17. Truyện Bánh Dày Bánh Chưng
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi hai vị công tử lại mà bảo rằng:
- Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.
Các công tử lo đi tìm các trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liêu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.
Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng:
- Trong trời đất không có vật gì bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.
Lang Liêu giật mình tỉnh dậy, mừng rằng: "Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm".
Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quyết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng hình trời, gọi là bánh dầy.
Ðúng kỳ, Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thức gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu. Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liêu được giải nhất.
Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liệu.
Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố.
Về sau, họ hàng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng một sách để che kín bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi thuỷ từ đấy vậy.
Chú Thích:
Truyện Bánh Dày Bánh Chứng nói lên nền triết lý bao la như trời đất nhưng lại gần gũi và cụ thể như miếng ăn. Truyện này dễ hiểu nên đã được khai thác nhiều nhất. Nhưng huyền số thì chưa được nắm vững nên có người nói là Hùng Vương thứ 8 thay vì thứ 3, còn Công Tử thì thứ 6! Mất hết ý nghĩa. Ðó là vì chưa nhìn ra liên hệ 3-9 là cả một cơ cấu nền tảng và sinh động từ 3 tới 9. Chữ Lang Liêu nên đọc là Liêu, tuy đọc Liệu không sai vì có cả hai âm Liêu Liệu, nhưng nên đọc Liêu cho phân với Tiết Liệu sau.
Truyện Bánh Dày Bánh Chưng của Tiết Liệu nói lên nét trời đất giao thoa làm nên con người Ðại Ngã. Ai mà nhận thức và hiện thực được (biểu thị bằng làm ra bánh trời bánh đất) thì sẽ được phần thưởng vĩ đại là làm vua, mà ý nghĩa cụ thể là trở nên nhân chủ (thông với thần minh tức tinh thần giũ bỏ được mọi xiềng xích do bái vật và ý hệ, còn phần thân xác sẽ có đủ những cái cần dùng cho cuộc sống được an vui.