20. Văn Hóa Việt Tộc

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Văn hóa một dân tộc xuất hiện từ ngày có một tâm hồn vượt chúng nhận thức ra được con đường tiến hóa loài người để đưa ra những đường lối chỉ dẫn cho toàn dân theo, rồi do nhiều người theo lâu đời thì kết thành tiêu biểu, số độ, huyền thoại... Người sau căn cứ vào những số độ, huyền thoại và thói tục ấy mà tìm ra nét đặc trưng và định giá cao thấp của nền văn hóa đó. Vậy văn hóa Việt tộc đã xuất hiện từ thời vô hoài (Immemorial) và được kết tinh lại trong trang huyền sử trác việt của Bàn Cổ được lưu truyền như sau:

Hồn mang chi sơ

Vị phân thiên địa

Bàn Cổ thủ xuất

Thủy phân âm dương.

Giải nghĩa theo văn hóa thì thầm ý như sau: trước khi Bàn Cổ xuất hiện thì cảnh hổn mang ngự trị: tâm trí con người bơ vơ lạc lỏng không biết đi đường nào; gọi bóng là, cả đến trời cao đất thấp như vậy mà cũng không phân ra cái gì là nên hay không nên, cái gì là hại hay không hại. Cảnh huống đó chính là cảnh huống ngày nay tâm trí con người hiện đang tán loạn lắc lư như con tàu giữa muôn lượn sóng không biết đâu là bến bờ. Nếu nay xuất hiện một triết gia thì đó là Bàn Cổ. Bàn Cổ theo nghĩa này là nhà khảo sát về thời cổ sơ và nhân đó tìm ra được nguồn gốc cuộc sống và văn hóa của con người. Việc nền tảng hơn hết là phân ra đâu là âm đâu là dương tức đưa ra tiêu chuẩn để định đoạt thế nào là hơn hết trên đường tiến hóa của loài người: nó cho thấy được chiều kích tích cực của Vô Thế, tích cực đến độ biết được rằng chính Vô Thế là mẹ đẻ ra muôn cái có (Hữu Thể) nên cũng gọi cảnh Thái Hòa tức hòa Có với Không. Ðó là điều buộc phải có con mắt trinh trong toàn triệt mới nhìn ra được. Con mắt triết gia duy lý mới nhìn ra được cái siêu hình trừu tượng là thứ sản xuất có loại siêu hình một chiều: chiều hữu như kiểu Hữu Thể học của Tây Âu là thứ hết sức son đẹt, hoặc nghiêng sang Vô thì đi vào vô vi phi thế cũng lại son đẹt nữa. Nghĩa là cái văn không đủ mạnh để thấm thấu và hoán cải cuộc đời đành đi vào cảnh xuất thế. Phải có con mắt trinh trong hơn mới nhìn được Vô Thể như gốc rễ của các hữu thể tức thấy được cái khả năng tạo tác vô biên của Vô Thể, nên nhìn ra được cái mối liên hệ giữa Hữu và Vô làm thành cái toàn thể nên không thể có xuất với nhập vì Hữu Vô không là hai thực thể biệt lập.

Nói khác nếu chia cuộc tiến hóa con người ra làm ba đợt thì đợt thấp nhất là Duy Hữu. Ðó là cái hữu đặc sệt của đợt vật lý không thấy tí gì là vô hình nên cái gì thuộc vô hình đều cho là vô ích.

Ðợt hai là cái vô hình lý thuyết, vô hình trừu tượng tức là thứ vô hình nữa vời vì tuy con mắt không thấy nhưng còn cần đến mắt lý trí nên gọi là "vô hình hữu tượng" thí dụ ý niệm về sự vật, tuy mắt không thấy sư vật nữa nhưng trí còn giữ cái tượng ý (Imago-idea). Tượng ý lớn nhất bao gồm mọi tượng ý khác ở đợt này là tượng ý "sự hữu xét như sự hữu" nó làm nền cho siêu hình Tây Âu gọi là Hữu Thể (Ontology). Ðó chưa là cái vô hình trong suốt, nên chưa thấy được khả năng tạo dựng của Vô Thể.

Phải tiến lên một bậc nữa mới tới cái Vô Hình mà Nho gọi là "vô thanh vô xú". Chính cái Vô này mới đầy năng lực tạo dựng, nên được coi là nguồn suối sinh ra mọi cái có (hữu sinh ư vô). Mọi cái có sinh ra bởi cái không. Phải là con mắt trinh trong lắm mới nhìn ra được mối liên hệ uyên nguyên này.

Vậy người nhìn ra được mối liên hệ đó đã xuất hiện nơi Cổ Việt và được huyền sử kêu là "Bàn Cổ". Chữ Bàn cùng một âm với Bàng trong họ Hồng Bàng (trong Nam chữ Bàn cũng đọc là Bàng. Xem tự điển Hán Việt của Nguyễn Duy Khôn). Tương truyền mồ mả ông hãy còn đâu dó trong miền núi Lưỡng Việt, tức tỉnh Quảng Ðông, nơi xưa kinh đô của Nam Việt. Vì mối liên hệ họ máu hàng dọc này với Bàn Cổ thủy tổ Âm Dương mà Việt Nam đã nhận hai vật biểu là Tiên (âm) và Rồng (dương) làm như thể chủ quyền cho cuộc phát minh vĩ đại trên. Các nước chỉ có một: gấu Nga, voi Ấn, Ó Mỹ, Cồ Pháp v.v... riêng Việt có cả chim Trời lẫn Rồng dưới đáy biển để nói lên quyền thừa tự cái cuộc phát minh vĩ đại vô cùng mà cho đến nay nhân loại mới hé thấy qua khoa vật lý vi thể (tiêu tích của điện tử, qua electron proton của nguyên tử v.v...) nhưng mới là hé thấy chứ chưa vào được trong, nghĩa là chưa từ đó xây nên một đạo sống cho toàn dân. Còn tiên tổ của Việt tộc đã vào được tức đã kiến tạo nên một chủ Ðạo nhân sinh cao ngất mà các số 2, 3, 5, 9 trở thành những rường cột của ngôi Thái Thất Việt House. Số 2 nằm trong Bàn Cổ thuỷ phán âm dương, số 3 nằm trong Tam Hoàng là phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông. Số 5 là Ngũ Ðế: Ðế Chuyên Húc, Ðế Cốc, Ðế Chí, Ðế Nghiêu, Ðế Thuấn. Số 9 là ông Ðại Vũ vì lấy được vợ Việt nên đúc được 9 đỉnh tức hội nhập được 9 của dân Lạc Việt gọi là Cửu Lạc. Chớ lầm mà cho các vị này là Tàu: toàn là tổ của Việt đó. Các ngài thuộc thời Hoang Việt cũng gọi là Viêm Việt, là thời chưa có dấu vết gì là Tàu. Tàu thực sự tức cả về văn hóa mới có từ đời Chu thế kỷ 12 trước công nguyên. Còn trên nữa mới là tộc Hạ và tộc Thương thì văn hóa hoàn toàn Việt: về chính trị chưa vượt qua đợt bộ lạc, cùng lắm là bộ tộc, còn nói nhà Thương, nhà Hạ là do sử gia tô điểm về sau, chứ thực mãi đến đời Chu mới bắt đầu lấy nội dung Ðạo Việt ra làm Nho bằng đổ khuôn lời Nho cho các ý tưởng nền móng của Việt, vì thế Nguyên Nho chính là Việt Nho, Nho của Việt. Từ đây các số 2, 3, 5, 9 thành Âm Dương, Tam Tài, Ngũ Hành, Cửu Trù (Hồng Phạm). Nên biết rằng 4 số đó tóm hết tinh túy Việt Nho:

Số 2 trong KinhDịch trình bày Vũ trụ quan tiến hóa.

Số 3 trong Trung Dung và Kinh Lễ trình bày nhân sinh quan chủ động (nhân chủ).

Số 5 trong Kinh Thi trình bày lối tiến đặc biệt gọi là "Văn Hiến" hay "Tâm Linh Sử Quan" được quãng diễn thành "Lạc Thư" và "Thái Thất".

Số 9 trong Kinh Thư, chính là cái số 9 này đã cày chũi mọi ngành ngọn cuộc đời để ánh sáng văn hóa được gọi tới dưới tên Hồng Phạm Cửu Trù.

Ðó là nền móng văn hóa Việt. Chữ Việt ở đây nên hiểu theo nghĩa là siêu việt tức không còn thể cao hơn được nữa. Các nơi còn có thể làm cách mạng vì chưa đạt đợt này. Còn với Việt tộc thì chỉ có thể cải cách tức thay đổi phương thế tùy thời, chứ về nền móng đã nói tới rồi, nên nếu vô ý thấy người cách mạng cũng bắt chước làm theo thì chính là cách mạng của loài tôm tép: lộn cứt lên đầu.

Trên đây là tóm lược nguồn gốc văn hóa Việt cũng là triết lý nhân chủ lấy con người làm cái tâm của vũ trụ mà Kinh Dịch gọi là "Vũ trụ chi tâm". Ðó là nền tảng của Ðạo Làm Người mà trong nhân loại mới thấy ở đây một thành tựu đồ sộ nguy nga như vậy. Chính Ðạo Nhân Chủ này làm nảy sinh ra tâm trạng an nhiên tự tại: coi Trời Ðất là thân hữu, là nhà của mình, không coi ai thù nghịch nữa nên để hết sinh lực vào cuộc sống tròn đầy viên mãn được biểu thị bằng những truyện huyền thoại Bàn Cổ hay Nữ Oa đội đá vá trời còn truyện trong tục ngữ Việt với câu "lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng". Khiếp chưa? Người ta gánh đồ gánh đạc. Ðây gánh núi, gánh sông thật không thể cao hơn được nữa.

Hệ quả cái nhìn bao la trên là lối sống tươi vui. Sống an nhiên tự tại sống như chơi, đầy ca, vũ, nhạc, kịch như được khắc trên mặt trống đồng và lưu truyền trong các hội hè, đình đám đầy vui nhộn, lối sống giầu sinh thú yêu đời.

Ðang khi với Âu Ấn là lối sống khắc nghị thanh giáo phản ảnh vào lối văn chương bi kịch đầy bi đát với võ công ca đầy óc chiếm đoạt, còn nay là cái nỗi lo âu khắc khoải, cảm cảnh lạc loài. Jean Paul Satre cho là con người chưa được hỏi ý kiến: Khi không bị vứt ra đó, sống vô cớ vô duyên, chí chóe với nhau một mẻ rồi lăn ra chết, chán quá! Chả nghĩa lý mẹ gì. Rõ là buồn nôn đáng oẹ mửa. Ðó, đời bị nhìn như thế là vì không nhìn ra mối liên hệ uyên nguyên, nên không thấy ý nghĩa cuộc đời. Albert Camus nói: tôi cảm thấy xa xôi với Trời, với Ðất, với Thượng Ðế, với tha nhân và hỡi ơi với chính mình tôi nữa! Thật cám cảnh to vo vì không thấy liên hệ ngầm nối Trời với Ðất với mình, nên cái gì cũng coi như xa lạ, như thù địch không đáng sống và vấn đề duy nhất còn lại là sao chưa tự tử. Câu thưa của một số trụ hiện sinh là chúng tao sống cốt rao cho nhều người biết cần tự tử. Chính cái tâm trạng này đang tràn ngập khắp bốn phương do sự kiện văn hóa Âu Tây nắm quyền chỉ huy toàn cầu nhưng vì là nền văn hóa không hồn không hướng, không biết chỉ về phương hướng nào. Thành thử toàn thể nhân loại làm vào cảnh "hổn mang chi sơ, vị phân thiên địa".

Sau mấy phân tích trên ta có thể trả lời câu hỏi đối với việc sửa soạn cho Bàn Cổ mới tái xuất để kiến tạo cho nhân loại một nền văn hóa có hướng có hồn, thì hỏi liệu văn hóa Việt tộc có thể đóng góp được chi chăng? Ta có thể thưa ngay rằng Việt tộc có nhiều khả thể nếu không nhất thì cũng vào hạng nhất. Tuy nhiên với điều kiện là nó phải làm một cuộc trở về nguồn tận căn để cả triệt thượng lẫn triệt hạ, tức là vừa nghiên cứu thấu đáo để không những đạt chủ thuyết, nhưng còn phải đi xa hơn nữa là đạt Chủ Ðạo. Chủ thuyết mới là đợt cao nhất của văn học như nghiên cứu nghiêm túc cổ sử, khảo cổ, ngôn ngữ, phong tục... Còn Chủ Ðạo là phải từ đó tìm ra nguyên lý uyên nguyên của con người là nguồn suối mọi diễm phúc để xây đạo sống và chỉ dẫn đường đi đến đó. Ði càng gần được bao nhiêu thì càng thấy được hạnh phúc an vui bấy nhiêu. Người xưa đã ví với suối cam tuyền, ví với mạch nước hằng sống, nên đâm rễ vào nguồn sống. Cha ông ta đã đạt được chỗ ấy và dùng làm đạo dựng nước nên các ngài đã gọi là Việt Tỉnh Cương. Nói Việt Tỉnh Cương là nói văn hóa đã đạt nguồn gốc tâm linh như từ giếng vọt lên mạch nước cam tuyền vô tận. Còn nói cương là nói mọi cương thường giềng mối xã hội đều phát xuất từ nguồn đó nên được biểu thị bằng số 2 và 3 rồi 2 cộng với 3 thành ra 5 và các số phụ. Nói vắn tắt là văn hóa dân tộc cũng là văn hóa nhân tộc: tức văn hóa Việt tộc đã đạt độ phổ biến cao nhất có thể hợp với mọi nơi mọi đời nên vẫn còn giá trị muôn thuở đủ tư cách để trở nên một thứ đạo đặc biệt gọi là "Ðạo Làm Người" lấy tu thân làm bổn gốc, nên không có cảnh vong thân như hai đợt dưới.

Chính từ cái gốc uyên nguyên này mà ta phải xây lên một tổng hợp mới gồm cái hay mọi nơi cũng như cố làm sống lại nền Ðạo Ðức Ðông Phương không chỉ bằng sách vở báo chí suông mà bằng các cuộc nghiên cứu thấu triệt rồi tới các lớp huấn luyện liên tục và rộng mở. Người Việt quốc gia nên giồn hết tâm can nghị lực vào việc phục hoạt này. Ðây là việc cứu quốc đích thực hơn hết, cần phải làm đầu trước tiên. Bởi nước ta xây trọn vẹn trên văn hóa, thứ văn hóa đạt thân, nên nước gọi là văn hiến tức thứ văn cao cả xứng đáng cho con người hi hiến thân tâm cho nó, bởi nó đã đạt đến gốc người nên văn hóa dân tộc cũng là văn hóa nhân tộc. Cho nên với ta vong quốc cũng là vong bổn vong thân luôn. Ít có nước đạt đợt văn hóa cao sâu như vậy. Nhưng oái oăm thay bên nhà thì Cộng Sản đang ra sức tàn phá cho tận gốc rễ những gì gọi là dân tộc. Còn người quốc gia thì gặp cảnh phiêu bạt như những cánh bèo bồng bềnh chưa có cái gì ràng buộc với nhau thành một công thể. Trong cảnh tan nát như vậy nếu chúng ta không làm một cố gắng vượt bực thì Việt Nam văn hiến sẽ điêu tàn. Ðiều đó không những uổng cho Việt tộc nhưng cũng là một thiệt hại lớn cho nhân tộc vì mất đi một đỉnh cao văn hóa của mình.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page