5. Dân Tộc Và Tiểu Tư Sản

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Trong một lớp học Triết của An Việt, một học viên đặt câu hỏi: An Việt nghĩ sao về những vấn nạn sau đây của một số trí thức:

(1) Họ cho rằng: lập trường dân tộc, hay nói khác là tình tự quốc gia không còn thể là võ khí hữu hiệu để tranh đấu trong chính trường nữa.

(2) Muốn thành công, các đảng phái quốc gia phải bỏ một phần dân tộc và nhận một phần giai cấp trong giai đoạn hiện tại, thí dụ giai cấp trí thức tiểu tư sản thành thị và tiểu tư sản nông thôn v.v...

(3) Không làm như thế là tỏ ra chưa bắt rễ vào một quan niệm chính xác về diễn tiến lịch sử...

 

Thưa, An Việt không đồng ý với các câu tuyên bố trên.

1. Trước hết, nói rằng tình tự quốc gia dân tộc không còn là võ khí hữu hiệu cho giai đoạn này? Trái lại, An Việt cho rằng chính tình tự dân tộc mới là lập trường đang lên mạnh, mạnh hơn bao giờ hết, sau khi con người đã rút ra được những kinh nghiệm đau thương do hai lập trường đối lập là tư bản rồi cộng sản. Hiện nay, khuynh hướng tìm một đường lối thứ ba là hiện tượng hết sức phổ biến từ Ðông sang Tây. Vậy khuynh hướng thứ ba là gì nếu không là khuynh hướng dân tộc. Chính ngay đầu não cộng sản là Nga Sô cũng đã nhận lập trường dân tộc từ lâu rồi, còn vô sản quốc tế chỉ là chiêu bài để lừa bịp mấy đàn em ngu muội hay bất lực không làm khác được mà thôi, nhưng trong thực tại cũng phải núp dưới chiêu bài dân tộc mới thành công.

Tuy nhiên về dân tộc cần đưa ra nhận xét sau đây. Xưa kia các nước Tây Âu hay Ấn Ðộ không đặt xã hội trên dân tộc mà trên kinh tế, như là La Hi đặt trên ý niệm bạc tiền (centuric): ai có nhiều tiền thì được làm công dân, càng nhiều trăm ngàn càng được bỏ nhiều phiếu. Ðó là nền hoàn toàn kinh tế mà quyền Nhân Chủ gọi là địa khởi; còn Ấn Ðộ theo Thiên Khởi tức phân chia người trong nước theo niềm tin: ai sinh ra bởi thần Brahma mới là người, mới có quyền sở hữu tài sản. Vì thế trong nước quá nữa dân chúng là vô sản, là nô lệ. Việt Nho theo đường nhân khởi nghĩa là bất kỳ ai đã sinh ra đều là người hết, đều có tự do, đấy gọi là nhân, và đã là nhân thì có quyền tham dự vào tài sản quốc gia đấy gọi là dân. Có cả hai! Cả tự do lẫn tài sản mới thực là dân tộc. Nói khác, dân tộc chân chính phải gồm cả hai phần là nhân và dân.

Nhân là hàng dọc không lệ thuộc trời hay đất, cụ thể là không lệ thuộc vào niềm tin thí dụ phải sinh ra bởi thần mới là người, cũng như không cần giàu có cũng đã là người rồi. Xét theo nhân khởi như vậy thì chỉ có Việt Nho mới có dân tộc tính chân thực, mới nói được rằng dân tộc cũng là nhân tộc. Tại vì quốc gia đã thiết lập trên nền tảng đó, nên phản dân cũng là phản quốc, phản quốc đương nhiên là phản dân. Nhưng các nước Tây Âu hay Ấn Ðộ xưa không được như vậy, nên người trong nước muốn làm người thì phải vong quốc, tức phải chống lại thứ quốc gia xây trên kinh tế, xây trên nền móng vong nhân (cũng gọi là vong thân). Ngược lại, với Việt thì vong thân cũng là vong quốc, và tranh đấu cho nước cũng là tranh đấu cho con người rồi, vì là tranh đấu cho một nước đã biết đưa ra và duy trì nhiều ngàn năm quan niệm chính xác về dân tộc gồm cả hai đàng nhân và dân, tất cả tự do và tài sản.

2. Ðiều hai nói rằng: cần nhận một phần giai cấp, thí dụ như tầng lớp trí thức, tiểu tư sản thành thị, "để kết nạp thành mặt trận."

Thưa, hai chữ chính cốt trong câu trên là tiểu tư sản, nó sặc mùi địa khởi, đó là con đẻ của tư bản, mà tư bản là chúa bất công xã hội, đã gây nên đau khổ cho con người, nên nay mới đẻ ra hai đứa con hoang: một đứa dữ là cộng sản, còn một đứa hiền là tiểu tư sản. Gọi là con tư bản vì cả hai cùng phát xuất từ địa khởi như tư bản, tức lấy kinh tế làm nền, vậy là duy vật. Còn dân tộc ta nói bình sản mà không duy vật, bởi bình sản chỉ là hệ quả của lập trường nhân dân, tức không có của không ra dân, cho nên người vô sản trong các xã hội xưa của Âu Ấn đều không phải là dân, mà chỉ là nô lệ. Tuy nhiên đó mới là nền móng tuỳ, còn nền móng chính phải là "Thiên chi đức" hay nói khác phải là tâm linh. Ðó mới là nền tảng chính, nhưng chính không được lấn tùy, do đấy quan niệm người của Việt Nho đòi phải có tư sản bên trong, chỉ bằng chữ "địa chi đức" trong câu "nhân giả kỳ thiên địa chi đức". Nói bằng số thì địa chỉ đức chiếm có hai, còn thiên chỉ đức mới chiếm ba: "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" là vậy. Ðặt căn cứ trên tài sản dù là tiểu tư sản cũng là lấy tùy làm chính, là vô tình đi theo bước chân duy vật.

3. Ðiều thứ ba nói rằng: "Nếu không nhận một phần giai cấp là tỏ ra chưa bắt rễ vào một quan niệm chính xác về diễn tiến lịch sử".

Thưa rằng: quan niệm lịch sử nói đây căn cứ trên giai cấp. Ðó là quan niệm lịch sử do Hegel suy diễn từ thực thế Âu Tây vốn xây trên liên hệ chủ nô. Quan niệm đó sau được Karl Marx thổi phồng để đưa lên thành lối giai cấp đấu tranh và được thúc đẩy cùng cực, đến nỗi chỗ không có giai cấp cũng cố tạo ra để biện minh cho đấu tranh vô lý. Ðấy là việc làm ban đầu có ý ngay ở chỗ nhằm cứu gỡ lớp người vô sản khỏi bao truyện bất công xã hội. Nhưng quan niệm đó lại đặt nền trên kinh tế y như tư bản nên mắc vào cái lỗi mà tôi gọi là "mạnh chóng mạnh chấp" tức là chống tư bản quá mạnh thì lại rơi vào tư bản nhà nước, thành thử vô sản vẫn là nô, chỉ có đổi chủ, chứ vô sản vẫn không làm được chủ tài sản của mình. Ðó là quan niệm mà họ gọi là chính xác về diễn tiến lịch sử.

Thực ra nó chẳng chính xác chút nào hết mà chỉ là ý hệ do vài đầu óc quá khích sản sinh ra, chứ không "bắt rễ vào đường tiến hóa đích thực của con người". Cuộc tiến hóa ấy đại để diễn biến như sau: nhờ lương tâm con người đã tiến bước, nhờ các cuộc tranh đấu của người bị đàn áp mà nay chế độ tư bản không còn thế đứng y nguyên như xưa kia, bó buộc phải phần nào phân phối lại tài sản quốc gia, để toàn dân đều được hưởng. Ðây gọi là công bình xã hội. Trong việc này ban đầu còn nhiều người đặt hy vọng vào cộng sản, nghĩ rằng cộng sản sẽ là hướng tiến lành mạnh của con người, nhưng càng ngày cộng sản càng tỏ ra bất lực. Ðã vậy lại còn gây đau khổ cho quá nhiều người, nên càng ngày người ta càng thấy cộng sản chỉ là "núi đẻ ra chuột". Vì thế người ta quay ra tìm một đường lối thứ ba: làm sao tạo cho mọi người có được tham dự tài sản quốc gia, mà vẫn giữ được tự do căn bản, và người ta gọi đó là xã hội, là tiểu tư sản, là trí thức, là tiểu tư sản thành thị... Hô lung tung trong tên gọi và chia cắt xã hội ra lung tung, mà chủ trương đưa ra cũng không bao gồm được toàn dân, vì thợ thuyền, vô sản, dân nghèo, dân không có học còn bị gãy bỏ, hay đúng ra không có chỗ đứng minh xác trong quan niệm tiểu tư sản đó. Là vì họ không được hưởng quan niệm toàn vẹn về dân tộc như ta. Nếu được như ta thì cái trào lưu đang đi lên mạnh của mọi con người kia chính là hướng tiên tổ ta đã đặt vào chữ dân tộc hay nhân dân. Hai chữ này Cộng Sản Việt Nam lạm dụng, vì đã bỏ mất phần nhân mà cứ nói nhân dân, thì một là ngu hai là bịp bợm chứ có còn nội dung đâu.

 

Ðại để đó là vài quan niệm vủa An Việt về dân tộc hay không dân tộc. Cần nhận xét từ quãng 1930-1975, nhiều trí thức "quốc gia" đã bỏ nhẹ dân tộc để nhận lập trường giai cấp, đề cao tiểu tư sản, nói rằng nước ta chưa có được một nền triết lý quốc gia dẫn đường, để đến nỗi giới trí thức đang bị lôi kéo trong cao trào đi tìm hướng mới, loạng quạng chạy theo những chủ trương èo ọt phiền toái: chia cắt dân ra be bét; nào thành thị, nào nông thôn, nào trí thức với vô học thức (không dám nói rõ ra), nào tiểu tư sản với vô sản, thương gia với thợ thuyền... thành ra bao nhóm tranh đấu cho quyền lợi của giới mình, mà bỏ nhẹ tình tự dân tộc bao gồm khắp hết. Thật là bi thảm! Tây phương không được hưởng quan niệm về dân tộc lành mạnh và toàn bị như ta mới phải chia cắt theo kiểu duy vật, chứ ta là con một mẹ, cùng trong một đại gia đình, đủ sức bao dung khắp hết: "trăm con Mẹ Âu đều phương trưởng đồng đều" thì việc chi phải phân chia vì quyền lợi: dầu là sĩ, nông, công, thương cũng chỉ là truyện phân công trong việc làm, chứ tuyệt đối không phải tranh đấu đặc ân dành cho nhóm này, thành phần kia để mà phải tranh đấu đặng bảo vệ quyền lợi riêng rẽ. Thành thử mọi chia phân ra thành phần nọ giai cấp kia đều là những phản ảnh của ngụy tín, của ý hệ ngoại lai đặt nền trên kinh tế mà không trên tình người, cho nên thâu nhận vào chúng chỉ bôi bẩn cuộc tranh đấu cao thượng của chúng ta. Chúng ta chỉ biết tranh đấu cho con người, mọi con người. Vì thế ta cần bồi đắp, phát triển tình tự dân tộc không để cho những chia cắt kiểu trí thức tư sản, tiểu tư sản, thành thị rồi nông thôn... làm hoen ố mặt trận dân tộc của chúng ta. Bất cứ thị dân hay thôn dân, có học hay không có học cũng đều là người Việt như nhau, không việc gì phải phân chia bè phái, cho nên bất cứ chủ trương nào hễ gây ra ngoài chỉ một số rất nhỏ người trong nước thì chúng ta nên coi như bấy nhiêu rớt rãi của ngoại lai cần lau chùi cho sạch.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page