2. Lốt Chân Minh Triết

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Khoa học là gì nếu không phải

là sự tiếp nối kéo dài trực giác.

 

Những Nẻo Ðường Mòn

Bà mẹ Việt Nam quả là hình bóng của nền Minh Triết Lạc Việt: Người không đi trên những đại lộ huy hoàng xán lạn, nhưng âm thầm lặng lẽ bước đi trên những lối mòn, những ngõ ngách quê hương tầm thường, xem ra chẳng mấy quan trọng. Cũng như thế, nền văn minh triết Việt Nho luôn đặt trên các nẻo đường mòn của dân tộc, thoạt xem tưởng không có gì sâu sắc, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Vì thế, từ lúc tiếp xúc với nền văn minh xán lạn Thái Tây, nhiều người Á Ðông đã giã từ những nẻo đường xưa cũ để tiến bước theo lối ngoại nhân. Nhưng rồi từ đó hết theo bên này lại ngã bên kia với muôn vàn đổ vỡ, khiến phải dần dần hồi tâm và nhìn lại... Ðể rồi mới nhận ra rằng những cái tầm thường bấy lâu không hẳn chỉ có thế, mà còn tiềm tàng một cái gì phi thường. Và lại nhận ra không nơi đâu có được cái lối bình thường của chúng ta, theo lời nhận xét của bá tước Keyserling thì không một nơi nào trên thế giới lại có sự lạ lùng này: Nền minh triết ý thức lại lấy ngay đời sống bình thường của dân gian làm mẫu mực. Không nơi nào lối thông thường theo bản năng lại trở thành tiêu biểu hòa hợp cho một nền tư tưởng phong phú. Và cũng không nơi nào đời sống lại được tổ chức theo đạo lý cao và sâu hơn, đến nỗi ánh đạo soi thấu những hiện tượng mà bình thường ta không thấy có liên hệ chi cả (Journal II. 87). Tại sao lại có việc kỳ lạ đó? Ðể trả lời, chúng ta thử xem ít nhiều sự kiện. Ta hãy mở đầu bằng quan niệm con người của tiên tổ. Con người được tiên tổ gọi là "hoa đất ngọc nước" mà sau Nho công thức hóa thành câu "nhân giả kỳ thiên địa chi đức", người là đức của trời đất, tức người là tinh hoa của cả đất trời, cả âm dương, tổ tiên ta đã thi vị hóa thành mẹ tiên cha rồng. Mẹ tiên ở trên núi, mà núi là đất vươn lên cao để đón trời. Còn trời thì được biểu thị bằng nước, tức nước mưa xuống từ trời. Lẽ ra trời ở trên, đất ở dưới, nhưng nếu đặt thế thì không có truyện bố mẹ gặp nhau, và là quẻ Bĩ (quẻ số 12) mà không gặp nhau thì không ra người, nên lời kinh quẻ Bĩ nói: "Bĩ chi phỉ nhân", "Bĩ đấy, chẳng phải là người đâu", không phải người vì có duy đất quen gọi là duy vật thì không ra người, cũng như chỉ có trời gọi là duy tâm thì cũng không ra người nốt. Muốn vậy thì phải đặt đất trên, trời dưới như quẻ Thái (quẻ số 11) vì đất nặng đi xuống, trời nhẹ bay lên nên hai đàng gặp nhau, trong Kinh Hùng (hay Lĩnh Nam Trích Quái) gọi là Mẹ Âu Cơ gặp Bố Lạc Long Quân trên "cánh đồng Tương" nhờ vậy có quẻ Thái làm nên đại ngã tâm linh.

"Cánh đồng Tương" cũng được cha ông gọi bóng là sông Tương. "Sông Tương nước chảy hai dòng", dòng sông trong, dòng sông đục, tức dòng trời, dòng đất, và nó đổ vào Hồ Ðộng Ðình mà tiền nhân quen gọi là cái nôi nước Việt. Cái nôi này phải hiểu theo nghĩa huyền sử tức theo nghĩa hàm tàng cả hai bên trong ngoài, đó là cái hồ tròn ở giữa chỉ trời, có cái nhà vuông (hay hình chữ nhật cũng được, đều có góc bốn phương) chỉ đất. Còn vòng tròn chỉ trời, trời phải trội hôn đất, nên nếu nói bằng số 3 (số 3 tròn như số Pi) phải đặt trên số đất là 4. Ðó cũng là số hàm ngụ trong bánh dầy bánh chưng. Sự trội hơn của trời được biểu thị bằng vòng tròn ôm lấy hình vuông, tục ngữ nói "mẹ tròn con vuông" là nghe chúc các bà sinh nở được "mẹ tròn con vuông" chứ nếu hiểu theo nghĩa thường thì con vuông sẽ ra duy vật vuông chành chạnh bốn góc bánh chưng, còn mẹ mà tròn như cái chum thì trở nên quả bí: nét đan thanh có còn đâu!

Xem như vậy thì ta hiểu chữ Giao Chỉ quan trọng ngần nào. Vì trời đất có giao chỉ thì người mới ra Người Ðại Ngã, cho nên tiên tổ ta đã nhận cả tiên lẫn rồng làm vật biểu (symbolic animal) và đã tạc lại trong một di vật để giối lại cho miêu duệ muôn thế hệ về sau, đó là cái trống, quen gọi là trống Ðông Sơn, vì tìm ra được nhiều nhất ở làng Ðông Sơn tỉnh Thanh Hóa (Bắc Việt). Xem lại trống sẽ thấy quả là một cuộc giao chỉ của tiên rồng, nhưng lâu ngày con cháu không nhận ra được. Vì tiên đại diện bằng chim, còn rồng đại diện bằng thuyền rồng, tức thuyền đã hóa ra rồng có miệng có mắt, và miệng đang mở ra để đón nhận cái hôn nồng cháy của Âu Cơ tiên nữ biểu thị bằng chim hải âu. Do đó mà trống đồng được thờ kính và mỗi năm vua quan hội nhau tại "Minh Chủ Ðồng Cổ", nghĩa là Trống (Cổ) bằng Ðồng chứng giám (Chủ) cho cuộc Minh ước, để thề trung thành với nhà nước. Ta còn đọc được những câu như "Ðồng cổ vang những lời thề hiếu trung", hiếu với cha mẹ là nhà, còn trung là với nước. Ðó là cách chẻ nhỏ Ðạo ra cho dễ hiện thực. Thay vì nói "nhất âm nhất dương chi vị đạo" như Kinh Dịch thì đây nói nhà nước hay hiếu trung cũng vậy.

Hiểu như thế thì trống Ðồng là biểu tượng rất ư cao trọng nên đã được tiên tổ tôn thờ và nhờ đấy mà các ngài đã dựng nước và giữ nước được nhiều ngàn năm, ta quen nói bốn ngàn năm văn hiến là nói non, chứ thật ra phải nói bảy ngàn năm, tức lên tới thời đá mài Bắc Sơn, vì ở đấy người ta đã gặp thấy những hòn sỏi mài nhẵn, có gạch hai vạch chạy song song, mà chúng ta suy đoán là nó tượng trưng cho nét song trùng, hay là nét lưỡng hợp (dual unit) được biểu diễn đầy trong các huyền thoại, bao giờ cũng có hai hạn từ (term) như sông núi, nước non, ông cổ bà cộc và nhất là tiên rồng. Trống Ðông Sơn được ước tính chung quanh một ngàn năm trước Công Nguyên, nhưng đó là thời cực thịnh, còn thời sơ khai thì phải tính lên tới hai hoặc ba ngàn năm trước. Vì các con số chính trong trống là bộ số vài ba (2-3), tham lưỡng 3-2 đã có từ thời Phùng Nguyên tức lối ba ngàn năm trước Công Nguyên. Vì thế nói bốn ngàn năm văn hiến là nói non, nếu nói già thì phải ngược lên đến Bắc Sơn là bảy ngàn năm, hoặc cả thời văn hóa Hòa Bình là mười ngàn năm. Không thể biết chắc nhưng quả là một thời gian dài, thế mà tiền nhơn đã giữ được nước lâu bền, đến độ đã có tên Việt Thường hay Vạn Xuân. Việt Thường có hai nghĩa, một là nước Việt nói chung có tính cách trường cửu, hai là chỉ miền Châu Hoan (miền Quảng Trị?) nhưng nên hiểu chữ Hoan là hoan lạc, an vui thái bình (nhờ quẻ Thái) theo nghĩa huyền sử thì đúng hơn.

Trong sách "Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền" có chép rằng: "Vua Kinh Dương Vương vâng ngọc chỉ phụng mệnh Trời về núi Nam Miên lập đô ở phía Hoan châu thuộc Nghệ An xứ". Câu sách này cũng nên hiểu theo nghĩa huyền sử tức không cần tìm Hoan châu ở đâu, mà phải tìm xem Hoan châu có ý nghĩa gì. Và nghĩa đó là: ai vào xứ Nghệ thì sẽ được hoan lạc. Vậy chữ Nghệ kép bởi nét phẩy và nét mác giao thoa với nhau ở giữa. Nét phẩy đi theo kim đồng hồ có thể đại diện nét đất, nét mác đi ngược kim đồng hồ chỉ trời, hai chữ trời đất giao thoa thì mọi sự được hạnh thông hoan lạc. Ðấy là chân lý cần minh tâm khắc cốt, nên tiên tổ đã dùng chữ Nghệ làm nền cho chữ Văn trong Văn Lang và cả chữ Giao trong giao chỉ, và ta có thể đoán các ngài còn gửi vào thể thơ Lục Bát được coi như thể thơ của đất nước. Suy đoán này dựa trên loại trống có sáu mặt và tám mặt được nói đến trong sách "Mục Thiên Tử Truyện" chương 5 (d. 440) và gọi là Linh Cổ (Trống Thần). Trống kép 3 (6 mặt) để thờ thần Ðất, trống kép 4 (8 mặt) để thờ thần Trời (đặt theo kiểu giao chỉ) nên 3 qui cho đất ở trên, 4 qui cho trời ở dưới, y như bánh dầy bánh chưng. Vậy thơ lục bát cũng gieo vần theo lối giao chỉ tức gieo vào lòng là "yêu vận" vần ở lưng.

"Trăm năm / trong cõi / người ta

Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau."

Ðọc như thầm bảo "yêu em anh để trong lòng" (trong lòng) chứ không để ngoài da đâu mà em ngại. Ðể ngoài da là để ở vần cuối như mọi thứ thơ, chỉ có thể lục bát mới để ở trong lòng! và nhờ đấy mà có cánh đồng Tương với sông Tương nước chảy hai dòng đổ vào hồ mẹ tròn con vuông gây nên cảnh Hoan Lạc chân chính.

"Nhưng than ôi có một chiều thu lá rơi", rớt xuống sông Tương, lấp đi một chiều trở nên lưu tục như sông Lục Ðầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng anh ơi. thế là sông Tương biến ra Thương (quẻ Minh Di ánh sáng bị thương) và từ đấy hết chảy vào Ðộng Ðình Hồ nữa, khiến nên quẻ Bĩ: non nước hết gặp nhau.

Sông Tương nước chảy xuôi dòng,

Cho non nhờ nước suối đong lệ hồng.

Phải chi nhớ bạn thủy chung.

Phải chi nhớ bạn não nùng đường tơ!

Tôi thú thật mỗi khi nhớ tới đoạn này thì nước mắt cứ ứa ra chan hòa vì các hình ảnh đau thương cứ dồn dập tới: từ bao chiến sĩ anh hùng xưa cho tới cảnh đấu tố rùng rợn, cảnh bao nhà tan tác chia ly, Ðại lộ kinh hoàng, mồ tập thể ở Huế rồi bao nhiêu quân nhân công chức trong các trại tù khủng khiếp gọi là cải tạo, bao đồng bào chết trên biển Thái Bình, trong các rừng rậm, đến nỗi mấy năm đầu di tản tôi không dám thuyết giảng, vì đang nói mà hể nhớ tới là nước mắt tràn ra, nghẹn ngào nói không ra tiếng. Mãi tới nay vẫn chưa hẳn cầm lại được. Hôm nay tôi thú nhận điều đó ở đây để mong có thể cầm lại, cầm lại bằng một hai hành động tích cực. Vì tôi sợ nếu không thế thì tôi cũng như đồng bào tôi liều mình trở nên như Thục đế, vì quá nhớ quê hương mà trở nên chim quốc, kêu suốt mùa hè. Chúng tôi đã kêu quốc quốc suốt cả mười hè mà chưa thấy được gì tích cực. Vì thế chúng tôi đề ra một chương trình của vài việc bé nhỏ:

1. Ước mong cho mọi gia đình Việt Nam treo một tranh trống Ðồng làm như lễ giỗ tổ quanh năm.

2. Học về những bài khôn ngoan tàng ẩn trong trống.

3. Và sau cùng làm thêm một cái gì tích cực, dù nhỏ nhoi cũng kệ, miễn tích cực có làm như sẽ đề nghị ở phần dưới.

Tranh trống thì chúng tơi đã in ra một lớp và có thể sẽ tiếp tục in thêm. Bây giờ đến việc thứ hai, học một bài hàm ngụ trong trống. Nhớ câu đã trưng ở trên "Ðồng cổ vang những lời thề hiếu trung". Hai chương sau sẽ nói về "hiếu" hay "gia đình", rồi "trung" hay "quê nước".

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page