12. Trống Ðông Sơn
Với Nền Thống Nhất Nhân Loại
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Hiện Kinh Dịch đang được giới khoa học tối tân đặc biệt chú ý vì nó đáp ứng được nhu cầu "toàn tri", tức cái biết cả hai chiều y như khoa vi-thể hay điện tử: tức bên tiêu bên tích, bên có bên không, bên âm bên dương (hay bên 0 bên 1 như trong toán điện tử). Về điểm này xin giới thiệu quyển "The Turning Point" của Capra (Bantam book, NY. 1982) nói rất minh bạch. Kinh Dịch lên chân thì văn hóa Việt Nho cũng được lên chân lây. Ðã vậy đối với Việt Tộc thì ngoài Kinh Dịch ta còn 1 quyển kinh khác cổ hơn hay ít ra chưa bị bóp méo như Kinh Dịch, đó là trống Ðông Sơn, nên sự nghiên cứu về Trống Ðồng sẽ giúp hiểu rõ hơn về Kinh Dịch, cũng như các khoa tân nhân văn vậy.
Muốn hiểu được Kinh Dịch cũng như Trống Ðồng thì bước đầu tiên phải làm là xếp đặt đúng theo cơ cấu âm dương, chiêu mục, tức xếp âm bên chiêu, dương bên mục, vì xếp khác lối người xưa sẽ khó nhìn ra bài học "tả nhậm" rất sâu xa và phổ biến như sẽ nói sau. Xếp đúng rồi bây giờ ta hãy lên số mấy nét cơ cấu như sau:
1. Âm là 2 chim trên nóc nhà đối với 1 chim bên dương.
2. Âm là 6 người bên âm đối với 7 người bên dương.
3. Âm là 8 chim bên âm đối với 6 bên dương (6 là 3 cặp).
4. Âm trên dương dưới. Ở mặt trống là chim (chim thay cho tiên: chim tiên) đối với rồng ở dưới tang trống bằng hình thức thuyền rồng (thuyền đã hóa rồng). Thuyền thì phải có nước nên nó gợi ra ý tưởng biển với câu: 50 con theo cha xuống biển (ở tang trống), 50 con theo mẹ lên núi (ở mặt trống).
Tốt xấu không ở bên âm hay dương (nên tôi dùng hai chữ chiêu mục thay cho tay phải tay trái, đã làm cái gì mà cho là phải với trái? tức âm không xấu dương không tốt) nhưng tốt xấu ở trong sự quân bình năng động (dynamic equilibrium): hễ nghiêng về 1 bên là xấu, quân bình giữ giữa 2 bên là tốt. Quân bình được gọi là Hòa là Hợp. Ta sẽ lần lượt tìm những biểu tượng Hòa và Hợp trong trống, trước theo hàng ngang, sau là hàng dọc.
Hòa hàng ngang thì như đực cái (một hươu đực, một hươu cái); to và nhỏ (một chim to rồi một chim nhỏ); một chim bay rồi một chim đứng; vòng trong vòng ngoài...
Hòa hàng dọc là trong ngoài. Trong là mặt Trời đại diện cho Trời (thay mặt cho Trời). Ngoài là Ðất đại diện bằng 2 vòng ngoài cùng gồm chim muông. Giữa là người đang sinh sống và ca múa. Ðấy gọi là Thái Hòa, tức Hòa cả Trời, cả Ðất, cả Người tức là bao hàm mọi lối hòa khác: giữa tình và lý, vô và hữu, ông và bà...
Hòa mà cùng cực thì đi đến hợp. Về Hợp ta thấy có đầy trên trống, trước hết là hợp đầu hợp cuối. Hợp đầu là chim hải âu hôn vào miệng rồng. Hợp cuối: Nữ Oa Phục Hi cuốn đuôi nhau. Hợp chân hợp tay: hai người trong nhà đang hát "cài hoa kết hoa". Hợp cả âm cả dương hòa một trong hình tam giác gốc (biểu thị âm dương vật giao thoa nhưng đã được cách điệu hóa cùng cực).
Ta nên vượt qua nghĩa luân lý tốt xấu để vươn lên nghĩa siêu hình mà ta có thể gọi là giao chỉ = chỉ Trời chỉ Ðất giao thoa, "Nhân giả kỳ thiên địa chi đức", và biểu thị cách biểu tượng bằng cặp số "vài ba" (2-3), chữ Nho kêu là "tham lưỡng" (3-2) được thể hiện nơi phủ việt thường hay có hình trên 2 giao long, dưới 3 người hoặc 3 vật, và thể hiện vào những cái bình, những đỉnh đầu có 3 chân 2 tai. Hai bộ số này làm nên cơ cấu Ngũ Hành đầy uyển chuyển. Cuối cùng bằng Hợp ca, vui múa tưng bừng. Vì nhạc là hậu quả của Hòa, ta quen nói là Hòa nhạc, nên Trống Ðồng được các nhà khoa học gọi là nhạc khí vũ trụ, nên phải nói là Thái Hòa: Hòa Trời Hòa Ðất. Trời Ðất trong trống được xếp theo quẻ Thái tức khôn: mẹ đất ở trên mặt trống, kiền: cha ở dưới tang trống. Ðất nặng đi xuống, Trời nhẹ đi lên nên gặp nhau làm thành nét Giao Chỉ: 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha (Trời) xuống biển là vậy. Ðây là cảnh Thái Hòa, cả Trời, Người, Ðất giải nghĩa sự kiện là trong các hình vẽ khác đời Hán thì người cầm lao đuổi thú vật chạy trối chết, còn trên trống thì trái lại vật đi với người như được ràng buộc trong mối liên hệ thần bí vậy.
Ðó là một sự Hòa và Hợp lớn lao cùng cực không thể lớn hơn được nữa. Ta hãy hỏi xem đâu là bí quyết cuộc thành tựu nọ. Thưa nó nằm trong hai chữ "tả nhậm" chính nghĩa là bắt vạt áo sang phía tay chiêu. Ðó là hiện thực tinh thần phù yểu; đặt âm trước dương, phẩm trước lượng, tình trước lý... là theo ý nâng đỡ bên yếu.
Trong trống ta thấy người điều khiển cuộc ca vũ là đàn bà, vì bà đại diện cho tình. Bà đánh cồng, mỗi bên 7 cái là (lệnh ông thua to, vì chỉ có 4 cái trống cho 4 ông, 4 cái trống đánh theo kiểu giã gạo chày đứng).
Số 14 cũng là số của tam giác gốc chỉ 2 tuần trăng 7 ngày: 2x7=14. Mặt trăng bên tả, bên âm (theo Việt là bên cao), mặt trời bên hữu, bên dương (sắc trắng). Trong mặt trống, mặt trời ở trung cung, 14 tam giác gốc chung quanh bao hàm ý mặt trăng đối với mặt trời, ý này cũng được lặp lại trong Dịch kép bởi Nhật và Nguyệt (nguyệt biến thế). Nhật nguyệt thay cho cha mẹ, hay càn khôn có thể tiềm ẩn trong vòng 3: một bên 8 chim cộng với 6 chim bên kia là 14, có thể chỉ 2 tuần trăng. Còn mặt trời là mỗi bên có 5 cặp nai chà (cùng loại cung mùi chỉ cả hươu, nai, dê) có thể chỉ ngày trùng dương (tết mồng 5 tháng 5) và cũng có thể chỉ ngày giỗ tổ mồng 10 tháng 3, cũng gọi là ngày tiên tháng rồng. Tháng rồng là tháng 3 (thìn: rồng) ẩn trong tam giác gốc (số 3) hoặc trong mặt trời với 2 nữa vòng ngoài (vòng 2).
Các vòng vũ tiến theo hướng mặt trăng, tay chiều ngược kim đồng hồ. Cũng như đặt âm trước dương, vợ trước chồng, đẩy ông xuống tang trống (50 con theo cha xuống biển).
Trong thực tế tả nhậm là phù yểu: nâng đỡ bên yếu hơn cho nó đủ sức đặng giữ thế quân bình. Do đó đề cao dân hơn quân: "dân vi quí, quân vi khinh". Nhà trước nước, ta nói nhà nước, vì nhà bé hơn nước; văn trước võ, vì văn yếu hơn võ... Tóm lại, cái gì yếu đặt lên trên, không vì hơn hay kém nội tại, mà vì cần sự nâng đỡ của con người để dễ đạt bình quân cân đối. Chính trong ý đó ta nói "trọng nghĩa khinh tài". Vì tài vật có đủ sức lôi kéo lòng người hơn nghĩa, nếu lại được nhấn mạnh hơn kiểu duy vật: lấy kinh tế chỉ huy văn hóa thì sẽ làm mất tình, hết nghĩa. Thế là đi đến nghiêng lệch, mà đã nghiêng lệch thì mất đạo mà rồi tài vật cũng kiếm chẳng ra. Tài vật trong các nước cộng sản luôn luôn thiếu hụt là vì thiếu óc "tả nhậm": thiên về của cải mà bỏ bê tình người (tình nhà, tình nước) thế là bệnh hoạn ngay trong địa hạt kinh tế.
Ðó là đại cương về Trống Ðồng. Nhưng trên đây mới là cái nhìn bao quát ở trên bộ số 2, còn số 3 và 5 chưa kịp đi vào mà đó mới là những bài học sâu xa về nền nhân chủ tâm linh mà bộ số 2 chưa nói lên được. Vì vậy mà tuy các khoa học tân tiến đã khám phá ra số 2 cũng vẫn còn cần đến Kinh Dịch và Trống Ðồng, để được học thêm nhiều bài khác về nhiều trong 5 quyển thuộc bộ Ngũ Kinh Khải Triết (Việt Hùng, Kinh Hùng, Pho Tượng, Xứ Ðiệp, Văn Lang). Cầu ước mai ngày mỗi gia đình Việt Nam sắm bộ "Ngũ Kinh Khải Triết" và một tranh Trống Ðồng treo trong nhà để làm phù hiệu của nước Việt ngàn năm văn hiến. Chính trong ý đó mà họ An Việt ra đời nhằm qui tụ những tâm hồn yêu văn hóa Việt cùng nhau nghiên cứu, học hỏi truyền bá nền minh triết ơn ích nọ.
Hỏi: Tại sao ta đang tiến vào đời văn minh tối tân mà lại đi nói chuyện Trống Ðồng xưa?
Thưa: Vì Trống Ðồng tàng chứa những chân lý siêu thời gian. Ðã siêu thời gian thì vô cổ kim, vì đó là những nguyên lý căn bản nên nó thật mãi mãi và đã xuất hiện ngay từ đầu, mà cái gì đã xuất hiện ngay từ thời sơ nguyên thì cũng còn thật mọi nơi, mọi đời, như chứng cớ là các khoa học tối tân đều đã nhận ra hướng tiến mới này, nó giống với Kinh Dịch mà Trống Ðồng và Kinh Dịch cũng một cơ cấu, nên nói về triết lý Trống Ðồng là nói về những chuyện tối tân hơn hết.
Hỏi: Cái mới trong Trống Ðồng là gì?
Thưa: Ðó là sự tiến hóa ngược với triết học cũ là cố định, cố định căn cứ trên số 1, còn tiến hóa căn cứ trên số 2, nói theo Nho là âm dương hay chẵn lẽ, trong ngoài, trên dưới, bao giờ cũng đi đôi. An Việt gọi đó là nét song trùng cơ bản, triết học nay gọi là "chu tri" tức cái biết tròn đây gồm cả bên có bên không, bên tâm bên vật, tiếng Mỹ là Holism hoặc Holistic knowledge. Chính vì khoa học tân tiến mới khám phá ra số 2, còn thiếu số 3 nhân chủ, và số 5 tâm linh, mà 2 số đó có đầy trong Kinh Dịch và Trống Ðồng, vì thế học về Trống Ðồng không những hợp thời mà còn cần thiết.
Hỏi: Người ta bảo mẹ tiên lên núi, cha rồng xuống biển là chia rẽ và truyền thói chia rẽ cho con cháu, nên Việt Nam nay đầy chia rẽ. Có phải vậy chăng?
Thưa: Nói vậy là không hiểu khoa học huyền sử: huyền sử nói về nguyên lý âm dương, trời đất nên cần có sự phân cực để biểu lộ lưỡng hợp tính tức hai mà một: hai là non nước, bên lên non cao chót vót, bên xuống nước sâu thẳm mà vẫn gặp nhau thì tỏ ra vẫn hợp một, nhưng một mà hai thì mới có mối "Tương Quan" nền tảng được biểu thị bằng "Cánh Ðồng Tương" và bằng nhiều hình của Hòa và Hợp đã nhắc đến trong bài. Nếu thực có sự chia rẽ trên cấp nguyên lý và hậu quả phải là duy âm hay duy dương, duy tâm hay duy vật... Ðây không hề có chuyện đó, còn chia rẽ trong sử Việt thì chỉ là chia rẽ thường nghiệm tức do quyền lợi, hoặc do kẻ thống trị dùng lối chia rẽ mà trị... không động gì đến nguyên lý hết.
Hỏi: Ý chính bài này là gì?
Thưa: Là hai mà một: chẵn lẽ, âm dương là hai, nhưng hai mà một. Nếu xem bằng mắt trần thì chỉ thấy có hai, rồi chọn một bỏ một. Còn xem bằng mắt tâm linh thì thấy hai mà một. Trên hoàn vũ hầu như không có nước nào có vật biểu đi đôi: tiên rồng như Việt, nên đó là nét đặc trưng quí vô biên, vì đó là nền tảng siêu hình cho các cuộc hòa giải, các cuộc thống nhất. Thiếu nó thì văn hóa sẽ đi vào một chiều, một duy nào đó (duy tâm hay duy vật), mà duy nào cũng là căn rễ sâu xa cho sự chia rẽ trầm trọng. Thế giới ngày nay chia rẽ ra bên tự do, bên cộng sản thì nguyên ủy sâu xa là tại bệnh duy: duy vật biện chứng.