14. Nhân Bản Tâm Linh

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Thông thường thì chữ tâm linh được hiểu như linh thiêng, thiêng liêng... nhưng trong triết có một nghĩa rất khác biệt và trống đồng chỉ bằng những vòng tròn, vòng đồng tâm, vòng xoay ngược chiều.

Sự việc xảy ra như sau: ở thời bái vật, con người tin cái gì cũng do thần điều động, mặt trời mặt trăng chẳng hạn đều phải do thần kéo đi. Trong thời ấy con người phải van vái cầu khẩn các thần thánh bên ngoài phù trợ ban ơn chứ con người kể như không có quyền lực gì. Thời đó người ta quan niệm thế giới các thần là thế giới linh thiêng ở trên cao xa thế giới con người nên có vẻ quái dị đến độ người ta phải giết tế: trước giết người để tế trời, sau giết thú vật. Thời này được biểu thị bằng vòng tròn O có thể gọi là duy thần.

2. Nhưng đến khi lý trí con người nẩy nở thì nó không cần giết tế mà còn có thể chối bỏ thần linh, nên cố giải nghĩa mọi việc bằng tự nhiên tức không có thần thánh nào máy động cả. Sự tạo thành vạn vật giải nghĩa bằng cơ cấu "tứ tố", four elements: đất nước, khí lửa. Ðó là một thứ ngũ hành. Ðây là thời duy vật, hay ý hệ: cái gì cũng phải hợp lý, không có linh thiêng nào hết vì linh thiêng vượt ra ngoài tâm trí, nên kể là vô lý không có thực. Bởi vậy, thời này được gọi là ý hệ hay vô thần có thể được biểu thị bằng hình vuông cũng được gọi là duy nhân.

Nhưng đến một giai đoạn nào đó khi tâm thức con người tiến hơn nữa thì thấy rằng không thể chối bỏ thần linh, phải chấp nhận có Thượng Ðế, chỉ cần chấp nhận thế nào để quan niệm Thượng Ðế không làm hại con người như ở thời bái vật. Cuối cùng người ta khám phá ra một phương thế mới gọi là tâm linh tức tìm Thượng Ðế ngay trong Tâm con người; đấy là bước rất ít nơi tìm ra được vì tâm bé nhỏ làm sao Thượng Ðế có thể ở trong đó? Cuối cùng người ta tìm được câu giải đáp bằng quan niệm Thượng Ðế là vô hình "Thiên vô thanh vô xú" với câu định nghĩa thần cũng là vô: "Thần vô phương". Và câu tuyên bố đánh dấu giai đoạn tiến cao nhất này của con người là "thiên lý tại nhân tâm".

3. Với câu định nghĩa đó con người vừa lấy lại được Thiên không cần vô thần mà vẫn khôi phục được làm người gọi là nhân chủ: con người được phồng lên to như vũ trụ, do đó có Ðại Ngã, có "vũ trụ chí tâm". Ðây là lý do tại sao Triết Ðông đề cao chữ Không (Vô) hết cỡ. Ðem không vào hệ thống tứ tố cho ra ngũ hành, tức thêm hành Thổ vào giữa tứ tố để nó đại diện cho Vô, ngũ hành ở tứ tố chỉ có hình vuông, còn bên ngũ hành thì tròn vuông hòa hợp, vì thế hành Thổ cũng gọi là "hành vô hành, địa vô địa". Ðây là nấc tiến thứ ba của con người sau hai bước bái vật và ý hệ.

Biểu thị bái vật là tròn còn ý hệ là vuông, thì nay tâm linh được biểu thị bằng tròn ôm vuông, gọi là "mẹ tròn con vuông", hoặc thay bằng hình cong lượn như vòng xoáy ốc, hoặc vòng đồng tâm vĩ đại, bao gồm vô số vòng đồng tâm hay xoáy ốc ngược chiều. Với những vòng này Trống Ðồng là biểu tượng chói chang cho giai đoạn thứ ba là tâm linh, nó khác với tôn giáo ở chỗ giữ tối thiểu nghi lễ để đi vào phép tồn tâm dưỡng tính. Ta thấy bước này rõ nhất nơi Phật tổ với Balamon. Balamon dựa hầu trọn trên nghi lễ nên là tôn giáo suông, còn Phật tổ đi thẳng vào tâm hồn bằng thiền nên đã đi sâu vào tâm lý và triết lý.

4. Sau những nhận định trên bây giờ ta mới hiểu được nghĩa siêu hình của những Giao Chỉ là chỉ Trời giao thoa với chi Ðất để làm nên một thực thể mới là vạn vật, là con người. Kinh Dịch gọi là quẻ Thái và đó là nét đặc trưng của tâm linh, ở bái vật và ý hệ không có giao thoa vì trời ở trên bay lên, đất ở dưới đi xuống không gặp nhau. Kinh Dịch gọi đó là quẻ Bĩ có nghĩa là không thông cảm: anh đi đàng anh (trời bay lên) tôi đi đàng tôi (đất trì xuống) hai đàng không có gặp nhau: không có giao chỉ. Giao chỉ tột cùng là trời đất giao thoa và đó là bản tính của muôn loài, kể cả Thượng Ðế và con người: nơi vạn vật thì biến cố giao chỉ xảy ra cách vô thức, còn nơi người thì phải xảy ra cách ý thức, nghĩa là con người phải tham gia vào bằng ý, tình, chí. Càng tham gia cách ý thức thì tâm linh càng cao.

Hễ giao thoa được đúng liều lượng 2-3 thì là đạt Ðạo, nên có Minh Triết.

5. Như vậy Minh Triết ở tại hội nhật Vô với Hữu, Trời với Ðất... nói theo tâm lý thì Minh Triết ở tại hội nhập tiềm thức với ý thức. Ý thức chỉ hữu, tiềm thức chỉ Vô (vô thức) muốn cho hai đàng giao thoa thì phải đề cao Vô, vì Vô tiềm ẩn nên dễ bị lãng quên. Thế mà Vô là Trời, là chúa, là tinh thần, là tâm linh, bỏ mất Vô là bỏ mất phần quan trọng hơn cả, trở nên vô thần cũng là vô nhân, không còn ra người đích thực nữa, vì thế Việt Nho quan niệm con người phải bao gồm cả "vô, cả hữu", cả đức trời lẫn đức đất: "nhân giả kỳ thiên địa chi đức". Nói tỏa rộng ra cho dễ hiểu thì với Việt tộc cái làm nên con người không chỉ là xác thân mà còn là cá nhân, là nghĩa, là lễ, là trí, là tín... là những việc vô vị lợi, những việc ơn ích cho tha nhân, cho nhân quần xã hội thì đều căn cứ trên Vô. Vô ích cho mình nhưng đó chính là nền tảng linh thiêng cao trọng. Tóm lại, tất cả những đức tính không hiện hình được đại diện cho tâm linh hay Vô. Khi ta nói trọng nghĩa khinh tài thì nghĩa đại diện cho phần Vô, còn trọng tài là trọng hình, đó là Hữu: nghĩa cần cho người hơn cả tài vật là thế. "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" chính là vậy.

6. Ca dao nói:

"Năm canh thì "ngủ" lấy ba,

Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn".

Việc nhà hay việc làm ăn thì chỉ nên chiếm 2 phần tâm trí, còn 3 phần phải dành cho Vô tâm linh tức những việc vô hình, vô vị lợi, những việc công ích, xã hội, vị tha. Nói là 3 trời 2 đất: giữ được tỉ lệ nọ thì mới là lý tưởng, đúng hơn mới đạt bản tính, hay là đạt "giao chỉ" cũng là đạt đạo. Muốn có đạo phải có giao chỉ. Muốn có giao chỉ phải tránh các thứ duy một chiều. Phải có cả 2 chiều, cả chiều trời lẫn chiều đất, nói bằng số 2-3: 2 đất 3 trời cộng lại thành 5.

7. Cộng sản không tin thế, cho đó là duy tâm mơ mộng. Chúng muốn dồn cả 5 phần tâm trí vào tài vật nên xưng mình là duy vật, bác bỏ tâm linh để đi hẳn vào con đường duy lý, gảy bỏ tình người, khinh thường nhân nghĩa, dồn hết 5 canh vào cho việc lao động vinh quang, tưởng làm thế sẽ giàu mạnh thêm, ngờ đâu nước cộng sản nào cũng thiếu ăn. Ðủ chứng tỏ rằng nếu bỏ qua phần 3 trời thì người không ra người và gặp tai họa ngay từ miếng ăn. Thế mới biết chữ Vô, chữ tâm linh, nhân nghĩa không phải là truyện khuyên răn suông muốn nghe cũng được không nghe cũng chẳng sao. Thực tế đã có sao lắm. Vì đó là bản tính con người, con người là thiên địa chi đức, cả đức trời lẫn đức đất. Duy vật là duy đất thì hết là người, mà hết người cũng là bắt đầu hết ăn. Cho nên khi xét bao trùm trình sử con người sẽ thấy rõ, cái làm nên con người không phải chỉ có miếng ăn (duy vật) mà còn phải có những việc nghĩa, việc vô vị lợi, những việc ích chung, vì nhân quần xã hội đều là thành phần làm nên con người, chứ không phải chỉ là những việc tùy phụ bên ngoài. Những tâm hồn đã tiến cao đều cảm nhận được như thế, nên đều xả thân vì nghĩa, tận tình lo cho tha nhân, cho nhân quần xã hội. Không kể chi tới lợi ích tư riêng, và những người đó đều được coi là cao thượng. Nói kiểu biểu tượng thì đừng tưởng những việc thiện, việc nghĩa là những việc vô ích. Sự thực đó là những việc có trả lương cả đấy. Trời có trả lương cách rất huyền diệu. Sự bế tắc kinh tế trong các nước cộng sản xảy ra do thiếu những việc nhân nghĩa nên không được Trời trả lương. Ðạo Ðức Kinh nói:

"Bậc thánh nhân không thu giữ,
Càng vì người mình càng thêm có,
Càng cho người mình càng thêm nhiều".

Do đó ta mới hiểu câu sau là rất thật:

"Thiên cao đã có Thánh trị,
Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ".

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page