8. Nguồn Gốc Văn Hóa Việt

Theo Chữ Nho Và Ðạo Nho

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chữ Nho ta thấy ngày nay mới có từ đời Tần (thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên) và gọi là chữ lệ. Ðó là thứ chữ cuối cùng do Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu thì cũng thống nhất chữ Nho luôn.

Còn trước nhà Tần thì có rất nhiều kiểu viết, nhưng nổi hơn cả là chữ con quăng cũng gọi là khoa đầu và trước nữa có chữ chân chim (điểu tích tự). Hai thứ chữ này là của Việt tộc, liên hệ ngầm với hai vật biểu tiên rồng của ta. Tiên là chim nên chữ gọi là chân chim; còn rồng là xà long, giao long mà long là vua loài bò sát, vì thế khi tượng hình thì ra như con nòng nọc gọi là quăng. Hai thứ chữ này có lâu đời trước mãi tự Hồng Bàng. Về sau Hoàng Ðế thống nhất văn tự bắt dùng có chữ lệ nên chữ chân chim và con quăng tiêu trầm. Ðấy là về chữ Nho.

Còn Ðạo Nho được ghi trong Tứ Thư và ngũ Kinh. Tứ Thư là bốn sách Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Ngũ Kinh là Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Ngũ Kinh có từ đời nhà Chu quãng tự tám đến năm thế kỷ trước, còn trước nữa là thời hình thành Nho chưa có sách rõ ràng như thế, mà phần nhiều Nho được gói ghém trong những điển văn chương văn hóa như Kinh Dịch, Trống Ðồng, Lạc Thư v.v... Tất cả những điển chương này đều phát triển từ ngũ hành, mà ngũ hành thành bởi hai bộ số 2-3, nôm na gọi là vài ba, còn Kinh Dịch gọi là "tham lưỡng" hay là 3-2. "Tham lưỡng" là nói tắt câu sách "Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số" nghĩa là ba trời hai đất là con số nền tảng, con số cần phải tựa (ỷ là tựa). Nói thế có nghĩa là hễ ai hiểu được ý nghĩa hai bộ số đó là hiểu được Ðạo gồm có Ðạo Ðất (số 2), Ðạo Trời (số 3). Cả hai chập lại thành số 5 chỉ Ðạo Người, cho nên nói người là đầu mối của ngũ hành (nhân giả ngũ hành chi đoan dã). Ðạo Người phát xuất từ ngũ hành. Vì vậy ngũ hành cũng có nghĩa là Ðạo.

Khi đã qui kết Ðạo Nho vào vài con số như vậy rồi thì việc đi tìm nguồn gốc của Ðạo Nho trở nên dung dị hơn nhiều: ta chỉ việc theo chân khảo cổ và cổ tục học mà tìm thì sẽ ra tung tích. Vậy hai khoa đó đều tìm ra số 2, 3, 5 ở miền Việt tộc từ sông Hoài, Sơn Ðông chạy xuống đến các đảo Thái Bình Dương như số 2 thấy ở Bắc Sơn trong nét song trùng, số 3 thấy đầy ở di chỉ Phùng Nguyên (tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt) và trong các huyền thoại như sách ước gậy thần. Sách ước thành bởi ba trang mà thần Tản Viên đọc có hai trang hỏa và mộc. Hành hỏa số 2, mộc số 3 tức văn hóa Việt gồm hai số 2-3 hay vài ba, hoặc Ðông Nam. Vì Ðông số 3, Nam số 2.

Các số đã vậy mà những thể chế lớn trong Nho cũng tìm thấy nơi Việt trước đậm nét hơn. Thí dụ:

Lễ gia tiên là đạo thờ ông bà.Lễ gia quan do lễ Thành Ðịnh.

Tinh thần gia tộc bên ta cũng đậm nét hơn như được biểu thị bằng cái bọc trăm trứng Mẹ Âu.

Câu trời tròn Ðất vuông là do bánh dày bánh chưng v.v... Còn có thể kể ra rất nhiều, nhưng trong bài vắn tắt này tạm ngưng ở đây.

Có lưu truyền kể rằng, vào đời Ðường, nước Việt Thường biếu vua Nghiêu rùa thần, trên mu có chữ con quăng ghi việc từ khai thiên lập địa về sau. Ðế Nghiêu ra lệnh ghi chép lại và gọi là "qui lịch". Qui lịch hay Qui thư cũng gọi là Lạc Thư, tức là sách của Lạc dân thành bởi 9 bộ số, nhưng 9 cũng qui vào là số 2 đất và 3 trời, trong truyện nói bóng là ghi truyện tự khai thiên lập địa... Sự thực đó là đạo trời, đạo người, đạo đất. Lý do nền tảng tại sao tìm hiểu về nguồn gốc văn hóa Việt mà phải nghiên cứu về bộ số vài ba tham lưỡng với các phó sản của nó là Âm Dương, Tam Tài, Ngũ Hành, Hồng Phạm, Cửu Trù, Lạc Thư sách ước. Vì tất cả đều do Việt tộc chính, về sau Tàu có lẽ thêm vào được chút ít bằng sự tô chuốt trang hoàng bề ngoài mà thôi, chứ cái nõn thì đã có sẵn rồi.

Tóm lại cả Chữ Nho lẫn Ðạo Nho đều do Việt tộc trước rồi người Tàu công thức hóa sau, nghĩa là trau chuốt đặt thành những câu văn gọn. Vì thế Nho là của chung Tàu Việt, tôi gọi là Việt Nho.

Việt sáng tạo ra gọi là thời văn hóa. Tàu đưa vào sách vở gọi là thời văn minh. Ðó là những điều đã được chứng minh bằng khảo cổ và cổ tục học, nghĩa là rất khoa học không thể chối cãi. Vì thế khuynh hướng ruồng bỏ Nho, lấy lẽ là của Tàu chỉ là mắc bẫy thực dân muốn nhổ mình ra khỏi gốc Việt cho dễ đồng hóa, chứ thực tế chối Nho tức là chối Việt, vì Nho là 2-3 mà 2 là tiên rồng, còn 3 là Ðạo Ba hay Ðạo của cha ông. Trong Hưng Việt 3, chúng ta sẽ bàn về hai con số này với các huyền thoại liên hệ như được ghi trong Trống Ðồng. Chỉ cần kết rằng muốn bỏ Nho lấy cớ là của người Tàu thì cũng như lấy cớ rồng là của Tàu mà ruồng bỏ tiên rồng của mình mà quên đi rằng Tàu đã mượn rồng của Việt thay thế cho bạch hổ là vật biểu trước hết của họ.

Ðàng khác vì các lâu đài văn hóa ta đều là "kinh vô tự", sau Tàu cho vào kinh sách thành hữu tự. Vì thế này muốn nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Việt thì phải dùng cả sách Nho cũng như phải nghiên cứu về nước Tàu, cũng như về sự sinh thành ra nước Tàu, vì nước Tàu sinh ra và lớn lên trên lưng nước Việt. Nước Viết ví như khóm tre to lớn, nước Tàu khởi thủy ví như đọt măng, nhờ hoàn cảnh thuận lợi măng mọc mạnh phát triển tràn ngập lật ngược thế cờ, biến Việt chủ thành ra Việt khách.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page