10. Khai Thác Những

Thành Quả Thâu Lượm Ðược

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Thành quả đó là Việt có trước Tàu cũng như Việt đã đặt nền văn hóa, còn Tàu xét như một dân tộc xuất hiện sau quãng tự nhà Hạ lối 20 thế kỷ trước Công Nguyên, đã hoàn chỉnh văn hóa của Di Việt, tôi gọi là công thức hóa. Trên đây đã có một bài tóm lược những kết quả của khảo cổ mới được cập nhật hóa để có được cái gì cụ thể trong việc khám phá nền tảng văn hóa nước nhà.

Ở đây hãy nói về việc áp dụng điều đó thế nào cho ơn ích, bởi vì việc khám phá đó đã làm cho mối liên hệ Tàu Việt trở nên tế nhị, có thể gây chia rẽ. Tôi thiết nghĩ ta sẽ cố tránh điều đó bằng trình bày theo lối tin mừng chung cho cả hai dân tộc, tức là tìm lại được nguồn gốc chung, đó là gốc văn hóa: đừng xét đến chủng tộc. Vì nước Việt xưa gọi là Văn Lang đã chứng tỏ yếu tố văn hóa được đề cao. Còn Tàu thì các học giả quốc tế cở lớn đều cho là một thực thể văn hóa chứ không là chủng tộc, nói kiểu khác không có chữ Nho và đạo Nho làm cốt thì không có nước Tàu như nay mà chỉ là một châu xuýt xoát như Âu Châu gồm lối vài chục nước; nhưng nhờ Nho (tức văn hóa đó) mà Tàu có được nền thống nhất lớn lao, nhưng vì yếu tố chính trị lấn át làm cho người Tàu cũng như người Việt quên gốc văn hóa chung, chỉ còn thấy có hai nước coi nhau như thù nghịch.

Sự thực thì phần lớn là anh em một nhà trong một nền văn hóa thống nhất, điều đó còn ảnh hưởng vào lối bang giao Tàu Việt, tức hai nước sống bên nhau tương đối hòa bình. Có điều chính người Việt đã quên điều đó nhiều hơn nên sử sách xưa rày chỉ nhấn mạnh có khía cạnh dị biệt và hằn thù. Gần đây học giả Nguyễn Thành Nhơn đã chú ý đến khía cạnh thống nhất khi nhận ra rằng, từ ngày Việt Nam độc lập năm 937 đến đầu thế kỷ 20 chỉ có 5 cuộc chiến, mà cả 5 đều liên hệ đến việc phế lập. Thế mà phế lập lại liên can đến việc phong vương và triều cống, cho nên việc xin phong chính là một thứ hiệp ước trá hình để giữ thể diện cho đại quốc, còn việc triều cống cũng thế, thực ra chỉ có tiếng mà không có miếng. Còn hao tài là khác, do cái tôn chỉ "Hậu vãng lai bạc lai", tới cống thì ít, mà lì xì phải nhiều. Thí dụ có lần Việt cống 15 con voi. Tàu van xin mua lại mà Việt không chịu. Vì nếu mua được thì để voi đi đâu cũng xong, bằng không thì đó là vật cống thiên triều, đoàn sứ giả đi tới đâu phải nghinh đón và cung phụng người, đã vậy lại còn đoàn voi. Nghĩ đến việc 15 con voi cứ thủng thỉnh vừa đi vừa tương ra tự Nam chí Bắc nước Tàu mà ngán, chỉ duy việc xúc phân voi đã đủ mệt. Thế mà vẫn phải giữ thể diện.

Theo hiệp ước không tên đó thì vua Tàu phải bảo vệ triều vua Việt đã được phong đế không cho ai cướp ngôi. Vì thế khi nhà Hồ tiếp thu giang sơn nhà Trần thì nhà Minh bên Tàu bắt phải tìm cho được dòng tộc nhà Trần. Chính vì tìm không ra nên mới có chiến tranh. Ðến trận chiến với nhà Thanh khởi đầu cũng là do nhà Lê cầu cứu. Còn hai trận đánh với nhà Nguyên thì kể là do Mông Cổ, nhưng cũng lấy cớ nhà Lý bị nhà Trần chiếm đoạt. Còn trận đời Tống 1087, thì thực ra do Việt đánh Tàu trước: năm 1075 Lý Thường Kiệt sang vây Khâm Châu và Liêm Châu, còn Tôn Ðản đánh sang Ung Châu... giết sơ sơ có 58 ngàn người Tàu! Ông ghê mà bà cũng gớm chứ không hiền lành gì đâu. Tóm lại trong quãng một ngàn năm chỉ xảy ra có 5 trận chiến, thì phải kể là một thứ thống nhất, một hậu quả hiếm có.

Tuy đó là tương đối, nhưng nếu có ai làm một luận án so các trận đánh đó với bên Âu thì chắc sẽ thấy nhiều điều hay, như những trận chiến 30 năm, 100 năm, v.v... Trong quyển The Anatomy of Human Destructiveness (Faucet Crest Book, 1973) trang 243 ông Eric Fromm có cho bảng sau về số các trận chiến xảy ra bên Âu Châu:

Thế kỷ 16 có 87 trận.

Thế kỷ 17 có 234 trận.

Thế kỷ 18 có 781 trận.

Thế kỷ 19 có 651 trận.

Từ 1900-1942 có 892 trận.

Tất nhiên đây kể cả những trận nhỏ, người làm luận án sẽ xét kỹ bao nhiêu là trận giữa quốc gia, với giữa các nhóm, v.v... Dù sao thiết nghĩ so sánh rồi sẽ thấy bên Việt Nho "hòa bình" hơn rất nhiều. Tóm lại, khi nhìn bao quát như vậy ta mới thấy được liên hệ giữa Tàu với ta không thiếu tình người và tình dòng tộc, nếu không chủng tộc thì ít nhất về văn hóa để ta trình bày với người Tàu về mối tình xa xưa mà nay các khoa học đang giúp chúng ta tìm lại (người viết nên tránh những danh từ nặng như kiểu ăn cắp, pickpoket, esroquerie,... cả trong khi viết lẫn trong câu chuyện).

Chính vì thế mà sau này tôi sẽ dùng chữ Nguyên Nho hay Nho thay cho Việt Nho. Lúc đầu còn cần nói Việt Nho để mọi người dễ nhìn ra gốc gác cũng như để nói lên rằng Nho nơi Việt còn chính truyên hơn bên Tàu. Tóm lại, khi viết cũng như nói chuyện ta nhấn mạnh yếu tố chung kiểu nhận họ để chúng ta Tàu cũng như Việt, cũng như các nước Ðông Á: Hàn, Nhật, Phi, Mã, Miến, Thái, Miên, Lào cùng chung vui xiết cánh để thiết lập một "Ðạo trường chung" đặng dọn mình lên nhận chức "triết lý ưu thắng" trong thiên hạ, mà hội nghị quốc tế triết học 1949 đã trao nhân danh Khổng Tử, nhưng "Khổng Tử" không nhận được vì Việt Nho chưa ý thức được tầm quan trọng của cử chỉ đó, tức chưa ai phục hoạt nổi đạo xưa để làm cho mình xứng đáng. Vì thế ta hãy hợp nhau để làm cho mình đủ tư cách lãnh nhận ghế danh dự mà quốc tế khi không đã tặng cho mình. Vì thế tất cả nên qui tụ tài bồi cho di sản xa xưa để có chủ đạo ra góp mặt với thế giới cũng như đóng góp với thiên hạ.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page