4. Nhà Nước

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Ta vẫn nói nhà nước tức nối liền nhà với nước. Bài trước nói về nhà, bài này sẽ nói về nước. Nước Việt giống nhà Việt, nó có một đặc trưng không lẫn vào đâu được; đó là nét gấp đôi được gọi là nét song trùng: tức là cái gì cũng đi đôi. Cao hơn cả là vật biểu là tiên và rồng. Các nước khác chỉ có một như Ấn Ðộ là voi, Mỹ là chim ó, Anh là con sư tử, Pháp là con gà... Riêng Việt mình thì có cả tiên lẫn rồng, cả chim lẫn giao long. Vì lâu ngày quá quen, con cháu không để ý đến sự kiện đặc thù đó, rồi coi như thường thường, nhiều người còn cho là tầm thường, kỳ thực là nó nói lên cái đỉnh cao chót vót mà tâm trí con người có thể đi tới được, vì điểm đó chính là Ðạo viết hoa rồi. "Nhất âm nhất dương chi đạo" một âm một dương gọi là Ðạo, duy dương hay duy âm, duy vật hay duy tâm đấy không là đạo.

2. Ðể có âm dương một trật tất phải trèo lên đến chóp bu kim tự tháp rồi cỡi trên đỉnh tháp thả hai chân xuống hai sườn, một chân bên tay chiêu, một chân bên tay mục để gồm được cả hai. Tiền nhân ta đã đạt đến đó và các vị đã thi vị hóa bằng cặp tên tiên rồng. Thay vì nói không với có, âm với dương, đất với trời thì các ngài nói tiên với rồng, và dùng chim thay cho tiên cho âm, và rồng thay cho dương. Ta hãy nghiên cứu về hai điểm nọ sẽ thấy hai chữ tiên rồng phong phú một cách kỳ thú.

3. Tiên = chim. Mở đầu huyền sử nước nhà ta thấy họ khai sáng nước là Hồng Bàng thị, cả ba chữ đều mang đậm ý nghĩa. Trước hết là chữ Hồng cũng thường gọi là Hồng hộc. Hồng là ngỗng trời, còn hộc là ngạn trời, nên cả hai cũng có tên là thiên nga (swan) hàm ý là nó bay cao đến tận trời xanh, nên ở miền Dương tử giang người ta hay gọi chim Hồng là Ðế giang có nghĩa là vua Sông Dương tử. Còn bàng có nghĩa là nhà lớn, nói theo triết là lối ở đời phải ở nơi nhà lớn, tức là phải để tâm tư vào những việc ích quốc lợi dân, trong lễ gia quan cha bảo con phải ở nơi lớn "cư thiên hạ chi quảng cư" con hãy ở nơi quảng khoát trong thiên hạ. Hỏi nơi nào rộng lớn hơn hết, thưa ở nơi nào mà kiếm được cả trời lẫn đất. Do đó mới có truyện ông "Hữu Sào" chính nghĩa là "có tổ" nghĩa rộng là ở theo lối chim, chữ Nho gọi "điểu tục". Chim ở đâu? Thưa ở tổ tức ở giữa cùng trời đất. Khi ta gọi tiên nhân là "tổ tiên" là vì đó; nhưng lâu ngày quen đi không nhận ra rằng "tổ" là nơi ở của chim, và người ở được như vậy ra tiên, gọi là tiên tổ hay tổ tiên. Cho nên khi đọc sách xưa nói "người cổ việt ở trên cây để tránh hùm beo bão lụt thì phải hiểu là ở theo kiểu điểu tục với ý nghĩa cao cả đó.

4. Tiền nhân ta đã thực hiện lối ở như chim (hữu sào) bằng nhà sàn. Vì nó giúp cho hiện thực ý nghĩa tam tài là trời, người, đất. Ðất ở dưới nền, còn mái ở trên chỉ trời, con người ở giữa là sàn nhà, nên nhà sàn hàm tàng nền triết lý tam tài. Chính vì thế sau này khi tiền nhân ta đã bỏ nhà sàn thì cũng còn giữ ở nơi tế tự công cộng tức là cái đình. trong đình ở gian tế tự bao giờ cũng có cái sàn (làm nhỏ lại) hoặc sau mất ý thức mà bỏ hẳn thì cũng còn giữ ba cấp bàn thờ. Trên mặt trống ta thấy nhà mái cong trên nóc có chim đậu (điểu tục đó) trong có hai cô cậu đang hát cài hoa kết hoa ở trên sàn nhà tức ở giữa trời đất.

5. Chữ thứ ba là thị, có nghĩa là họ mà sau này còn đi đôi với tên các bà. Lâu ngày không nhớ ý nghĩa nên coi thường, rồi coi khinh, nhiều người né tránh chữ "thị", nhưng thực ra ban đầu chữ đó nói lên chủ quyền trong nhà của các bà gọi là "nội tướng" sau bị ảnh hưởng Hán Nho mới gọi là "nội trợ" có nghĩa là trợ giúp, tức là coi vợ chỉ là phụ giúp trong nhà, mà thực ra là bà chủ, từ chủ tế trở đi. Xưa kia chủ tế là các bà, mãi sau các ông mới được nhận cho vào đồng tế. Ðúc trống mà đánh khai mạc cũng là các bà. Xem trong trống ta thấy một bà đánh 14 cái cồng, mỗi bên 7 cái, hèn chi tục ngữ truyền tụng "lệnh ông không bằng cồng bà". 4 ông đánh 4 cái trống: mỗi ông được có một cái. Thì ra tục ngữ có gốc gác mãi từ thời Ðông Sơn. Con chim đậu trên nóc nhà hàm ý chim làm chủ nhà mà chim là tiên bà, không những chủ nhà mà luôn chủ nước, vì nước được kiến tạo theo mẫu nhà. Ðiều đó còn được ám chỉ trong tên "bà chúa xứ" tức là bà làm chủ của cả xứ sở. Và các thần của nước ta toàn là các bà theo lối đó.

Bà nữ thần Mộc.

Bà Cửu Thiền huyền nữ.

Thái dương thần nữ.

Và nên nhớ là ba đầu rau thì hai ông một bà, tức bà làm chủ theo luật "quả vi quân, chúng vi dân" nên gọi là những nữ thần.

6. Ðiểu tục còn được thực hiện bằng các bà đều mang tên chim. Bà Âu Cơ là chim hải âu. "Vụ" tiên trên ngũ Lĩnh thì "vụ" là cò bể. "Lộ" bàn, lộ bộc thì lộ là cò trắng. Còn các bà khác không mang tên chim thì trong đồ mặc lại có lông chim. Như Mỵ Châu rải lông chim cho Trọng Thủy biết đường là rút lông trong đồ mặc. Rõ nhất là khi tế tự hay ca múa (ca múa để tế tự) thì đều có mang lông chim như ta thấy đầy trên trống đồng. Ðồ mặc đó chữ Nho kêu là "vũ nghi". Tự điển Hán Việt Ðào Duy Anh còn ghi nghĩa là: "lông chim hồng dùng làm đồ nghi sức". Tôi ghi tên sách vì cho đó là một sự may chứ còn hầu hết các sách khác đã đánh mất ý nghĩa nguyên thủy nên không hiểu được ý câu "nghi thường vũ y khúc" chỉ là khúc ca vũ có mang lông chim hồng. Với Hồng Bàng còn trơ trơ ra đó vậy mà để mất ý nghĩa người ta chiếm mất.

7. Tức sau chữ "nghi" cũng là "nghê" thành ra "nghê thường vũ y khúc" chữ "nghê" có nghĩa là màu ráng đỏ hay đỏ màu ráng, màu của mặt trời lúc mới mọc. Và bản "nghê thường vũ y khúc" là bài hát chào mặt trời lúc mới mọc mà Khuất Nguyên gọi là "Ðông Quân" là vì đó. Tục ngữ Việt Nho có câu: "Phượng Minh Triều Dương" "Con Phượng hót (minh) chào mặt trời buổi mai". Sách Quảng Ðông Tân Ngữ ghi là "tùy dương Việt trĩ" = con trĩ của Việt tộc khi bay thì theo hướng mặt trời. Như có ghi lại trong "Vân Ðài Loại Ngữ" bản dịch Phạm Vũ và Lê Hiền nhà xuất bản Miền Nam trang 519. Nên ghi nhận con phượng chính là chim Việt trĩ này đây. (xem ghi chú cuối sách Triết Lý Cái Ðình). Văn tự ghi chép lại rành rẽ vậy thế mà sau có truyện Ðường Minh Hoàng nằm mơ lên chơi Cung Quảng Hàm, được xem tiên múa bài "Nghê thường Vũ y khúc" tức coi khúc hát đó là của tiên. Thế là Việt trơ ra cứ tưởng bài đó là ở cõi tiên hay có dưới trần gian thì cũng mãi ở bên Ấn Ðộ chứ không ai dám nghĩ - dù chỉ có ý nghĩ - đến rằng đó là tên bài vũ của tổ tiên ta hay còn tạc ghi trong trống đồng. Thôi tạm chấm dứt ở đây về chữ Tiên của Mẹ.

8. Bây giờ ta nói về Rồng họ cha. Rồng hình thành bởi con Giao long (cá sấu) miền Nam và Xà long (rắn) miền Bắc, chữ Bắc đây là Hồ Bắc, Hồ Nam bên Tàu. Xà long cho cái mình dài, còn giao long cho 4 chân làm nền con Rồng. Ngoài ra còn có Bàn long, ly long, quì long. Bàn long có sách giải nghĩa là rồng cuộn khúc, nhưng thực nghĩa chỉ là rồng của họ Bàng (Hồng Bàng) nhưng đọc kiểu nam thành ra Bàn với Bàng lẫn lộn (xem tự điển Hán Việt nguyễn Duy Khôn chữ Bàn). Ly long được sách gọi là rồng vàng không có ngà. Tổ tiên ta quen chạm trên đầu cột nhà và gọi là Ly đầu và Ly là tên của "Ly Vưu" mà ngươì Tàu đọc là Si Vưu. Không hiểu tại sao đọc như vậy trái cả với luật hài thanh là chữ ly. Ly Vưu là rồng cao cả phi thường (đàn bà cực đẹp gọi là Vưu vật) thế mà đọc Si Vưu thì ra ngu xuẩn cùng cực. Có thể vì Ly Vưu chống Hiền Viên (Hoàng Ðế) nên tâm lý chiến của Hiền Viên gọi thế để hạ nhục, người sau không hay nên cứ đọc Si Vưu. Các cụ nhà ta thấy ngường ngượng sao đó nên đọc là Suy Vưu. Từ nay chúng ta đọc là Ly Vưu, và nên nhớ Ly Vưu cũng lá cờ của ta, màu đỏ giữa có miếng tròn vàng. Còn Quỳ long là rồng đã mang yếu tố chim quá nhiều nên có thể dùng để chỉ người Việt do mẹ tiên cha rồng (người Việt xưa đã vẽ mình Rồng và mang áo lông chim là để nói lên mình là con mẹ tiên cha rồng). Vì Quỳ cũng là chim nên có một chân. Do đấy có câu "Quỳ nhất túc" như Trang Tử hiếu thế trong truyện "Rết thương Quỳ, Quỳ thương Rắn". Rết có nhiều chân thương Quỳ có một chân, Quỳ thương Rắn không có chân nào, nhưng vì không có chân nào nên chạy mau hơn Rết. Còn Khổng Tử thiên trọng lý trí thì cắt nghĩa "một ông Quỳ đã đủ" (nhiều thầy làm chi cho thối ma).

9. Bây giờ chỉ còn bàn đến chỗ ở của Rồng. Ðó là nước, tức sông hay biển. Lạc Long Quân ở thuỷ phủ là vậy. Nên mỗi lần đi thăm bà xã thì cũng mang theo nước dưới hình thức mây ta quen gọi là long vân. Khi ta hát "đứng lên đáp lời sông núi" là ta nói tới nơi ở của hai tổ là sông của rồng cha, núi của tiên mẫu. Ðó là hai thực thế đối chọi gọi là:

Non nhân của Mẹ Tiên

Nước Trí của Cha Rồng

Ðiều này có phản ảnh lại trong câu sách Luận Ngữ "trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn" người trí thức yêu nước, người nhân ưa núi. Ðó cũng là tiêu biểu của nhân loại thời sơ khai, nên trong nhiều dân còn thấy thói quen dùng đáy biển cả để chỉ những chân lý thâm sâu. Ðiều đó tiền nhân ta đã diễn đạt bằng truyện sách ước: Thần Tản Viên xuống thăm vua Thuỷ Tề là Lạc Long Quân. Vua ban cho Tản Viên quyển sách 3 trang mà thần chỉ đọc được 2 trang hỏa mộc, nhờ đó nên khôn ngoan minh triết, làm ơn ích cho đời vô số kể. Sau thần lên ở trên núi Tản Viên cũng gọi là Ba Vì tức là ba chân lý sâu thẳm cần cho con người. Chương kề sẽ nói tới ba chân lý nào đã được tạc ghi trên mặt trống đồng ra sao.

10. Tóm kết. Tên Việt có nghĩa là Siêu Việt. Việt lên cùng tột tận trời xanh chỉ bằng Thiên Nga hay là Tiên Mẫu (đó là triệt thượng). Ðàng khác lại lặn xuống tận vực sâu biển cả chỉ bằng rồng xanh (đó là triệt hạ). Hợp cả hai lại gọi là "nước non chung một lời thề"... làm nên một thực thể văn hóa oai phong lẫm liệt đến độ ta có thể nói văn hóa dân tộc cũng chính là văn hóa nhân tộc, tức là đã đạt phổ biến tính (Universal) có thể hợp cho hết mọi nơi mọi thời. Như vậy là khi tìm về văn hóa dân quốc, kiến quốc mà hiện ta đang thiếu, và hơn thế nữa, với đạo lý đó ta còn có thể đóng góp vào nền văn hóa nhân loại, hiện cũng đang chới với chưa tìm đâu ra được một nền triết lý dẫn đạo.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page