7. Biên Cương Nước Cổ Việt

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Cái làm cho mọi người cả Tàu lẫn Việt lầm về nguồn gốc nước Việt cũng như nước Tàu là lấy hình ảnh nước Tàu đời Tần Hán mà gán cho nước Tàu những đời trước, thành ra cả vú lấp miệng em, khiến cái nước Cổ Việt giống miếng da lừa cứ lần lượt co rút lại. Vậy trước hết ta cần liếc nhìn qua nước Tàu trong thế sinh thành (dans l'ordre génétique). Nước Tàu mới là Tàu tự năm 221 trước Công Nguyên mà vẫn còn mang tên nước Tần. Người Tàu đọc là Tsin (đọc theo âm tiếng việt là Chin), nhân đó Âu Tây dịch là Chine. Ðến nhà Hán cũng là người nước Ngô Việt, nên khi mới lên vẫn xưng mình là "Hán Man" và còn tế Li Vưu, v.v... Ấy là Tần Hán đã vào giai đoạn hình thành chót mà còn vậy, huống hồ trên nữa là nhà Chu thế kỷ thứ 12 rồi nhà Thương thế kỷ 17 trước, thì nước Tàu mới là khởi đầu thực sự, chứ trên nữa là nhà Hạ cũng chỉ là truyền tụng chưa tìm được chứng tích khảo cổ. Phương chi trên nữa là Hoàng Ðế thì các nhà nghiên cứu quốc tế đồng thanh cho là mới được tạo dựng lên tự đời Hán sơ hay cùng lắm đời nhà Chu. Còn trước nữa toàn cõi nước Tàu chỉ có một giống người, một văn hóa, không phân biệt, chưa có người Tàu với Man Di chi cả.

Trong khối lớn lao đó có hàng vạn quốc, sau này gọi là chư hầu, mỗi "nước" to bằng một tổng hay huyện của ta, nên thực sự chỉ là một bộ lạc hay thị tộc. Dần dần có những bộ lạc mạnh lên rồi chinh phục thêm một hai bộ lạc chung quanh mà thành nước, khi đã chinh phục được dăm bộ lạc thì dễ dàng chinh phục các bộ lạc khác, vì thế mà ban đầu có vạn quốc, rồi rút xuống 800. Ðời nhà Chu còn 160, đến đời Chiến Quốc chỉ còn ngũ bá, trong đó có Sở, Ngô, Việt (U Việt). Rồi Việt nuốt Ngô. Sau Sở nuốt Việt, để cuối cùng Sở bị Tần thôn tính. Ba nước này đều là Việt có thể nhận diện dễ dàng qua tục cắt tóc, xâm mình, trọng bên tả (tả nhậm). Chính trong sự to dần đó mà có nước Tàu kéo theo sự bé dần của Văn Lang Quốc.

Văn Lang Quốc ở vùng Ngũ Linh, có nhiều ngũ lĩnh, nhưng ngũ lĩnh ở đây nên hiểu về Việt Chiết Giang đó là ngũ lĩnh ở Hàng Châu. Việt Chiết Giang cũng gọi là U Việt, do đó có tên "Việt điện U linh" về sau nhiều sách gọi là Ư Việt, kinh đô ở Hội Kế, không hiểu tại sao các cụ lại đọc ra Cội Kế. Chính Ư Việt này lan rộng lên cả miền Giang Tô, từc Châu Từ (quê hương của đồ sứ là kiểu đọc chữ Từ) với Hoài Giang, v.v... Ðó là quê của bà Nữ Oa với ông Phục Hi, cũng là miền nằm trong tên chung là Dương Châu trong tên "Kinh Dương Vương". Kinh là nước Sở sau này, còn Dương là miền sông Hoài, Châu Từ, U Việt, v.v... Chính ở vùng này mà có truyện vua Ân kéo quân xâm lăng, bị Thánh Gióng đánh phải chôn xác lại trên đất Việt, có nói đến trong Kinh Thư, mà các sử gia người Tàu có ý dập bớt đi.

Ðây cũng mới là giai đoạn hai. Giai đoạn đầu của Cổ Việt là toàn cõi nước Tàu với những tên Viêm Việt, với Thần Nông gọi là Viêm Ðế, nước tên là Viêm Bang, nhà Phật dịch là Nhật chủng, vì thời ấy còn thờ mặt trời, và chưa có gì gọi là Tàu xét như một dân tộc. Thời này có thể "kinh đô" nằm đâu đó ở miền sông Lạc và sông Hoàng Hà với Bành Thành của Bành Tổ. Nên nhớ chữ Bành là một âm khác của Bàng trong Hồng Bàng. Chữ Lạc sau được di cư xuống Bắc Việt gần với Âu Lạc cũng có khi đọc theo giọng Tàu là Lô. Lô là tiếng cũ gọi sông Hồng Hà. Còn chữ Hồng hay sông Hồng Hà chắc là di cư của chữ Hồng Bàng chứ không phải đỏ phù sa, hay đỏ phù sa chỉ là nghĩa phụ, nghĩa sử ký, còn nghĩa huyền sử là Hồng Bàng.

Tóm lại đây là giai đoạn đầu của Việt hay gọi là "Hà Lạc chi anh" nghĩa là tinh thần Hà Ðồ Lạc Thư, tiếp theo là giai đoạn hai với "Văn Lang U Việt" ở Dương Châu.

Giai đoạn ba mới đến Nam Việt, với lưỡng Việt là hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây bây giờ. Nhớ vụ vua Gia Long lên ngôi liền sai sứ sang Tàu xin phong với quốc hiệu Nam Việt. Triều đình Mãn Thanh e ngại tên Nam Việt gợi lại ý niệm lưỡng Việt nên không cho, sau thương lượng mãi mới đi đến chữ Việt Nam. Và Việt Nam là giai đoạn chót. Trong bốn giai đoạn có hai danh hiệu rất quan trọng, một là Văn Lang từ năm 2879-258, hai là Ðại Việt từ dời Lê đến 1802 kể là 8 thế kỷ. Ðứng trong phạm vi huyền sử thì quan trọng nhất là Văn Lang, không những vì là thời dài nhất, mà còn vì văn hóa được hình thành và kiện toàn trong thời này. Còn sau đó chỉ là lịch sử chứ văn hóa đã phát triển xong rồi.

Có thể nói phát triển xong ngay quãng đầu Văn Lang cho nên khi Tàu xuất hiện thì không thêm chi nữa ngoài vụ công thức hóa nghĩa là đặt thành lời gọn ngắn và trang sức ý tưởng cho nên rực rỡ, nhưng toàn là bên ngoài gọi là văn minh, có cố thêm bốn yếu tố thì toàn là lấy từ văn hóa du mục, đó là:

(1) chức thiên tử,

(2) hoạn quan,

(3) luật hình,

(4) quân đội chuyên nghiệp.

Bốn yếu tố này với một ít thói tục riêng của nhà Chu như tay áo rộng, vắt vạt áo sang tay hữu (hữu nhậm) tức trọng bên hữu, ưa số 6 làm nên cái gọi là văn minh Tàu.

Hán Nho sau này coi như một ngành cong queo của Nho tại vì đã khước từ gốc chung khi gọi anh em cùng khối là Di là Di Ðịch hay Man Di, Nhung Ðịch, nên Tàu không được gọi là Việt nữa. Còn Việt Nam vì vẫn ôm giữ gốc chung, đã vậy lại những điểm chính đi với ba bộ số 2, 3, 5, đều phát xuất từ miền Việt cả, nên phải kể Việt là chủ của Nho.

Các điều trên đây khác với những sách vở từ trước tới nay, nên người đọc có dịp phải tìm đọc thêm các công trình khảo cổ và nghiên cứu đời nay mới nhận ra bằng chứng khách quan chống lại cái cổ học lơ mơ vô nền. 

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page