19. Sách Ước Gậy Thần
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
1. Gậy thần
Khi trở về nghiên cứu văn hóa nước nhà chúng ta có thể lấy làm lạ lâu lâu lại nghe nói tới sách ước gậy thần, rồi tìm không thấy đâu bàn đến cách triệt để hay nói lên ý nghĩa thâm sâu mà chỉ thấy xuất hiện trong bầu khí âm u của cõi tiên phi phàm. Sau khi nghiên cứu so đo chúng tôi mới nhận ra đó cũng là một điển chương quí báu của tiền nhân giối lại và vì thế hôm nay ghi lại đây một hai kết quả trong việc tìm hiểu. Xin hãy khởi đầu bằng duyệt qua một số truyện có liên hệ tới hai báu vật trên và trước hết là gậy thần được thấy xuất hiện nhiều lần hoặc trong tay tiên, hoặc tiên cho để làm phép như...
- Công chúa Tiên Dung dùng gậy mà biến ra thành quách... cũng như gậy trỏ vào xác chết làm cho sống lại.
- Ngọc Tâm trong truyện con muỗi (Văn học II, tr. 95) gặp được tiên để xin cứu sống cho vợ... thì tiên cũng chống gậy trúc.
- Từ thức cũng chống gậy trúc trên đường gặp tiên.
- Tú Uyên cũng gặp ông già chống gậy.
- Thần Lúa hay là Thần Nông đi đâu cũng chống gậy (Văn Học I tr. 73).
- Cây tre được nhận như tiêu biểu con người lý tưởng.
Ðọc xong truyện trên ta đã nhận ra gậy thần chính là nền minh triết nông nghiệp giúp cho người đạt độ tâm linh, và nhờ đó cứu gỡ khỏi những nanh vuốt của thời bái vật và ý hệ.
Bây giờ chúng ta đọc một câu truyện khác có tính cách tổng hợp văn minh mẹ (gậy thần) với văn minh bố (sách ước) như sau:
2. Sách ước gậy thần
Sách ước là sách huyền diệu có sức mầu ban cho người gặp được quyển sách này ước gì có nấy, giống như cái đèn thần của Aladin. Tìm về nguồn gốc chúng ta chỉ gặp thấy có nói đến sách ước trong truyện kỳ mà thôi. Truyện rõ nhất về sách ước có lẽ là câu truyện Thần núi Tản Viên sau đây:
"Thần xưa kia nguyên là một đứa con bị bỏ rơi giữa rừng được một người tiều phu gặp đem về nuôi, đặt tên là Kỳ Mạng. Sở dĩ thần có tên này là vì trước khi gặp cha nuôi đứa bé mới lọt lòng đã được dê rừng cho bú, chim chóc ấp ủ cho khỏi chết. Kỳ Mạng chóng lớn khôn, theo nghề cha nuôi ngày ngày vác rìu vào rừng đốn củi.
Một hôm Kỳ Mạng đốn một cây đại thọ. Cây to lớn quá, chặt từ sáng đến chiều mà vẫn chưa hạ nổi. Bỏ dỡ ra về, đến sáng hôm sau trở vào rừng, Kỳ Mạng hết sức ngạc nhiên thấy những vết chặt đã dính liền lại khắp thân cây. Kỳ Mạng lại xách rìu chặt nữa, suốt ngày ráng hết sức không xong, đến ngày thứ hai trở lại cũng thấy cây vẫn nguyên vẹn như chưa hề bị động tới. Không nản chí, Kỳ Mạng lại ra công cố chặt nữa, quyết hạ cho kỳ được, rồi đến tới ở lại núp gần cây rình xem sự thể. Vào khoảng nữa đêm, Kỳ Mạng thấy một bà lão hei65n ra, tay cầm gậy chỉ vào cây, đi một vòng quanh cây tự nhiên những vết chặt liền lại như cũ. Kỳ Mạng nhảy ra khỏi chỗ nấp; tức giận hỏi bà lão sao lại phá công việc làm ăn của mình. Bà lão nói:
- Ta là thần Thái Bạch, ta không muốn cho cây này bị chặt, vì ta cứ nghỉ ngơi ở trên cây.
- Không chặt cây thì tôi lấy gì mà nuôi sống?
Bà thần đưa cho Kỳ Mạng cái gậy rồi biến mất. Ðược chiếc gậy thần, đời sống của cha con Kỳ Mạng từ đây có phần dễ chịu lắm, và chàng đem báu vật ra cứu giúp những người bệnh tật, ốm đau.
Một hôm Kỳ Mạng đi chơi gặp xác một con rắn nước bị trẻ con chăn trâu đập chết vứt ở bờ sông, mới dùng gậy thần chỉ cho rắn sống lại, bò xuống nước. Vài ngày sau có một người lạ tới tự xưng là Tiểu Long Hầu, đem nhiều châu báu tạ ơn Kỳ Mạng đã cứu sống mình hôm rồi, nhân lúc đi chơi bị trẻ đánh chết. Thần Tiểu Long lại mời Kỳ Mạng xuống chơi dưới thủy phủ.
Kỳ Mạng nhận lời theo con Long Quân rẽ nước xuống biển chơi, được Long Quân mời ở lại ba hôm, bày yến tiệc tiếp đãi nồng hậu và dẫn chàng đi xem khắp thế gới dưới nước. Khi về, Kỳ Mạng lại được Long Quân biếu cho một cuốn sách ước, có thể nhờ sách mà cầu ước chuyện gì cũng đều thực hiện cả. Kỳ Mạng sung sướng đem sách về trần.
Cuốn sách ước chỉ gồm có ba tờ bằng da cá, ngoài bọc vỏ rùa. Ba trang sách, mỗi trang chứa một tính chất: kim, mộc, hỏa... chỉ thiếu một trang về thủy mà Long Quân đã giữ lại.
Kỳ Mạng mới bắt đầu thử xem linh nghiệm ra sao, bèn mở sách ra, đặt tay vào trang hỏa khấn khứa, được nghe thấy sấm sét giữa lúc trời quang mây tạnh. Tức thì chỉ trong nháy mắt trên trời vần vũ dầy đặc, rồi chớp sáng, sấm sét nổi lên rung chuyển cả bầu trời.
Kỳ Mạng mỉm cười đắc ý, đặt tay vào trang mộc, ước ao thấy một rừng cây đi. Tức thì những cây ở trước mặt chàng tự nhiên bỗng tiến bước lên như một đạo quân.
Kỳ Mạng gấp sách lại, thấy mình từ đây uy quyền sức mạnh không còn ai sánh kịp. Rồi từ đấy lang thang đó đây, cứu giúp cho đời.
Cuối cùng, chán cảnh trần tục, Kỳ Mạng lên núi Tản Viên ở luôn tại đây. Với cuốn sách ước, chàng dựng lên những lâu đài cung điện nguy nga giữa chốn núi rừng hoang vu. Từ đó tiếng đồn đi rằng núi Tản Viên do một vị thần pháp thuật thần thông cai quản" (Văn Học).
3. Ðưa vào giải nghĩa
Câu truyện trên cung cấp cho ta nền tảng giải nghĩa cả sách ước lẫn gậy thần, cả hai không là chi khác hơn là hai khía cạnh của Kinh Dịch. Vì Kinh Dịch giống sách ước ở chỗ không có chữ: những chữ hiện này chỉ là hệ từ thêm vào sau. Còn gậy thần chẳng qua là những con số của Kinh Dịch trong đó số 5 là quan trọng. Gậy thần làm bằng cây trúc có 9 đốt chia hai đầu sinh tử (âm dương) ai biết cầm trúng đốt 5 mà xoay thì tử sinh biến hóa: chết có thể làm cho sống lại v.v... Xem thế đủ biết đó là những con số của Lạc Thư của Hồng Phạm. Sách Việt Sử Lược bảo Hùng Vương biết dùng ảo thuật thì có nghĩa là biết ứng dụng nền minh triết Lạc Thư: đem đạo (tròn) vào đời sống (vuông) đó gọi là Tản Viên, tức tròn vuông xoắn xuýt, trời đất tổng hợp. Gậy thần đi với mẹ với nông nghiệp nên gây ra được nhiều ơn ích thiết thực, còn sách ước là do bố, Lạc Long Quân tuy cũng có thần thông nhưng còn mang nhiều tính chất vu nghiễn như khi Kỳ Mạng đặt tay vào trong hỏa khấn được sấm sét nổi lên rung cả bầu trời, để tay vào trang mộc thì thấy cả một rừng cây đi... đó toàn là những kiểu nói bóng về khả năng biến hóa của Kinh Dịch, nhưng về sau vì bị hiểu theo lối vu nghiễn nên không ơn ích cho đời sống của gậy thần. gậy thần biểu thị nền văn minh triết nông nghiệp, nên mỗi lần chặt cây là biểu thị sự chối bỏ nền minh triết đó.
4. Ý nghĩa gậy thần
Vậy gậy thần không là chi khác hơn là nền minh triết nông nghiệp. Khi người nào đạt độ minh triết đó thì không cần đến tôn giáo vu nghiễn nữa, còn khi chỉ có triết học duy niệm như trong văn minh cha thì không đủ thỏa mãn tâm linh nên cần đến vu nghiễn, như phần nào đã thấy xảy ra trong Hán Nho có pha nhiều chất tai dị. Ðã là minh triết thì nó biểu lộ ra trong nét nhất quán tức như sợi dây xỏ xuyên qua hai bờ âm dương mà không duy bên nào. Nói bóng là gậy thần. Gậy là để xỏ qua, thần là khắp hết tức đem đạo (tròn) tản ra mọi việc (vuông). Vậy trong nền văn hóa Việt Nam ta thấy cái gì cũng lưỡng nhất tính kể tự vật tổ trở đi là tiên rồng cho đến thể chế: làng nước, mẹ cha, cách tính tuổi, cách đặt tên... và vì thế tiếng nước ta rất nhiều danh từ đi đôi: mặt trời, chiếu chăn, non nước, anh em, bàn bạc, mênh mông... Tưởng không ngôn ngữ nào trên thế giới diễn đạt nếp gấp đôi rõ như vậy, tiếng ngoài rõ rệt, tiếng trong lờ mờ. Lời nói lại đặt nổi chữ Kỳ tức lấy mình làm trung tâm; ta nói xe chạy ngoài đường. Có người dậy văn chương cho là sai: vì chạy ngoài đường là chạy trong ruộng hay dưới sông. Nhưng nói theo lối Kỳ Mạng tức lấy con người làm nơi qui chiếu thì nói ngoài đường là qui chiếu vào mình tức con đường ở ngoài mình. Ðó là hậu quả Tam Tài; lấy con người làm trung tâm "trời che đất chở ta thong thả" và do đó hiện thực được sứ mạng của mình (kỳ mạng) tức là của con người đ5i ngã tâm linh mà các nền văn minh khác chưa đâu hiện thực nổi.