6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
i. Vấn đề Văn Miếu với Văn Khoa
Ít tháng trước đây có nghe nói tới dự tính trùng tu hay kiến thiết Văn Miếu. Cả hai chữ đều đúng: nói về vật chất thì hiện nay ta không có Văn Miếu, nên là kiến thiết, là tân tạo. Nhưng về tinh thần thì ta có rồi, và nay có xây cũng gọi được là trùng tu.
Dự án trên nếu được hiện thực đàng hoàng sẽ có thể coi như tiêu biểu cho một cuộc phục hưng lại tinh thần đất nước. Người dân nước từ đó sẽ có một nơi để nghĩ đến như một đích điểm của cuộc hành hương, cho những người dân nặng lòng yêu nước trước lúc xuất ngoại có nơi gửi lời tạm biệt, và trong lúc ở nước ngoài có chỗ hướng về cho bớt lòng trống trải...
Vì thế tưởng nên trình bày một hai nguyện vọng:
Văn Miếu phải là nơi trang trọng rộng lớn để làm những cuộc đại lễ của quốc gia như ngày giỗ tổ và quốc khánh. Trong những lễ đó đại biểu toàn quốc sẽ tề tựu tại Văn Miếu hầu làm lễ phần nào như kiểu tế Thiên để cho ngày lễ có cả cái chi linh thiêng, chứ không chỉ có diễn binh như nay có vẻ tục hóa kiểu Tây. Tuy đôi khi vị đứng đầu chính phủ có đi đến đền nọ hoặc nhà thờ kia cũng không đủ, vì có vẻ tư riêng; mà nếu coi đó là việc chính thức thì còn có thể gây mầm mống chia rẽ phèn bì: sao đến bên này mà lại bỏ bên kia... và dầu sao cũng có cái gì tủi hổ cho hồn nước không nơi cư trú phải đi nhờ vả tư riêng: chủ đất mà không có một nơi để tế lại phải đi tế nhờ! Nghĩ nó nhục nhã làm sao. Thà bỏ hẳn đi có lẽ còn hơn. Còn nếu xét thấy thật đáng thì không những tổng thống mà quân dân các cấp đều đến tề tựu lại cúng tế trong một buổi lễ uy nghiêm trang trọng lớn lao. Vì thế trước Văn Miếu nên có một công trường rộng xuýt xoát bằng sân vận động, bằng trường đua. Ðó là nơi uy linh của một nước không nên sẻn so vài ba chục mẫu đất. Nhưng nếu vì lý do gì tiếc đất thì xin đề nghị xây Ðại Học Văn Khoa kế cận. Sinh viên Văn Khoa sẽ là giáo sĩ giáo dân của Văn Miếu, có nhiệm vụ linh động hóa Văn Miếu. Hàng ngày khi sinh viên Văn Khoa đến trường cũng là đến quốc miếu để nung rèn tâm trí trong bầu khí linh thiêng của đất nước, và có thể nhờ công trường để tổ chức các cuộc sống chung từ thể thao trở lên đến các cuộc văn nghệ hội họp, đem lại cho Văn Miếu bộ mặt sống động, mà không cần phải tốn thêm đất. Văn Khoa đi tới Văn Miếu là chí lý.
Hiện nay ta chưa có Văn Miếu mà cũng chưa có Văn Khoa. Ðiều sau này cũng mong được nhà cầm quyền sớm lưu tâm. Cho tới nay vì quá nhiều việc chưa thể lo thì người dân chưa nên trách ai. Tuy vậy từ nay cũng cần khởi đầu lưu ý. Ðại Học Văn Khoa là cái khuôn mặt tinh thần của một nước, mà vì ta mất nước nên cũng mất hồn. Ðiều đó được tiêu biểu rõ trong trường sở Văn Khoa: thoạt tiên thiết lập ở bên chuồng ngựa, rồi sau đến giai đoạn đặt ở góc nhà tù cũ của Pháp. Ðến nay mở thêm ra được một góc của cơ sở "Thống Nhất". Nói đúng ra chỉ có một nửa góc. Gồm cả hai cơ sở cũng mới bằng nửa trường trung học Tây J.J. Roussau bên cạnh. Nay ta đã lấy lại được chủ quyền đất nước thì cũng nên nghĩ đến truyện lấy lại hồn nước. Hồn không ở đâu cả thiệt đấy; nhưng với một đoàn người cần phải có nơi un đúc, có chốn tiêu biểu hồn nước. Văn Khoa un đúc công dân theo dạng thức dân tộc. Bao lâu chưa có thì những ai lưu tâm đến hồn nước đều thấy lòng se lại vì sầu tủi mỗi khi phải bước qua ngưỡng cửa "Ðại Học Văn Khoa". Nếu nước Pháp đối với trường sở Oxford và Cambrdge nhiều người Pháp còn phải than phiền vì nước Pháp chưa có được một tòa nhà lịch sử xứng đáng biểu lộ giá trị văn hóa đất nước "Il n'existe pas en France un seul bâtimen universitaire qui soit un monument historique digne de ce nom... qui matérialise la dignité éminente des valeurs culturelles". (Pourquoi des professeurs? Gusdorfs p. 27. (Payot) thì huống chi nước ta. Nước ta chưa được văn minh cơ khí bằng, chứ về văn hóa thì đã có ngay từ ngày khai quốc khi đặt tên cho nước là Văn Lang.
Một số người thấy trường sở Văn Khoa bị bỏ bê rạc đến nỗi như nay buồn lòng nói thà gọi "băm nhăm năm văn điếm" hơn là nói bốn ngàn năm văn hiến thì cũng không phải là thiếu lý do. Bao giờ chúng ta khôi phục hồn dân tộc trong đó có câu "đói cho sạch rách cho thơm" thì khi ấy chúng ta sẽ thấy đã đến lúc cần chú tâm đến Ðại Học Văn Khoa.
Vì chúng ta đã có Ðại Học Quân Sự, Ðại Học Y Khoa lộng lẫy, các trường cao đẳng hành chánh, luật khoa... đều có trường sở, chỉ có Văn Khoa là chưa. Nếu gặp phải một khách ngoại quốc có óc cắc cớ lấy sự quan trọng các trường sở để đo lường giá một nước thì sẽ khen người Pháp khéo nhận xét khi cho rằng người Việt Nam chỉ biết lo có miếng ăn "une masse paysanne apathique pour qui seule compterait la préoccupation quotidienne du bol du riz". Mus 22. Ngoài ra không còn biết chi đến giá trị văn hóa chi cả.
Nghe đâu có dự tính sẽ xây Ðại Học Văn Khoa trên Thủ Ðức, nếu có thực thì cũng không nên nữa: vì như vậy là tách rời văn hóa ra khỏi cuộc đời, nó sẽ chóng đốc ra văn nghệ ròng đặt ngoài đời sống, cùng lắm là mua vui cho lớp người may mắn trong một lúc mệt mỏi, mà lẽ ra Văn Khoa khi thực sự trung thành với sứ mạng của mình thì không phải làm vui vài người, nhưng là làm sống cả toàn dân, linh nhuận cả một cuộc nhân sinh trong hết mọi chiều kích. Vậy trong khi đặt trường sở Văn Khoa xa trung tâm có tới ba chục cây số thì không kể việc làm ngăn trở thêm đường giao thông còn không giúp cho Văn Khoa có môi trường thuận lợi để chu toàn sứ mệnh của nó. Ðất trong đô thành còn nhiều, nghe đâu có dự định thiên một số trại nhà binh ra khỏi thành phố, thì càng là dịp tiện để tìm một sơ cở nào thuận lợi cho cả Văn Miếu lẫn Văn Khoa. Dầu sao chúng tôi thiết nghĩ hai thể chế này phải được đưa ra bàn ở Hội Ðồng Liên Bộ, hoặc cả ở quốc hội nữa. Vì cả hai đều là bộ mặt tinh thần của dân nước, không thể để cho một bộ xoay sở. Nếu không may gặp ông bộ trưởng giầu máu bốc đồng cho xây đại một cái miếu ở chỗ nào bất kỳ rồi gọi là Văn Miếu cả năm mở cửa vài ba lần cho mấy bô lão đóng áo thụng vào dâng hương, thì đó là văn miếu của loài nhện, của giống dơi dơi, chứ không phải là Văn Miếu viết hoa của giống Lạc Việt có một lịch sử Rồng Tiên cho tới ngày nay với biết bao di sản, biết bao yếu tố linh thiêng cần được bảo tồn và triển khai cho lại vọt lên nguồn sinh lực mạnh mẽ và rất cần thiết cho đoạn cứu quốc và kiến quốc hiện nay, mà thiếu nó không làm nỗi. Vì thế Văn Miếu là việc của toàn dân nghĩa là của quốc hội, của liên bộ đều phải dành ra một lần để lưu tâm cách nghiêm túc. Có tốn kém vài ba trăm triệu của ngân quỹ quốc gia cũng không nên ngần ngại. Con người cần có cái thể diện thì một nước cũng cần phải có cái quốc thể của nước, gây lại được cái hồn nước, cái nhất trí hăng say như thời hội nghị Diên Hồng, thì vài ba trăm triệu kia là một việc đầu tư có lợi trên hết và cần phải mở đầu cho mọi cuộc đầu tư khác vậy.
Saigòn ngày 25/03/1967
Rev. Lương Kim Ðịnh