Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

7. Lời Bạt

 

Tập này lẽ ra có chương thứ 7 "Từ Văn Miếu tới Văn Hiến" và một đoạn kết, nhưng khi tác giả khởi viết tới chương bảy tì bị đau, y sĩ cấm viết trong vòng giăm tháng, vì thế không có chương bảy và đoạn kết. Vậy xin nhờ độc giả kết hộ, và xin hẹn với độc giả trong một hai quyển khác cùng loại nói về Việt Nam chẳng hạn: "Hiến chương Giáo dục" hay là "Loa thành đồ thuyết"... Những sách này nhằm móc nối với bộ ngũ luận (1. Nhân Bản; 2. Chữ Thời; 3. Tâm Tư; 4. Nhân Luân; 5. Sinh Hóa) và mấy tập dẫn vào như Cửa Khổng hay là Nho Giáo Nguyên Thủy. Triết Lý Giáo Dục. Những dị biệt giữa hai nền triết lý Ðông Tây, Ðịnh Hướng Văn Học nhằm đưa triết Ðông vào những chân trời mới của xã hội học, nhân chủng học, phân tâm và uyên tâm (poychologie des profondeurs) v.v...

Tất cả những quyển dẫn vào cũng như bộ ngũ luận đều hướng đến nhân loại đang đi lên nghĩa là xóa bỏ dần mọi phân ranh về quốc gia, tôn giáo, chủng tộc... vì thế mà từ những quyển nói về Việt Nam, cho tới triết lý Ðông phương (trong ngũ luận) chỉ có một hai giới mốc nhập nhằng thẩm thấu. Chúng ta đang bước vào giai đoạn đại đồng, một nền triết lý muốn hiệu nghiệm phải dẫn đầu trong việc xóa bỏ bờ cõi. Một số nét đặc trưng đưa ra chỉ là điểm tựa thiết yếu ở khởi điểm và sẽ trở nên lu mờ ở điểm tới.

Mấy lời trên đây là thử phác họa một đường hướng làm việc để độc giả nào thấy đồng hành tương ứng thì dễ theo dõi nhưng vì lý do sức khỏe và thời giờ nên tác giả không dám chắc có hiện thực được hay chăng.

Trong khi chờ đợi, nếu bạn nào thấy đồng khí tương cầu xin nghiền ngẫm những quyển đã ra: Cửa Khổng, Triết Lý Giáo Dục, Nhân Bản, Chữ Thời, (phải đọc song song với) Vũ Trụ Nhân Linh. Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam, quyền sau cùng này dễ nhất, tác giả đã phải viết trước kỳ hẹn để bù vào quyển Chữ Thời là quyển khó nhất trong bộ. Cũng như mấy quyển đầu cũng không phải là dễ, vì còn đang nói lý thuyết và nguyên tắc chung, còn phương pháp áp dụng cụ thể dành cho các quyển sau nên sẽ có phần dễ hơn.

Vì tác giả không nhằm đại chúng, bởi đã quá nhiều sách báo nhằm điều đó, mà nếu tất cả sách báo trong một nước đều nhằm đại chúng thì văn hóa nước đó sẽ mãi mãi tà tà. Kinh nghiệm các nhà đại giáo dục cho biết cái gì dễ hiểu và dễ học thì cũng dễ quên và người đọc vẫn mãi sống trong cảnh tản mác mâu thuẫn. Ngược lại cái gì khó hiểu khó học thì sẽ nhớ lâu và dần dần ngấm vào tiềm thức đem lại cho người đọc một hướng sống có chuẩn đích có tư cách vững mạnh. Cái bệnh thông thường hiện đang lan tràn khắp thế giới ngày nay là bệnh quay cuồng; bởi vì ai cũng chỉ nghĩ đến phổ biến, nhưng phổ biến cái chi? Nếu toàn một loại đai khái thì tiến cái đi đâu?

Khoa học tiến không phải là đánh đống lại những cái thường xuyên khái quát, nhưng là tìm ra một cái gì mới, mà cho được tìm ra cái mới phải khó khăn cả phía người viết cũng như phía người đọc. Vì thế trong một nước phải có người lo cho đại chúng mà cũng phải có người lo tìm kiếm.

Vì lý do đó tác giả chỉ nhằm một số nhỏ gọi là Văn hiến nghĩa là những người có một tầm học thức tương đối cao với một bầu nhiệt huyết hăng nồng đối với nền Văn hóa nước nhà. Khi đã có được một số người như một cơ sở tinh thần khá kiên cố, thì lúc đó có phổ biến mới ơn ích, mới không phải là lửa rơm, nhưng là một cái gì bền bỉ lâu dài.

Danh thơm của một quốc gia là do ở mấy người ấy chứ không phải chỉ ở chỗ toàn dân đều biết đến độ phổ thông.

Vì thế trong khi chờ đợi, nếu bạn nào thấy hợp chiều hướng xin đọc kỹ, suy nghĩ, đọc lại có thể 2, 3 lần (có một bạn bên Mỹ cho biết sẽ đọc 10 lần! cũng như bên Việt Nam đã có người đọc 10 lần rồi) và chúng tôi đã nhận được vài chục tang chứng rất hào hứng. Hi vọng số đó sẽ tăng dần để một ngày gần đây chúng ta có đủ người kiến tạo một chủ thuyết cho quốc gia hầu lấp cái lỗ trống về tinh thần đã xuất hiện từ "băm nhăm văn điếm" trở lại đây (giai đoạn lại căng thẳng ra thứ gì từ quãng 1930 xuýt xoát). Gọi thế không phải vì chúng ta thâu thập quá nhiều văn hóa nước ngoài. Về mặt này so với Nhật Bản thì nước ta thâu thái chưa biết có được bằng 1 phần 10 của họ chăng, thế mà không thể gọi văn hóa Nhật là lai căng, vì họ có hồn, có cơ sở tinh thần của họ, nên càng thâu thái càng trở nên phong phú, còn nước mình vì thiếu cơ sở tinh thần, nên thâu thập dẫu ít cũng phải gọi là lai căng: trí thức vẫn lơ mơ, nhiều người truyền bá tư tưởng Cộng sản mà nếu ta bảo họ là Cộng sản thì thật là oan vì họ làm hoàn toàn vô ý thức, mà vô ý thức là tại nước thiếu cơ sở tâm linh. Cho nên việc khôi phục lại hồn nước là cứu quốc, kiến quốc và đó là con đường chúng ta còn phải làm việc nhiều lắm mới đủ bù lại ba bốn chục năm cò vất cò vơ vừa qua.

Và nếu bao lâu chúng ta chưa kiến tạo nổi được một chủ đạo cho nước nhà thì xin ít nói tới Văn Hiến chi bang hoặc "Việt Nam có bốn ngàn năm Văn Hiến" kẻo tủi hổ cho vong linh của muôn thế hệ Tiên Tổ.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page