1. Cần Học Làm Người Việt

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lúc còn quê hương, hễ ai sinh ra bởi cha mẹ Việt thì đương nhiên là người Việt. Nhưng nay ta đã mất cái tình thế sẵn có đó rồi: chúng ta đã bị bứng ra khỏi đất nước và đang trở nên lạc lõng bơ vơ giữa muôn làn sóng ý thức hệ ngược chiều, nếu không bỏ công học hỏi nhận thức lại cái hồn thiêng của cha ông thì chẳng bao lâu con cháu ta hay chính chúng ta sẽ hóa thành những cánh bèo không cội rễ trôi dạt khắp bốn phương trời tức trở nên những con người mất hết gốc, cả gốc nước lẫn gốc người.

Ðể tránh cái tai họa đó chúng ta cần gầy dựng một tổ chức để giúp nhau học hỏi về nguồn gốc. Ðây tuy là những việc âm thầm và với nhiều người có thể là nặng nhọc nhưng được cái lợi là làm đến đâu ta thâu thập liền chưa cần đèn xanh đèn đỏ nào hết, cũng không cần phải rùm beng, nhưng xét cho cùng thực là quan trọng ngang với những việc cứu nước, kiến quốc. Vì nếu không làm thế thì mai ngày có còn người Việt chăng cũng chỉ là mấy cái xác vô hồn, không còn ra giống gì nữa. Mũi thấp da vàng không cho phép trở nên Mỹ trọn vẹn, còn Việt thì đã mất hồn rồi, cho nên đã rõ ràng từ nay ai còn muốn "là người Việt", thì phải học "làm người Việt", y như ai muốn làm công dân Mỹ phải học về hiến pháp Mỹ với ít điều sử địa, tổ chức chính quyền v.v... Cũng vậy ai muốn là người Việt phải học về nguồn gốc, đạo lý Việt. Ðã qua rồi thời hễ sinh ra thì đương nhiên là người Việt. Từ nay phải học "làm người Việt" thì mới nên người Việt được. Học về Việt Nho là học về gốc nước, học triết lý An-Vi là học về gốc người. Và chúng ta sẽ rất hãnh diện khi nhận ra rằng cái hướng đi của triết Việt cũng là hướng mà các khoa học tối tân đang tiến tới.

Vấn đề rắc rối chỉ còn ở chỗ nhiều người cho là triết lý khó quá không thể hiểu được. Nhưng tiền nhân nói "có khó mới có khôn", như nếu cứ "làm văn hóa" kiểu dễ dãi như trước tới nay thì không đủ cứu vãn tình thế, vì chẳng qua là xoay quanh những cái đã có rồi, mà không mấy phát huy được gì sâu xa, chưa tìm được cái cội gốc của mình thì làm sao có thể phát huy. Cho nên nói là làm văn hóa mà kỳ thực chỉ là việc làm của mấy người lo về văn nghệ, văn chương để cho đồng bào tới xem giải trí; xem văn nghệ rồi, đọc báo rồi quên đi chứ không mấy âm vang vào tới tâm hồn. Sức mấy mà con em mai ngày nó coi trọng để mà chịu tiếp nối. Muốn chúng tiếp nối thì phải làm sao cho chúng nhận thức ra được những giá trị của người Việt. Mà muốn chúng nhận thì chúng ta phải nhận thức trước. Muốn vậy thì không thể tránh sự học hỏi.

Chỉ có một điều trở ngại là sách, nhiều người cho là khó quá. Nhưng điều đó sẽ được giải quyết bằng học hỏi dần dần: nên ghi nhận bộ năm quyển Ngũ Kinh chính là chương trình của bốn năm cử nhân. Vậy mà nay chúng ta mới bắt đầu đọc giữa bao nhiêu là bận tâm về công ăn việc làm thì có không hiểu ngay cũng là sự thường. Ðừng có nản.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page