6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

k. Khi rồng Việt Nam uốn khúc

Nó uốn khúc vào một buổi xưa năm 1947 ở Văn Miếu Hà Nội, khiến cho Albert Sarraut xuất thần nói lên những lời của dân tộc Việt rằng người Pháp đang dự tính đưa Việt Nam đến nền độc lập kỹ nghệ hóa tối tân. Ðó là nguyện ước sâu xa của người Việt cũng như một đôi người Pháp hiếm hoi.

Nhưng hầu hết người Pháp ở Hà Nội lúc đó đã phản động lại tức khắc và một cách dẻo dai. Các báo tiếng Pháp đều bày tỏ lòng sợ hãi bàng hoàng coi như tất cả sẽ tan tác. Vì họ cho rằng bên Ðông Phương người ta chỉ nói tới cái gì không thể tránh được, đã gần tới, vì ngay việc nói tới đã làm cho điều đó trở thành gần xảy tới rồi. Phủ Toàn Quyền phải ra từng loạt thông tư để trấn tĩnh người Pháp, đại để rằng những điều quan Toàn Quyền nói còn rất xa xôi, có lẽ một ngày kia trong một thế kỷ nữa, ai mà biết được, thì nước Annam có thể tự sống như một quốc gia tân thời. Nhưng tới lúc đó thì nó đã kết thân chặt chẽ với nước Pháp, nên nước Pháp vẫn không phải ra đi: Peut être un jour, dans un siècle qui sait, l'Annam serait-il en mesure de vivre comme une nation moderne; mais à ce moment là ses liens avec la France seraient si amicalement étroits que celle-ci même alors, n'aurait pas à s'en aller. On entendit couramment exprimer l'avis que les Annamites n'en demandaient pas tant"; "on leur mettait ainsi des idées en tête, ce dnt on aurait pu se dispenser"; "ils se trouvaient bien, eux-mêmes comme ils étaient". Mus 192.

Người Pháp trách A. Sarraut là gieo ý tưởng độc lập vào óc người Việt Nam. Chứ thực sự người Việt Nam có đòi đến thế đâu, họ đang sung sướng với hiện trạng rồi mà. Những lời của A. Sarraut bị coi như vụng về đã đưa người Pháp đến cảnh bi đát hiện nay (1952). Theo người Pháp thì lỗi lầm lớn nhất của A. Sarraut là đã từ bỏ nguyên lý quyền bính "là điều duy nhất đáng kể đối với người á Ðông": par notre démission du principe d'autorité "le seul qui compte pour les Asiatiques" Người ta gọi A. Sarraut là Naufrageur, kẻ đánh đắm tàu. Ðiều đó theo hoàn cảnh lúc ấy là rất nặng, vì quốc hội Pháp mới quyết định: một là phải gửi sang Ðông dương 3 sư đoàn, hai là sai A. Sarraut sang làm toàn quyền. Vì không có 2 sư đoàn nên nước Pháp sai A. Sarraut sang như cứu tinh. thế mà A. Sarraut lại nói lên những lời tai hại như trên, thì đó là chỗ làm cho người Pháp Ðông Dương sửng sốt hốt hoảng. Sự thật thì A. Sarraut "lỡ miệng" "tình cờ" nói lên mấy lời kia, ấy là khi theo óc duy lý mà bàn, nghĩa là khi không tìm ra lý do thì cho là tình cờ, là lỡ miệng. Nhưng đối với Ðông Phương không thể nói vậy được. A. Sarraut hiểu được sự đợi trông của dân Pháp muốn ủy thác cho mình đưa dân Việt Nam vào liên hiệp Pháp, sứ mạng là ở đó; vậy tại sao lại nói tới độc lập chống lại ý muốn cả một nước Ðại Pháp và nhất là những người bao quanh A. Sarraut. Theo quan niệm cổ xưa của ta đó là hồn tiên tổ của giống Lạc Việt nhập vào A. Sarraut, và dùng miệng y để nói lên đường hướng phải theo trong một khúc quanh mới của lịch sử. Cũng như theo lễ gia tiên thì hồn tiên tổ nhiều lần nhập vào đại diện (Nho gọi là Thi) hoặc là vào cổ Thi và mu rùa bao giờ cũng được chiêm bói trong nhà Thái Miếu. Thi Qui là phát ngôn nhân của tiên tổ. Chính tiên tổ mới là người trị nước, còn nhà vua đương trào chỉ là người thừa hành mà thôi.

Vậy cũng chính cái hồn tiên tổ, hồn nước, hay nói theo Huyền Sử là Rồng nước Nam uốn khúc đã không cho A. Sarraut nói theo ý hắn cũng là ý của nước Pháp, nhưng phải nói theo ý của "giống thiêng Tiên Rồng". Ai bảo A. Sarraut dám đến Văn Miếu mà đọc diễn văn! Vì đó là nơi linh thiêng. Nên biết rằng đó không phải là truyện huyền học khi gọi nước Việt là giống Tiên Rồng. Xét về địa dư, nước có hình chữ S như rồng uốn khúc, có dãy núi từ Bắc chí Nam như chòm lông mao. Về mặt địa lý có rất nhiều nơi linh thiêng được gọi là những long mạch mà Văn Miếu là một. Albert Sarraut cũng như như bao người Pháp cho đó là truyện tin nhảm không thèm kể đến, nên đòi vào Văn Miếu để nói chính trị, nghĩa là nói những chuyện huyền học tục hóa. Ừ được, các anh không tin thì cho các anh biết tay: bắt các anh nói lên điều các anh đang sợ hơn hết là nền độc lập của "Nước thiêng Tiên Rồng". Ðấy là bài học các anh nên trở về nhà suy nghĩ cho thấm thía. Người Việt Nam vẫn còn nuôi sống những ý tưởng và lề lối cổ truyền trong dân gian. Không còn tìm đâu được môi trường thích hợp hơn cho bài diễn văn chương trình trong khoảng những bức tường thiêng liêng, trước sự chứng kiến im lặng, nhưng hiệu nghiệm của những bia đá mang tên các bậc khoa bảng. Ðó chính là nơi mà toàn dân tin tưởng là long mạch, có một làm sóng linh thiêng toàn quốc mà người quốc trưởng phải thâu lấy để phát thanh lại cho toàn dân. Quan Toàn Quyền lúc đó là quốc trưởng, nên long mạch truyền diện vào bắt y nói tiên tri về sự giải phóng người Việt Nam, trước sự sửng sốt của đồng bào hắn. Phải chăng vì ông dẫm lên long mạch nên bị giật do làn sóng điện u linh bắt phải nói lên những điều không dự tính nói.

Ông Paul Mus viết: "Ðó phải chăng là một dị đoan mà nó đưa ta vào một thế giới kỳ dị mà ta không biết mình ở đâu, bàn chân của lý trí không tìm được đất đứng. Phải, có lẽ đó là một thế giới làm bằng biểu tượng, bằng những ý tưởng khiến chúng ta ngỡ ngàng, khiến cho đường lối chính trị của ta trở thành bất nhất. Có thật chăng là một thế giới khác biểu lộ qua thế giới đang nói năng. Xem ra hai giống người Pháp và Việt đã đi tới điểm mà họ phải chia lìa nhau trong một sự không thể hiểu nhau, hoặc nữa là họ phải vượt qua những sự kiện bên ngoài? (Mus 202). Ðến đây chúng ta phải thưa rằng trên phương diện chính trị người Pháp đã phải lìa khỏi chúng ta, vì họ không hiểu nổi ta nữa.

Nhưng chúng ta cũng cần nói thêm ngay rằng: hầu hết giới trí thức trên phương diện văn hóa cũng theo người Pháp cho rằng những truyện vừa nói trên kia là dị đoan đã lỗi thời rồi. Nhưng chúng ta hỏi có thật là dị đoan cần phải vất tái đi chăng? Hay là chúng ta cần phải theo lời mời của Paul Mus đi xuyên qua những hiện tượng bên ngoài. Nếu đứng ở bên ngoài thì quả thật đó là một sự thực thuộc lịch sử không ai chối cãi, nhưng tin tưởng rằng đó là hồn tiên tổ, đó là Rồng uốn khúc thì là dị đoan, người Pháp cho đó chỉ là một sự nhỡ miệng, một sự tình cờ, tin là hậu quả long mạch thì dị đoan. Các nhà trí thức cũng tin như vậy.

Tuy nhiên những người chủ trương hồn nước cho đó là lối giải nghĩa lưng chừng, hễ cái gì không tìm ra manh mối thì bảo là tình cờ, nói vậy là che đậy cái dốt như câu châm ngôn của phân tâm - "tình cờ là viện ẩn náu của cái dốt: asilium ignorantiae" - Vậy nên phải tìm một giải đáp mới xa hơn giải đáp của giới trí thức duy lý cũng như có nền móng hơn giải đáp của cổ truyền là "Rồng uốn khúc!" Chúng ta nay sẽ không cho là tình cờ mà cũng không cho là rồng uốn khúc, nhưng sẽ giải đáp theo tâm lý các miền sâu và sẽ gọi sự kiện trên là hậu quả của "cơn lốc tâm linh": tourbilon psychique hoặc là làn sóng đáy của đại dương vô thức cộng thông l'inconscient collectif hay là của muôn thế hệ tinh anh mà một số tên tuổi còn ghi trên những bia đá xếp hàng trang nghiêm trước Văn Miếu, cũng là nơi qui hướng của hơn hai chục triệu người dân Việt đang tranh thủ cho nền độc lập nước nhà. Cho nên là một thực tại lớn lao tuy không nói lên, nhưng có sức mạnh như làn sóng đáy quật ngã những cái chi trên mặt như những lời chính trị ngoại xâm, và rồi đây cả đến dư âm của nền văn hóa duy lý phàm tục ròng thiếu chất u linh của Tây Âu cũng sẽ bị xô đổ.

Chất u linh đó là gì chúng ta chưa nói rõ lên được, nhưng nhiều người đã thử gọi tên như Schopenhauer gọi là hồn khóm (l'âme-groupe), những người chủ quan duy trí (gnostiques) gọi là du hồn đoàn (eggregore), còn Ferrero gọi là Thần-thị-xã (les génies de la Cité) hơi giống cái mà Freud kêu là siêu ngã (surmoi)... hay theo khoa xã hội học là "ý thức cộng thông thường đàn áp ý thức cá nhân"...Tất cả bấy nhiêu danh từ khác nhau đều nhằm nói lên một thực thể u linh cao hơn các cá nhân trong một nước cộng lại, và có một đời sống riêng biệt vừa cao xa mà lại rất thâm sâu nơi lòng mỗi người.

Chính cái thực thể u linh đó mà dân Việt quen gọi đơn sơ là hồn sông núi, là long mạch chính nó đã làm cho Abert Sarraut xuất thần nói lên những lời không muốn nói.

Chính chất u linh đó đã luôn luôn phảng phất như hồn nước đôn đốc cho đoàn người Việt trong cuộc sống hết sức cam go mà không bị tiêu diệt hay bị đồng hóa. Chính những yếu tố tâm linh đó làm nên cái gì thiêng liêng nhất được tiền nhân ta sùng bái trong các Văn Miếu từ cấp nước tới cấp làng. Và ngày nay nói đến xây Văn Miếu tức là nói đến trùng tu lòng sùng mộ chân thực của Văn Hóa. Quốc Miếu một khi đã được trùng tu nghĩa là không những có điện đài mà còn làm phục hoạt lại được các yếu tố linh thiêng thì từ đó Quốc Miếu sẽ là đài phát thanh truyền tinh thần đi khắp nơi trong nước. Mỗi gia đình đã có sẵn bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ khác tương tự sẽ là bấy nhiêu máy thâu thanh để thâu tiếng gọi của nước non, của tiền nhân từ muôn thế hệ truyền đến, bơm hăng say thành khẩn vào cho mỗi người con dân để mỗi người coi việc nước như việc nhà: cố sức chu toàn cái nhiệm vụ được ủy thác cho với một tấm lòng chí thành tận tụy. Tiếng hịch cứu quốc kiến quốc phải tự đó phát ra như vậy.

Cho nên Văn Miếu có thể chỉ là một cái tàn tích của thời mông muội dị đoan, người văn minh chẳng ai tin tưởng nữa, có xây lên chẳng qua vì óc mị dân (loại dân cổ rả nông thôn) vì phong trào quay về dân tộc, hoặc làm để che đậy sự bật rễ của nhà cầm quyền. Trong trường hợp đó dù chỉ tiêu tốn chừng mươi triệu cũng phải gọi là xa xỉ mà một nước nghèo như ta không nên hoang phí.

Trái lại Văn Miếu cũng có thể là một lò máy trung ương sản xuất và truyền ra khắp nước điện lực tinh thần cho toàn quốc thì đó là nhu yếu cần một cách khẩn thiết cho nước nhà đang bị các ý hệ ngoại xâm phá hoại, mà phần còn lại gọi là quốc gia cũng đang bị tan rã và phân hóa đến cùng tột, vì không được một chủ đạo nào qui tụ và linh động hóa..., thì lúc đó Văn Miếu trở thành nhu cầu mà kỷ nguyên Hiến Pháp mới không thể không lưu tâm. Và nếu thi hành được trúng cách nó sẽ là sự lên đường của Rồng nước Việt. Sau một thời gian ngủ say thì năm 1947 uốn khúc và năm 1967 với tân hiến pháp, tân chính phủ, với việc trùng tu Văn Miếu sẽ là cuộc phục sinh đi lên đường thống nhất, độc lập thật sự trên mọi địa hạt kinh tế, chính trị, nhưng đi đâu phải là độc lập văn hóa.

Ðiểm cuối cùng này quan trọng nhất và việc trùng tu Văn Miếu phải lấy làm mục tiêu chính-đại căn-cơ.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page