6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

h. Ai là những kẻ bực mình?

Mới rồi trong một hai tờ nhật báo thấy câu nói sau đây: "không khỏi người ta nghĩ đến khai quật những học thuật cổ truyền nhưng cũng là ngoại lai là Khổng học và Phật học để làm bực mình những người theo Thiên Chúa Giáo"... Ðó là câu nói gồm chứa nhiều điểm cần phân biệt.

Trước hết không nên coi Nho giáo với Phật giáo như nhau vì Nho giáo không là một tôn giáo như đã nói trên. Do đó không có một tổ chức như giáo hội với một số dân làm hậu thuẫn nên không làm cho tôn giáo khác có thể nghi ngờ là bị lợi dụng và gây ra sự ghen bì này nọ cạnh tranh kia khác.

Còn truyện làm bực mình những người theo Thiên Chúa Giáo chỉ thật có một phần nhỏ. Chứng cớ là có rất nhiều người theo Thiên Chúa Giáo vẫn trọng Nho giáo cho tới hiện nay. Còn trước kia các linh mục, ít ra là ở ngoài Bắc, đều học chữ Nho, nhiều vị rất uyên thâm. Vậy thì có bực mình hay không là bởi lý do khác, chứ không phải hễ theo Thiên Chúa Giáo là bực mình với Nho. Cần xét cách nói, có những kiểu nói không cần phải đưa Nho ra cũng làm bực mình. Lại cũng phải xét xem người bực mình đó là ai. Có phải chỉ có trong Thiên Chúa Giáo chăng? Không cần quan sát kỹ ta cũng thấy rằng số lớn trí thức hiện nay không theo Thiên Chúa Giáo cũng bực mình khi nghe nói tới Nho giáo, không cứ gì một số người Thiên Chúa Giáo. Cho nên vấn đề thực ra là phức tạp, chứ không phải cứ theo Thiên Chúa Giáo là bực mình khi nghe nói tới Nho giáo. Ðừng đổ oan cho người theo Thiên Chúa Giáo. Tôi nói oan: vì nếu khi xét thấu đáo mà thấy cần đưa Nho giáo ra, nhưng lại bỏ vì nể một số người theo Thiên Chúa Giáo thì điều đó có liên hệ ngầm với lời tố cáo "theo Thiên Chúa Giáo là bỏ cha mẹ tổ tiên...".

Trong các vấn đề thuộc dân nước, tổ quốc, di sản thiêng liêng giống nòi phải căn cứ trước hết trên lịch sử và những dữ kiện sinh hoạt lâu dài của đất nước, để xác định. Hồn nước kh6ng phải là miếng vải có thể nể tôn giáo này, chiều theo ý riêng nhóm kia để rồi mặc ý cắt xén. Nếu được làm thế thì có lẽ không bao lâu khi con cháu ngẩng mặt lên chào quốc kỳ chỉ còn thấy có miếng giẻ rách, chứ không còn là hồn nhất trí siêu tuyệt đã từng bao phen phất cờ chống bắc xâm, mở đường nam tiến, đoàn tụ tâm trí muôn dân con trong nước như một linh hồn, nhờ đó mà nước tồn tại đến ngày nay. Cái hồn mạnh mẽ bất khuất đó, cái ý chí vạn năng kia một phần lớn do Nho giáo giứng tác phát triển, đôn hậu. Ngày nay vì nể nang một số người chưa xác định nổi thành phần đã vội lui về dân tộc tính theo nghĩa hẹp giới hạn trong mấy truyện cổ tích, một số câu phong dao, tuy quí thật nhưng đủ chăng, và nhất là bỏ Nho giáo thì có thể cắt nghĩa hết ác ý thâm sâu của những truyện đó chăng?

Thế giới mỗi ngày mở rộng thì phần tư riêng càng cần phải kiên trì để có khả năng trung hòa với phần quốc tế, nếu không sẽ bị nuốt trôi. Lúc đó dân tộc học sẽ dốc ra môn cổ học (folklore) nằm gọn trong vai trò trang sức, lâu lôi ra làm "văn nghệ" để mua vui. Dân tộc tính có thể sa đọa đến thế đó khi chúng ta hạn nó vào thị tộc mà không mở rộng ra tới đại gia đình Văn Hóa. Cái luật nền móng của không thời gian là thế này: bất cứ cái gì tư riêng (dân tộc) cũng quan trọng ngang với cái chung (quốc tế). Ðó là luật không thể bỏ qua mà không phải trả giá đắt. Thế mà nhiều người đang lăm le thải bỏ để khỏi làm bực mình nhóm này nọ kia khác. Nếu thế thì ra chính trị mị dân mất rồi. Chính trị mị dân vì không dám làm bực mình một số người, cuối cùng làm cho toàn quốc phải bực mình. Văn hóa lại theo lối đó thì còn chi là sứ mạng Văn hóa. Văn hóa chân thực không được nể nang. Có những mình cần phải làm cho bực: những mình bật rễ, những mình vọng ngoại, những mình chạy theo lưu tục... Văn hóa chân thực phải đủ can đảm làm bực mình. Có thế mới khỏi theo chúng kiểu đàn cừu. Có thế mới đem lại sự tráng kiện cho những mình đầy bệnh hoạn kia. Nếu xét ra là nhiệm vụ phải làm bực mình thì đừng ngần ngại: có sợ mới sùng, không cay đâu có nghiện?

Ðừng đặt quá nhiều hy vọng vào hội họp, trao đổi thí dụ lập ra một ủy ban giao cho trách nhiệm phải kiến tạo lấy một chủ thuyết chỉ đạo.

Sự việc đâu có dễ như thế. Thâu tóm, hội họp chỉ là bước đầu. Triết lý không thể làm bằng hội họp hay bằng chỉ thị, hoặc tóm lược đại khái cái học thuyết. Nếu làm thế mà được thì thế giới có chỉ đạo từ lâu rồi. Sở dĩ phải nghi ngờ như vậy vì Tây âu mặc dù đủ điều kiện: sách vở tràn ngập, sức khỏe dồi dào, có rất nhiều người chuyên môn v.v... mà từ lâu vẫn chưa thành công kiến tạo nổi một chủ đạo. Những người giầu óc sáng tạo như các triết gia Tây âu mà cuối cùng phải công nhận như một chân lý tối quan trọng là phải trở lại với Truyền Thống, thì đủ biết đó không phải chỉ là một câu văn viết lên để đọc cho vui tai, nhưng là một cái gì liên hệ tới vận mệnh của nền văn minh hiện đại. Bao lâu chưa nhận thức ta sự thất bại của Tây âu về phương diện này, mà còn cứ cố tình coi họ như gương mẫu hoàn bị trong mọi phương diện, thì bấy lâu chưa trông làm được trò trống gì cho ra hồn. Sở dĩ Âu châu có dư các điều kiện mà vẫn thất bại chỉ vì chưa giải quyết xong vấn đề linh ngữ linh tự và kinh điển. Thiếu mấy khoản đó làm sao xây được dân tộc tính bền bỉ. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề cách cặn kẽ trong quyển "Hiến chương giáo dục" sẽ nói đến những điều kiện căn bản phải hoàn tất để một nhóm người trở thành dân tộc có hồn nước linh động. Ở đây chỉ nhắc qua đến chuyện muốn bỏ một số di sản mà đòi thiết lập chủ đạo là truyện rất diệu vợi.

Có một cách làm khác là bỏ cái bề ngoài Nho giáo bằng dùng tên mới đặt lên tinh thần cũ để làm hồn dân tộc cấu kết các chủ thuyết tương lai, nhưng về đàng giáo hóa đã để mất một hệ thống công thức, định đề, nguyên lý hết sức gọn, biểu hiệu bằng linh ngữ linh tự đầy âm vang sâu rộng, đưa lại cho chủ thuyết cái gì vừa kiên cố (consistant) vừa có sức thấu nhập rất sâu xa vào tiềm thức, chưa kể tới khả năng đi sâu vào đạo lý mà không vấp vào những mâu thuẫn trầm trọng. Cho nên bỏ chữ Nho đi thì chủ thuyết sẽ kiến tạo kia liều mình trở thành cái gì trôi nổi (flottant), phập phồng, hoặc cứng đơ như kim khí, làm sao có được khả năng thẩm thấu tận xương tủy. Mà trình độ ý thức được nhân chủ tính (là cái hồn của chủ đạo chân thật) sẽ cao thấp tùy theo mức độ cao cấp của sự thấm nhập này, ấy là chưa kể đến việc truyền bá ra ngoại quốc, nếu không có một hệ thống phạm trù đặc trưng có tính cách uy nghi dính liền với những cái gì đã có lâu từ mấy ngàn năm, sẽ dễ trở thành cái gì mờ nhạt.

Nói tóm lại thì khi lấy quá nhiều yếu tố quốc tế vào tổng hợp nó sẽ hiếp đáp một vài yếu tố mỏng mang của dân tộc để trở thành một trong từng trăm triết thuyết hiện đang được thử thách: tất cả đều không có sắc thái, không linh thiêng, không ăn rễ sâu vào dân tộc và nhân bản thì rồi cũng chỉ là một trong trăm ngàn cái gì để thỏa mãn óc tò mò vậy thôi. Dầu sao cũng không nên quyết đoán tiên thiên rằng hễ khai quật những cái gì để thỏa mãn óc tò mò vậy thôi. Dầu sao cũng không nên quyết đoán tiên thiên rằng hễ khai quật những cái cổ xưa là cổ hủ cũng như đưa cái mới vào là được việc... Từ nay chúng ta cần coi thường chủ trương bảo nên theo cũ hay theo mới, nhưng nên thực tế xét từng triết thuyết đề nghị ra, như vậy khỏi tranh luận suông. Vì trong lúc nói lý thuyết thì mỗi người hiểu một cách. Nói là chắt lọc tinh thần mà mỗi người nghĩ đến một đường lối chắt lọc tinh thần khác nhau. Cho nên muốn thiết thực, mỗi người đề nghị một đường lối nên đưa ngay ra một hệ thống triết lý làm chủ đạo, và chúng ta sẽ căn cứ trên chủ đạo đó để mà phán quyết, hơn là nhận lập trường trên những chủ trương đại khái mà không có cơ sở tương đối sâu rộng, để rồi liên miên tranh luận hay bàn cãi suông. Hoàn toàn vô bổ.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page