biểu lộ cách trang trọng bằng lễ gia tiên. Lễ này trước là đạo thờ Ông Bà sau được Nho Giáo công thức hóa thành gia tiên. Ðó là linh hồn của nước. Ở cấp gia đình là gia tiên, ở cấp nước là giỗ tổ. (Trước kia có tên là Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam).

5. Chữ Thời. Ðây là ngọn cao nhất trong toàn bộ. Chính trước kia là luận án tiến sĩ tính mang tên là Siêu Hình Kinh Dịch nhưng hụt vì không tìm được giáo sư chuyên môn về Dịch đủ tầm vóc để bảo trợ. Nó quảng diễn hai chữ Vũ Trụ theo thuyết tương đối của Einstein cùng với tinh thần Kinh Dịch theo câu châm ngôn: "Ðạo Dịch chính là chữ thời" - "Dịch Ðạo Chỉ Thị Thời". Ðọc rồi sẽ thấy Ðông Á không có siêu hình mà sự thực lại có cách cực vững vàng cân đối.

6. Lạc Thư Minh Triết. Nền Minh Triết của Lạc Việt được trình bày cách u linh man mác trong tập sách nhỏ này.

7. Ðịnh Hướng Văn Học. Trước hết cái học biệt chuyên về thành công đến bỏ bê nền học thành nhân, nên đề nghị một nền văn hóa có hướng có hồn để con người khỏi vong thân.

8. Loa Thành Ðồ Thuyết bàn thêm về mẫu người quân bình theo huyền sử và cơ cấu.

9. Tâm Tư bàn về khoa luận lý và biện chứng của Tây Phương suy thoái ra sao. Cần đưa ra nền siêu luận lý căn cứ trên Tâm Linh mới mong tìm được lối thoát cho triết học đang mắc kẹt nặng.

Giai đoạn này còn có quyển Vũ Trụ Nhân Linh chỉ nhằm giải nghĩa Chữ Thời không thêm nhiều khám phá nên tính bỏ.

II. Bát Sách

Bát Sách sẽ gồm 8 quyển Việt Nho đưa ra chủ trương ngược đời là Việt mới chính là chủ đạo chứ Tàu chỉ là người đến sau, nhưng có công đổ khuôn lời cho Nho bằng những câu ngắn gọn và minh xác; mở đầu là quyển:

1. Việt Lý Tố Nguyên (1970) chứng minh Việt Tộc mới là chủ của miền Ðông Á, vừa vì có mặt ở nước Tàu trước người Tàu, vừa là chủ Ðạo Nho. Những suy đoán này hầu hết dựa trên huyền thoại và cổ thư. Vì là khám phá đầu tiên nên nhiều bài viết thống thiết lâm li. Chính quyển này có thể coi là mốc giới cho nền Việt Học mai hậu.

2. Dịch Kinh Linh Thế. Chứng minh tác giả quyển Kinh Dịch là Việt Tộc, một kinh vô tự mẫu mực tuyệt luân. Người Tàu đến sau chỉ thêm lời gọi là lời treo vào (Hệ từ là lời treo) chứ còn cơ cấu (số 2, 3, 5) đã có lâu đời trước nơi Việt Tộc.

3. Triết Lý Cái Ðình hiện thực nền triết lý tam tài: Trời, Ðất, Người vào đời sống xã thôn. Ðình là thứ nhà vừa để tế Trời, vừa để phân chia ruộng Ðất, vừa để con Người thưởng thức cõi Tồn sinh bằng những cuộc sống vui nhộn hồn nhiên: hội hè, đình đám. Xưa kia ít nơi có cái nhà nào gồm cả ba chiều kích như vậy.

4. Vấn Ðề Văn Hóa Việt, tiếp tục khám phá chủ quyền của Việt trên Nho với những lý lẽ càng ngày càng chói chang rực rỡ.

5. Vấn Ðề Quốc Học, không tranh luận là Việt có hay không có quốc học, mà đề nghị những gì cần xây dựng để ta có được một nền quốc học nguy nga xứng đáng với chữ bốn ngàn năm văn hiến.

6. Hiến Chương Giáo Dục, phân tích thấu đáo chỗ hỏng của nền giáo dục Tây Âu để nói lên sự cần thiết phải xây dựng lại nền giáo dục của ta ra sao. Sách nhỏ nhưng đã được tiếng xứng danh 2 chữ Hiến Chương ở tựa đề.

7. Cơ Cấu Việt Nho, áp dụng cơ cấu học vào những huyền thoại, truyện cổ và cả ca dao tục ngữ, nên cũng là sách đưa ra mẫu về cuộc gặp gỡ giữa triết lý và văn chương ra sao. Ðây cũng là 1 quyển sách lớn.

8. Tinh Hoa Ngũ Ðiển, nói lên nét chính cốt của bộ "Tứ Thư Ngũ Kinh" Nho Giáo. Chỉ xem một quyển này đã đủ biết được nét đặc trưng của Ngũ Kinh ra sao, còn hơn bao năm học xưa. Sách nói về những điều tự trước tới nay chưa hề được ai để ý tới.

III. Ngũ Ðiển

Là 5 quyển viết trên đất Mỹ nhờ có thêm được nhiều tài liệu khảo cổ, và nghiên cứu cách khoa học và cập nhật hơn. Tuy vậy đây vẫn là quảng diễn An Vi hơn là Việt Nho. Có thể nói An Vi đến 90%, Việt Nho chỉ độ 10%. Mở đầu bộ là quyển:

1. Hùng Việt Sử Ca. Ðưa ra mấy nét đặc trưng của đời Hùng, mấy truyện đánh tráo chủ quyền văn hóa Việt. Ðây là những bài thuận tiện để dọn đường đọc quyển sau là:

2. Kinh Hùng Khải Triết. Sách căn cứ trên 15 truyện đầu của quyển "Lĩnh Nam Trích Quái" để rút tỉa ra bộ cơ cấu uy nghi "Vài Ba" cũng như nét đặc thù của nền Nhân Chủ Việt, nhờ đó những truyện này không còn là thần thoại mà đã nghiễm nhiên trở nên Nhân Thoại. Trên thế giới không đâu có 1 chùm liền 15 Nhân Thoại như ở đây.

3. "Pho Tượng Ðẹp Nhất Của Việt Tộc", tiếp nối hình ảnh con người Việt của Kinh Hùng phải đẹp ra sao, phải tôi luyện thế nào. Ðể đạt được phần nào những nét đẹp như tượng Nữ Thần Mộc tìm được trên núi Nưa. Có một phụ trương gồm 5 bài bàn về triết lý truyện Kiều lần đầu tiên được bàn tới ít ra trên cấp bậc cơ cấu và hệ thống như vậy.

4. Sứ Ðiệp Trống Ðồng. Phân tích trống đồng được coi như lâu đài rực rở nhất của nền văn học Việt tộc, nó có thể là đối cực của kim tự tháp hay Angkor-vatt là những khối lượng khổng lồ để đàn áp tinh thần con người. Còn đây thì khối lượng rất bé nhưng gié lại to: tức diễn tả nền triết lý nhân chủ cách sâu sắc và đầy đủ không đâu có thể bằng được. "Nếu Trời là Vua, Ðất là Vua thì Người cũng là Vua" được bày tỏ bằng hình ảnh hùng tráng và tưng bừng.

5. Văn Lang Vũ Bộ. Ðạo ở đây còn là Vũ. Ðạo được diễn đạt thực lộng lẫy huy hoàng qua các điệu múa của cổ Việt: từ múa cặp đôi số 2, qua bài "tham tham lưỡng lưỡng" số vài ba (2-3) lên đến Ngũ Hành, rồi Bát Quái, Cửu Trù... Ai xem được cách bao trùm sẽ thấy như Việt Ðạo đang vần vũ trong những điệu múa đồ sộ. Chưa thấy ở đầu một Ðạo được trình bày sống động hơn, lộng lẫy huy hoàng đến thế.

IV. Tam Phần

Phần là phần mộ, nên hiểu là nơi chôn giấu những gì quý giá nhất của gia tộc nhưng vì chôn giấu kỹ quá con cháu quên luôn, nên chữ phần cũng hiểu là gia bảo bị quên vùi cần được khai quật. Như vậy khi đã khai quật thì Tam Phần sẽ là ba điều quý nhất mà con cháu có thể sẽ hân hoan đưa ra đóng góp vào nền chủ đạo của loài người. Ðó sẽ là:

1b. Triết Lý Thái Hòa, một điều thế giới đang mong đợi và đã hé thấy có trong Nho nên đã lên tiếng mời Nho đứng ra nhận lãnh vai trò chỉ đạo, nhưng Nho chưa đáp ứng được nên Việt Nho mạo muội đứng ra lên tiếng đề nghị "một đạo trường chung cho Ðông Á". Nói Ðạo Trường là để đối với chữ Thị Trường sẽ là nền chủ Ðạo Thái Hòa. Sách dự tính ra vào dịp hội nghị triết Á Châu 1987.

1a. Quyển Nhập Môn Triết Việt, có thể coi như mở đầu cho triết lý Thái Hòa gồm mấy bài thực thấu triệt để về Nho nguyên thủy, về Kinh Dịch và cơ cấu uyên nguyên.

2. "Mẹ" hay "Nguyên Lý Mẹ" Tây Âu bắt đầu cảm thấy thiếu vắng Mẹ trong văn hóa của họ, chính sự thiếu vắng đó gây ra sự khắc khoải bất an, thì bên Ðông Á Mẹ được nói đến một cách mênh mông dào dạt như biển Thái Bình. Sách tính ra vào dịp hội nghị triết học hoàn cầu 1988. Kèm với Mẹ sẽ là quyển:

2b. Phong Thái An Vi, nói về lối sống thanh thoát nhẹ nhàng: sống như chơi, hậu quả của "Còn Mẹ".

"Còn Mẹ ăn cơm với cá"

hiểu là có được đời sống an nhiên tự tại. Khác xa lối sống đầy khắc khoải lo âu của triết học duy lý.

3. Tự Chiêu Minh Ðức. Ðây là phần tâm đạo rốt ráo cùng cực có thêm phần hiện thực thiền Việt ra sao, nó khác với Yoga cũng như khác với tĩnh Thiền thế nào. Ðây cũng là phần mà nhân loại đang mong muốn. Trước kia tính đề là "Trùng Phùng Ðạo Nội" nhưng đó là tựa đề có ý bâng quơ đặng giấu nội dung, nay đang viết thêm và đổi lại tên như trên để nói lên nét đặc trưng hơn hết của dân tộc là tự lực "Tự mình làm sáng cái Ðức của mình". Ðó là đức tính cao cả nhất của Việt tộc là tự cường, tự lập. "Tự Ðạo nhi Ðạo dã" kiểu cụ cố Bàn Cổ nhà ta, chưa có trời đất thì đã lù lù xuất hiện.

Tam Phần như vậy sẽ là những bước triết Việt đi vào đời. Ðời xét như quốc tế chia hai mảnh chống nhau bên tư bản bên cộng sản, thì nó sẽ đi vào bằng "Ðạo Trường Thái Hòa" để hóa giải mối chia rẽ của nhân loại hiện đang đi đến chỗ nguy kịch. Thiết kế của Ðạo Trường sẽ là "Việt Linh" được thích nghi thành "Huynh Ðệ Các Dân Tộc Theo Nho": confraternity of ju's people hay là cojup viết tắt.

Mẹ là bước vào mối giao liên con người để có được thêm tình mà bớt đi lý sự, có thêm yêu thương giảm bớt hận thù, thêm nhân nghĩa bớt tranh dành chiếm đoạt. Hiện nay mối giao liên con người là "I-that" "Tao với cái ấy". Ðó là giao liên kiểu sự vật coi tha nhân là cái ấy (that). Có mẹ can thiệp thì sẽ biến ra "I-thou" "Tao với mày" chỉ sự thân thiết đậm tình người. Còn Tự Chiêu Minh Ðức sẽ là lối tu thân "Mậu Kỷ" làm tốt tươi cái kỷ viết Hoa tức phần Ðại Ngã tâm linh được dưỡng nuôi chứ không bị đàn áp như với các ý hệ vật chủ. Trái lại đây là lối Tu thân nhân chủ.

Ðó là đại để những tập sách được đề nghị ra như giải nghĩa bộ cổ thư Việt. Sở dĩ chúng được đề nghị vì nó giống với cổ thư ở hai điểm: Một là có dùng số cơ cấu, hai là dùng huyền thoại; nhưng lại hợp thời mới ở chỗ có chứng minh và phân tích như triết Tây, và đặc biệt mới ở chỗ có tỉ giao đối chiếu, rất dễ hợp cảm quan thời đại, nên hy vọng đáp ứng được nhu cầu cần "bộ sách dân tộc" của quê hương đất nước.

Ngoài 27 quyển trên còn dư 7 tập khác, nên được coi như mấy món ăn chơi để cùng hợp vào làm nên bộ triết lý An Vi. Những tập đó là:

1. Những dị biệt giữa hai nền triết lý Ðông Tây.

2. Gia Tài Của Mẹ , là bản tóm ít vấn đề then chốt có ý làm bài huấn luyện đợt 1.

3. Triết Lý Nghệ Thuật Việt. Nghệ thuật Việt Nam tuy ít nhưng khéo tìm thì cũng đủ nói lên được nét tự cường và An Vi cách phong phú lạ.

4. "Hoa Kỳ với thế chiến lược hoàn cầu". Một thứ nhập môn thử đưa vào bộ Ngũ Ðiển.

5. Triết Lý Hòa Giải, (đợt đầu) và

6. Huyền Sử Nước Việt, may ra bản thảo hai quyển này còn giữ được nơi người xuất bản chăng. Nếu còn sau sẽ in lại.

7. Quốc Phá Sử Trình 1, tính ra trong năm 1987, trình bày quãng đời mới với sự thành lập An Việt và Việt Linh.

Tất cả 34 quyển (số mẹ tròn: 3, con vuông: 4), Ðây là bộ sách mà An Việt định dùng làm bước mở đầu cho việc thống nhất tâm trí người Việt ta, mong đưa đến thiết lập được nước Việt thiêng tiên rồng. Chưa biết mục tiêu này sẽ đạt tới đâu, nhưng điều có thể nhận ra liền là nó sẽ giúp khai mở một giai đoạn Việt học cực kỳ phong phú ở mai hậu.

Vì thế An Việt dám mong mai sau mỗi gia đình Việt Nam đều sắm lấy một bộ, ít ra là Tam Phần để cùng với tranh trống đồng và lá cờ làm như quốc bảo được truyền dòng nối dõi cho các thế hệ tương lai.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page