18. Nét Ðặc Trưng

Của Văn Hóa Việt Nho

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Nét đặc trưng của văn hóa Việt Nho biểu lộ qua cái bọc trăm trứng và những con số. Trước hết hãy bàn về sự lặp đi lặp lại câu truyện đẻ ra trăm trứng nói lên nét đặc trưng là tinh thần công thể (esprit communautaire) nổi bật hơn bên Âu Tây, nơi mà anh Ca-in ghen tỵ nên giết em là A-bel, anh E-sau tranh giành với em là Jacob, v.v... nói lên óc cá nhân, tranh đấu để sinh tồn. Cả hai tinh thần (công thể và cá nhân) đều hiện diện khắp nơi gây nên nhiều sắc thái do mức độ giao thoa và liều lượng của mỗi yếu tố. Vì là hai yếu tố quan trọng không thể thiếu trong nền văn minh nào, nhưng sự khác biệt là do liều lượng. Thí dụ Việt Nho đặt quan trọng nên công thể ba lần còn cá nhân hai lần. Ngược lại Tây Âu cá nhân bốn, công thể một, nên ta gọi văn minh họ là cá nhân; còn ta là công thể. Lúc ấy cái bọc Âu Cơ trở nên một tiêu điểm rất quí cho chúng ta khi nhìn vào dòng sử mệnh nước nhà, biết ngay là nó thuộc loại văn minh tôn trọng cộng đồng, công thể và đã hiện thực vào cái làng Việt Nam. Tinh thần công thể đó lại đi với cây và chim. Nếu xem thường sẽ trượt qua, nhưng khi theo cơ cấu thì ta biết cây thuộc hành mộc nói lên văn minh nông nghiệp. Trong nền văn minh này đàn bà đóng vai trò quan trọng nếu không hơn thì cũng chẳng kém đàn ông, điều đó nói lên tính chất mẫu hệ, mẫu tộc vốn gắn liền với văn minh nông nghiệp mà ta có thể thấy trong cây chu đồng (chu là bà chu). Riêng nước ta thì tính chất đó được biểu thị bằng Tiên, và trước nữa là chim. Vì thế chim và tiên hay xuất hiện trong các truyện huyền sử của ta. Ðó là một nền văn hóa sẽ gặp đối thủ là du mục biểu thị bằng hành thủy và kim với hai số 1 và 4, nói lên tính chất phụ hệ, vô biến và hay đi với Hoa tộc.

Ta hãy bắt đầu bằng tục lệ của dân gian hay đem những bình vôi hết xài hay những đầu rau sứt mẻ bỏ dưới gốc cây đa ở đầu làng. Tục đó có nghĩa chi chăng? Câu hỏi này tất nhiên không được đặt ra thời duy lý vì chỉ coi đó là dị đoan, tin rằng đồ dùng lâu ngày có hơi hướng có thể thành yêu... Nhưng nếu muốn theo lối cơ cấu thì phải tìm ra ý nghĩa, hay ít nữa là lý do nguyên khởi của những tục lệ kia. Tại sao tục lệ đó có ở đây mà không nơi khác? Tại sao lại đưa đến niềm tin dị đoan nọ? Lý giải cần phải có nền móng hẳn hoi, vì nếu không thì chúng ta sẽ rơi vào tật đưa "ý kiến" ra thì chẳng có giá trị gì.

Vậy dựa trên mấy sở đắc của cơ cấu đã nhắc trên là ta có thể suy luận như sau: Trước hết là Bách Việt thuộc văn minh nông nghiệp. Nông nghiệp với thảo mộc là một. Trong các mộc thì cây đa được chú ý vì nó mọc ra cả trăm rễ nên đã được dùng để chỉ Bách Việt cũng như để chỉ sự bám chặt vào đất làm nên sự bền vững, v.v... Còn bình vôi tượng trưng cho sức hòa hợp được đặt nổi trong câu truyện trầu cau để hòa hợp những yếu tố khác biệt như đá vôi với thảo mộc... Vì thế ca dao nói "miếng rầu là đầu câu truyện" thì câu truyện đây phải hiểu sâu hai tầng ý nghĩa, trước là truyện trai gái, cưới hỏi vợ chồng, sau là tuyện đạo lý. Vì đạo quân tử khởi thuỷ từ đạo vợ chồng, mà đạo vợ chồng được khai mạc bằng miếng trầu.

Bây gờ muốn xem đạo đó như thế nào thì sẽ nhận ra là đạo tam tài: trong miếng trầu có cây có nước có đá, biểu tượng cho tam tài. Vì tam tài là nền tảng nên nó phải hiện diện khắp nơi nhất là trong ba đầu rau. Ba đầu rau là biến thể tự cái nồi Tam Biên của Viêm Việt (xem Việt Lý). Cả hai đều là biểu hiệu của Tam Tài đã được bình dân hóa để thẩm thấu vào việc tối hệ trọng là ăn. (Dân dĩ thực vi tiên). Dân lấy việc ăn làm bước đầu, bước nền tảng, vì là nền tảng nên cần được đạo lý hướng dẫn. Ðạo lý đó là Tam Tài.

Ðặc trưng của Tam Tài là vị trí cao cả của con người được xếp ngang với trời cùng đất. Áp dụng vào cơ năng con người mà nói thì thiên, địa, nhân chính là ý, tình, chí, lý; hay là lý sự, sự vật chỉ địa, còn tình là tình người, vì đã đề cao người nên Ðông Phương cũng đề cao tình, bên trên cả lý. Với Việt Nho thì "tình thâm nhi văn minh" chứ lý thâm thì chỉ là bất chính. Ngạn ngữ Tây có câu summum jus summa injuria nghĩa là quyền lợi cùng cực (lý) thì cũng là bất công cùng cực: thí dụ quyền tư sản tuyệt đối đã gây nên bất công tuyệt đối đầy phần lớn con người vào chế độ nô lệ. Vì thế câu summun jus summa injura rất chí lý.

Tiếc rằng Tây Phương đã biết thế mà lại đi vun tưới lý bỏ bê tình. Việt Nho thì trái lại vun tưới tình nên không thờ chân lý trơ trọi, mà thờ luôn cả chân tình cũng như chân tâm. Do đó để cho tình lan tỏa tới cả những vật quanh mình theo tinh thần toàn thể (thiên địa vạn vật nhất thể). Vậy nên các vật đã dùng lâu ngày như bình vôi, đầu rau... đã có tình nào đó với người không nỡ vất đi mà nên cho về gốc tổ, y như hết mọi con người được quy tụ chung quanh bài vị văn tổ, là bài vị chung cho mọi tổ đã xuất khỏi cá thể tính của mình để được trở về với khối tổ siêu danh thì sự vật cũng thế. Nhân sao vật vậy, ít ra cũng là để có dịp vun tưới mối tình của mình. Cho nên đối với những vật đã cùng mình (hoạt động) lâu ngày nay đến lúc bắt đầu đắc dụng thì con người có tình cũng không nỡ bỏ đầy đọa là đưa về gốc tổ... Ðại để đó là một lý giải tuy chỉ đạt độ cái nhiên (vì là nhân văn không thể đi xa hơn) nhưng có nền tảng. Nền tảng đó là triết lý Tam Tài bao trùm khắp bầu trời văn hóa Việt Nho nên nó là một thứ "mạch lạc nội tại" cần để khi ta dựa vào đó mà lý giải thì có nhiều may mắn tìm ra ý nghĩa của hiện tượng.

Bây giờ xin lấy một thí dụ khác cũng rất đặc trưng của Việt Nho, đó là những tích thổ thần giao thiệp với Ngọc Hoàng rồi lại Diêm Vương... chúng nói lên vai trò con người rất lớn lao, vì Thổ Thần chẳng qua là những người như ai mà lại giao thiệp với Trời (Ngọc Hoàng) với Ðất (Diêm Vương) thì là điều không thể tưởng tượng được trong các nền văn hóa khác do đó mà có những lối hành sử coi trời bằng vung:

Doc ngang nào biết trên đầu có ai

Hoặc những câu ca dao kiểu:

Bắc thang lên hỏi ông Trời,
Bắt bà nguyệt lão đánh mười càng tay.
Ðánh rồi lại trói vào cây,
Hỏi bà nguyệt lão đầu dây tơ hồng.

Những thái độ đó mà kể ở nơi khác dễ bị lên án là phạm thượng. Thế nhưng với Việt Nho thì những truyện trên chỉ là minh họa câu định nghĩa con người như là cái đức của trời cùng đất, là nơi quỉ thần hội tụ: "nhơn giả kỳ thiên địa chi đức, quỉ thần chi hội" tức là ngang với trời cùng đất vậy.

Ðó là vài thí dụ nói lên bầu khí văn hóa Tam Tài, Trời Ðất, Người làm nên nhất thể. Chính cái Nhất Thể đưa đến khung ngũ hành, nơi mà phương hướng, sắc màu, số độ có liên hệ nền tảng đem lại cho cơ cấu Việt Nho một khuôn mặt đặc biệt không đâu có.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page