13. Con Ơi Cố Giữ Ðạo Ba...

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Ðạo Ba có hai nghĩa: một là đạo của cha mẹ tổ tiên, gọi vắn tắt là đạo Ba. Nghĩa hai hỏi rằng đạo ấy là đạo nào? Thưa đó là đạo chỉ thị bằng số 3. Ðây là đạo riêng biệt của Việt tộc. Các nơi khác không có kể cả Tây Phương vì họ theo nguyên lý "triệt tam". Tam là ba, "tiệt tam" là bỏ ba: theo nguyên lý một là có, hai là không. Không thể có trường hợp thứ ba là vừa có vừa không được. Họ nói thế là vì triết học một chiều: duy tâm hay duy vật, cũng là duy trời (số 1), hay duy đất (số 2), không có số 3 của con người. Còn theo ta thì lại có số 3. Ðã vậy còn nhấn mạnh gọi là Tam Tài. Và đó là nền móng thuyết nhân chủ cũng gọi là thuyết lưỡng thê: chính nghĩa là vật sống cả trên đất lẫn dưới nước, hàm ý rằng con người ở cả hai cấp: tinh thần và vật chất. Vật chất thì xem, nghe, sờ thấy được và chỉ bằng đất; còn tinh thần thì chỉ bằng trời vì trời không thấy được gọi là "vô thanh vô xú" nên tinh thần được định nghĩa là không, là vô: "thần vô phương": thần không có nơi nào hết. Do đó mà con người vừa có vừa không. Nói để dễ hiểu là vừa trời vừa đất: đất là có là hữu, trời là không là vô. Cố giữ đạo ba là giữ cả trời cả đất. Ta xưng là con mẹ tiên cha rồng thì ý nghĩa đó là con trời và đất.

2. Trời là thiên vô thanh vô xú nên chỉ thị bằng vô bằng zero 0 hay số 1. Ðất là vật chất xem, nghe, thấy trước mắt, chỉ bằng hữu, chỉ bằng vuông, hay số 4. Con người gồm cả vô cả hữu, hay cả thiên cả địa. Nho định nghĩa người là "nhân giả kỳ thiên địa chi đức". Bản tính con người gồm cả đức trời lẫn đức đất. Gọi khác là thuyết Tam Tài gồm cả 3 tài là thiên, nhân, địa cũng gọi là tam hoàng. Hoàng là vua, tam hoàng là 3 vua. Nếu Trời là vua, Ðất là vua, thì Người cũng là vua.

3. Cũng vì nhờ có thuyết Tam Tài nên Việt tộc tránh được tai họa duy vật hay duy tâm. Duy tâm thì, như xưa ở thời bái vật người ta giết cả hàng ngàn trẻ để tế thần, hoặc dân nước phải sống khổ để xây cung điện nguy nga cho thần. Duy vật lại là thái quá trái ngược, đó là duy địa nó cũng dẫn đến chỗ nô lệ hóa con người, cụ thể là óc chuyên chế đến cùng tột như cộng sản duy vật. Duy vật càng sâu thì chuyên chế càng toàn triệt, tiếng Anh gọi là totalitarianism nghĩa là không có gì không kiểm soát làm mất hết cả những quyền tự do tối thiểu. Thấy rõ tai họa của hai thứ duy đó ta mới hiểu được giá trị của Ðạo Ba, cũng gọi là Người là nhân chủ. Trong nhân chủ con người không phải suy phục trọn vẹn vào trời hay đất, mà được quyền đứng giữa như một vua, vì thế gọi là nhân chủ, theo nghĩa hàng dọc đối với Trời cùng Ðất. Vì thế ta có câu: "có trời cũng có ta", và "Tướng không bằng số, số không bằng đức". "Ðức trọng quỉ thần kinh".

Nhờ những câu đó văn hóa tránh được thuyết định mạng là thụ động tin theo trời. Còn hàng ngang xã hội thì có dân chủ. Dân chủ đích thực phải có bình sản và tự do. Với chế độ công điền công thổ nước ta đã có bình sản ngay từ thời khai quốc. Cũng như tự do cá nhân, tự do lan rộng đến thôn làng gọi là xã thôn tự trị với câu "Phép vua thua lệ làng". Nên tuy tiền nhân ta không dùng chữ dân chủ, mà thực chất thì đã có rồi.

Mới xem ai cũng tưởng là điên cuồng, dám đem người đặt ngang với trời đất, nhưng xét cho cùng thì không phải là điên cuồng, mà cùng lắm thì tạm gọi là ngông nhưng là cái ngông Minh Triết, vì nhờ đó mà Ðông Phương không bao giờ bị nạn vô thần, mà đã vô thần rồi thì sẽ vô nhân. Người vô thần trước sau cũng đi đến chỗ bất nhân, bất nghĩa, bạo tàn, chuyên chế.

4. Các điều này đã được biểu diễn trên mặt trống, có Trời (mặt Trời) mà cũng có Ðất (biểu lộ bằng nước gợi ý là do thuyền), không duy Trời hay Ðất là nhờ có con người đứng giữa kiêm cả đức trời (biểu thị bằng mặc áo lông chim) kiêm cả đức đất (đứng trên thuyền rồng) cũng như chiếm cứ vòng giữa, 2 vòng của trời cùng đất. Các nhà nghiên cứu kể ra 5 cái không của văn hóa Ðông Sơn thì cả 5 nét đều bày tỏ thuyết nhân chủ:

a. Không có cảnh thú vật cắn xé nhau (tất cả bình an hòa hợp).

b. Không có những kích thước khổng lồ (để tinh thần con người khỏi bị đàn áp).

c. Không có vật quái dị (do duy tâm) mà chỉ là cảnh sống thường của con người: ca hát, giã gạo...

d. Không có vua thần đại diện chuyên chế: mọi người bình đẳng.

e. Không dùng tiêu biểu ngà trâu (tránh dùng thú vật làm tiêu biểu. Chỉ trừ hươu hay nai chà chỉ mặt trời).

Năm cái không đó chứng tỏ cư dân Trống Ðồng có cả nhân chủ và dân chủ. Hãy kể ra vài thí dụ.

Công Chúa Mỵ Nương lấy Chử Ðồng Tử nghèo đến cái khố cũng không có (không có kỳ thị).

a. Dân nước không chia ra giai cấp, mà chỉ có phẩm trật đặt căn bản trên việc làm: sĩ, nông, công, thương.

b. Lối sống như chơi: đầy ca vũ, xã hội duy tâm hay duy vật thường đề cao võ công ca (epic) và bi kịch, còn đây là thơ trữ tình và trào phúng. Ðó cũng là khía cạnh của lối sống như chơi, hậu quả của nhân chủ.

Ðó là tóm lược nội dung Ðạo Ba cũng là Nhân Chủ và Dân Chủ. Nay ta đã phải khốn cùng vì nạn duy vật mới dễ bị thấm thía giá trị bài học Ðạo Ba. Cũng như hiểu được rằng học về gốc nguồn Ðạo Ba hay Nhân Chủ là đặt nền tảng cho triết lý chống chuyên chế độc tài. Và mới hiểu được câu nói: Văn hóa dân tộc (Việt) cũng là văn hóa nhân tộc, tức Ðạo Ba nhân chủ có giá trị phổ biến tức cho hết mọi nơi mọi đời.

Vấn đáp:

Hỏi: Nhân chủ và dân chủ khác nhau thế nào?

Thưa: Nhân chủ xét theo hàng dọc đối với Trời Ðất (các niềm tin) như tin người không sinh ra bởi Brahma thì là nô lệ. Ðó là thiếu nhân chủ. Dân chủ xét theo hàng ngang thí dụ có bình sản và tự do, vậy là có dân chủ.

Hỏi: Nói rằng Tây Âu chưa có nhân chủ sao họ tiến mạnh về dân chủ.

Thưa: Ðây là nói theo triết thì quả họ chưa đạt nhân chủ mà nền móng là thuyết Tam Tài. Còn dân chủ mà họ đạt được thì không do triết mà do lương tri và khoa học kỹ thuật tiến bộ. Nên chú ý là chế độ nô lệ bên Tây Âu không được phá vỡ do triết mà do kỹ thuật và công nghệ phồn thịnh. Ðó là những cái mới có vào đời mới, chứ nếu do triết thì phải tự xa xưa thí dụ bên ta chế độ nô lệ đã bị phá vỡ ngay từ đời Văn Lang.

Hỏi: Lương tri và triết khác nhau chỗ nào?

Thưa: Khác nhau ở chỗ nông sâu. Lương tri nông, và ta thường chỉ bằng câu nói hợp tình hợp lý. Ðó là lối biết thông thường, nó cần thiết cho cuộc sống thường nhật, nhưng không giải quyết được những vấn đề lớn lao như cứu cánh con người. Còn triết lý thì sâu hơn: không những hợp tình hợp lý mà còn đi đến chỗ triệt cùng của tình cũng như lý, ta quen nói là "tâm tình" và "cùng lý", tức không thể đi xa hơn được nữa. Tâm là cái nguồn suối của tình, còn lý mà đẩy đến đợt siêu hình, thì như có với không: không thể đẩy xa hơn được nữa. Thông thường thì triết khác với lương tri ở chỗ bày tỏ cách hệ thống kèm theo một số nguyên lý, công thức (formula), công lý (axiome), phạm trù (categories), với một số định đề cũng gọi là tiền đề (premise). Mới đọc triết có người bực mình vì những đặc ngữ này, nhưng nó cần thiết để đào sâu vào vấn đề một cách sâu sắc. Không thể ở mãi đợt luân lý thường nghiệm được, mặc dầu ở đó người ta dễ giống nhau, còn lên đến triết thì khác nhau. Dầu vậy phải đi lên mới có cơ may giải quyết được những vấn đề lớn lao về vũ trụ, cứu cánh con người như Vũ Trụ là tiến hóa hay cố định. Nói cơ may vì cho tới nay hầu hết triết học không nói tới nơi, hầu hết chỉ là ý hệ; ngã về một bên, nói chung không duy tâm thì cũng duy vật, mãi tới nay mới nhờ khoa học mà nhận ra sự thiết yếu của chu tri hay toàn tri (holistic knowledge) nghĩa là cái biết kiêm cả có lẫn không (cả âm lẫn dương); nhưng nhìn thấy cần là một truyện mà có đi được vào chăng là truyện khác. Vấn đề thực bao la dễ sợ, phải đọc quyển :The Turning Point" của Capra mới nhận thức được phần nào.

Hỏi: Thời bái vật con người tin cái gì cũng có thần, tin như vậy có sai cả chăng?

Thưa: Không, chỉ sai ở chỗ quan niệm thần quá nhân hình nên làm hai con người. Nếu quan niệm kiểu vô hình như tâm linh thì đúng: tức không đâu có thần.

 

Chú ý: Triệt Tam tiếng Pháp là "Tiers Exclus". Tiếng mỹ là "Excluded Middle".

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page